Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 10 Tháng 11 2012 19:48

Người Cha Bị Lãng Quên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tôi có ba người cha: (1) Thiên Chúa là Cha trên trời; (2) Người cha sinh thành dưỡng dục tôi; (3) và người cha tinh thần là các Linh Mục. Cả ba người cha này đã hơn một lần bị tôi lãng quên. Mà chẳng phải riêng gì tôi, hình như tất cả chúng ta đều có những thiếu sót với các ngài.  

 

Thứ nhất: Ta lãng quên Thiên Chúa là Cha của mình. Kinh Thánh đã dùng rất nhiều hình ảnh để mô tả Thiên Chúa, như: Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, là Thẩm Phán, là Người Chăn Chiên, là Thợ Gốm, là Đấng Thánh Thiện, là Tình Yêu… Đặc biệt, Thiên Chúa được mô tả là một Người Cha hết lòng yêu thương chăm sóc cho chúng ta (Mt 5; 23,9).
Nhìn lại cuộc đời mình, hầu như ta chỉ nhớ đến Thiên Chúa là Cha, khi ta gặp khó khăn, thử thách, đau buồn, thất bại… Những lúc ấy, ta chạy đến Chúa để tâm sự, vật nài, van xin… Còn khi đời ta vui mừng, hạnh phúc, thành công… thì hình như ta lại lãng quên Thiên Chúa là Cha, Đấng hằng yêu thương và ban phát biết bao ơn lành cho mình. Thậm chí có khi Thiên Chúa còn bị gạt ra “bên đời quạnh hiu”.
Ngày xưa, dân Do Thái vì chờ lâu không thấy ông Môsê xuống núi, nên họ đã đúc một con bò vàng làm vị thần để họ thờ lạy, thay vì tôn thờ Thiên Chúa (Xh 32, 1-6). Họ đã lãng quên Thiên Chúa là Cha của họ.
Ngày nay, có lẽ ta không bỏ Chúa một cách lộ liễu như dân Do Thái là đúc bò vàng để thờ. Thế nhưng, ta lại đang chạy theo lối sống tôn thờ vật chất, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không quan tâm đến người bên cạnh, là hình ảnh của Thiên Chúa (Mt 25, 31-46). Thế là ta đã ngang nhiên đẩy Thiên Chúa ra khỏi cõi lòng mình, lãng quên Thiên Chúa là Cha.
Thứ hai: Ta lãng quên người cha trong gia đình của mình. Gia đình nào cũng có cha có mẹ, nhưng ta thường nhớ đến mẹ nhiều hơn. Cái gì cũng mẹ, chuyện vui chuyện buồn, tâm sự nhỏ to… ta đều chạy đến mẹ; mà quên đi cây cột trụ trong nhà đang vươn vai gánh vác vô vàn trách nhiệm, để giữ vững cho mái ấm gia đình, đó là người cha đáng kính.
Dù người con thương cha không bằng mẹ, nhưng không vì vậy mà người con quên công ơn của người cha, vì vai trò của người cha rất đặc biệt trong gia đình:
“Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”.

“Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.

Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm”.

“Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con đen sì”.
Hình ảnh người cha đã già nhưng vẫn làm lụng nuôi con, cũng để lại trong tâm trí người con một nỗi biết ơn vô hạn:
“Cha tôi tuy đã già rồi,
Nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà.
Sớm hôm vừa dấy tiếng gà,
Cha tôi đã dậy để ra đi làm”.
Cha hay mẹ đều là người sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Nhưng người cha lại thường bị lãng quên nhiều hơn. Có nhiều người con, mỗi khi nhắc đến người cha, là như nói đến một điều gì đó rất nghiêm khắc.
“Mẹ đánh một trăm
Không bằng cha ngăm một tiếng”.
Có lẽ vì vậy mà ta ít nặng lòng với người cha hơn, so với sự bao dung ôm ấp hiền dịu của người mẹ. Và vì ít nặng lòng với cha, nên ít khi ta có những lời tâm sự với cha, do đó mà ta cũng dễ lãng quên tình cha.
Thực ra, công ơn cha mẹ lúc nào cũng mênh mang cùng đất trời. Nhìn đâu đâu, ta cũng thấy công ơn cao dầy của cha mẹ:
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ, ghi lòng con ơi!”
Vì thế, mỗi sự lãng quên của người con đều để lại một khoảng trống rất khó lấp đầy trong lòng cha mẹ. Thực vậy! Không có sự thờ ơ hay lạnh lùng nào đau đớn cho bằng sự vô ơn. Không có sức hủy hoại tinh thần nào ghê gớm cho bằng sự hắt hủi của chính người thân trong gia đình. Nếu đó lại là sự hắt hủi hay lãng quên của những người con, thì người cha, người mẹ đau xót vô cùng.
Thứ ba: Ta lãng quên người cha tinh thần của mình. Truyền thống Công Giáo vẫn coi các Linh Mục là người cha tinh thần. Các ngài luôn sát cánh bên đời ta từ khi sinh ra cho tới lúc yên nghỉ nơi mộ phần. Cuộc đời các Linh Mục phải chịu rất nhiều hy sinh. Không sao kể xiết.
Lúc còn trai trẻ, khỏe mạnh, thì các ngài bôn ba ngược xuôi lo cho giáo xứ, lo cho đoàn chiên mà Chúa giao phó; lo cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là lo chu toàn các công việc mục vụ, lo xây dựng những “đền thờ thiêng liêng” là các tâm hồn… Khi đã về già, các ngài âm thầm rút về nhà hưu, lặng lẽ thánh hóa những ngày còn lại của đời mình, nhưng lòng các ngài vẫn còn thao thức phục vụ đoàn chiên. Các ngài vẫn tiếp tục hiến tế đời mình trong sự cầu nguyện, cử hành các Bí Tích, âm thầm làm các việc theo khả năng và sức khỏe cho phép.
Người ta ví các Linh Mục như bác lái đò chuyên chở khách sang sông. Khi khách đã sang sông rồi, bác lái đò bị lãng quên ngay lập tức. Thực vậy! Khi các ngài còn khỏe mạnh, còn phục vụ, thì còn được nhiều người nhớ đến. Nhưng khi các ngài đã về hưu hay chuyển đi nơi khác, liệu được mấy người nhớ đến “người cha tinh thần” năm xưa?
Cha ông mình vẫn nói: "Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn, nó quyện nhau đi". Nỗi lòng của người cha tinh thần bị lãng quên là như vậy sao?
Hỡi những người khách sang sông! Xin hãy một lần quay lại nhìn bác lái đò đã hơn một lần vất vả đưa mình qua sông. Xin hãy suy nghĩ cẩn trọng về những gì mình đã làm, rồi cố gắng làm điều đúng đắn. Đừng làm những điều mà mình sẽ phải hối hận, vì biết đâu mình chẳng còn cơ hội để quay đầu lại. Hãy quý trọng các Linh Mục. Đừng để bác lái đò đêm ngày âm thầm lặng lẽ “một mình một bóng đời mình”, với những trăn trở khôn nguôi: người bị lãng quên!
Đang khi viết những dòng cuối cùng này, tôi chợt nhớ tới bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về… Cây đã mọc từ thưở nào trên đồi núi thật cằn khô, cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ…”.
Lời hát ấy như điệu ru buồn vang vọng trong cơn gió chiều nay. Sao mà tha thiết quá! Da diết quá! Lời hát ấy như dòng tâm sự trách yêu của những người cha, làm cho trái tim tôi bồi hồi xao xuyến. Một nỗi niềm bâng khuâng day dứt chợt bùng lên trong đáy hồn tôi. Một điều gì đó khiến tâm trí tôi bừng tỉnh! Đời tôi đã lãng quên quá nhiều tình cha.
 
Maria Vũ Nguyễn Ánh Hương (Gx. Bình Lộc)

 

Read 1892 times Last modified on Thứ bảy, 10 Tháng 11 2012 19:57