Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 31 Tháng 7 2019 09:39

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (29/7) tới CN 18-TN Năm C (04/8)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (29/7) tới CN 18-TN Năm C (04/8)

Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Lc 10:38-42 (Thánh Mátta, 29/7)

(Thứ Hai sauTuần XVII Thường Niên)

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. (39) Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" (41) Chúa đáp: "Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ nhớ thánh nữ Mátta. Thánh nhân là đại diện của những người biết đón nhận Chúa vào đời mình và xả thân phục vụ Chúa qua những hoạt động không mệt mỏi, chẳng tính toán... của cuộc sống hằng ngày. Bài Tin Mừng hôm nay sẽ soi sáng gì cho chúng ta qua việc học hỏi nhân đức của thánh nữ?

Bạn hãy hình dung lại khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su và các học trò đi đường. Con đường này dài rộng thế nào, có ai đang đi hoặc đang ngồi bên vệ đường, Đức Giê-su có hành động gì khi gặp gỡ những người trên đường? Ngôi nhà của chị em Mát-ta ra sao? Nhà làm bằng lá hay bằng đất hay bằng đá? Thái độ tiếp đón của chị em này ra sao? Đức Giê-su nói và làm gì khi gặp họ? Có bao nhiêu nhân vật trong câu chuyện này? La-da-rô (người Đức Giê-su thương mến) ở đâu khi Đức Giê-su ở trong nhà họ? Có thể tưởng tượng La-da-rô đang phụ làm bữa ăn với Mát-ta nên chưa lên nhà gặp Thầy Giê-su, hoặc đang đi lấy nước, mua rượu, chẻ củi...

Chúng ta để ý một chi tiết nhỏ trong câu chuyện tiếp đón Đức Giê-su của chị em Mát-ta và Maria. Mát-ta đón tiếp Đức Giê-su từ cổng hoặc từ cửa chính của ngôi nhà, nhưng khi Đức Giê-su vào nhà thì Mát-ta để Người ngồi lại một mình và tất bật lo cơm nước. Đôi khi chúng ta cũng có thái độ như thế đối với Đức Giê-su. Chúng ta đón tiếp Người vào tâm hồn mình khi bắt đầu cầu nguyện, sau đó chúng ta để Người ở đó và thả mình đi theo những tiếng gọi khác. Hoặc chúng ta phục vụ Chúa bằng sức lực và khả năng của riêng mình mà thôi, chẳng còn biết Chúa là ai, đang ở đâu trong tim mình, để rồi chúng ta chẳng nhận ra Chúa nơi sứ vụ của mình, nơi những người anh chị em chúng ta đang phục vụ. Đến một ngày, chúng ta kiệt sức, cô đơn, lạc hướng, chỉ biết làm công việc của mình chứ không làm công việc của Chúa, và chúng ta bắt đầu than phiền với Chúa, trách cứ người khác, v.v..

Còn Maria, chúng ta không thấy cô ấy ra đón tiếp Thầy Giê-su cách vồn vã, nhưng suốt những giây phút Thầy ở nhà cô, cô không để Thầy một mình, cô luôn ngồi trước Người và lắng nghe Người nói chuyện. Đây là hình ảnh của một con người chuyên tâm cầu nguyện, dành trọn thời gian cầu nguyện của mình để tiếp chuyện với Chúa.

Thầy Giê-su không buồn phiền về thái độ của Mát-ta nhưng Thầy nhắc nhở Mát-ta rằng "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10:42). Có lẽ cầu nguyện là công việc ưu tiên số một của người môn đệ Thầy Giê-su. Nếu Mát-ta làm việc tất bật để phục vụ Thầy Giê-su với tinh thần cầu nguyện, nghĩa là dù đang mải mê làm việc nhưng tâm trí vẫn hướng về Thầy Giê-su - vị khách đang ở trong nhà mình - và lắng nghe các cuộc nói chuyện của Người..., thì Mát-ta sẽ cảm thấy vui hơn, bình an hơn, thanh thoát và nhẹ nhàng hơn, không dễ dàng phê phán người khác hoặc than phiền với Thầy Giê-su về cách sống cá vị của người xung quanh, v.v.. Đức Giê-su muốn chúng ta dành ưu tiên cho Người bằng việc chuyên tâm lắng nghe Lời Người, đón tiếp Người bằng con tim tinh ròng, quảng đại, yêu mến và trọng kính. Nếu gộp hai thái độ đón tiếp Thầy Giê-su của Mát-ta và Maria thì sự đón tiếp ấy trở nên hoàn hảo dường bao!

Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, còn có một chỗ khác nêu bật nhân đức của Mátta, đó là đoạn Ga 11:19-27. Trong đoạn văn này, thánh sử Gioan kể lại biến cố Đức Giêsu thăm viếng gia đình Mátta khi hay tin anh Lazarô, em trai của Mátta, qua đời. Chúng ta tiếp tục thấy hình ảnh của một Mátta hiếu khách, năng động và tràn đầy niềm tin vào Đức Giêsu. Mátta quả quyết nếu có Chúa ở giữa gia đình cô thì em trai cô đã không chết, và xác tín rằng bất cứ điều gì Đức Giêsu xin thì đều được Chúa Cha nhận lời. Đồng thời, Mátta tuyên xưng đức tin tuyệt đối vào Đức Giêsu: "Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian" (Ga 11:28). Như thế, chúng ta có thể thông cảm cho thái độ của Mátta trong đoạn Lc 10:38-42, và hiểu được rằng lối sống, nói cách khác, Linh Đạo ("con đường nên thánh") của thánh Mátta là "chiêm niệm trong hoạt động", nghĩa là mặc dù thánh Mátta tất bật làm việc (x. Ga 12:1-11), nhưng trong tim của ngài luôn chất chứa hình bóng Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, là Kitô, cứu chuộc trần gian, đồng thời nhận ra Chúa qua các hoạt động của ngài.

Qua việc chiêm ngắm Thầy Giê-su và hình ảnh thánh nữ Mátta trong đoạn Lời Chúa hôm nay, bạn nhận ra bạn là ai trong số các nhân vật trong câu chuyện? Bạn có nghe thấy tiếng Chúa vang vọng trong tâm hồn bạn? Chúa và bạn có nói chuyện thân tình với nhau không? Bạn học được gì từ Lời Chúa hôm nay và gương thánh nữ Mátta?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 13:36-43 (Thứ 3, XVII-TN)

(Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên)

"Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe" (Mt 13:43).

(36) Bấy giờ, Ðức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". (37) Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38)Ruông là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta nghe Chúa Giê-su giải thích dụ ngôn Cỏ Lùng, dụ ngôn được kể vào thứ Bảy vừa qua. Lời giải thích của Chúa khá rõ ràng và tỉ mỉ. Tuy nhiên, để có thể lắng nghe thông điệp của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cần cầu nguyện với Người dựa trên Lời Chúa.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra sự đối nghịch giữa cây lúa và cỏ lùng tựa như sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và Xa-tan. Khi lúa còn non, cỏ lùng và cây lúa trông rất giống nhau. Nhưng khi lúa chín vàng, thợ gặt có thể phân biệt đâu là cây lúa đâu là cỏ lùng. Thiên Chúa làm cho lúa tươi tốt và sinh hạt; còn Xa-tan thì gieo vào ruộng lúa - tâm hồn con người - những cây cỏ lùng để phá hại.

Trong đời sống nội tâm của người Ki-tô hữu cũng thế. Đâu là những hạt lúa Chúa gieo vào lòng chúng ta và làm thế nào để chúng ta nhận ra sự hoạt động của Chúa làm cho hạt lúa ấy sinh sôi nảy nở, trổ bông chín vàng trong tâm hồn, cũng như nhận ra sự khác biệt giữa lúa và cỏ lùng?

Mỗi giây phút trong đời người là mỗi phút giây Chúa làm việc và chúng ta cùng làm việc với Chúa để cho hạt giống Lời Chúa lớn lên và giúp chúng ta phân biệt rõ ràng lúa và cỏ lùng. Để được như thế, chúng ta hãy xin Chúa soi sáng chúng ta biết phân biệt lúa và cỏ lùng đang tồn tại trong tâm hồn và cộng tác tích cực với Người bằng việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa để tâm hồn chúng ta trở nên mảnh đất tốt và dễ nhận ra cỏ lùng để tiêu diệt chúng.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 13:44-46 (31/7, Lễ nhớ Thánh Inhaxiô Loiôla)

(Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên)

"Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy" (Mt 13:46).

(44) Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về Nước Trời: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy."


Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta được nghe tiếp hai dụ ngôn của Chúa Giê-su, đó là dụ ngôn Kho Báu và Ngọc Quý.

Chúa nói: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy" (Mt 13:44). "Có người kia gặp được [kho báu] thì liền chôn giấu lại " có ý nghĩa gì? Tại sao họ phải chôn kho báu lại? Kho báu là một sản vật quý giá. Mỗi con người đều đã được gieo vào thửa ruộng tâm hồn một kho báu. Tuy nhiên, có người may mắn và sớm sủa nhận ra khó báu, có người tìm mãi tìm không ra. Hơn nữa, tâm lý con người là khi tìm thấy kho báu, không ai muốn tiết lộ, ngược lại, họ chôn giấu ở một vị trí an toàn nhất để có thể sở hữu chúng. Người này khá khôn ngoan khi thực hiện kế hoạch này. Hành động "tìm gặp" và "chôn giấu" tựa như một người vừa giác ngộ một chân lý của cuộc sống, chân lý giúp họ tìm gặp niềm vui, sự bình an và tự do trong tâm hồn. Họ không muốn trở nên một "hạt lúa được gieo trên sỏi đá", lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, liền vui vẻ đón nhận nhưng chỉ có tính hời hợt, bốc đồng, hướng ngoại... Vì lẽ đó, họ phải chôn giấu. "Chôn giấu" như một hành động khôn ngoan và trưởng thành, như cách sống Lời Chúa của Mẹ Maria - "hằng suy đi ngẫm lại Lời Chúa trong tâm hồn". Sau đó, "vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy ", nghĩa là sẵn sàng trả giá bằng tất cả sự sống để bảo vệ Chân Lý vừa giác ngộ.

Chúa lại nói: "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy " (Mt 13:45-46). "Viên ngọc quý" của vị thương gia có thể hiểu được là Tin Mừng ông được vừa nghe, Chân Lý ông vừa giác ngộ. Cũng giống như người tìm được kho báu chôn trong ruộng, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để sở hữu chúng. Như thế, chúng ta có thể xác tín rằng mọi sự trên trần gian này đều thua kém "kho báu" và "ngọc quý", "Tin Mừng và Chân Lý", Thiên Chúa và lời yêu thương, lời giải thoát của Người.

Bạn thân mến, "Kho Báu" và "Ngọc Quý" của bạn là gì? Bạn đã tìm được chưa? Bạn làm gì để không bị lạc mất kho báu và ngọc quý bạn vừa tìm thấy? Nếu chưa tìm thấy "Kho Báu" và "Ngọc Quý", bạn phải làm gì để tìm được chúng? Bạn có dám đánh đổi mọi thứ để sở hữu mãi mãi "Kho Báu" và "Ngọc Quý" trong tâm hồn không?

Chúc bạn sớm tìm thấy "Kho Báu" và "Ngọc Quý" và không để vuột mất báu vật này!

IV.Tin Mừng Mt 13:47-53 (01/8, Thánh Anphong Maria de Ligôri)

(Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên)

"Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ" (Mt 13:52).

(47) Bấy giờ, Chúa Giêsu nói: "Nước trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, (50) rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu". (52) Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ".

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm dụ ngôn Chiếc Lưới của Chúa Giê-su. Đây là dụ ngôn cuối cùng trong hàng loạt dụ ngôn của Chương 13 Tin Mừng Mát-thêu.

"Chiếc lưới" tượng trưng cho Giáo Hội, hoặc cho cả thế giới này, nơi chứa đựng cả người tốt lẫn người chưa tốt (cá tốt và cá xấu) đang sống chung với nhau. Tạm thời, hai đối tượng này vẫn có thể tồn tại song hành, tồn tại lâu dài nhưng không thể tồn tại mãi mãi. Bởi lẽ, thế giới này sẽ có ngày tận cùng, ngày mà mọi con người sẽ phải chịu phán xét. Khi ngày ấy tới, người tốt và người xấu sẽ được phân chia. Người tốt được hưởng hạnh phúc viên mãn trong cõi cực lạc. Còn người xấu thì phải chịu hình phạt cho sự xấu xa của mình.

Như thế, dụ ngôn Chiếc Lưới gửi tới chúng ta thông điệp gì? Thiên Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi con người hoán cải trở nên người tốt. Người chưa tốt có nhiều cơ hội để hoán cải, vẫn được yêu thương và tôn trọng, vẫn có quyền lợi chính đáng là được hưởng ơn cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Điều quan trọng là có bao nhiêu người chưa tốt nhận ra cơ hội và quà tặng của Chúa dành cho họ? Họ đang có những cơ hội để trở nên người tốt, đó là thời gian, lý trí, các môi trường thánh thiện và yêu thương (như Giáo Hội, các đoàn thể thiện nguyện, các tổ chức Bác Ái Xã Hội...), sự giáo dục, các tôn giáo giúp con người tìm gặp Thiên Chúa, Chân Lý và Lẽ Sống, v.v..

Nếu mọi người đều biết tận dụng những cơ hội Chúa ban để trở nên những con người tốt như lòng Chúa mong ước thì thế giới này sẽ trở thành Thiên Đàng, Giáo Hội của chúng ta sẽ là khu vườn địa đàng đang có các thiên thần của Chúa vui chơi, nhảy múa, hát ca và tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết tận dụng những ơn huệ và những cơ hội Chúa ban (thời gian để cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí tích, làm việc tông đồ...) để được biến đổi tận căn và liên tục hoán cải con tim trở nên những người tốt được ở trong Nước Chúa ngay những tháng ngày tồn tại trên trần gian này, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 13:54-58 (Thứ 6, XVII-TN)

(Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên)

"Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" (Mt 13:57).

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao?Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.


Bạn thân mến,

Chúa Giê-su không được đón nhận ngay tại quê hương của Người, bởi chính những người thân yêu mà Người đã từng gắn bó. Tại sao người ta từ khước Chúa?

Tin Mừng nói rõ rằng người ta không đón nhận Chúa vì họ không tin. Họ không tin vào sự khôn ngoan của Chúa. Hóa ra sự khôn ngoan lại bị từ chối cách vô tội vạ. Đôi khi trong cuộc sống hằng ngày vẫn xảy ra hiện tượng này: Người ta khước từ sự khôn ngoan của người khác. Sự khước từ này đến từ đâu? Có phải nó đến từ sự ích kỷ và lòng dạ chai đá?

Trong đức tin Ki-tô giáo, sự khôn ngoan đến từ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Khôn ngoan là một trong những ơn lành của Thiên Chúa ban tặng cho những ai xứng đáng được lãnh nhận. Trái ngược với sự khôn ngoan là sự ngu dại. Sự "khôn ngoan" không đến từ Thiên Chúa thì cũng tựa như sự ngu dại mà thôi, bởi vì sự khôn ngoan của người đời cũng chỉ là sự ngu dại trước Thiên Chúa (x. 1Cr 3:19). Chúa Giê-su mang bản tính Thiên Chúa, nên sự khôn ngoan của Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Khi người ta khước từ sự khôn ngoan ấy, người ta đang là bạn của sự khờ dại, và sẽ chẳng thể đón nhận được ơn cứu độ của Người.

Bạn có bao giờ cầu xin Chúa ban cho bạn ơn khôn ngoan? Tại sao bạn cần có ơn này? Tại sao bạn không cầu xin ơn này? Bạn có nhận thấy Chúa ban cho bạn rất nhiều ơn khôn ngoan không? Khi được ơn khôn ngoan của Chúa, bạn có cùng một hoàn cảnh bi thương như Chúa Giê-su là bị loại trừ và bị xa lánh không? Bạn làm gì khi bị người đời khinh khi vì sự khôn ngoan của mình?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 14:1-12 (Thứ 7, XVII-TN)

(Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên)

"Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua" (Mt 14:3).

(1) Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, (2) thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Ðó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông". (3) Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. (4) Ông Gioan có nói với nhà vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy". (5) Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. (6) Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. (7) Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. (8)Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan tẩy Giả đặt trên mâm". (9) Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. (10) Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. (11) Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. (12) Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.

Bạn thân mến,

Con người không chỉ sợ sự thật, nhưng còn sợ làm chứng cho sự thật. Tuy thế, không phải ai cũng như vậy. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy tấm gương làm chứng cho sự thật của thánh Gioan Tẩy Giả, đến nỗi phải đánh đổi bằng chính tính mạng của ngài. Đây là niềm hy vọng của mỗi người chúng ta và là sự khích lệ để can đảm bảo vệ và làm chứng cho sự thật.

Thánh Gioan Tẩy Giả khuyên nhà vua không nên lấy vợ của anh mình, vì đó là sự loạn luân. Lời khuyên này không làm hài lòng vua Hê-rô-đê và dục vọng của ông cũng như của người vợ anh trai vua. Vì thế, khi cơ hội trả thù tới, Thánh Gioan đã phải từ giã cõi đời và sứ mạng "tiền hô" của ngài bởi nhát đao bất công và sợ hãi.

Chúng ta hãy chú ý ba thái độ của ba nhân vật gây ra cái chết của Thánh Gioan. Thứ nhất, con gái bà Hê-rô-đi-a có một thái độ của một người thiếu trưởng thành và là nạn nhân của "trò chơi bất công" của người lớn. Cô bé được vua yêu thích và ban thưởng, nhưng chẳng biết phải quyết định lãnh nhận phần thưởng ấy ra sao, nên hỏi mẹ. Giá mà cô bé trưởng thành, giá mà cô bé đơn sơ xin nhà vua ban cho một vật châu báu nào đó thì cô đã không trở nên một kẻ đồng lõa với sự dữ. Thứ hai, mẹ của cô đang có sẵn mối thù với người dám nói lên sự thật làm mất lòng bà, nên có một thái độ trả thù nhẫn tâm và sự phản giáo dục đối với con gái. Không biết cô bé này lớn lên sẽ ra sao khi có một người mẹ không biết giáo dục con qua tình yêu thương con người và sự trong sạch của người mẹ?! Thứ ba, sau khi nghe lời đề nghị được thưởng "cái đầu của ông Gioan đặt trên mâm", vua Hê-rô-đê buồn rầu. Ông nhận ra sự bất công và xảo trá, nhưng ông không dám đương đầu với nó. Ông chấp nhận và cộng tác với bất công để sống cho bản thân mình và đối diện với sự giằn xé lương tâm.

Với ba thái độ trên, bạn có nhận thấy đôi khi chính chúng ta cũng thường phạm phải những sai lầm như ba nhân vật trên? Bạn sẽ làm gì để dám đứng về phía công lý và sự thật diễn ra trong cuộc sống hằng ngày?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 12:13-21 (CN XVIII-TN Năm C)

(Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C)

"Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12:15).

(13) Có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi". (14) Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?" (15) Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu". (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!" (18) Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!" (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ vê tay ai?" (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó".


Bạn thân mến,

Những người Phật tử thường tránh và khuyên người ta tránh ba điều cốt lõi trong cuộc sống nhân sinh: tham - sân - si. Hôm nay Lời Chúa cũng khuyên chúng ta đừng tham lam, nhưng hãy lo tích trữ của cải Nước Trời nơi mối mọt không bao giờ làm hư mất.

Câu chuyện trong đoạn Lời Chúa hôm nay không lên án những người giàu có, nhưng cảnh báo con người đừng quá tham lam! Khi con người tham lam, họ sẽ sẵn sàng chà đạp người khác để đạt được mục đích xấu xa của họ. Như thế, lòng tham sinh ra nhiều tội ác mà người ta không lường trước được.

Người giàu có hay nghèo khó đều có thể được hưởng ân lộc Nước Trời nếu họ có một tâm hồn quảng đại sẵn sàng giúp đỡ những ai đang sống trong bần cùng, đói khổ, bởi vì khi đó họ đang xây cho bản thân họ một kho tàng vĩnh cửu trên Nước Trời. Do đó, qua đoạn Lời Chúa hôm nay dường như Chúa Giê-su muốn khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho những ai biết làm việc lành phúc đức và yêu thương, quảng đại giúp đỡ anh chị em đồng loại.

Với lời tiên báo về phần thưởng Nước Trời của Chúa dành cho những tâm hồn không tham lam, không quy kỷ, xả thân vì người khác, bạn có nhận thấy tâm hồn mình tràn ngập niềm vui và hy vọng khi đã sống đúng những gì Chúa dạy và vượt thắng những sự tham lam trong tâm hồn bạn không?

Để minh họa cho bài gợi ý này, người viết mạn phép kể hai câu chuyện sau:

Chuyện thứ nhất: số là có hai người kia, một người bản tính tham lam và một người bản tính ghen tỵ. Một hôm, ông chủ của họ hứa sẽ trao phần thưởng cho họ, ai nói trước điều ước của họ thì sẽ được toại nguyện ngay, ai nói sau thì được gấp đôi. Thế rồi, cả hai người im lặng, chờ đợi nhau xem ai là người nói trước. Đợi hoài chẳng ai chịu nói trước, người ghen tỵ đành mở miệng nói lên lời ước nguyện rằng "tôi muốn được chột một mắt". Lập tức, người ghen tỵ bị chột một mắt. Và liền sau đó, người tham lam bị mù cả hai mắt.

Chuyện thứ hai: có một người kia nhặt được một ví tiền, trong đó có một trăm triệu đồng. Ông liền thông báo xa gần để xem ai là người bị mất ví. Cuối cùng, chủ nhân của chiếc ví cũng đến gặp ông để nhận lại tiền. Và để tỏ lòng biết ơn, người này đã gửi lại ông mười triệu đồng. Ông nhất quyết không nhận. Người này liền gửi ông năm triệu. Ông cũng không nhận. Người này nài nỉ xin ông nhận hai triệu thôi cũng được, vì nếu ông không nhận thì chủ nhân chiếc ví cảm thấy áy náy trong lòng. Tuy nhiên, ông cũng không nhận. Cuối cùng, người này quăng lại chiếc ví, tiền văng xuống đất, và nói rằng "nếu ông không chịu nhận đồng nào thì coi như tôi không bị mất tiền". Nói rồi, chủ nhân chiếc ví bỏ đi. Người lượm được chiếc ví đành miễn cưỡng nhận lấy số tiền mà chủ nhân chiếc ví trao tặng. Nhưng ngay sau đó, ông đã đem phân phát số tiền ấy cho người nghèo.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD, SJ

Read 15562 times