Thời tiết đang nóng bức, bất chợt những cơn mưa ập tới làm dịu mát không khí. Nhưng khi đất nóng hầm hập mà mưa chỉ lai rai không đủ lắng bụi sẽ làm chúng ta thật sự khó chịu
Thời tiết thay đổi càng nhiều, càng đột ngột thì cơ thể chúng ta càng phải đối phó nhanh hơn. Trời nóng thì mồ hôi được tiết ra để làm mát cơ thể. Nhiệt độ môi trường thấp thì các hệ thống lông ở da sẽ dựng đứng lên để giữ nhiệt (hiện tượng nổi da gà)… Tất cả các hoạt động này đều tiêu tốn năng lượng cơ thể. Tùy vào sức chịu đựng và đề kháng của mỗi người mà sẽ thích nghi được hoặc là ngã bệnh sớm. Đang đi trong thời tiết nóng bức, gặp trời mưa đột ngột làm cơ thể không kịp thay đổi sẽ rất dễ nhiễm lạnh và sức đề kháng giảm. Hậu quả là vi trùng, virus có cơ hội tấn công và gây bệnh.
Khi thời tiết thay đổi, cảm cúm do nhiễm siêu vi rất dễ gặp với nóng sốt, đau nhức người, chảy nước mắt, nước mũi, đau cổ, ho nhẹ không đàm. Trung bình khoảng một tuần thì bệnh hết, nếu kéo dài sang tuần thứ hai thì phải nghĩ nhiều đến nguyên nhân do virus cúm gây ra. Viêm họng cấp cũng rất dễ vướng phải, nhất là khi phải thức khuya, dậy sớm hay lao động, đi lại trong thời tiết nóng, bụi.
Bắt đầu là cảm giác nuốt đau, sau đó cổ họng đau rát liên tục như có gai đâm, lửa đốt. Một số người có thể bị sốt cao, ớn lạnh liên tục vài ngày, sau đó nổi những nốt mủ trắng trên nền họng đỏ rực. Đàm nhớt sẽ tiết nhiều và ho liên tục đến đau cả bụng. Viêm thanh quản cũng có thể đến khi bạn bị cảm rồi khàn tiếng, mất tiếng. Cần nghỉ ngơi nhiều và hạn chế nói chuyện, cười lớn… Ngộ độc thức ăn cũng có thể xảy ra gây tiêu chảy cấp, nôn ói và nóng sốt.
Để phòng ngừa những bệnh nói trên, bạn cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để tạo sức đề kháng miễn dịch tốt cho cơ thể. Chất đạm từ thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ, nấm… rất cần thiết nhưng chỉ nên ăn vừa đủ (30 g - 50 g cho một chén cơm). Các loại rau, củ, trái cây thì nên ăn thường xuyên hằng ngày, khoảng một chén rau mỗi bữa và trái cây, thay đổi loại tùy thích.
Khi đi ra khỏi nhà cần chịu khó mang theo áo mưa hoặc áo ấm khi thời tiết bắt đầu có dấu hiệu chuyển mùa. Không nên dầm mưa trong quá trình tập luyện thể dục. Luôn nhớ giữ ấm cơ thể là điều quan trọng. Trong thời tiết nóng bức nên mặc quần áo cotton rộng rãi, thoáng mát để dễ thoát mồ hôi. Ngủ trong phòng có điều hòa nhiệt độ thì nên để ở nhiệt độ 26°C - 27°C với một chậu nước nhỏ hoặc máy tạo hơi nước. Vitamin C sẽ giúp tăng sức đề kháng, có tác dụng vài ngày sau khi được đưa vào cơ thể. Vì vậy, nên thường xuyên ăn rau trái hơn là bổ sung vitamin C khi đã mắc bệnh.
Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)
Â
Phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa
Published inSức Khỏe và Đời Sống
Tagged under