Bệnh nhân ung thư càng suy sụp, nguy cơ tử vong càng cao
Posted by Ban Biên TậpNhững bệnh nhân có tự tin cao, có quyết tâm chống trả lại bệnh tật thường là những người có khả năng thích nghi với môi trường (bệnh tật) mới nhanh, và có ý thức cao về sức khỏe. Họ cũng là những bệnh nhân sẵn sàng thay đổi cách sống cho lành mạnh hơn.
Người không may mắc phải căn bệnh ung thư thường suy sụp về tâm lý, tinh thần nặng nề, là căn bệnh của thể xác và tinh thần.
Bác sĩ Phạm Đình Tuần, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, tâm lý trong điều trị bệnh ung thư được xem là đòn bẩy quan trọng giúp người bệnh chiến thắng được căn bệnh nan y này.
Hầu hết bệnh nhân bị bệnh ung thư đều rơi vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang và họ lo sợ cái chết đến với mình. Để chống lại nỗi lo sợ đó, không ít người cố tìm thay đổi, thậm chí thay đổi cả tín ngưỡng tôn giáo khiến họ quá tin tưởng vào những thế lực siêu nhiên, những bài thuốc, phương pháp điều trị có thể nguy hiểm đến tính mạng, mất thời gian theo đuổi bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Vì vậy, bác sĩ Tuần cho rằng ngoài việc phẫu thuật, hóa-xạ trị, bệnh nhân cần được nuôi dưỡng hợp lý và chăm sóc tâm lý, tinh thần.
Hơn nữa, những người mắc ung thư và gia đình có thể quá lo lắng, sợ hãi, buồn phiền không những ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Tuần gần đây, một số nghiên cứu trên những bệnh nhân bị ung thư vú cho thấy bệnh nhân nào “chấp nhận” chẩn đoán ung thư như một bản án tử hình (tức là cảm thấy và chấp nhận một cách tuyệt vọng ) thường chết sớm hơn những bệnh nhân không có đặc tính tâm lý này.
Niềm hy vọng vào sự sống, tính đấu tranh quyết liệt với bệnh tật, và sự tự tin của bệnh nhân thường là những động lực đáng kể có thể kéo dài sự sống và tuổi thọ. Người bị bệnh không chỉ đau về thể xác, mà còn đau về tinh thần. Nỗi đau tinh thần này thường xoay quanh những niềm sợ hãi như sợ bị chết, sợ mất diện mạo, sợ mất độc lập, sợ mất quan hệ xã hội và gia đình, lo sợ cho tương lai.
Người bị bệnh có khi tự cô lập, không muốn giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí thân nhân, vì họ không muốn người ngoài có ấn tượng về thân hình tiều tụy của họ. Bệnh nhân cảm thấy mất niềm tin, mất tự tin, mất sự tự trọng. Những bệnh nhân này thường có khả năng đề kháng bệnh tật rất yếu.
Ngay cả, dùng thuốc giảm đau, họ cũng có cảm giác như liều lượng không đủ để kiềm chế sự đau đớn! Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng những bệnh nhân như thế thường có tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình.
Tự tin chiến thắng được bệnh tật
Những bệnh nhân có tự tin cao, có quyết tâm chống trả lại bệnh tật thường là những người có khả năng thích nghi với môi trường (bệnh tật) mới nhanh, và có ý thức cao về sức khỏe. Họ cũng là những bệnh nhân sẵn sàng thay đổi cách sống cho lành mạnh hơn.
Do đó, khả năng đề kháng những bệnh mãn tính như viêm khớp xương, tiểu đường, suyễn... của họ cũng rất cao, và có tỷ lệ tử vong thấp hơn những bệnh nhân “tiêu cực” với bệnh tật. Ngay cả những dịp lễ lạt quan trọng như Tết Trung thu cũng có ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân, và qua đó có thể kéo dài sự sống.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (Journal of the American Medical Association - JAMA), các nhà xã hội học thuộc trường Đại học California tại San Diego (UCSD) khám phá ra rằng tỷ lệ tử vong trong người Trung Quốc giảm 35% trong tuần lễ trước, nhưng tăng cũng vào khoảng 35% trong tuần lễ sau ngày Tết Trung thu.
Các nhà nghiên cứu này còn tiến hành thêm một nghiên cứu khác trong người Do Thái, và có ghi nhận tương tự: trong tuần lễ trước ngày lễ Passover (một ngày lễ trọng đại trong văn hóa Do Thái), tỷ lệ tử vong giảm khoảng 27-65%; nhưng tuần lễ sau ngày lễ này, tỷ lệ tử vong tăng lên khoảng 17-35% (tùy theo bệnh). Điều đáng ghi nhận là trong người Mỹ da trắng tỷ lệ tử vong trước, trong, và sau hai ngày lễ này (Trung thu và Passover) không thay đổi.
Sau khi thử nghiệm vài giả thuyết để giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng xu hướng sụt-trồi về tỷ lệ tử vong này là do sự trì hoãn cái chết hay cố kéo dài sự sống trước một ngày lễ lớn hay những ngày có ý nghĩa quan trọng như ngày sinh nhật chẳng hạn.
Ngược lại, có những ngày có thể gây ra tinh thần căng thẳng (stress) như tuần lễ nhận giấy đòi nợ (bills) có thể là một động cơ làm tăng nguy cơ tử vong. Thật vậy, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tập san New England Journal of Medicine cho thấy tỷ lệ tử vong trong người già vào những ngày đầu tuần (như thứ Hai) cao hơn gấp hai lần so với những ngày khác trong tuần. Những yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn đến thời điểm và nguy cơ tử vong, nhất là trong người cao tuổi.
Nhưng ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vẫn còn là một vấn đề ít khi được nghiên cứu cho có hệ thống. Cơ thể và tâm trí luôn luôn tương tác lẫn nhau. Sự nhận thức, suy nghĩ, ý định, ý muốn, và nỗi băn khoăn có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể và hành động của con người. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu dùng các kỹ thuật sinh học hiện đại để khai thác mối tương tác giữa tinh thần và cơ thể.
Từ những nghiên cứu đã được y học thế giới thẩm định, bác sĩ Tuần nhấn mạnh một tinh thần bi quan, giận dữ, căm thù và cay nghiệt với mọi người, với cuộc sống sẽ khiến cơ thể luôn bị căng thẳng, yếu đuối. Việc ít tham gia các hoạt động thể dục cũng khiến cơ thể dễ bị mắc nhiều loại bệnh.
Nhưng với một tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư phát huy sức mạnh nội lực để giành giật được sự sống. Hãy học cách sống vị tha ,đầy yêu thương, học cách thư giãn và hưởng thụ cuộc sống. Các tế bào ung thư sẽ không tồn tại được trong môi trường đầy ôxi.
Ngoài dinh dưỡng hợp lý cũng rất cần tập dưỡng sinh thể dục đều đặn, hít thở sâu sẽ giúp các tế bào được nạp đầy đủ ôxi, liệu pháp ôxi cũng là cách tiêu diệt các tế bào ung thư, hạn chế bệnh tái phát.
Tác giả bài viết: Khánh Ngọc
Nguồn tin: Infonet