Cả ngày mệt, già nên vào giấc cực khó.
Vừa lim dim một chút thì chú em ở miền Tây nhắn tin hỏi : "Cha ơi ! Chuyện chú HL có thật không cha ? Con hoang mang quá ! Con không nghĩ Chú như vậy !".
Chưa kịp trả lời thì chú tiếp tục : "Cha ơi ! Chuyện cô PH sao Cha ? Cô ấy theo như Cha nghĩ thế nào Cha ơi !"
Như bao lần trả lời cho những câu hỏi đại loại như thế. Không khó để người nhắn lời xem ra thẳng và đắng : "Con ơi ! Chuyện những người đó Cha không biết, Cha cũng không nhận định gì. Có những chuyện có khi mình nhìn thấy trước mắt nó là vậy nhưng nó không phải là vậy đâu con".
Chù em nhắn : "Dạ".
Tiếp tục nhắn thêm : "Con à ! Theo Cha nghĩ, những chuyện đó chả ăn nhập gì chuyện đời con, chuyện ơn cứu độ của con và gia đình con. Chuyện quan trọng là bây giờ Covid đã đến gần sát nhà con. Kinh tế bây giờ khó khăn rồi nè ! Chuyện cần hơn theo Cha nghĩ là con lo cho gia đình con, cho bản thân con đi. Những chuyện khi nào ảnh hưởng đến con và gia đình thì hẳn lo. Con lo phần mình đi con. Con ngủ ngon nhé !"
Chú em nhắn : "Con hiểu rồi ! Con cám ơn Cha ! Cha ngủ ngon !"
Vậy đó, vẫn được nhắc hỏi những câu như thế !
"Cha ! Con thấy có người kia đi Lễ mà không rước Lễ. Họ lên quỳ xuống và xin Cha đặt tay vó vẻ khẩn thiết lắm ! Con thấy lo cho họ quá !"
Chuyện là trả lời luôn : "Chị ! Nói chuyện với Cha kiểu này là Cha xin phép không trao đổi. Tính Cha cực kỳ ghét nói xấu người khác. Chị cũng như Cha hãy lo chuyện của bản thân mình, của gia đình mình của cộng đoàn mình thôi ạ ..."
Ơ hay nhỉ ! Tính mình là vậy đó mà mình lại gặp những người hay lo chuyện bao đồng, hay xen vào chuyện người khác cũng như lăng xăng bao chuyện không phải của mình.
Cách đây cũng vài năm, một cô hỏi : "Cha ơi ! Sao cha đó hồi tục vậy cha ?"
Nghe xong hồi âm ngay : "Muốn thì con hỏi Đức Giám Mục của giáo phận Cha đó nha ! Cha nghĩ nên chăng chuyện con cần lo là con em con không có chồng mà chửa kìa. Còn đứa kia đi ở với người đang có vợ kìa ! Con nên lo chuyện của chính gia đình con hơn là chuyện người khác".
Dĩ nhiên là người đặt câu hỏi chịu thua.
Đời ! Có ai can đảm nói mình không có thập giá đời mình và gia đình mình bằng phẳng. Ngay cả gia đình của tu sĩ linh mục cũng như bao gia đình khác cũng ôm trong mình những gánh nặng của cuộc đời. Có những gia đình mà ông bà cố đau khổ đến chết được và đã chết sớm khi gặp phải điều tiếng về con của mình.
Thế đó ! Cây mỗi hoa và gia đình mỗi cảnh. Hóa ra rằng gia đình nào cũng có hoàn cảnh riêng của mình và nhiều người lo cho gia đình mình không xong nhưng lại thích lo chuyện gia đình người khác như người ta hay nói "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" là vậy.
Gia đình mình gặp phải những chuyện thật éo le và khó giải quyết mà mình lại cứ phải lo chuyện thiên hạ. Nhiều người đã lăng xăng lo chuyện thiên hạ một cách quá đáng.
Chuyện ai nào đó sai phạm gì về chuyện từ thiện hay chuyện này chuyện kia là chuyện của họ. Ai dính dự thì họ sẽ giải quyết với đương sự. Mình chả dính dáng gì đến những chuyện đó mà mình cứ tự giải quyết thay họ là phải thế này, phải thế kia ...
Mới sáng sớm, cha bạn gọi nhờ cầu nguyện cho gia đình vì đứa cháu ruột nghi là nhiễm Covid và gia đình ông bà cố cũng nghi và đang bị khoanh vùng giãn cách. Trước đó vài năm, gia đình ông bà cố đã phải rơi vào cảnh khốn quẫn với đứa em làm giấy tờ bán nhà tự hồi nào không biết để rồi ông bà cố phải dọn ra ngôi nhà thân thương bao năm ông bà cố sống trong tiếc nuối và hụt hẫng.
Ba cố già ngoài 80 tuổi. Một ngày đẹp trời con gái yêu của mình giã từ đời tu và về đời thường. Giữa giáo xứ to đùng và bao nhiêu tương quan họ hàng cùng lời ra tiếng vào, bà cố đau đớn đón nhận vì con của mình thấy không hợp với ơn gọi dù ngoài 50 tuổi. Dĩ nhiên mỗi người có một lý do và một hoàn cảnh, nên chăng mình thêm lời cầu nguyện thay vì xét đoán và bình phẩm.
Cũng lạ ! Ai ai cũng có những nỗi đau của mình mà không lo thanh lý nỗi đau đó mà lại cứ thích thanh lý nỗi đau của người khác. Có lẽ do lối sống ảo của ngày hôm nay nó đi vào ngõ ngách tâm hồn của mỗi người để rồi không ai can đảm đối diện với sự thật và thay vì cân chỉnh đời mình thì lại thích đi cân chỉnh đời của người khác.
Tưởng nghĩ mỗi chúng ta cần lặng và lắng để nhìn lại cuộc đời của mình.
Tề gia trị quốc bình thiên hạ ! Cần và cần lắm chuyện tề gia. Hơn cả có lẽ là bình cái lòng bất nhất và hay đổi thay của mình.
Ước gì những chuyện bên ngoài như là những câu chuyện thời sự không thể nào làm xáo động lòng ta. Và, ước gì mỗi chúng ta có cái tâm : tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến.
Lm. Annai, CSsR
--