Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 07 Tháng 7 2021 06:27

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn



Sống trên đời, dù giàu, dù sang, dù hèn ... ai ai cũng có một quả tim. Quả tim đó để làm gì ? Ai ai cũng biết quả tim để yêu thương.

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng

Thật vậy ! Khi tình đã vội quên thì lòng ta cảm thấy như không còn gì để mất. Thế nhưng đàng sau cái không còn gì để mất đó lại là một nỗi mất mát mà không gì bù đắp nỗi

Câu chuyện 1 :

Giãn cách ! Cả xóm không được đi chợ ! Nhiều người hiểu được cảnh ngộ nên mang đến đầu hẻm gửi ký thịt heo, vài bó rau, chục hộp cơm ... Để gọi là một chút gì đó gọi là.

Thế nhưng rồi, chuyện chẳng có gì để nói khi phải nói ra rằng trong con hẻm giãn cách ấy có 2 gia đình có đạo và họ tham dự Hội Đoàn xem chừng ra sốt sắng lắm nhưng khi nhận hàng "viện trợ" thì cung cách của họ phản Tin Mừng.

Chẳng hay ho gì cả khi phải gõ những dòng chữ này. Đơn giản là trong họ đã thiếu vắng chữ Thương. Họ không còn cảm thức vơi người đồng loại nữa và như họ chai lỳ trong con tim còn dâp của họ. Lẽ ra trong cảnh ngộ như thế này, họ phải là người yêu thương hơn cả.

Chuyện thứ 2 :

Thằng bé nghiện game. Dù người cha cay đắng nhắc nhở nhưng nó cứ lao đầu vào game như cứu cánh của cuộc đời. Nhà thờ : bỏ. Giáo Lý : bỏ. Đọc Kinh sáng tối : bỏ.

Người Cha đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn cơn nghiện của con. Người cha thương con đến độ không nỡ cất đi điện thoại hay máy tính cho con. Ngược lại, người con cứ ngụp lặn trong biển game.

Tại sao vậy ? Tại vì nó hết thương cha nó ! Nó hết thương nên nó hành xử như vậy và nó cho là điều chính đáng và phải đạo. Có bao giờ nó thinh lặng đủ để nhìn đến cảnh cha của nó vất vả như thế nào để tìm kế sinh nhai hay không ? Nếu như nó cảm được nỗi nhọc nhằn của nó thì nó sẽ không bao giờ làm cho cha nó buồn. Nếu như nó còn tình thương thì nó sẽ không làm phiền lòng cha nó.


Chuyện thứ 3 :

Thằng bé di dân. Vào Sài Thành làm ăn cũng được lắm ! Nhưng chẳng hiểu sao đàn đúm với chúng bạn nên không còn 1 xu dính túi ! Chỉ đến khi cuốn gói về quê nhà mới tỉnh ngộ rằng tình thương với mấy thằng bạn nhậu dô dô ra ra đó cũng chỉ là nhất thời. Tình yêu của gia đình nó mới là mãi mãi. Thế nhưng rồi nó cũng đã đánh mất đi chữ thương.


Chuyện thứ 4 :

Hai anh em. Cha đã khuất. Mẹ già đang trong những ngày còn lại của già nua tuổi tác. Em khá giả ! Một ngày đẹp trời tìm cách chạy về "ăn có" ngôi nhà mà cha mẹ mua lấy khi sinh thời. Bằng mọi giá gạt người vợ ra cùng với việc đòi di chúc nếu như mẹ nằm xuống thì sở hữu căn nhà phải chia đôi !

Không dừng lại chuyện chia của ! Tuy không ở chung nữa nhưng cứ tìm cách về nhà khủng bố tinh thần người anh không thương tiếc.

Với cung cách sống của người em như vậy. Ta thấy họ đã đánh mất đi chữ thương ! Nếu như họ còn tình thương máu mủ với nhau thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ hành xử với người anh và người mẹ già như thế !


Chuyện thứ 5 :

Hai vợ chồng bất bình chính kiến nào đó để rồi có thằng cu nhỏ chưa kịp lớn đã vội chia tay.

Chuyện bi đát khi mọi người thấy tưởng chừng đẹp đôi nhưng rồi không còn chung bước. Họ cũng đã đánh mất đi chữ thương của vợ chồng với nhau. Chồng hết thương vợ và vợ hết thương chồng nên rồi chia tay.

Điều vi đát hơn nữa là người vợ đem cái câu chuyện mình chia tay với chồng lên mạng. Để làm gì ? Để mọi người thấy tinh thần "vượt khó" của họ sao ? Điều mà họ quên đi đó chính là sự hy sinh và đón nhận và nhất là lời thề hứa trong ngày trao cho nhau trước mặt Chúa và Hội Thánh.

Đã là Kitô hữu, đau khổ lắm phải đi đến con đường ly dị. Nên nhớ rằng Hội Thánh cùng lắp chỉ cho phép ly thân. Ấy vậy mà người ta lại vui vẻ đem cái chuyện ly dị của người ta ra kể. Tiếc thay là người ta không hề nhận phần lỗi của mình và dĩ nhiên là trao phần lỗi hết cho người phối ngẫu.

Họ đã hết chữ thương với nhau rồi !

Đã không còn chung bước nên chăng không nói thêm lời chi nữa. Vì càng nói ra càng làm cho con tim nó rướm máu chứ chẳng được cái ích chi.

Vậy đó ! Ở đời, dù là ai, dù là tu sĩ hay linh mục, cũng cần lắm chữ thương. Còn nhiều và nhiều chuyện tan thương trong đời tu sĩ khi "2 ta không còn chung bước". Giá như mà họ chịu đựng nhau một tí nữa thì hay biết mấy. Thế nhưng rồi cái tôi quá lớn để không giữ lại được tình bằng hữu và nhất là tình "máu mủ" trong cùng "huyết thống" của Thánh Tổ Phụ.

Thật sự nan giải chứ không phải dễ nói. Dù là đấng bậc nào, chữ Thương xem chừng ra rất quan trọng trong cuộc sống. Khi ta không còn tình Thương đủ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong lối xóm thì ta sẽ phản ứng một cách bất nhẫn với người đồng loại :

Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai.

Con người có quyền giận và có quyền thương. Ai chọn điều gì thì sẽ được nhận lãnh nhưng điều đó.

Như nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh nói đó ! Cuối cùng rồi ta cũng chẳng còn ai. Một mình ta một cõi đi về ! Thử hỏi khi ta không còn thương ai nữa trong đời sống thì chắc chắn xem chừng ra đời ta vô nghĩa. Còn khi ta thương ai đó, dù là cha, dù là mẹ, dù là con, dù là cháu, dù là người tu cùng với ta, sống chung với cộng đoàn của chúng ta thì tâm hồn ta sẽ vui trẻ và mãi mãi bình an.
Lm. Anmai, CSsR

Read 308 times Last modified on Thứ năm, 08 Tháng 7 2021 13:22