Thế là không phải là tin đồn nữa ! Vậy không còn là dự tính nữa mà là quyết định : Sài gòn tiếp tục gia hạn giãn cách !
Cũng dễ hiểu cho người có trách nhiệm cũng như nhìn con số nhiễm chưa dừng lại nên rồi phải đưa ra quyết định xem chừng hết cách. Cũng tìm mọi cách để ngăn chặn nhưng dường như lúng túng và bó tay với sự công phá của con virus quái ác.
Chả ai muốn bỏ Sài Gòn đâu ! Đơn giản Sài Gòn vẫn là nơi nương tựa, vẫn là nơi cưu mang cho những mảnh đời bất hạnh. Cũng thương đau lắm khi phải rời nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Có lẽ không còn cách nào khác và với lệnh gia hạn nên họ đành phải về.
Về thì bị cho quay đầu lại mà quay đầu lại thì biết sống ra sao ?
Cuộc tàn phá khốc liệt của con Covid quái ác đã lấy đi biết bao sinh mạng của con người. Không dừng lại đó, tiềm năng kinh tế, cách thế sinh nhai dường như đang đi vào bế tắt.
Vậy là hơn 2 tháng qua không làm được đồng nào mà những đồng tiền còn lại cứ đội nón ra đi.
Ta cứ thử tính một người di dân trả tiền tiền trọ và bao chi phí khác quả là nặng gánh cho đời sống của họ. Quanh đi quẩn lại là hết tháng rồi !
Vấn đề lớn nhất vẫn là an sinh xã hội. Tất cả đều chới với trước cảnh ngộ không bao giờ ai nghĩ đến. Giờ bắt họ quay về thì họ sẽ sinh sống như thế nào ? Nên chăng cũng phải có giải pháp nào đó ổn định để giữ chân họ ở lại hay mở cho họ đi nếu như ta kham không nổi cho cuộc đời của họ.
Sài Gòn là vậy, làng quê nơi tôi sinh sống cũng có khác chi đâu. Cái nghèo, cái đói vốn dĩ nó yêu thương ôm ấp cả ccuộc đời ở cái quê nghèo này quanh năm suốt tháng giờ cũng chẳng buông tha.
Chiều vào làng, gia đình nhỏ bé đã kiệt nay lại quệ !
Cột trụ của gia đình bỏ cái làng nghèo vào Bình Dương tìm kế sinh nhai. Chẳng được bao lâu người chồng phải về quê nhà với "thân tàn ma dại"
Anh bị tai biến và hiện tại không kiểm soát được chuyện vệ sinh của mình để rồi gia đình phải tìm cách làm cho anh căn phòng phía dưới ngôi nhà sàn sẵn có của gia đình. Khi tôi đến chia sẻ bì gạo thì bắt gặp những người trong xóm dựng đỡ vài miếng tôn để cho Anh ở tạm.
Nhìn Anh tiều tụy lòng tôi như quắt lại. Giờ này bao gánh nặng vốn đã không buông tha nay lại đè nén trên gia đình nhỏ bé của anh.
Đâu chỉ có thế ! Nhiều và nhiều lắm trong các buôn làng đang phải đối diện ra cái đói trong thời gian rất ngắn.
Cho con bé ở trọ học đi cùng để như "mở mắt" ra cho bé thấy ! Có khi bé cũng là người đồng bào nhưng bé vẫn còn may mắn hơn những mảnh đời như vậy. Và, cho bé đi để con bé có cái nhìn sâu hơn trong cuộc sống để đừng bon chen, đừng chạy theo lối sống của người Kinh.
Cả đời chỉ ôm cây mì cây mía nhưng giờ đây mía và mì cũng ra đi. Nếu như trước đây còn dựa vào người Kinh để cày thuê cuốc mướn nhưng nay người Kinh cũng chả còn việc để làm. Dĩ nhiên là những người đồng bào lại phải bó giò trước cảnh đời nghiệt ngã.
Chiều về, hình ảnh của ông già mù, của người đàn ông tai biến, của những cụ già vẫn còn trong tâm trí lại thấy hình ảnh của đoàn xe gắn máy đang dừng lại giữa đường giữa trời trưa nắng. Họ bị dừng lại và buộc quay lại nơi cư trú.
Vậy đó, giờ đi về đâu khi trong tay không còn ngân khoản cũng như việc làm đã hết.
Thử nghĩ một cái Sài Gòn phồn hoa đô thị mà nay như thành phố chết thì ta thấy phận người nghèo khổ đi về đâu ? Thương nhất vẫn là những người buôn gánh bán bưng hay xe đẩy hủ tíu bánh mì hay hủ tíu. Cả gia đình họ bám víu vào gánh xôi của mẹ, xấp vé số của cha nhưng nay không còn xôi để gánh và không còn vé để sổ nữa thì cuộc đời của họ sẽ về đâu.
Phận người của họ là vậy đó ! Kiếp nghèo cứ như yêu lắm cuộc đời của họ. Nhìn dòng người tìm về quê sinh sống với ý nghĩ rằng về quê dù sao cũng có bữa no bữa đói với gia đình còn hơn khi ở lại mà toàn là bữa đói chứ chả thấy bữa no.
Nghe tin những phòng trọ bị phong tỏa hơn tháng qua đến giờ đến độ mì gói không còn để ăn không ai không khỏi chạnh lòng. Cả tháng qua họ chả khi nào tìm thấy miếng thịt hay khứa cá. May lắm là vài bó rau viện trợ từ nhiều tấm lòng thơm thảo.
Dĩ nhiên ngoài tầm tay với vì chả danh phận gì nhưng rồi hình ảnh của những người nghèo đang tìm đủ mọi cách về quê sao mà thương quá !
Chiều về, lòng nặng trĩu với bao thân phận khó nghèo. Thêm lời cầu nguyện cho cơn đại dịch mau qua để cho đời sống trở lại như trước cũng như xin cái nghèo thôi đừng đeo đuổi những người nghèo nữa.
Chiều ngày Lễ Đức Mẹ về trời
Lm. Anmai, CSsR