Rửa chân cho nhau
Như thường lệ, thứ 5 tuần thánh, Giáo Hội cử hành nghi thức rửa chân để tưởng nhớ lại việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ và để nhắc nhớ chúng ta hãy noi gương Chuá Giê-su mà rửa chân cho nhau.
Hình ảnh một linh mục rửa chân cho 12 người đại diện cho 12 tông đồ đã trở thành rất quen thuộc với tôi ngay từ khi còn bé xíu. Sau này, tôi không còn thấy linh mục rửa chân cho từng người nữa mà chỉ rửa cho người đầu tiên và sau đó mọi người lần lượt rửa cho nhau. Tôi thích nghi thức sau này hơn vì có "rửa cho nhau".
Hôm nay, thứ 5 tuần thánh. Tôi muốn suy tư đôi chút về việc rửa chân. Nhắc đến rửa chân khiến chúng ta nghĩ đến đôi chân. Đôi chân giúp cho việc đi lại nên có lẽ nó là bộ phận dễ bị dơ bẩn nhất. Ấy vậy mà, chiều đó Chúa Giê-su, một người Thầy, thậm chí là Chúa chúng ta đã cúi xuống thật sâu, trở thành một người phục vụ, dùng bàn tay của chính mình mà rửa chân cho môn đệ của mình: " Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau" (Ga13,4-5).
Thật là một nghịch lý, "rửa chân" là điều mà đầy tớ không hẳn đã phải làm cho chủ, vậy có ông chủ nào "cúi xuống" mà rửa chân cho đầy tớ chăng? Chúa Giê-su đã làm điều nghịch lý đó, Người gói ghém nó trong cử chỉ "rửa chân" để muốn nói với các môn đệ của mình rằng: "Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như thầy đã làm cho anh em" (Ga13, 14-15).
Hành động Chúa Giê-su "cúi xuống" rửa chân cho các môn đệ làm tôi nhớ đến ngày Giáng sinh "Chúa Giê-su xuống thế làm người" và sống trong cảnh nghèo khó. Thiên Chúa chúng ta đã vì yêu chúng ta mà tự nguyện " đi xuống" để chúng ta- những kẻ tội lỗi nhơ nhớp được nâng lên và đến gần Người. Thiên Chúa "xuống thế làm người", Thiên Chúa "cúi xuống rửa chân" là bài học cho sự khiêm nhu, hạ mình, kẻ đứng đầu trước hết phải là người phục vụ trước hết, phục vụ trong tự nguyện, phục vụ trong yêu thương chứ không phải trong phô trương của quyền lực...Hình ảnh Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ cũng làm tôi nhớ đến Bí tích Thanh tẩy, tôi đã được Rửa để trở nên tinh tuyền làm con cái Chúa, mỗi ngày đời tôi với những cám dỗ làm thân tôi nhớp nhơ, tôi muốn nói như Phê-rô đã nói: "Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa" (Ga13, 9). Vì Thầy đã nói: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy"(Ga13,8). Giu-đa, một trong 12 môn đệ là kẻ phản bội mà Chúa còn cúi xuống mà rửa chân thì còn ai mà không xứng đáng cho chúng ta phục vụ? Có một điều rất hay, đó là sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh Thể: " Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy". Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em"(Lc22, 19-20). Mình Thầy thì hiến tế, còn Máu Thầy thì đổ ra...vì chúng ta. Chúa Giê-su muốn chúng ta được sạch và giúp nhau trở nên sạch bằng việc rửa chân trước khi nhận Mình Máu Thánh Ngài. Hai cử chỉ "rửa chân" và lập Bí tích Thánh Thể tiên báo việc Người sẽ bị nộp và chết trên thập giá. Đó như lời di chúc cuối cùng của Chúa Giê-su dành cho chúng ta " anh em cũng phải rửa chân cho nhau" và "anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Đó là sứ vụ của người môn đệ đi theo Chúa Giê-su phải làm, phải cúi xuống khiêm nhu mà phục vụ, phải bẻ bánh mỗi ngày để Mình và Máu Thầy được bẻ ra, đổ ra và trao ban ơn Cứu Độ cho muôn người trên thế giới. Đó chính là sứ vụ loan báo Tin Mừng của người môn đệ Chúa. Người môn đệ Chúa cũng phải trở nên tấm bánh cho đời, phục vụ và dâng hiến đời mình trong khiêm nhu và yêu thương.
Giáo Hội Công Giáo chúng ta vừa trải qua một biến cố trọng đại: Đức Thánh Cha Benedicto XVI tự nguyện thoái vị và Chúa đã chọn cho chúng ta một vị chủ chăn mới là Đức Giáo Hoàng Phanxico I giản dị, khiêm tốn và gần gũi. Hai vị Giáo Hoàng làm thế giới phải ngỡ ngàng vì sự khiêm nhường của người môn đệ Chúa. Đức Thánh Cha Benedicto- Người thoái vị hoàn toàn tự nguyện và vì lợi ích chung của toàn Giáo Hội khi thấy sức khỏe về thể lý và tinh thần không còn đủ tốt để đứng trên cương vị Giáo Hoàng. Đó là sự cam đảm và khiêm nhu cho thấy ngôi vị Giáo Hoàng là để phục vụ chứ không phải ngôi vị cho quyền lực như nhiều người hiểu nhầm về Giáo Hội Công Giáo. Và người môn đệ Chúa sẵn sàng làm những gì là tốt nhất dù phải từ bỏ mình cho lợi ích chung của Giáo Hội. Hình ảnh hai người cha kính yêu của Giáo Hội Công Giáo là một minh chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô, yêu là cúi xuống để phục vụ, yêu là từ bỏ mình, yêu là bẻ đời mình ra cho tha nhân.
--
Lạy Chúa,
con đang sống trong một xã hội, một thời đại với vô vàn những cám dỗ. Thân con yếu đuối nhuốc nhơ, có lúc con chìm ngập trong bóng tối, nhưng con biết, Chúa luôn đối xử với con nhân hậu hơn con người đối xử với đồng loại của mình. Và chính những lúc tưởng chừng như bóng tối bủa vậy, Chúa đã cúi xuống mà nâng con lên lần nữa. Cứ như vậy, Chúa vẫn mãi thứ tha. Chúa nhân hậu dường nào và Người muôn con cũng hãy thứ tha và nhân hậu như Người để xứng đáng nhận được ơn tha thứ. Xin Người đón nhận những vấp phạm và yếu đuối của con, và nhờ Ân Sủng xin Thánh Hóa cho đời con trổ sinh hoa trái, cho chúng co biết cúi xuống mà nâng đỡ nhau.
--
Maria Bùi Sinh
SG 28/03/2013