Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 31 Tháng 10 2022 18:26

Đi tìm một định nghĩa cho giàu và nghèo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
ĐI TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA CHO GIÀU VÀ NGHÈO
Gửi vài tấm hình gọi là sinh hoạt trong cuộc sống với những người nghèo cho người thân. Những tấm hình đó như là những bữa ăn, vài bao gạo và có khi là cái áo quan miễn phí gửi đến người nghèo. Thi thoảng nhìn lại đó là những khoảnh khắc đáng yêu cũng như là động lực trong cõi tạm này.
Một chút rất riêng tư để chia sẻ đến với những người thân nghĩa. Đơn giản là chưa bao giờ có ý định phải đưa những tấm hình chia sẻ bác ái đó một cách rộng rãi. Đó cũng là quan niệm và là sự tự do chọn lựa trong cuộc sống của mỗi người.
Một người quen ở trời Tây nhận định : “Cha giàu quá !”.
Đọc dòng tin nhắn đó chỉ biết cười. Thôi thì cũng là tự do và nhận định của mỗi người và mình không ép người khác theo ý của mình được. Người ta nói 9 người 10 ý là vậy đó. Thôi thì cứ cho là Cha giàu cũng được.
Thế nhưng chả ai hiểu Cha bằng Cha được. Giàu hay nghèo chỉ có một mình mình hiểu.
Thật vậy, dù là ai đó đi chăng nữa thì sự giàu nghèo hệ tại ở quan điểm và cung cách sống của người đó. Người giàu xem chừng chưa chắc là giàu khi họ không biết cho đi hay họ cứ khư khư giữ lấy của cải vật chất mà họ có. Và người nghèo chưa hẳn là người ta đã nghèo khi người ta biết cho đi.
Cái câu chuyện người nghèo chia sẻ cho người nghèo ở cạnh nhà mình trong chuyện kể về việc bác ái của Mẹ Thánh Teresa vẫn còn đó. Người nghèo nhận được sự chia sẻ từ Mẹ cùng các nữ  tu dòng của Mẹ đã không khư khư giữ cho gia đình mình mà họ biết cho đi. Họ đã chia sẻ cho gia đình ở cạnh nhà họ vì họ luôn nhớ đến người hàng xóm nghèo đó. Hóa ra là người nghèo đó họ không nghèo vì họ biết cho đi.
Nhiều trường hợp khi đi chia sẻ trong thực tế tôi vẫn thấy thế.
Khi vào trong làng chia sẻ, theo sự chỉ dẫn của những người trong làng để chia sẻ. Không ít lần nhận được sự từ chối của người này người kia. Lý do thật đơn giản : “Nhà kia nó đói hơn nhà con Ma ơi !”.
Nghe cái câu “Nhà kia nó đói hơn nhà con Ma ơi !” sao mà dễ thương quá ! Họ nghèo nhưng họ không tham. Họ nghèo nhưng họ biết chia sẻ. Hóa ra là những người này xét một khía cạnh nào đó thì họ giàu vì họ biết chia sẻ, biết nhường cho người khác đói kém hơn mình.
Sáng hôm nay, khi gửi chiếc áo quan về làng cho người nghèo vừa quá cố, thấy 2 chàng ra nhận quan tài hoàn cảnh khó khăn nên mới nói với 1 trong 2 chàng : “Ê ! lấy 2 phần gạo về cho 2 đứa đi ! Ma thấy 2 đứa vất vả quá !”.
Tưởng gì ? Đứa đi theo vác gạo nói : “Thôi Ma ! Cho Ma ... đi ! Nhà Ma ... khó khăn hơn nhà con. Con không dám nhận đâu. Cho Ma ... đi Ma. Còn nhà đám khổ lắm Ma ơi !”.
Nghe nói như vậy thấy thương quá ! Chả để ai phải thiếu. Cho 2 chàng này (cũng là 2 chàng rất nhiệt tình trong Ban Chức Việc) cùng với phần cho nhà đám nữa.
Vậy đó ! Bài học cho đi mà ta học được ngay trong thực tại của cuộc sống chứ chả ở đâu xa.
Thật thế ! Họ ở trong buôn làng phải nói là nghèo cũng như phương tiện cho cuộc sống dường như hạn hẹp.
Cũng sáng nay, cần gắn cây Thánh Giá vào phía đầu chiếc quan tài. Chỉ cho 2 chàng thanh niên là về lấy cái súng bắn keo nhựa trét vào và ịn Thánh Giá vào là được.
Vừa nói xong mới thấy mình bị hớ. 2 chàng trả lời : “Trong làng không có súng đó Ma ơi !’.
Hớ chưa ! Cứ ngỡ họ đầy đủ vật chất và phương tiện sinh hoạt nhưng rồi chỉ có cây súng bắn nhựa thường dùng để bắn keo dán cũng không có. Đời sống sinh hoạt như vậy là đủ hiểu rằng họ thiếu thốn đến dường nào. Trong khi đó, ở ngoài Thị Xã thì dường như có cũng tương đối đủ những vật dụng cần dùng cho cuộc sống.
Những người đồng bào thiểu số là vậy đó. Họ tuy nghèo về vật chất nhưng dường như tinh thần của họ rất giàu. Hễ trong làng có người qua đời là họ xúm lại với nhau để lo hậu sự cho người quá cố bằng một tình thân mà người ngoài nhìn vào thật khó hiểu. Qua những nghĩa cử đó, ta lại thấy dường như họ nghèo về vật chất nhưng họ giàu về tinh thần vì họ sẵn sàng cho đi và chia sẻ với người khác.
Bản thân tôi, chả ngần ngại để nói lên rằng tôi thật nghèo. Những gì tôi đã, đang và sẽ có thì cũng do bởi ơn Chúa cũng như do những tấm lòng chia sẻ dành cho tôi. Từ cái phone, cái laptop hay những vật dụng cần thiết trong cuộc sống có được do sự chung chia của người em kết nghĩa. Những chiếc áo quan, những bao gạo, những bữa ăn cho người nghèo cũng do Chúa ban qua những người thân quen. Có như thế tôi mới có thể chia sẻ cho những ai cần sẻ chia trong cuộc sống. Đơn giản là mình nhận lãnh rồi thì mình phải biết cho đi.
Với những công việc bác ái lặng thầm như vậy, có người bảo sao Cha không đưa lên mạng để cho mọi người biết để chia sẻ. Có người như hờn trách bảo là Cha phải đưa lên thì nhiều người biết để giúp Cha ... Những suy nghĩ đó tốt nhưng nó cũng có những hạn chế cũng như mặt trái của nó để rồi chọn giải pháp rất riêng tư.
Tôi tin và xác tín Chúa thương tôi cách đặc biệt. Chúa đã gửi đến cho tôi tuy không nhiều nhưng lại là những tâm hồn quảng đại cũng như chia sẻ cách âm thầm và kín đáo. Những người này không hề mong sự đáp trả hay bất cứ một sự phô diễn nào.
Tạ ơn Chúa ! Cám ơn những người chia sẻ cũng như những người nhận được chia sẻ qua tôi. Tôi thật ra cũng chỉ là người trung chuyển. Tôi luôn ý thức như vậy để rồi càng can đảm và vui vẻ mỗi khi cho đi.
Tôi vẫn tự nhắc mình rằng mình thật giàu có để mình sẵn sàng cho đi và tôi luôn nhắc mình rằng mình là người nghèo khó để sẵn sàng nhận lãnh. Trong suy nghĩ như vậy và cùng với cung cách sống như vậy, tôi thấy Chúa vẫn thương yêu và an bài cho mình cách kỳ diệu.
Nghèo hay không, theo tôi nghĩ vẫn do suy nghĩ và chọn lựa của mỗi người.
Dù mình nghèo mà mình cứ khư khư nắm giữ và mình khép lòng lại thì mình mãi mãi nghèo. Còn dù rằng mình nghèo mà mình biết mở lòng và biết mở tay cho đi thì mình lại là người giàu.
Mà đời này nó lạ lắm ! Khi mở bàn tay cho đi thì chính lúc đó bàn tay cũng sẽ được nhận lại. Và rất chuẩn như tâm tình của Thánh Phanxico Atxidi : Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.
Vâng ! Hiến thân hay khư khư vun vén và thu giữ vẫn là sự tự do và chọn lựa sống của mỗi người.
Lm. Anmai, CSsR
Read 352 times Last modified on Thứ ba, 01 Tháng 11 2022 10:48