Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 6 2023 17:51

LAST TRIP

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  LAST TRIP ( Chuyến đi cuối cùng)

 

      “Lớp 62 mình đều U80 cả rồi. Nhìn lại, ở hải ngoại nhiều anh em mệt mỏi, bước đi không vững nữa. Cảm tạ ơn Chúa, mình còn được ngày nào biết ngày nấy. Lần này có lẽ là lần cuối, mình cố gắng về thăm anh em”. Ở Việt Nam còn phải kể đến bok Trần Quang Truyền,  Nguyễn Huy Huệ và  Phạm Văn Ký cũng khá mệt mỏi rồi. Tôi thực sự xúc động về lời “trăn trối” của bok Tâm. Dẫu lòng bận thê noa,[Buổi tiễn đưa, lòng bận thê noa- Chinh phụ ngâm] tôi cũng quyết tâm theo last trip này. Tôi hiểu chuyến đi này của bok Tâm là để gặp gỡ anh em, để tìm lại những kỷ niệm xưa yêu dấu và để thư giãn đôi chút sau những ngày làm việc vất vả bên Mỹ.

 

      Ngày 23 tháng 5 năm 2023 bok Tâm về tới Việt Nam. Ngày 27 tháng 5, họp mặt với nhóm Sài Gòn tại nhà anh chị Sỹ+ Kim. Ngày 29 tháng 5 khởi hành từ Sài Gòn theo quốc lộ 1 và quốc lộ 20 tiến về Đà Lạt. Đoàn gồm 8 người: bok Tâm, vợ chồng anh chị Lý+ Chi, vợ chồng Thi+Tuyết, vợ chồng Sỹ+ Kim và tôi. 

 

      Buổi chiều, khi đến Đức Trọng, Đơn Dương, chúng tôi ghé nhà thờ Tà Hine, thăm cha Nguyễn Cao Nguyên. Cha Nguyên khi còn là thầy, bắt đầu lên đại chủng viện Hòa Bình tại Đà Nẵng năm 1972, có một thời kỳ học chung với bok Tâm và thầy Thi. Thầy Nguyên thuộc tu hội ICM (Incarnatio-Consecratio-Missio-Tu hội Tận Hiến) của cha Việt Anh, có trụ sở tại Du Sinh, Đà Lạt. Sau 1975, hết 10 năm tù đày, thầy Nguyên được chịu chức linh mục và đi truyền giáo cho sắc tộc Churu. Các cha ICM phụ trách truyền giáo tại Đức Trọng này. Giáo xứ Tà Hine của cha có 1700 giáo dân. Cha mới xây dựng một nhà thờ dáng đứng Tây Nguyên, hội nhập văn hóa Churu, rất đẹp. Tất cả vùng Đức Trọng có khoảng 14.000 giáo dân Churu. 

 

       Ngày 30 tháng 5, chúng tôi thực sự đi tìm lại những kỷ niệm xưa yêu dấu.  Trước hết chúng tôi lên lại Trung chủng viện Kon Tum, số 1 đường Thống Nhất ( nhà Sohier cũ). Hàng thông già vi vu rộn ràng vẫy chào chúng tôi. Cây dương trước nhà e thẹn mỉm cười, reo vui. Nhưng nhất là em Chuông: vừa mừng, vừa tủi. Em mếu máo, thổn thức: Gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi các anh ra đi, em như con chó câm (chien muet), em chẳng còn được ca, chẳng còn được hát, chẳng còn được réo gọi, chẳng còn được nhắc nhở các anh. Ca thế nào được, hát thế nào được? Lưỡi em dính chặt vào hàm rồi(TV 137,6). Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa. (Lá đổ muôn chiều- Đoàn Chuẩn & Từ Linh).Lớp người sau này nhìn em bằng con mắt mang hình viên đạn. Họ phớt lờ, họ khinh khỉnh, họ ghét bỏ em. Em chỉ còn biết co ro trên góc tường, u sầu, lặng lẽ, đếm từng ngày tháng qua.

 

      Bok Tâm và tôi đi dọc theo lối xuống, xem lại hàng cây anh đào, lúc xưa Nguyễn Hùng Vị, Trần Văn Bảy và tôi đã trồng, nhưng nay chỉ còn sót lại hai gốc èo ọt. Luống hoa hồng ngày xưa ba chúng tôi chăm sóc, mỗi khi đi dạo trên đồi cù, chúng tôi thường mang theo bao để lượm phân bò, phân ngựa về bón, nay không còn vết tích.Ngày đó cũng có cả anh Trương Trọng Ái, cvk61, trong nhóm trồng hoa. Anh Ái và tôi cùng làm ông từ coi nhà nguyện, khi nhà nguyện còn ở trong nhà chính, nhà nguyện trên đồi chưa xây. Có lần những luống hồng quanh nhà hết hoa, anh Ái đã mang theo sécateur xuống bùng binh dưới chân đồi, bên bờ hồ Xuân Hương, định cắt hoa ở bùng binh đem về chưng nhà nguyện, nhưng anh chưa kịp cắt thì đã bị cảnh sát đi tuần đêm, giờ giới nghiêm, xét hỏi. Anh không có mảnh giấy nào lận lưng, lại cầm theo hung khí là sécateur, nên anh đã bị đưa về đồn cảnh sát, giam một đêm. .

      Nhà nguyện và phòng hội (phòng étude) ngày xưa đã bị phá bỏ, người ta đã xây một nhà hàng thay vào chỗ đó. Sân bóng rổ ngày xưa, nay cũng đã được xây phòng nghỉ.Tôi nghe lòng mình quặn đau. Tôi hiểu thế nào là đoạn trường. 

 

      Chúng tôi cũng đi thăm ga xe lửa Đà Lạt. Những đầu máy kéo và đường rầy móc xích quý hiếm, giúp xe lửa leo từ Nha Trang lên Đà Lạt, đã bị gỡ đi, bán cho Thụy Sĩ trưng bày làm đồ cổ và du lịch hoặc ở Việt Nam, bán làm đồng nát, nay chỉ còn vài đoạn tượng trưng. Có một đầu kéo và mấy toa xe lửa chạy đến Trại Mát cho khách du lịch thưởng ngoạn.

      Chúng tôi cũng đi lên thăm dinh vua Bảo Đại, nơi nhà vua nghỉ ngơi và sinh hoạt. Thăm phòng làm việc của vua, phòng nghỉ ngơi của hoàng gia, phòng bếp, phòng ăn. Trong phòng ngủ của hoàng hậu Nam Phương vẫn còn có một bàn thờ nhỏ, có thánh giá gỗ và một cặp nến.

       Triều nhà Nguyễn, khởi đầu từ vua Gia Long năm 1802 cho đến vua Bảo Đại, là vị vua cuối cùng, kết thúc năm 1945. Có tổng cộng 13 vị vua, suốt 143 năm cai trị đất nước.Vinh quang tột đỉnh, quyền uy tối thượng. Bắt ai chết là phải chết, cho ai sống là được sống. Dẫu vua Gia Long có công thống nhất đất nước. (Gia Long: từ Gia Định tới Thăng Long), ngày nay chỉ còn một ít vết tích đây đó, còn lại là vết nhơ lịch sử. Thật đúng lời kinh thánh:Vanitas vanitatum. Phù vân trên mọi phù vân. 

 

      Buổi chiều chúng tôi viếng nhà thờ Domaine de Marie, Lãnh Địa Đức Bà, nay là giáo xứ Mai Anh. Sau đó đi thăm đại chủng viện Minh Hòa.Trước năm 1975 chủng sinh Kontum ở trong biệt thự Sohier khang trang, thì chúng sinh Minh Hòa lại chỉ ở trong những dãy nhà bằng gỗ, lợp tôn đơn sơ, nghèo khó. Nhưng nay những dãy nhà đó lại là những nét duyên dáng đặc biệt. Chủng viện có khoảng gần 100 thầy. Hiện thời, anh của Trần Đức Thành, CVK 64, là cha Quảng, 80 tuổi, đang làm bể trên.

      Bữa tối đoàn có mời các cvk Đà Lạt cùng họp mặt, nhưng chỉ có Đoàn Đức Thuận, cvk 69, cháu cha Đoàn Đức Thiệp và Thịnh cvk 65.Thầy trò, anh em gặp lại nhau sau hơn nửa thế kỷ. Thật xúc động, phấn khởi và vui vẻ.  

 

      Ngày 31 tháng 05 Chúng tôi đi Quy Nhơn. Trên đường đi chúng tôi ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng, quê hương của vị tử đạo đầu tiên, á thánh Anrê Phú Yên. Chúng tôi vào tầng hầm núi đá, nơi có bàn thờ và những thánh tích của thánh Anrê Phú Yên.Vị thánh trẻ là thầy giảng, tử đạo năm 19 tuổi, đã từng theo chân cha Alexandre de Rhode. Chắc hẳn trong những tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt của cha Đắc Lộ cũng có những đóng góp cụ thể và thực tế của Thầy giảng Anrê.

 

      Chúng tôi cũng đi thăm mộ của Hàn Mặc Tử, thi sĩ trẻ công giáo, mắc bệnh cùi, chết năm 28 tuổi, nhưng đã để lại cho Văn Đàn Việt Nam nhiều bài thơ lãng mạn, trong đó cũng có những lời cầu nguyện tha thiết trên giường bệnh.Thì ra thiên tài không đợi tuổi. Cũng như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chết vì ho lao năm 24 tuổi, nhưng đã là đại thánh, bổn mạng các xứ truyền giáo.

 

      Ngày 1 tháng 6, rời Quy Nhơn, chúng tôi đi An Khê. Buổi trưa, mấy CVK 62, Đinh Bạt Kiêm từ Sài Gòn, Phan Ngọc Chính từ Ban Mê Thuột, vợ chồng Nguyễn Huy Huệ và  Phạm Văn Ký từ Pleiku cũng đã đến họp mặt. Buổi chiều chúng tôi gặp bok Truyền. Anh em mừng mừng tủi tủi. Bok Truyền  sung sướng ra mặt: Bởi đâu tôi được nhiều anh em tới thăm như vậy?Anh em hỏi lại chuyện cha bị đâm lòi ruột trước đây. Cha ôm ruột chạy về nhà xứ, nằm ngửa dưới chân tượng thánh Anrê Phú Yên. Mắt nhòa lệ, nhìn lên tượng thánh, cha nghe thánh nhân khẳng định: cha sẽ sống, cha không chết. Dẫu sau hơn 5 tiếng đồng hồ cha mới được đưa đến bệnh viện Quy Nhơn để phẫu thuật, nhưng chỉ hơn một tuần sau cha đã được xuất viện. Trước khi dự magna cena, bok Tâm và đoàn dâng lễ với các em Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong bài chia sẻ sau phúc âm, cha Tâm nói đến á Thánh Anrê Phú Yên, một vị thánh trẻ, đổ máu đào làm nhân chứng đức tin. Ngài chính là bổn mạng các giáo lý viên, cha khuyên các em noi gương bắt chước thánh bổn mạng để luôn hi sinh làm chứng nhân cho Chúa trong môi trường sống.

      Cha Truyền luôn vui vẻ và lạc quan phó thác. Cha sút 15 kg nhưng vẫn hăng hái ra lao động với con chiên, xây dựng hang đá Đức Mẹ. Cha còn chương trình xây tượng đài Lòng Thương Xót Chúa và chỉnh trang cuối nhà thờ, trước khi xin về hưu. 

 

      Ngày 2 tháng 6, rời An Khê, chúng tôi lên thẳng Măng Đen. Buổi trưa dâng lễ tại nhà nguyện linh địa Măng Đen, sau đó dùng cơm với cha phụ trách, với thầy phó tế và các Yă đang công tác tại đây. Buổi tối ăn cơm tại nhà hưu với các cha già, có đức cha và các cha bên toà giám mục tham dự. Cha con rất vui vẻ, phấn khởi, hàn huyên lâu giờ.

 

      Sáng ngày 3 tháng 6, sau khi tham dự thánh lễ với đức cha trong nhà nguyện toà giám mục, đoàn chúng tôi ăn sáng rồi đi thăm bok Khôi tại giáo xứ Dak Rao. Nhà thờ Dak Rao là nhà  mượn của chú yao phu, còn rất thô sơ, lụp xụp. Giáo xứ đã mua được 2 hecta đất gần nhà cha sở.

     Sau đó đoàn đi Dak Giấc thăm bok Lê Tiên và dùng cơm trưa tại đó. Bok Tiên vẫn bế cái “bụng tốt” chạy trước chạy sau để sửa chữa nhà xứ và nhà thờ, mặc dầu mới được xây dựng khang trang, bề thế.Trên đường về lại Kon Tum, chúng tôi muốn dừng lại nhà nguyện, nơi bok Tiên mới bị giật sách và cắt ngang thánh lễ. Rất tiếc, ông từ coi nhà nguyện đi vắng, nên chúng tôi không đạt được mong ước. 

 

      Sáng chúa nhật ngày 4 tháng 6 đoàn dâng lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi tại nhà nguyện chủng viện, rồi ăn sáng với các chủng sinh. Lúc này chủng sinh sắc tộc đông hơn chủng sinh người Kinh. Xê Đăng đông hơn Bana. Không biết nên vui hay nên buồn.

     Sau đó đoàn đi thăm nhà nội trú Kon Bờ Bần. Tại đây KMF mới trang bị một dẫy nhà vệ sinh hiện đại và cao cấp, có lẽ ngang với tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. So với nhà ở, giường ngủ, nhà ăn, nhà bếp… có chênh lệch quá không? Các em nội trú học cấp 1, cấp 2, còn khá nhỏ.Theo thiển ý tôi, xây xí bệt, hệ thống nước sạch sẽ, có lẽ cũng đủ. Chi phí đó dùng trang bị những hạng mục khác cần thiết và lợi ích hơn. Chúng tôi cũng đi thăm trại phung Dak Kia, thăm hỏi các yă và các em nội trú.

      Buổi tối đoàn được yă mẹ và các yă mời dùng cơm tại cộng đoàn Kon Rờ Bàng. Đây là một cộng đoàn lớn có nhà đệ tử, nhà thăng tiến( nhà dạy may cho các em) và nhà nội trú. Các yă làm một poster rất lớn chào mừng cha Nguyễn Ngọc Tâm, chủ tịch KMF. Bữa tối có hai hũ rượu cần lớn và các món đặc sản Tây Nguyên. Có cả cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ và các vũ điệu Tây Nguyên. Cuộc tiếp đón đầy đủ, trang trọng và hoàn chỉnh, ngoài nghĩ tưởng của chúng tôi. Nhìn giới trẻ linh hoạt, vui vẻ và khéo léo, nhanh nhẹn, chúng tôi thầm cảm ơn Thiên Chúa cho tương lai của hội dòng Ảnh Phép Lạ. 

 

     Sáng ngày 5 tháng 6 chúng tôi rời Kon Tum về Pleiku, Buổi trưa dùng cơm tại giáo xứ Thánh Tâm với cha Trinh. Có thêm cha Hải ở Thăng Thiên và cha Hiền, mới du học Pháp về. Có thịt béo, rượu ngon, rượu tây, rượu ta đủ cả. Đặc biệt có món tráng miệng xoài Phú Bổn, theo lời cha sở nói, do người ta mới gửi ra. Hôm trước ở Dak Giấc, bok Tiên cũng cho tráng miệng xoài Phú Bổn, rất ngọt. Hai cha từng phục vụ giáo xứ Phú Bổn, nhưng rời xa đã lâu. Tôi chợt nhớ đến câu nói của lãnh đạo nào đó: sống làm sao thì người ta mới đối xử với mình như vậy (theo nghĩa tích cực). Thật đáng trân trọng.

 

      Trưa ngày 6 tháng 6 chúng tôi được bạn của cha Tâm là xơ Thuận, bề trên giám tỉnh của hội dòng Nữ Vương Hòa Bình, Ban Mê Thuột, mời dùng cơm. Hội dòng này do Đức Cha Paul Seitz thành lập năm 1964, trước khi chia thành giáo phận Ban Mê Thuột (1967). Sau biến chuyển thời cuộc 1975, hiện tại cơ sở nhà mẹ vẫn tọa lạc trên một ngọn đồi rộng hơn 8 hecta. Nhiều hạng mục được xây dựng khi xơ Thuận còn làm tổng quản lý. Hôm nay là ngày thường huấn của các xơ, nên các xơ ở các cộng đoàn khác về dự rất đông. Các xơ rất phấn khởi khi biết nhiều người trong chúng tôi đã đóng góp vào bản dịch cuốn Missionnaire Intrépide  của cha Jean-Louis de Robien. Chúng tôi chuyển ngữ thành-Vị Thừa Sai Can Trường.

       Vì coi đức cha Seitz là đấng sáng lập của dòng, nên các xơ muốn đặc biệt học hỏi, noi gương các nhân đức và đức tính của đức cha. Các xơ dùng cuốn Vị Thừa Sai Can Trường làm kim chỉ nam huấn luyện. Các xơ nghiên cứu, học tập kỹ lưỡng từng chương một. Các xơ nói mỗi cộng đoàn chỉ có một vài cuốn, không đủ đáp ứng nhu cầu học tập và lòng mộ mến của các xơ, nên các xơ xin cho mỗi người một cuốn. Cha Tâm, Bác Lý và Duy Sỹ đã sẵn sàng nhận lời, sẽ đáp ứng trong thời gian gần nhất. Chúng tôi thực sự cảm kích, vì những cố gắng dịch thuật của nhóm đã không rơi vào quên lãng, trái lại đã mang lợi ích đến cho nhiều người, đặc biệt là các xơ dòng Nữ Vương Hòa Bình đây.

 

      Tối ngày 6 tháng 6 đoàn chúng tôi được mời tham dự ăn cơm tối với đại gia đình của cha Tâm tại giáo xứ Thọ Hoàng, Dak mil. Chúng tôi thật xúc động khi thấy đại gia đình tụ tập tại nhà cha, có cả bà chị gần trăm tuổi, lưng còng đã chờ sẵn khi cha Tâm và đoàn chúng tôi đến. Một buổi họp mặt gia đình thật đầm ấm, thật thân thương, có lẽ cha Tâm khó có thể trải nghiệm, khi còn công tác truyền giáo tại nơi xa. Có nhạc sĩ Hồng Bính, người con của Thọ Hoàng cũng là cvk tham dự.

 

      Chiều ngày 7 tháng 6 mọi người chúng tôi về đến nhà bình an, kết thúc cuộc hành trình 10 ngày. Cám tạ ơn Chúa, cám ơn cha Tâm đã gợi ý gặp gỡ anh em. Cảm ơn anh chị Sỹ+ Kim đã sắp xếp nơi ăn, chỗ nghỉ cho đoàn tiện nghi thoải mái.

      Nếu các gia đình đều phối hợp việc họp mặt với du lịch và “hấp hôn”, thì tôi lại chỉ đơn thuần có ý định họp mặt. May mà từ An Khê cho đến cuối hành trình có Đinh Bạt Kiêm tham gia, để hai bạn già cùng tâm sự, sau nhiều năm xa cách.

 

      Dẫu cha Tâm coi đây là Last trip, nhưng ước gì còn có last trip khác nữa. 

 

        Nguyễn Đức Lân

 

Read 260 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 6 2023 06:58