Trong phim Mai, Sâu nói với Mai : Yêu có ai khôn đâu !
Nghĩ câu nói đúng ! Và khi suy nghĩ câu nói này của Sâu thì người mà tôi nhớ nhất đó là Chúa !
Khi đã yêu rồi thì chả phải người ta không khôn mà còn bị điên, bị cuồng, bị dại nữa là khác. Bằng chứng thực tế cuộc sống cho ta thấy có nhiều chuyện tình, nhiều mối tình mà người ta yêu nhau đến điên thật chứ không phải là điên giả.
Người mà tôi nghĩ đến sau khi nghe câu thoại lúc xem phim đó là anh chàng có tên Giêsu.
Kỳ thực mà nói, anh Giêsu ảnh yêu nhân loại, yêu luôn cả tôi là kẻ tội lỗi nữa mới ghê chứ.
Tính theo bình thường thì Giêsu phải yêu người công chính. Đàng này Giêsu đến trần gian để cứu những người mà theo như Thánh Phaolô xác tín: Ðức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. (1Tim 1, 15)
Ta thấy tâm tình của Thánh Phaolô thật dễ thương. Thánh Phao lôkhông giới thiệu mọi khẳng định đức tin mà ngài đưa ra trong lá thư của mình bằng những lời lẽ trang trọng. Chúng được giới thiệu trước câu vừa được trích dẫn: “Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi” (1Tm 1, 15). Lời giới thiệu này là một bản tóm tắt hiểu ngầm về sứ mệnh của Đức Kitô và Phúc âm mà Thánh Phaolô đã được sai đi rao giảng. Bản tóm tắt này âm vang lời của chính Chúa Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17); “Tôi đến… để cứu thế gian” (Ga 12, 47).
Theo tôi nghĩ, chả có ai can đảm như Thánh Phaolô cả. Thánh Phaolô tuyên bố rằng mình là người tội lỗi nhất, người đứng đầu trong số những tội nhân, không chỉ 1 lần mà là 2 lần. Và với lời khẳng định lần thứ hai, ngài đưa ra lý do: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Ðức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1, 16). Thánh Phaolô nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi đã chọn ngài, một kẻ bắt bớ Hội thánh của Đức Kitô, để rao truyền Tin Mừng cho dân Israel và các dân nước. Biết rằng người ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng mình không có hi vọng được tha thứ, ngài đưa ra một lập luận chặt chẽ: Nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, thì Ngài có thể tha thứ cho tất cả mọi người.
Thật thế, khi nhìn thấy chính Thiên Chúa đã đi bước trước khi sai Đức Giêsu “làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3, 25). Nhờ máu Đức Kitô đã đổ ra trong cuộc khổ nạn đã giải gở chúng ta khỏi vòng của tội luỵ và sự chết. Nói cách khác, Thiên Chúa đã tẩy rửa chúng ta sạch hết mọi tội lỗi bằng giá máu của Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta được giải thoát khỏi sự vây hãm của tội và sự chết để cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Tôi cảm thấy sợ khi tình yêu của Đấng đã đổ máu mình ra để cứu nhân loại.
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá, được hiểu khởi đi từ con rắn đồng trong sa mạc và cả con rắn trong Vườn Eden nữa, chúng ta mới có thể hiều sâu sa và con tim của chúng ta có thể bừng cháy khi nghe lời này của Đức Giê-su:
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.
Tôi nhớ đâu đó có một vị thánh trò chuyện với Chúa : “Lạy Chúa ! Con điên hay Chúa điên” khi vị thánh đó chiêm ngắm tình yêu của Chúa dành cho Ngài. Tưởng chừng tình được đáp tình nhưng con người vẫn phản bội tình yêu của Chúa.
Không nỗi buồn nào tê tái hơn nỗi buồn bị người mình yêu phản bội; và càng đau xót hơn khi người ấy cố tình đẩy mình vào một cái chết đau thương, nhục nhã. Vâng, thế mà Thầy Giêsu đã tự nguyện chấp nhận để người mình yêu phản bội và đưa mình lên cây thập giá. Và đàng sau “nỗi buồn Giêsu” là “sự điên rồ, liều lĩnh” của một vị Thiên Chúa đã dám hy sinh Người Con Một của Ngài để chết thay cho loài tạo vật mà Ngài đã tạo dựng nên nhưng đã phản loạn chống lại Ngài. Chỉ có một lời giải đáp thoả đáng cho sự phi lý cùng cực đó của thập giá Chúa Kitô, đó là tình yêu của Thiên Chúa quá lớn “đến nỗi đã ban Con Một” để nhờ Người Con đó chịu chết, chúng ta khỏi phải chết; và nhờ Ngài phục sinh, chúng ta được sống mãi với Ngài.
Thiên Chúa không yêu sơ sơ hay yêu tạm thời, nhưng Ngài yêu trọn vẹn và mãi mãi, bởi vì Ngài yêu loài người đến nỗi ban chính Con Một của mình; Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một cũng là Con Duy Nhất của Ngài. Cho đi Người Con Duy Nhất chính là cho đi chính mình, bởi vì Cha và Con là một. Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mà chúng ta sẽ tưởng niệm cách trọng thể vào Tuần Thánh, bí tích rửa tội, bí tích hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể, tỏ bày cho chúng ta tình yêu cho đi chính Con Một, chính bản thân mình của Thiên Chúa.
Lời của Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” (1 Cr 1,20). Bởi vì, “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (c.25). Và rồi chúng ta xin Chúa cho chúng ta can đảm học và thực hành sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong mầu nhiệm thập giá, mà là thập giá của đời sống hàng ngày.
Nhiều lúc ngồi một mình diện đối diện với Chúa, tôi cũng tự hỏi tại sao Chúa lại “điên” như thế ? Thiên Chúa lại yêu một cái kẻ phản phúc như tôi ? Thiên Chúa đã yêu tôi bằng chứng ngang qua cuộc sống dù thối tha nhơ nhớp nhưng Chúa vẫn bù đắp và lo cho tôi những thứ mà tôi không tưởng. Nhìn như vậy, nghĩ như vậy tôi thấy Chúa có khôn đâu ? Sao Chúa lại “dại” thế ? Chúa lại yêu một kẻ tội lỗi như tôi đây.
Quả thật ! Yêu có ai khôn đâu ?
Giêsu yêu cái mặt mẹt này kinh khủng luôn vậy đó
Lm. Anmai, CSsR