Không ai được chọn nơi mình sinh ra ... để rồi có những phận đời và phận người không may mắn.
Em và chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Mẹ tần tảo nuôi Em và chị khôn lớn.
Không được phúc, cha của em là một người nát rượu. Thể loại nát của cha của Em chòm xóm đều biết để khi Mẹ của em không thể chung sống được thì đến độ người hiền nhất ở trong xóm cũng nói : “Thôi thì ly dị cũng là đúng ! Cha có gia đình nào chấp nhận một ông chồng nát rượu như thế !”.
Nghiện cũng đã là cay đắng cho gia đình lắm rồi ! Đàng này nát thì mọi người đành phải chịu thua.
Cái nghèo nó ôm lấy gia đình của Em cho đến ngày Em không còn sống nữa.
Nai lưng ra lắm, cày cho sâu cuốc cho bẫm nhưng Em và chị của Em không đi trọn con đường học vấn. Em phải dang dở ở cái bằng tốt nghiệp lớp 9. Chẳng ai muốn phải bỏ lỡ ước mơ đến trường nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Thế là từ ngày đó, Em lam lũ phụ Mẹ kiếm cơm đắp đỗi qua ngày. Phận đời và phận người của em oan nghiệt là thế.
Gia cảnh là thế nhưng được một cái là hai chị em của Em ngoan có tiếng. Hiền lành và khiêm nhường cũng như chịu thương chịu khó để bước vào đời với đôi bàn tay trắng thiếu bóng Cha và chỉ còn tình thương của Mẹ.
Ai nào đó có thể trách người phụ nữ - người mẹ đã cưu mang Em nhưng đâu ai hiểu được cái sự bạc bẽo của cuộc đời và không may mắn khi có người chồng không như mong đợi. Phận con gái mà ! 12 bến nước trong nhờ đục chịu.
Cái nghèo, cái khổ ở đây nó nhiều lắm. Nó cứ như yêu thương người nghèo và vây quanh đời người nghèo như không hề buông bỏ. Cứ nói đến đồng bào thiểu số là nghĩ ngay đến cái đói, cái khổ từ con chữ đến vật chất. Họ không đủ sinh nhai thì làm sao nghĩ đến con đường đi học.
Đámg tang của em lặng lẽ và lặng lẽ. Hình như có ai đó cũng muốn tìm cha của em về để cha của em nhìn mặt em lần cuối nhưng rồi cũng bặt vô âm tín.
Cuộc đời là vậy đó ! Cay đắng và oan nghiệt đến tận cùng. Đến nỗi cái chết cũng không lo cho nên sự mà phải dựa vào kẻ này người kia.
Cái chết của Em thật cay đắng. Em ra đi nhẹ nhàng không lời trăng trối ! Có người nói vu vơ rằng đôi khi Em ra đi như thế mà đời thanh thản. Em còn sống thì lại cứ nặng gánh vai mang. Em ra đi như cuộc đời em được giải thoát khỏi bụi trần. Một lần đau cho vạn lần không xót. Từ nay em không còn phải lo toan với cuộc đời.
Chẳng ai biết được cuộc đời và chẳng ai mong cuộc đời mình như thế. Đời ! Kẻ ăn không hết người lần không ra. Chả ai muốn rơi vào cái cảnh như gia đình Em đang có nhưng sao cuộc đời oan nghiệt quá !
Những chiếc áo quan miễn phí được chuyển đến những người nghèo trong đó có Em. Sao mà cuộc đời cay nghiệt thế !
Với lòng thơm thảo, những chiếc áo quan từ thiện đâu đó đã trao đến cho những mảnh đời bất hạnh. Và dù sao đi chăng nữa cũng chẳng có người nào ngoảnh mặt làm ngơ.
Sinh bệnh lão tử vẫn biết là phận người nhưng có người sinh ra trong nhung lụa nhưng có người sinh ra trong nghèo khó. Nhìn những mảnh đời đâu đó không có ngày mai sao mà chua xót quá. Họ sinh ra và lớn lên trong cái nghèo và cái nghèo như ôm lấy cuộc đời của họ. Thà không nghĩ thì thôi, nghĩ đến thì lòng lại cứ nặng lòng vì lẽ không tìm ra lối thoát cho cuộc đời.
Suốt đời, người nghèo ở cái vùng nông này thì bán mặt cho đất và bán lưng cho trời để tìm kế sinh nhai. Có bao giờ ma người nghèo làm nông được sướng đâu. Dù cà phê có tăng giá nhưng cuộc đời của họ vẫn vậy thôi.
Chỉ có con đường học vấn mới có thể cho họ thoát được cái nghèo và kiếp khổ. Thế nhưng rồi câu chuyện quá xa xôi. Một em rời nhà lên phố để thử gọi là bám trụ nhưng sau 1 năm em lại trở về. Em lại tiếp tục với công việc đồng áng với gia đình. Đời cha em đã khổ và đến đời em cũng khổ và chả biết ngày nào tìm được lối ra.
Những đứa trẻ ăn ngon mặc đẹp và lao vào những cuộc chơi vô bổ sao mà thấy thương quá. Bù lại một chút cho lũ trẻ ở nơi đây.
Cầm cây súng pặt pặt trên tay. Hỏi thăm tình hình giá cả thì được biết cây súng đó được bán với cái giá 1.000 đồng. Chả phải súng. Kẹo hay đồ chơi khác cũng 1.000 mà thôi. Ngay cả cây kem đá nhưng thực chất là phẩm màu mà trẻ nhỏ ở đây chia nau mút cũng chỉ có giá 1.000.
Học thì học cho có chứ cùng lắm hết cấp 2 là nghỉ. Giỏi và khá lắm thì bò được đến cấp 3.
Lòng nặng lòng với những mảnh đời cơ khổ.
Biết kêu trời kêu đất hay kêu ai.
Xin Trời thương cho người nghèo bớt khổ
Để cuộc đời họ buông gánh nặng đời mang.
Có lẽ Chúa để mình ở đâu đó với người nghèo và quanh người nghèo để mình cảm được cái nghèo để mình bớt đi cái sân hận của cuộc đời. Ở với người nghèo để mình nhận ra rằng mình dư và đủ để rồi mình sẵn lòng biết chung chia.
Và lạy Chúa, xin cho con đừng quá nghèo để con đừng than trách Chúa và xin cho con thấy con đủ để con dễ sẻ chia.
Lm. Anmai, CSsR