Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 16 Tháng 2 2017 15:22

Từ bỏ chính mình (17.2.2017 – Thứ sáu Tuần 6 Thường niên)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Từ bỏ chính mình (17.2.2017 – Thứ sáu Tuần 6 Thường niên)


17.2.2017

Lời Chúa: Mc 8, 34 – 9,1

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.” 1 Đức Giê-su còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

 

Suy niệm:

Trên con đường đi ngang giáo phận Xuân Lộc,
có ngôi nhà thờ mặt tiền mang một dòng chữ to : “Sống là chọn.”
Câu này dễ làm ta nghĩ đến câu kế tiếp : “mà chọn là bỏ.”
Bỏ là điều, dù muốn dù không, ai cũng phải làm nhiều lần trong đời.
Thai nhi phải bỏ bụng mẹ ấm êm, cô gái bỏ gia đình để về nhà chồng.
Bỏ khi chọn việc, chọn trường, chọn nhà, chọn ơn gọi…
Bỏ thường làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn tất cả.
Tuy nhiên, có khi từ bỏ đem lại niềm vui, đến nỗi ta không biết mình đang bỏ.
Một vận động viên, một nhà khoa học hay một tu sĩ đã tự ý bỏ nhiều điều.
Nhưng họ rất vui khi nghĩ đến kết quả của việc từ bỏ đó.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ và đám đông
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ngài (c. 34).
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa,
không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt.
Vác thanh ngang của thập giá là việc mà người sắp bị đóng đinh phải làm.
Như thế vác thập giá đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết sắp xảy ra.
Đức Giêsu đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống.
Ngài đã vác thập giá Cha trao cho ngài.
Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá.
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng,
vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu.
Thập giá ghi dấu ấn trên bất cứ ai dám sống thật sự ơn gọi kitô hữu.

Nhưng thập giá lại không phải là kết thúc của Kitô giáo.
Kitô giáo kết thúc bằng sự sống và sự sống lại của Đức Giêsu.
Tất cả nghịch lý nằm ở chỗ ai dám mất thì lại được,
còn ai cố giữ cho được thì lại mất.
Mà cái được và cái mất không như nhau.
Cái mất chỉ là mạng sống tạm bợ ở đời này,
còn cái được là sự sống vĩnh hằng ở đời sau (c. 35).
Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm được và mất.
Ngài mời chúng ta dám sống kinh nghiệm ấy cùng với ngài.

Được cả thế giới này mà mất sự sống đời đời thì có ích chi ? (c.36).
Đức Giêsu hôm nay vẫn muốn nhắc nhở chúng ta như thế.

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
R. Tagore

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Read 10617 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 2 2017 15:58