Một Thế Giới Buồn Thảm Mong Chờ Chúa Giáng Sinh
Posted by Ban Biên TậpGiáng Sinh một lần nữa lại đang trở về. Vẫn như mọi năm, mua sắm, quà cáp, trang hoàng, hát xướng, hội hè đình đám cứ như những đợt sóng biển tràn về, từng lớp, ào ào, dập dồn, trùng khắp. Phải thế thôi! Mùa lễ vui tươi nhất trong năm cơ mà; mùa mong chờ của mọi người, mọi giới, mọi nơi. Mùa Giáng Sinh đã trở thành mùa lễ của toàn thể nhân loại không trừ ai, và mang đến nguồn vui, hy vọng, nhất là sự bình an vốn ngày càng trở nên hiếm quý trong thế giới bất ổn và đầy dẫy bạo động.
Khi những dòng này đang được viết xuống, thì tin nóng sốt trên các mặt báo, trang mạng, truyền thanh, truyền hình…là về vụ thảm sát tại một trường tiểu học (Sandy Hook) trong một thành phố nhỏ (Newtown), thuộc một tiểu bang nhỏ (Connecticut), mà đời sống hình như mãi mãi bình yên phẳng lặng. Như vậy phải nói gì về thế giới hôm nay, khi đó đây, khắp nơi, vẫn còn những cảnh loạn lạc, chiến tranh, chèn ép, đàn áp, người bóc lột người? Mà không phải chỉ trên bình diện lớn của thế giới, quốc gia, và xã hội, mà còn len lỏi đến tận những mái gia đình, vẫn thường được coi là tổ ấm dành cho những người thân thương Biến cố tang thương hôm nay cho thấy một viễn tượng đáng buồn là chẳng có nơi nào--kể cả mái ấm gia đình—là an toàn và yên bình cả. Tại sao thế giới này lại buồn thảm đến thế?
Không buổn sao được khi con người ngày càng tân tiến, nền y khoa ngày càng tiến bộ, đã thành công vượt bực trong việc khám phá, đề phòng và chữa trị tận căn nhiều chứng bệnh nan y trước đây, ấy thế mà dường như dù có sống thọ hơn, con người lại gặp nhiều vấn đề sức khỏe khiến gây ra những chứng đau nhức, tàn phế và trầm cảm. Cái nghịch lý oái ăm này là kết quả nghiên cứu dầy công của nhóm “Global Burden of Disease—Gánh Nặng Bệnh Tật Toàn Cầu” thuộc Washington University. Theo họ, nhiều quốc gia đang đối diện với làn sóng chi phí ngất ngưởng tràn đến từ con số ngày càng có nhiều người phải sống trong bệnh hoạn và tật nguyền.
Một khám phá khác nữa là: trong khi việc thiếu ăn, suy dinh dưỡng đang sụt giảm, không còn là nguyên nhân chính gây tử vong hay bệnh tật, thì các hậu quả của việc ăn uống thái quá đang bắt đầu lên ngôi. Hút thuốc và uống rượu đã thay cho việc con nít thiếu ăn để trở thành nguyên nhân xếp hạng hai và hạng ba, chỉ sau hạng đầu là cao áp huyết, đưa đến các nguy cơ về sức khỏe. Thống kê cho thấy năm 2010, trên toàn cầu có hơn ba triệu người “đứt bóng” vì quá nặng cân, nhiều gấp ba lần số người chết vì thiếu ăn.
“Hai mươi năm trước người ta không đủ ăn, đến bây giờ thì người ta lại phát bệnh vì ăn quá nhiều và thức ăn quá thiếu lành mạnh, đó là kể cả các nước đang phát triển, chứ không chỉ nói đến các nước đã mở mang.” Đây là lời kết luận của Majid Ezzati thuộc Đại Học Hoàng Gia Luân Đôn, một trong những nghiên cứu gia hàng đầu. Nói khác đi, hiện tại con người đang mang những chứng bệnh và điều kiện không đưa đến tử vong, mà làm cho con người cứ mang bệnh rề rề. Đó là lý do tại sao con người tuy sống thọ hơn nhưng lại mang trong mình đủ các chứng đau nhức, đi lại khó khăn, mắt mờ, tai điếc, và suy nghĩ không mạch lạc.
Sau đây là một vài con số: năm 2010, có 52.8 triệu người trên toàn cầu chết vì các bệnh nan y. Khoảng 12.9 triệu người chết vì trụy tim và các bệnh về tim mạch gây ra do ăn uống thái quá, hút thuốc nhiều mà ít tập thể dục. Có 8 triệu người chết vì ung thư. Bệnh liệt kháng (HIV/AID) thì lấy đi khoảng 1.5 triệu mạng người, còn bệnh lao phổi thì giết hại khoảng 1.2 triệu sinh linh.
Có điều là, trong khi con số trẻ em chết yểu đang giảm thiểu, thì số tử vong trong giới trẻ, từ độ tuổi 15 đến 49, lại gia tăng đến 44 phần trăm. Đó là thống kê từ những năm 1970 cho đến 2010. Một trong những nguyên nhân chính là do bạo lực gia tăng, sát nhân, tai nạn xe cộ, và hậu quả của bệnh liệt kháng. (xem Kate Kelland: A sick world: we live longer, with more pain and illness, trong http://health.yahoo.net, ngày 12/14/12)
Phác hoạ hình ảnh về thế giới như vậy không biết có phải bi quan quá chăng, điều này còn tùy ở góc nhìn mỗi người. Tuy nhiên, phải công nhận đó là một sự thực, sự thực nằm trong bóng râm khuất lấp đàng sau toà nhà chọc trời của nền văn minh khoa học kỹ thuật đương đại.
Đây là câu hỏi mà tác giả Trúc Giang đã nêu lên cho ta cùng suy nghĩ: “Trong đời sống, một xã hội càng có kỹ thuật văn minh hiện đại bao nhiêu thì người mắc bệnh tâm thần càng nhiều, giết hại nhau càng nhiều, số người tự tử càng gia tăng hơn xưa, có phải chăng vì càng coi trọng vật chất, càng coi trọng bản ngã thì con người càng cảm thấy cô đơn? Có phải vì họ sợ bị lãng quên? Họ sợ bơi ngược dòng thác xoáy mà họ thua thiệt, họ đuối sức khi cảm thấy mình bơi ngược dòng đời? Viện dưỡng lão ngày nay mọc lên như nấm, nhà thương điên thì đầy dẫy người trẻ tuổi, ngay cả người Việt sống lâu năm tại hải ngoại cũng mắc bệnh trầm cảm. Bệnh xuất phát từ phiền não mà có? Từ bất mãn mà ra? Bất mãn với ai? Bất mãn với chính mình chăng? Họ ra vào trong nhà thương điên như một bóng của chính mình. Bác sĩ tâm lý học chữa bệnh trầm cảm hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác.” (Mộng Du, xem trong www. daploisongnui.com)
Có nhiều yếu tố rất có lý trong cách đặt vấn đề của tác giả Trúc Giang. Ở đây chỉ xin nêu lên hai vấn đề: trước hết, tự bản chất, đời sống con người đâm rễ vào trong hành vi đúng đắn và phải lẽ. Lý do là luật tự nhiên--luật dậy ta biết làm lành lánh dữ--chính là cái khung căn bản để cho ta, với tư cách là con người, bất luận già trẻ lão ấu, thuộc bất kỳ một nền văn hóa và tôn giáo nào, vẫn có thể cùng nhau luận bàn về vấn đề luân lý và đạo đức làm người. Một cách khách quan, ta thấy rõ trong các xã hội thấm nhuần niềm tin Kitô giáo, ý thức về luật tự nhiên này được biểu tỏ mãnh liệt nhất, lý do đơn giản là vì chính Thiên Chúa Tạo Hoá là tác giả của luật tự nhiên ấy và đã ghi khắc nó vào trong tâm khảm con người từ khi tạo dựng. Không ai biểu tỏ và thực hành luật tự nhiên này một cách toàn hảo bằng Đức Giêsu Kitô bởi vì Ngài vừa là tác giả của luật tự nhiên qua bản tính Thiên Chúa, và cũng vừa là người thực hiện tuyệt hảo luật tự nhiên này, qua bản tính con người cuả Ngài.
Đáng tiếc thay, do gánh nặng nguyên tội trì kéo, hết nền văn hoá này đến nền văn hoá khác đang cố tình xa rời, đi trệch khỏi hướng đi của luật tự nhiên. Và đây là nguyên nhân sâu xa: quên lãng Thiên Chúa. Đó là vấn đề thứ hai. Ta hãy nghe lời vị Cha Chung, ĐTC Biển Đức XVI, phát qua làn sóng truyền đi từ Giáo Đô: “Chính sự lãng quên Thiên Chúa đã dìm sâu xã hội con người hôm nay vào trong một hình thức duy tương đối, vốn sản sinh ra bạo hành. Khi chối bỏ cơ may tìm về nguồn chân lý khách quan, thì sự đối thoại trở thành bất khả, và bạo hành, cho dù công nhiên hay kín đáo, sẽ trở thành quy luật trong mối tương giao nhân loại. Không mở ngỏ cho Đấng Siêu Việt, vốn là điều duy nhất cho phép ta tìm được câu trả lời cho các vấn nạn liên quan đến ý nghĩa cuộc đời và cách sống đạo đức, loài người sẽ bất lực trong việc giải quyết các vấn đề theo lẽ công bình và làm việc với nhau trong hoà bình. Khi mối tương giao của con người với Thiên Chúa bị gẫy đổ, kéo theo nó một sự mất thăng bằng trong mối tương giao giữa con người với nhau, thì sự hoà giải với Thiên Chúa, vốn là hoa trái của Thập Giá Chúa Kitô, “niềm bình an chúng ta” (xem Ephêsô 2:14) chính là nguồn mạch của sự hợp nhất và tình huynh đệ.” (xem Pope Benedict XVI, Address to International Theological Commission, trong http://en.radiovaticana.va, ngày 12/10/12)
Lịch sử luôn luôn lập lại: tội phản phúc của Ađam và Evà đã đưa đến cái chết của Abel dưới bàn tay của chính anh ruột mình, Cain, can phạm sát nhân đầu tiên của nhân loại. Còn sự ồn ào chống báng Thiên Chúa của con người hôm nay sẽ kết thúc ra sao, nếu không phải là những cuộc tàn sát của chính con người với nhau, từ trên bình diên quốc tế, quốc gia, cho đến tận cùng tế bào bé nhỏ nhất của xã hội, đó là những mái gia đình, trong đó có hai kẻ đã từng yêu nhau ra rít, có những người thân thiết ruột rà đã từng sống dưới một mái nhà, đã cùng chung một bàn ăn hàng ngày, đã cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi mà cuộc sống mang lại?
Xin Chúa đến mau, đem cho nhân loại chúng con nguồn bình an thật sự, hầu xoa dịu thế giới đang chìm ngập trong bất ổn, bất hoà và bạo động không cùng. Xin cho chúng con trở thành những khí cụ bình an của Chúa.
Xin Chúa đến mau, đem cho chúng con niềm hy vọng rạng rỡ của niềm tin, hầu cho thế giới buồn thảm hôm nay bừng sáng tươi lên trong niềm vui ơn cứu độ. Xin cho chúng con trở thành chứng nhân cho niềm tin ấy.
Xin Chúa đến mau, đem cho toàn nhân loại ơn giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc của tội lỗi và sự dữ. Xin cho mọi người mọi nơi, bắt đầu từ mùa Giáng Sinh năm nay, biết quỳ gối suy tôn và chiêm bái mầu nhiệm Ngôi Lời Giáng Thế, để rồi từ đó sẽ sống đúng với ơn gọi làm người theo như ý định ngàn đời của Chúa.
12/15/2012
Nguyễn Kim Ngân