Kỳ diệu chuyện chàng trai ‘tái sinh’ nhờ tình yêu của mẹ
Posted by Ban Biên TậpBà Đông ở bên giường bệnh của con
Sau 5 năm kiên trì không mệt mỏi của người mẹ, đến nay, chàng thanh niên ấy đã nói được những tiếng khàn khàn, cánh tay phải có thể cử động, cầm nắm, và đôi chân teo tóp đã đi được những bước đi đầu tiên. Dù tương lai còn nhiều khó khăn, nhưng người mẹ vẫn mỉm cười lạc quan tin rằng, với những nỗ lực của mình, con trai của bà sẽ dần phục hồi.
5 năm giành giật sự sống cho con
Trong căn phòng bệnh nhỏ của Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện nhân dân Gia Định), anh Võ Thành Hữu Nghĩa (25 tuổi) đang tập đi từng bước nặng nhọc trên đôi vai của người mẹ. Còng lưng dìu người con trai cao hơn mình cả cái đầu trở lại giường, bà Đông cất tiếng thở dài. Bà buồn bã chia sẻ: “Tôi phải cố đỡ cho con đi lại để vận động cơ thể. Nhưng Nghĩa mới đi được vài bước quanh phòng”.
Người phụ nữ kể, bà sinh được cả thảy bốn người con, Nghĩa là con út. Ở vùng núi cao của xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), bà và chồng cố gắng làm được một ít rẫy cà phê, thắt lưng buộc bụng để nuôi các con học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, từ ngày chồng mất, đôi vai bà càng thêm trĩu nặng.
Năm 2009, Nghĩa thi đỗ vào khoa Thiết kế nội thất, Trường Cao đẳng Bách Việt. Để giúp đỡ mẹ trang trải chi phí học hành, từ những ngày đầu xuống TP.HCM học tập, chàng trai đã tìm công việc làm thêm. Ngoài giờ học vào ban ngày, buổi tối, Nghĩa lấy hoa về bán tại các lề đường cho đến tận khuya.
Sự việc không may xảy ra vào một đêm cuối tháng 3/2011. Sau khi bán hết hoa, Nghĩa lái xe máy trở về nhà thì bị một chiếc xe tải đi song song va phải rồi lao vụt đi. Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cho phần đầu của Nghĩa bị chấn thương nặng.
Đôi mắt đỏ hoe khi nhớ lại những ngày tháng cũ, bà Đông ngậm ngùi kể, lúc nhận được điện thoại từ một người lạ thông báo Nghĩa bị tai nạn giao thông, bà như người mất hồn. Ngay trong đêm khuya, bà khăn gói xuống TP.HCM để chăm con. Đến nơi, người mẹ tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo Nghĩa bị tụ máu bầm trên não, vỡ sọ não, cần phải tháo vỏ não ra để nuôi, và có nguy cơ không thể tỉnh lại.
Sau gần một tháng cấp cứu tại bệnh viện, lòng người mẹ thấp thỏm không yên vì sợ con trai không qua khỏi. Đến khi bác sĩ thông báo Nghĩa đã qua cơn nguy kịch, bà chưa kịp vui mừng thì lại ngã quỵ khi nhận được tin con trai của mình rơi vào trạng thái sống thực vật, không thể ý thức được mọi điều diễn ra xung quanh. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho Nghĩa tiên lượng bệnh tình xấu, chẩn đoán có thể phải sống như vậy đến hết cuộc đời.
“Nhưng bác sĩ cũng bảo, việc có tỉnh lại được hay không còn phụ thuộc vào ý chí của Nghĩa. Cho nên tôi luôn kiên trì chăm sóc con. Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ là còn nước còn tát, phải chăm lo cho đứa con mình rứt ruột đẻ ra, chứ không nghĩ nhiều đến những khó khăn sau này mình phải gặp phải”, người mẹ tâm sự.
Sau năm tháng điều trị, sức khỏe Nghĩa ổn định hơn, bà đưa con về quê để chăm sóc. Hàng ngày, bà cho Nghĩa uống thuốc bổ não mà bác sĩ đã kê, đồng thời tâm sự với con nhiều điều trong cuộc sống. Chỉ một tháng sau đó, kỳ tích đã xuất hiện. Nghĩa đã dần dần tỉnh lại và nhớ ra mọi người.
Tuy nhiên, vì suy nghĩ quá nhiều về hoàn cảnh hiện tại của mình, chàng trai bị sốc nặng nên lên cơn động kinh. Người mẹ hốt hoảng đưa con quay trở lại bệnh viện. Cũng trong lần nhập viện này, bác sĩ yêu cầu giữ Nghĩa ở lại để điều trị.
Trong ba tháng liên tục, Nghĩa được tập nói, tập vận động thân thể và phẫu thuật ghép sọ não. Tuy nhiên, tình hình tiến triển không mấy khả quan. Nghĩa vẫn chưa thể nói hay hoạt động tay chân.
Ngừng một lúc để giúp con trở mình, bà Đông kể tiếp, sau khi con ghép não, bà lại đưa con về nhà. “Về nhà, tôi cũng có gọi bác sĩ đến khám và kỹ thuật viên đến nhà tập vật lý trị liệu cho Nghĩa. Được khoảng một năm, tôi sợ hãi tột cùng khi thấy tay chân của con không ngừng teo nhỏ lại.
Được một số người quen giới thiệu đến phương pháp chữa trị bằng Đông Y, tôi tìm hiểu và quyết định đưa cháu đến Viện Y học Dân tộc. Điều trị ở đây được khoảng 10 tháng thì rơi vào dịp tết Nguyên Đán. Vì viện không cho bệnh nhân ở lại tết, nên tôi đưa cháu đến Bệnh viện Y học cổ truyền”, người mẹ nhớ lại hành trình chạy chữa cho con tại các bệnh viện.
Con trai bà Đông đã có thể cử động được tay phải, đọc sách sau những giờ tập vật lý trị liệu.
Nghị lực chiến thắng trọng bệnh
Nằm trên giường bệnh, Nghĩa không ngừng nắm chặt tay mẹ. Thấy mẹ nghẹn ngào, Nghĩa tâm sự bằng giọng nói khàn khàn, lúc mới tỉnh dậy, có một thời gian dài anh bị sốc nặng. Cảm giác nằm một chỗ bất lực khi anh nhìn mẹ tất tả ngược xuôi lo tiền thuốc men, viện phí, lại phải canh cánh nỗi lo về bệnh tật cho mình. Sau này, khi cùng mẹ rong ruổi các bệnh viện, nhận thấy niềm hi vọng của mẹ về khả năng anh được phục hồi, Nghĩa không ngừng cố gắng tập luyện.
Chàng trai thoáng đưa ánh mắt trìu mến nhìn mẹ rồi bày tỏ: “Đã nhiều năm trôi qua, mẹ vất vả cũng kiên trì, không bỏ cuộc. Nếu tôi từ bỏ hay nhụt chí, thì tôi là một đứa con bất hiếu. Hơn nữa bạn bè cũ vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, còn tặng sách để tôi đọc vào thời gian rảnh và tin tưởng vào tương lai. Vì vậy, tôi phải cố gắng để không phụ lòng những người đã yêu quý tôi”.
Năm năm dài đằng đẵng, bà Đông chạy vạy ngược xuôi để điều trị cho con. Bà xót xa kể, ban đầu, ba người con đầu cũng có phụ bà chăm lo cho em. Nhưng được một thời gian, ai cũng bận lo cho con cái, không có điều kiện giúp đỡ, nên một mình bà gánh lấy. Để trả tiền thuốc men, viện phí, bà vay mượn khắp nơi. Đến khi số nợ đã trở nên quá lớn, bà phải thế chấp rẫy cà phê và căn nhà nhỏ cho chủ nợ.
Theo con đi khắp các bệnh viện, người mẹ làm đủ mọi việc để có tiền trang trải. Bà chia sẻ, ban đầu xin giúp việc nhà cho người ta, nhưng sau này, thời gian tập của Nghĩa chiếm nhiều, lại hay bị lên cơn động kinh nên bà nghỉ công việc ở ngoài, nhận làm việc ở trong bệnh viện.
“Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, tôi nhận chăm sóc, phục vụ các bệnh nhân cho những gia đình bận rộn, không có thời gian chăm sóc người thân ở cùng phòng bệnh. Thỉnh thoảng, một số người biết hoàn cảnh cũng tìm đến giúp đỡ. Số tiền không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ để hai mẹ con qua ngày”, bà cười hiền tâm sự.
Vất vả là thế, nhưng nhắc đến kết quả tập luyện của con, người mẹ phấn khởi hẳn lên. Bà cho biết, thời gian châm cứu bằng Đông y, tập luyện vật lý trị liệu, tình hình của Nghĩa khá hẳn lên. Chàng trai có thể cất những tiếng nói đầu tiên dù còn rất mệt mỏi và khó nghe, đôi chân có thể bước, có thể nhảy cò cò, cánh tay phải có thể cử động được.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, tình hình của Nghĩa bị chững lại, không thể phát triển hơn nữa. Bà lại đưa con đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán là do chân bị co cứng các gân, cần phải tiến hành phẫu thuật gấp.
Chia sẻ về hành trình chữa bệnh cho con, người mẹ cho biết Nghĩa mới trải qua một đợt phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định được vài tuần, vẫn còn một đợt nữa. “Bác sĩ bảo, nếu can thiệp, sau này Nghĩa tập luyện sẽ nhanh hơn, khả năng phục hồi cao hơn. Cho nên sau khi chữa trị xong ở đây, tôi sẽ đưa cháu quay về Bệnh viện Y học cổ truyền để tiếp tục điều trị”, người mẹ kiên định nói.
Mặc dù được các bác sĩ tiên lượng con trai khó có thể tỉnh lại, nguy cơ sống thực vật suốt đời sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhưng bà Lê Thị Thu Đông (54 tuổi, quê xã Đức Mạnh, Đắk Mil, Đắk Nông) vẫn không ngừng tìm mọi cách chạy chữa cho con.
Sau 5 năm kiên trì không mệt mỏi của người mẹ, đến nay, chàng thanh niên ấy đã nói được những tiếng khàn khàn, cánh tay phải có thể cử động, cầm nắm, và đôi chân teo tóp đã đi được những bước đi đầu tiên. Dù tương lai còn nhiều khó khăn, nhưng người mẹ vẫn mỉm cười lạc quan tin rằng, với những nỗ lực của mình, con trai của bà sẽ dần phục hồi.
Nguồn: Baophapluat.vn