Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 13 Tháng 1 2017 14:55

Tết đến nói chuyện về Tết Nguyên Đán

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tết đến nói chuyện về Tết Nguyên Đán

 

Nếu như hoa đào xuất hiện trong mọi chợ hoa ở miền Bắc
thì hoa mai lại trở thành biểu tượng của miền Nam.
Ảnh: Soha.vn


Bước sang năm mới Dương lịch thì tâm hồn của những người con Đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu cũng bắt đầu nôn nao, nô nức, rộn ràng đón mừng dịp lễ hội lớn nhất trong năm: Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, hay chỉ đơn giản là Tết).

1. Từ ngữ

"Tết" là chữ Nôm, được mượn từ chữ "Tiết" (節) của Hán Việt mà đọc trại thành “Tết”. Còn "Nguyên Đán" (元旦) là hai chữ Hán Việt. "Nguyên" (元) có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai; còn "Đán" (旦) có nghĩa là buổi sáng sớm. Nếu đọc đúng theo ngữ pháp Hán Việt thì phải đọc là “Nguyên Đán Tiết” (元旦節). Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là “Xuân tiết” (春節), “Tân niên” (新年) hoặc “Nông lịch Tân niên” (農曆新年).

2. Nguồn gốc

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Vì chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc (nằm trong thế giới Hán hóa) nên Việt Nam cũng có Tết Nguyên Đán vào tháng giêng. Hiện nay dân chúng chỉ ăn tết vài ngày đầu tháng giêng (ba ngày Tết, bảy ngày Xuân).

3. Tên gọi

Khi chưa có sự du nhập của văn hóa Tây phương thì Việt Nam theo cách tính lịch của Trung Quốc, ta hay gọi là Âm lịch (tính theo chu kì mặt trăng). Tên gọi của năm Âm lịch không gọi theo số như Dương lịch (tính theo chu kì mặt trời) mà dùng tên ghép gồm hai chữ. Chữ đầu là một trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Chữ thứ nhì là một trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão hay Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Mười hai địa chi là tên 12 con vật. Vì bội số chung của 10 (thiên can) và 12 (địa chi) là 60, nên cứ 60 năm thì hết một chu trình kết hợp giữa các thiên can và địa chi. Cho nên, cứ 60 năm thì tên gọi các năm lặp lại như cũ.

Theo chu trình thì năm nay là sự kết hợp thứ 29 giữa thiên can Nhâm (壬 : thủy dương) và địa chi Thìn (辰 : con rồng). Bởi thế, Âm lịch năm nay được gọi là năm Nhâm Thìn (壬辰).

4. Đón tết

Vì có một lịch sử lâu đời, và do sự ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau, nên hình thức đón tết của người Việt thật đa dạng và phong phú. Tùy theo hoàn cảnh và nhận thức có khác nhau nên mỗi địa phương hay mỗi Nhóm người có những nét chung và những nét đặc trưng riêng biệt để đón tết.

Ví dụ: Mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí Bàn thờ, sắm sửa đồ dùng, ăn mặc quần áo mới …. Tuy nhiên, ngoài Bắc thì chưng hoa đào, còn trong Nam thì chưng hoa mai; người Công Giáo không đưa ông Táo về Trời hay xin xăm đầu năm, nhưng có Lễ Giao thừa, Lễ mồng một – cầu bình an cho năm mới, Lễ mồng hai – kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ, Lễ mồng ba – thánh hóa công ăn việc làm, có bốc lộc Lời Chúa đầu năm …

Ngoài những thích nghi với văn hoá dân tộc của Phụng vụ nói chung, hiện nay một số nhà thờ vào dịp tết cũng có treo câu đối, hoành phi, hay chỉ trang trí theo hình thức câu đối, hoành phi ở gian cung thánh. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, người Trung Quốc quan niệm: "nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa". Bởi thế, câu đối thể hiện được sự tinh tế cao sâu về nội dung và sự cao sang, trang trọng về hình thức cũng như diễn tả cốt cách, phong thái và tâm hồn của người viết. Nếu sử dụng một câu đối cao sâu về tư tưởng và bài trí thích hợp thì tạo ấn tượng khó quên và dễ đi vào lòng người. Do đó, việc thích nghi dùng câu đối trong trang trí phụng vụ, nơi trang nghiêm và thánh thiêng vào dịp Tết dân tộc âu cũng là việc nên làm.

Vì nhiều lý do mà nét văn hoá viết và bài trí câu đối dường như đã mai một theo thời gian. Hiện nay, để viết, cảm nhận và trang trí câu đối cho đúng gặp rất nhiều khó khăn. Xin được trình bày đôi nét về câu đối.

5. Câu đối

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị lý tưởng, ý chí, quan điểm, tình cảm của người viết trong một bối cảnh, biến cố, môi trường sống. Nên lưu ý là từ đối (對) ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Trung Quốc và Việt Nam.

Câu đối có nguồn gốc từ người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi câu đối là “đối liên” (對聯). “liên” (聯) có khi đọc là liễn, có nghĩa là câu đối. Tên gọi xưa của câu đối là “đào phù” (桃符).

Cách viết: Khi viết câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo nguyên tắc sau thì đôi câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân.

- Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành 1 cặp sóng đôi.
- Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh âm và từ loại:
+ Về thanh âm: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.
+ Về từ loại: thực tự (tự là chữ) phải đối với thực tự; hư tự phải đối với hư tự; danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ … Nếu vế đối này có dùng chữ Hán Việt thì vế kia cũng phải dùng chữ Hán Việt ...

- Đối vế: Một câu đối gồm hai vế sóng đôi. Nếu câu đối do một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia đối lại thì gọi là vế đề và vế đối.

Số chữ trong câu đối không nhất định là bao nhiêu chữ. Theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau: câu tiểu đối (là những câu 4 chữ trở xuống), câu đối thơ (là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn), câu đối phú (là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có: song quan, cách cú, gối hạc hay hạc tất).

Cách treo: Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối cùng của vế trên (khi treo là câu bên trái của người đọc) là thanh trắc; còn chữ cuối cùng của vế dưới (khi treo là câu bên phải của người đọc) là thanh bang.

Ví dụ:
Tân Xuân Thánh Thiện (vế trên, treo bên trái của người đọc – thanh trắc)
Năm Mới Phát Tài (vế dưới, treo bên phải của người đọc – thanh bằng)

Lưu ý: Nếu là câu đối hoàn toàn chữ Hán thì vế trên (vế đề - chữ cuối thanh trắc) phải treo bên phải của người đọc (vì người Trung Quốc ngày xưa viết từ phải qua).

Xin được trích dẫn một số câu đối được sử dụng vào dịp Tết trong tuyển tập “Câu Đối” của Trần Quang Chu:

1. Tết Bình An Vạn Sự Như Ý
Xuân Thánh Thiện Ơn Chúa Thỏa Lòng

2. Năm Cũ Bước Qua Bao La Ân Sủng Chúa
Năm Mới Bước Lại Rộng Rãi Nghĩa Tình Người

3. Xuân Thánh Thiện Chúa Thương Gia Đình Thuận Thảo
Tết Đạo Đức Mẹ Giúp Giáo Xứ Thịnh Cường

4. Xuân Lại Đến Nhớ Mùa Xuân Trên Thiên Quốc
Tết Lại Về Mơ Tết Nhứt Trên Nước Chúa Hiển Vinh

5. Vui Tết Đến Ơn Chúa Phát Tài Phát Lộc
Mừng Xuân Sang Lộc Thánh Gặp Phước Gặp Lành

6. Mừng Xuân Vạn Sự Như Ý Chúa
Vui Tết Mọi Bề Đẹp Ý Cha

7. Xuân Về Thêm Tuổi Thêm Nhân Đức
Tết Đến Thêm Phúc Thêm Khôn Ngoan

8. Một Năm Qua Chúa Thứ Tha Bao Lỗi Lầm Thiếu Sót
Một Năm Mới Con Cám Đội Bao Hồng Ân

Cuối cùng xin kính gởi đến mọi người lời kính chúc qua câu đối:

Tân Niên Đến Chúa Ban Bình An Cho Nhân Loại
Nhâm Thìn Về Mẹ Giữ Hạnh Phúc Với Đàn Con

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

Read 1638 times Last modified on Thứ bảy, 14 Tháng 1 2017 19:20