Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 20 Tháng 12 2017 15:30

Một lần bên giường bệnh Linh mục Nhạc sĩ Thiên tài Hoài Đức

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
      Kỷ niệm 10 mùa Giáng Sinh vắng bóng Cha nhạc sĩ Hoài Đức:

Kỷ niệm 10 mùa Giáng Sinh vắng bóng Cha nhạc sĩ Hoài Đức:

Lời nói đầu: Giáng sinh năm nay, Giáng sinh thứ 10 Linh mục Nhạc sĩ Hoài Đức về Nhà Cha trên trời, vắng bóng trên dương gian (Cha mất ngày rất đẹp- Ngày ‘tam bảy’: 07.07.2007 mà theo truyền thống Kinh thánh số 7 là số hoàn hảo, đầy đủ), dẫu vậy những bản Thánh ca, cách riêng ‘tuyệt tác’ Thánh ca ‘Cao Cung Lên…” đã thẫm đẫm trong lòng dân tộc dường như bất tử, lại dạy vang mỗi lần Mừng Chúa Giáng sinh.

Bài viết dưới đây, theo tác giả được viết trong những ngày tháng cuối cùng của Cha nhạc sĩ còn nằm giường bệnh với tất cả lòng ngưỡng mộ, trọng kính… một ‘anh hùng’ Đức tin, đồng thời ít nhiều là ‘nạn nhân’ của thời cuộc.

Tác giả cho biết bài đã được đăng hai kỳ trên Nhật báo Người Việt, Mỹ. Được phép của tác giả, xin được đăng lại như một nén nhang tỏ lòng kính yếu với Cha cố Giuse Thánh thiện- nhac sĩ Hoài Đức.

@@@

Tôi nhận được “meo” của một anh bạn báo cho biết, Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức còn sống, hiện đang hưu tại nhà hưu dưỡng Hà Nội (sau nhà thờ ngã sáu Chợ Lớn, Sài Gòn).

Nhạc sĩ Hoài Đức- lớp nhạc sĩ đàn anh tiên phong trong buổi hừng đông của Thánh Ca Việt Nam, rộng hơn là nền tân nhạc nước nhà bây giờ còn sống ư? Nhạc sĩ Hoài Đức, tác giả của nhiều bản thánh ca bất hủ mà tôi hay “nghêu ngao” hát từ khi tấm bé (như Bài Cao Cung Lên, Mùa Đông Năm Ấy, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương...) vẫn còn sống và đang hưu ngay gần nơi tôi sống, thế mà tôi đâu biết (!)...

Thông tin quá bất ngờ và thật vui mừng, tôi tranh thủ ghé thăm ngài. Một người bạn “ông thầy” (Thầy đại chủng sinh đang học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn), biết tôi có ý định đến thăm cha Hoài Đức “xin” cùng đi.

* Ngài “Đệ nhất hạng Bội Tinh” thầm lặng:

Khu hưu dưỡng Linh mục Hà Nội (nơi đã từng cưu mang chủng sinh Hà Nội hồi di cư vào Nam năm 1954) khá lặng lẽ, vắng vẻ. Người phụ trách cho biết, nhà hưu đang hưu dưỡng 11 cha nhưng hôm nay có lễ giỗ nên 9 cha mạnh khỏe đi dâng lễ, hiện nhà chỉ còn 2 cha già bệnh nặng, không đi được, cha Hoài Đức (tên thật là Giuse Lê Đức Triệu, sinh năm 1922) ở ngay phòng đầu dãy C (phòng 01C).

Nhìn cha đang say giấc nồng, khuôn mặt thanh tú ngày nào giờ hốc hác, người khô gầy thấy mà chao lòng! Cô Lê Thị Quế (cháu ruột gọi cha bằng chú) luôn túc trực bên cạnh cha chú chăm sóc từ ngày cha đột qụy, rũ liệt yên một chỗ. “Cha vào nhà hưu đã 8 năm. Dạo này ngài ăn cũng được lắm, mỗi bữa lưng hai bát cháo... Được cái ngài hiền tính lắm, ăn uống cũng dễ. Sáng nào ngài cũng ngồi xe lăn đi dự lễ. ”, cô Quế cho biết.

Nhiều năm nay ngài không thể trò chuyện được nữa, tự ngồi cũng không được. Thỉnh thoảng có người đến thăm, nhắc lại chuyện xưa, nhớ đến những bài thánh ca để đời của Hoài Đức, cha nghe được, hiểu hết nhưng chỉ đáp lại bằng mếu, khóc và cười. Nhà thơ nhà báo Lê Đình Bảng cho biết: “Tôi nhớ những năm cha đi tù về (ngài bị bắt đi cải tạo từ 1976-1987-NV), ở trên gác xép nhỏ đường Lê Văn Sĩ, hằng tuần tôi đến thăm. Lúc ấy, Hoài Đức còn là Hoài Đức nguyên vẹn cả xác lẫn hồn. Mỗi buổi hội thảo, lễ lạc, tôi đều gởi giấy mời và vô cùng mừng rỡ khi thấy cha lết tấm thân tàn đến dự. Ông khóc vì thiên hạ chưa quên ông...”.

Được biết thời trước (trước năm 1975) cha là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, đảm trách chức vụ quản lý Toà Tổng Giám mục Buôn Ma Thuật, nguyên giám đốc Caritas của giáo phận - một tổ chức chuyên hoạt động xã hội trong lĩnh vực từ thiện, bác ái. Cha hoạt động nhiệt tình và quản đại, đã góp xây nhiều thành quả bác ái xã hội thiết thực cho người nghèo. Chính quyền lúc đó (trước 1975) ghi nhận những đóng góp của cha, đã trao tặng cha huy hiệu “Đệ Nhất Hạng Xã Hội Bội Tinh”. Ngày 8.9.1970, dưới sự chủ toạ của Đức Giám mục giáo phận, đại tá tỉnh trưởng Darlac nhân danh chính phủ đã trao cho Linh mục Lê Đức Triệu “Đệ nhất hạng Bội Tinh” cao quý này.

Có một giai thoại vui, trong ngày trao Bội Tinh: khi gắn Bội Tinh lên ngực cha xong, viên đại tá vừa quay đi về chỗ, cha Triệu liền tháo ngay Bội tinh ra bỏ vào túi áo chùng thâm. Thấy vậy có người “thốt” lên “ấy chết, sao cha lại tháo Bội tinh ra ngay vậy, xin cha đeo vào cho tới hết cuộc lễ và đề chúng con chụp ảnh cái đã”, cha cười hiền, khiêm tốn: “Thôi, nhà tu chúng tôi làm điều thiện thì cũng là do bổn phận và trách nhiệm đối với Giáo Hội, với xã hội và đặc biệt cho dân nghèo không phân biệt lương giáo. Cảm ơn quý ông có lòng ưu ái, nhưng miễn cho tôi việc phải đeo Bội tinh và chụp ảnh”.

Trong một bài hồi ký viết về cha, lớp hậu sinh Vũ Sinh Hiên nhận định: “Với khả năng huy động tài chánh, cha Triệu đã thực hiện nhiều công trình cho công tác xã hội trong phạm vi giáo phận. Ngài cho mở những quán cơm xã hội cung cấp những bữa ăn rẻ tiền mà đủ chất dinh dưỡng cho giới bình dân, đặc biệt là anh em công nhân, binh sĩ, học sinh tại thị xã Buôn Ma Thuật. Ngài cho mở nhà dưỡng lão chăm sóc các cụ già neo đơn... Những hoạt động xã hội này đã đem lại một khí thế, một nét đẹp trong sinh hoạt của giáo phận còn non trẻ vừa mới được tách ra khỏi giáo phận Kontum từ năm 1967”

“Ngài Bội tinh” tài đức một thời thế đấy, bây giờ chỉ còn tấm thân tàn lụi, hoi hóp, có phần hiu quạnh. Có thể nói ngài có công lớn đối với hoạt động xã hội nhưng dường như xã hội đã quên ngài rồi (!?). Một việc làm bác ái xã hội cho người kém may mắn thời nào cũng cần, xã hội nào cũng khuyến khích nhưng thời thế thay đổi, ở mỗi thời thế có cái nhìn, đánh giá khác, có khi mâu thuẫn.

Anh bạn “ông thầy” đi cùng tôi bỗng trầm ngâm đầy tiết lý: “Thế nào là tốt, thế nào là chân lý? Dường như chân lý- sự thật không còn quyết định tự bản chất của nó mà là lệ thuộc vào kẻ mạnh, người chiến thắng ?”. Anh hỏi tôi, tôi biết hỏi ai? Giá mà “ngài bội tinh” còn khoẻ mạnh, nói được nhất định tôi sẽ chuyển thắc mắc của bạn tôi để ngài lý giải.

* Thánh ca Hoài Đức- Một thời để nhớ

Thánh ca Hoài Đức hầu như đã đi vào máu thịt giáo dân Công Giáo Việt Nam. Có lẽ không một tín hữu người Việt nào, ngay từ nhỏ lại không mấp máy trên môi hoặc chưa từng nghe những bài thánh ca bất hủ như Cùng Đi Bêlem, Mùa Đông Năm Ay, Ngắm Mình Thánh Chúa, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương... đặc biệt ca khúc Giáng Sinh “Cao Cung Lên”- ca khúc đã đưa tên tuổi Hoài Đức lên tột đỉnh. Nếu bên trời Tây, bên Mỹ có ca khúc bất tử về Giáng Sinh như Silent Night, Jingle Bell thì bầu trời Việt Nam cũng có những vì sao sáng như Đêm Đông của Hải Linh và Cao Cung Lên của Hoài Đức, chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng ngừơi.

Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức sáng tác Thánh ca để đời không bằng số lượng mà là bằng chất lượng tác phẩm. Chúng tôi có trong tay tác phẩm Thánh ca toàn tập của ngài, vỏn vẹn có 86 bài, nếu kể thêm 5 bài nhạc sinh hoạt nữa, cộng lại thì toàn bộ cuộc đời sáng tác của ngài có thảy 91 bài. Tuy nhiên nhiều ca khúc của ngài luôn đi vào lòng người, luôn có giá trị thiết thực, vượt thời gian, ngày nay vẫn luôn được Nhà thờ dùng trong phụng vụ. Không có mùa Noel nào lại không nghe những ca từ du dương của nhạc sĩ Hoài Đức: “Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa, hoà trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương...”(bài Cao Cung Lên) hay “Kìa trông huy hoàng vì sao chiếu soi gần xa khắp miền...” (Cùng Đi Belem) hoặc “Mùa đông năm ấy, sao sáng soi cuối trời, mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời...” (Mùa Đông Năm Ấy)... Và trong các buổi chầu Thánh Thể, có ý cầu xin cho Đức Giáo Hoàng thì thánh ca “Này Con Là Đá” vẫn luôn chủ lực. Thậm chí bài sáng tác đầu tiên của ngài “Thánh tâm Giêsu vua đất Việt” (năm 1945) trong hoàn cảnh chinh chiến, ngày nay vẫn còn nhiều nơi sử dụng. Nhạc sĩ Hoài Đức có lòng tôn kính đức Mẹ cách đặc biệt, ngài đã dành nhiều sáng tác về Đức Mẹ. Trong các thể loại thánh ca, thánh ca về Đức Mẹ được ngài sáng tác nhiều nhất (18 bài).

Theo Lê Đình Bảng, người có công sưu tầm, tìm hiểu Thánh ca Hoài Đức, có thể chia cuộc đời sáng tác cùa ngài làm 3 giai đoạn, 3 mảng đề tài:

+ Giai đoạn 1-Những ca khúc ngẫu hứng (1945-1949), dù mang tính gẫu hứng nhưng có những bài ca xuất thần, giá trị vượt thời gian như bài Thánh Tâm Giêsu Vua Đất Việt, Thiếu Nhi Công Giáo VN, Cung Chúc Chúc Trinh Vương, Đêm Đông Âm U... cách riêng nhạc phẩm Cao Cung Lên(Giáng Sinh 1945).

+ Giai đoạn 2- Những ca khúc bài bản (1950-1975), điệu nhạc giản dị, hứơng hẳn về bình ca, lời ca lấy từ sách Kinh nguyện, Thánh Kinh, Ca vịnh. Những bài ca nổi tiếng: Bí Tích Nhiệm Màu, Ngắm Mình Thánh Chúa, Thờ Lạy Chúa... và những ca khúc vê Đức Mẹ

+ Giai đạon 3 (1977-1987)- Những Ca Khúc Lặng Thầm: đây là thời kỳ ngài bị giam tù, sáng tác chuyển hẳn sang thể loại hợp xướng. Có thể kể một số bài: Cho Đến Bao Giờ (CaVịnh (CV) 12), Con Thức Trông Cậy Chúa (CV 62); Hỡi Toàn Cầu (Thánh Vịnh (TV) 99), Lạy Chúa Đừng Trách Mắng Con (TV 6); Nếu Chúa Không Ơ Lại (TV 123), Ngồi Bên Bờ Sông Babylon (TV 136)... Hầu hết những bài thánh ca hợp xứơng sáng tác trong giai đoạn này chưa được trình làng, còn con xa lạ với giáo dân.

Chính những ca khúc giản dị, di vào lòng ngừơi từ các bài Thánh ca, nói riêng những sáng tác của cha Hoài Đức đã hun đúc, nuôi dưỡng lòng đạo đức của bao người, bao thế hệ. “Thủa nứt mắt, lớn lên tôi được hát thánh ca, thứ âm nhạc cách tân bằng tiếng mẹ đẻ. Đi đến đâu, ở bất cứ cộng đoàn nhà thờ xứ đạo, tôi đều được nghe, được thấy, được hát, được sống, được cảm nhận, đựơc rung động đến ngây ngất của thánh nhạc thánh ca. Nếu cơm gạo đã nuôi lớn tôi phần xác tì lời ru, tiếng đàn bầu của cha và thánh nhạc thánh ca nhà thờ xứ đạo đã nuôi tôi phần hồn... Xin cảm ơn các nhạc sĩ Công Giáo, các nhạc sĩ Công Giáo Việt Nam, xin cảm ơn riêng Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức- qua những bài thánh ca phụng vụ- đã giữ gìn tôi, đã giúp thân phận bèo bọt của tôi biết yêu nỗi cô đơn, biết sống trong lặng thầm khốn khổ, biết chạy đến với thiêng liêng” (Lê Đình Bảng)

Chúng tôi chào ngài ra về, khi bước ra khỏi phòng cha nhạc sĩ Hoài Đức, tôi sực nhớ đến ca từ trong nhạc phẩm “Thân phận Linh mục” (Hoài Đức): “Linh mục là người nên người ơi âm thầm vào đời, âm thầm vào đời, âm thầm vào đời. Xin nhớ Linh mục là người trần... người trần rồi sẽ bơ vơ. Người trần rồi sẽ cô đơn, sẽ chìm xuống trong tiếng kinh chiều bên bóng giáo đường đổ dài lê thê... Linh mục dù là người nhưng người ơi Linh mục đời đời, Linh mục đời đời...”

Thế ư, cha Hoài Đức đã thấy trước, đã biết trước “Thân phận Linh mục” nhưng ngài vẫn chấp nhận và không quảng ngại dấn thân. Dù thân xác úa tàn theo năm tháng, dù bệnh tật đã tiêu hao nhiều giác quan, sức khoẻ, nhưng tôi tin, Đức tin của ngài vẫn cường tráng, sống động như những lời ca bất hủ ngài cưu mang, sáng tác. Bằng chứng dù bệnh tật, đau yếu sáng sáng ngài vẫn ra dấu bảo cô cháu đẩy xe lăn để ngài được Dâng Hy tế Tạ ơn (Thánh Lễ).

* Phỏng vấn tác giả “Cao Cung Lên”

(Mạn phép trích dùng bài phỏng vấn của ông Lê Đình Bảng, thực hiện Noel 1996)

PV- Cao Cung Lên (CCL) là một hiện tượng, một trong những bản Thánh ca Giáng Sinh đựơc nhiều người biết, hát thuộc lòng và mến mộ nhất. Cha có thể cho biết thời gian sáng tác và cảm hứng lúc ấy?

Linh mục Hoài Đức (Lm.H.Đ): Năm 1945, Đại chủng viện Xuân Bích tạm đóng cửa, vì quân đội Trung Hoa chưng dụng cơ sở chủng viện đê đóng quân, các chủng sinh phải sơ tán về nhà quê, địa phương gần đó. Tôi về Bút Đông (Nam Định cũ-NV), xứ sở của Linh mục bảo dưỡng tôi là Linh mục Trần Tiến Đức, và qua Noel năm 1945 ở đó. Cũng chính thời kỳ đó, tôi bắt đầu tập tễnh làm quen với sáng tác Thánh ca. Một lần, tôi cùng với cộng đoàn giáo hữu đọc kinh chiều và làm giờ viếng hang đá vừa xong, giữa lúc mọi người về thì hồi chuông nguyện nổi lên. Lúc ấy tôi cũng đang bước trên bậc thang từ trên nền nhà thờ xuống sân bên ngoài, bỗng nhiên trong trí óc tôi nảy ra một cung điệu phản phấc âm thanh của tiếng chuông đang ngân vang trên tháp chuông. Tôi liền bước chậm lại và thả hồn theo tứ nhạc đó, khi xuống tới sân nhà thờ thì trong trí óc đã hình thành xong đoạn điệp khúc CCL. Ngay lúc đó, tôi về phòng riêng chép lại điệp khúc đó và phiên khúc 1 của bài hát thì nguồn cảm hứng tắt ngấm. Tôi liền đưa bản nhạc cho Nguyễn Khắc Xuyên xem, vì Nguyễn Khắc Xuyên cũng đang ở Bút Đông. Nguyễn Khắc Xuyên khen tứ nhạc hay và hợp với bầu khí Noen, liền nhận lời đặt mấy phiên khúc sau. Nên người nào tinh ý sẽ nhận thấy ngay văn phong của những phiên khúc sau có đôi chút khác với văn phong của điệp khúc và phiên khúc 1.

PV- Đấy là trang mở đầu của những bài thánh ca bằng tiếng Việt. Như vậy, thưa cha, trong điều kiện còn manh nha, việc khơi dòng thật khó. Vậy chứ, trường hợp và động cơ nào thúc đẩy cha đến với thánh nhạc thánh ca?

Lm H.Đ- Có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên. Suốt 6 năm tu học ở Tiểu chủng viện Latinh Hoàng Nguyên, tôi không có gì xuất sắc về âm nhạc. Cũng có được tập đàn harmonium vài năm, sau vì kém mắt nên xin thôi. Tiếng thì khàn khàn, đục đục, lại ương ương, không thể hát hay được. Năm 1945, vì thời cuộc phải tạm nghỉ học triết lý ở Đại chủng viện Xuân Bích, tôi về với cha nuôi xứ Bút Đông, có Nguyễn Khắc Xuyên vốn quen biết Hùng Lân rồi. Tôi chưa có ý niệm gì về việc sáng tác nhạc cả. Nhưng chỉ có tấm lòng ước ao khao khát hoà bình cho đất nước, trước mắt là mong có hoà bình để mau được về tiếp tục học tại Đại chủng viện. Với tâm tình đạo đức cầu nguyện đó, và với cái vốn ít ỏi hiểu biết về nhạc lý cộng với chút hiểu biết sơ đẳng về tư tưởng thần học, tôi nghêu ngao mấy câu để cầu nguyện xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu ban cho đất nứơc VN được hòa bình. Khi đã thành hình một bài hát, tôi ghi lại và đem gởi cho anh Hùng Lân làm lễ ra mắt để xin gia nhập nhạc đoàn. Cũng vì thế mà lúc đầu bài hát ấy như sau: “Giêsu, dưới chân Chúa con sấp mình, muôn vàn thiết tha dâng lòng thờ kính. Lòng còn tha thiết tháng năm sống đời an ninh. Chúa ơi nỡ tâm ngoảnh mặt làm ngơ sao đành”. Đến sau tôi phải sửa lại thế này: “Giêsu, chúng con tới đây sấp mình, chân thành dâng Chúa tấm lòng thờ kính, đoàn con mong ước tháng năm sống đời an ninh, Chúa ơi hãy ban xuống cho VN thanh bình”

Được anh Hùng Lân khích lệ và chỉ dẫn dần dần, tôi bước vào con đường sáng tác từ đấy, nhưng vẫn không có ý sống trong âm nhạc, và chỉ sáng tác những khi nào có hứng thực về chủ đề nào nảy ra trong trí óc, và tâm hồn sống với chủ đề đó. Không ham muốn sáng tác nhiều bài.

PV- Cha có thể phác hoạ lại hoàn cảnh lịch sử và những năm đầu của Thánh nhạc thánh ca Việt Nam ?

Lm H.Đ- Có khi phải lấy thời điểm năm 1940. Trước thời điểm đó chưa có Thánh nhạc Việt Nam. Khi nói đến Thánh nhạc là phải nói đến những bài hát trong phụng vụ. Mà tất cả nền phụng vụ bấy giờ đều được cử hành bằng tiếng Latinh. Thánh Lễ, chầu Thánh Thể phải đọc hay hát bằng tiếng Latinh. Những bài hát đều lấy từ cuốn Paroissien Romain hay cuốn Cantus Pro Festis Solemnioribus, hoặc là cuốn Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, và trong giờ chầu Thánh Thể thì hát những bài in trong sách Cantus Selecti Ad Bennedictionem, hoặc cuốn Cantus ad Bennedictionem (quen gọi là cuốn Biton). Đôi khi đựơc hát những bài không phải là tiếng Latinh thì hát bài bằng tiếng Pháp, chủ yếu là lấy trong cuốn Cantiques de la Jeunesse. Còn những bài hát bằng tiếng Việt thì chưa có, hay nói cách khác là chưa có ai làm ra cả. Trong miền Nam có cha Phaolô Quy và Phaolô Đạt có làm một ít bài: Thanh niên với Đức Mẹ, Thanh nên với Chúa Hài Đồng, tập cho các chủng sinh Latinh Hoàng Nguyên, hát được một vài lần rồi cũng rơi vào quên lãng.

Năm 1943 hay 1944, có một Linh mục cao tuổi, quen gọi là Cha Già Vượng, ở xứ Nam Định, một mình đã cho ấn hành những 10 cuốn Thánh ca, gồm có những bài ca lấy cung diệu ở những bài ca tiếng Pháp, hay tiếng Latinh, còn lời ngài đặt bằng tiếng Việt Nam, giọng văn đơn sơ, mộc mạc, đã được phổ biến mạnh trong một thời gian.

Còn kể đến bài hát bằng tiếng Việt Nam mà chưa được hát chính thức trong nhà thờ thời ấy, là bộ ‘Vãn Dâng Hoa’, được các hội Dâng hoa các nơi sử dụng trong mùa hoa tháng 5. Nhưng không phải là các bài Thánh ca phụng vụ, chỉ hát để dâng hoa kính Đức Mẹ. Có nhiều bộ Vãn Dâng hoa, ở địa phận Hà Nội thì khác, ở Bùi Chu thì lại khác. Có khi trong một địa phận, mỗi xứ hát một hay hai Vãn Dâng hoa khác nhau, đặc biệt về ngôn từ và cung điệu.

Tóm lại, các nghi lễ thời ấy đều làm bằng tiếng Latinh, với Linh mục chủ tế trên bàn thờ, còn giáo dân chỉ biết đọc kinh, ngắm lễ bằng tiếng Việt Nam, chứ hát lời kinh bằng tiếng Việt Nam thì chưa có, ngoại trừ ca Vãn Dâng hoa.

Rồi vào năm 1940 rở đi, đã xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn, nghĩa là do người Việt Nam soạn cả phần nhạc và lời, như Lê Thương với bài Đàn Xuân, Đặng Văn Hân với bài Men Cùng Sườn Non, Thẩm Oánh với bài Tâm Hồn Anh Tìm Em, rồi tới những bài hát Hướng đạo của nhóm Hoàng Quý, như trên Sông Bạch Đằng, Lửa Rừng Đêm, Nhớ Quê, tiếp những bài ca ái quốc như Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, Tiếng Quân Ca của Văn Cao, nung nâu lòng yêu nước của mọi người nhất là những thanh niên có học. Đang lúc ấy, Hùng Lân với Thiên Phụng là những thanh niên vào lứa tuổi 20, đã nghĩ ngay đến việc tập hợp một số anh em để thành lập một nhạc đoàn chuyên soạn ra những bản Thánh ca hoàn toàn Việt Nam thay cho những bài Thánh ca tiếng nước ngoài như trước, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập tự do của người Việt Nam, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời từ đó.

PV- Cha có thể nhớ lại một số tác phẩm mà cha đã sáng tác từ thủa ban đầu cho đến ngày hôm nay?

Lm.H.Đ- Vì có chủ trương không ham sáng tác nhiều nên tôi nhớ mang máng con số những bài hát tôi sáng tác chỉ vào chừng 80 bài thôi; còn một số bài tôi đã nháp rồi thấy không ưng ý hay không thích nữa thì tôi bỏ luôn, cũng vào khoảng ba bốn chục bài nữa. Tôi nói thêm rằng: Thời gian sáng tác nhiều nhất là thời gian học ở Đại chủng viện, “ăn cắp” giờ học riêng để làm bài hát. Nhưng luật chủng viện không cho phép, các cha giáo sư nghiêm ngặt về vấn đề đó, thậm chí đã có cha giáo khám túi chủng sinh xem có tờ giấy nháp nào về bài hát không. Đến khi làm Linh mục rồi, ra làm việc mục vụ thì rất ít có cơ hội để sáng tác cho ra hồn nữa. Đó là kinh nghiệm của riêng tôi thôi.

Bài ảnh: Diệu Tâm

(*) Lưu ý: Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách lưu hành nội bộ “Thánh Ca Hoài Đức- Một Thời Để Nhớ”, được uỷ quyền sở hữu cho ông Phanxicô Assidi Lê Đình Bảng.

Nguồn: conggiao.info

Read 1676 times Last modified on Thứ năm, 21 Tháng 12 2017 14:21