“Chào mừng trại Rắn Mac Rim! Hôm nay Quí vị sẽ được thấy Rắn Hổ Mang tuyệt vời!”. Giọng cô MC lẫn vào tiếng nhạc kỳ quặc được phát đi phát lại trong suốt xuất diễn kéo dài nửa giờ. Người dạy Rắn bước vào sởi (giống vòng đai võ đài) như một vị chủ tọa.
“ Tôi là người dạy Rắn! “. Ông ta hét lên và ra hiệu cho anh phụ tá người Mỹ, thả 3 con Rắn Hổ từ túi gai vào trong sởi. Manut găm ánh mắt thôi miên lên 3 con Rắn. Khách xem ngồi chỉ cách chừng 1 mét, mải mê tận hưởng cảnh biểu diễn hồi hộp. Người dạy Rắn cắn mạnh vào đầu con Rắn Hổ Mang như nhai một cục kẹo. Cô MC cười đùa để tăng thêm phần khích động: “ Con Rắn sẽ nhả nọc độc vào miệng ông ta! Nhưng chắc nó không thích hơi thở của ông ấy đâu! “. Đám đông cười ồ! Anh chàng phụ tá gỡ 2 con Rắn cuốn quanh đầu, cổ thày và ném chúng vào lại túi gai. Sau màn trình diễn rợn người, thày dạy Rắn phun lại nọc độc vào miệng con Rắn Hổ, trong khi khán giả đua nhau chụp hình…. Đây là màn biểu diễn hấp dẫn tại trại nuôi Rắn Mac Rim, Chiang Mai Thái Lan. Quí vị đi Du lịch Thái Lan chắc sẽ được hướng dẫn tới đây thưởng lãm.
Qua màn trình diễn trên, xem ra trong 12 con giáp, Rắn làm ta khiếp sợ tránh xa, không thể chung sống thân thiết như chó, mèo, trâu, ngựa…Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu sẽ thấy Rắn rất hữu dụng cho y học và được tôn kính như 1 linh vật còn hơn cả tứ linh: long, lân, qui, phụng. Vậy ta hãy tìm hiểu về loại động vật này xem sao.
Rắn là loài bò sát không chân, ăn thịt cả những con mồi to hơn sau khi phun nọc độc làm tê liệt con mồi. Da phủ kín thân dùng di chuyển. Hai hay ba tháng Rắn lột da một lần để tăng trưởng và loại bỏ ký sinh trùng. Nhưng không phải tất cả loại Rắn đều độc. Trên thế giới có hàng ngàn loại Rắn, nhưng chỉ có khoảng 350 loại Rắn độc. Nhiều Rắn nhỏ như giun và nhiều con to lớn như trăn. Mới đây con Rắn Habu làng Onna bên Nhật dài gần 3m được cho là kỷ lục thế giới. Thịt Rắn nạc, nhiều chất đạm là đặc sản của các bợm nhậu qua các món khoái khẩu như nướng trui, hầm sả hay nấu cháo… Mật và máu Rắn pha hay ngậm rượu là thuốc bổ các đại gia ưa chuộng.
Rắn có nhiều màu sắc khác nhau, đôi khi có thể biến đổi màu sắc ngụy trang cùng màu với nơi ẩn núp khiến các con mồi và cả người dễ bị lừa. Rắn cùng họ tương cận với thằn lằn, tắc kè, trăn và theo các nhà cổ sinh vật học còn cho Rắn chính là hậu duệ loài khủng long tiền sử đã thoái hóa qua hàng triệu năm.
Tại Việt Nam có nhiều loại Rắn- nhất là Miền Tây Nam Bộ- chỉ riêng loại Rắn Hổ đã chia chia thành nhiều loại khác nhau nào Hổ Mây, Hổ Ngựa, Hổ Hành, Hổ Đất, Ri Cá, Ri Voi, Rắn Lục, Rắn Cườm. Biên giới Miên-Việt chợ bán Rắn là loại thực phẩm được nhiều người ưa dùng.
Các nhà nghiên cứu về Rắn tìm thấy 10 loại Rắn kỳ lạ nhất trên thế giới:
(1)Rắn Langaha mũi giống hình chiếc lá.
(2)Rắn viền đỏ Cali màu sặc sỡ rất đẹp.
(3)Rắn Nam Mỹ màu xanh lá cây.
(4)Rắn mù đảo Madagasca thân trong như giun.
(5)Rắn Liochidium màu hồng sáng.
(6)Rắn bạch tạng Nelsoni, Mexico thân khoanh nhiều vòng đỏ.
(7)Rắn san hô màu xanh da trời vùng Đông Nam Á.
(8)Rắn voi da sần sùi tại Bắc Úc, Tân Giunea và ĐNA.
(9)Rắn Viper nơi cồn cát sa mạc Negev, Irael.
(10)Rắn hay trăn bạch tạng Burmese to và khỏe, rất nguy hiểm.
Rắn không phải là gia súc gần gũi loài người, nhưng ghi lại trong tục ngữ ca dao Việt Nam rất phong phú và đa dạng:
Để chỉ hạng người chuyên dùng miệng lưỡi ám hại người khác:
-Miệng hùm nọc rắn- Miệng người bằng mười nọc rắn.
Ở đời coi chừng những kẻ ta quí mến giúp đỡ tận tình đôi khi quay lại hại ta vì họ biết rõ những yếu điểm của ta:
-Ấp rắn trong lòng, nuôi ong tay áo.
Chỉ những kẻ bán nước cầu vinh như Lê chiêu Thống, Trần ích Tắc xưa hay bọn đầu xỏ CSVN ngày nay:
-Cõng rắn cắn gà nhà.
Qua câu ‘Rắn già rắn lột, người già người tọt vô săng’ có huyền thoại sau:
‘Xưa kia người và rắn sống chung nhau hòa thuận, nhưng mức sinh sản tăng quá mau không đủ lương thực cung cấp. Ngọc Hoàng liền sai Thiên Lôi xuống trần giải quyết và phán:’ Người già người lột, rắn già rắn chết’. Loài rắn rất tinh quái nghe nói sợ hết hồn tìm cách hối lộ Thiên Lôi, nên khi hạ trần Thiên lôi đổi câu phán của Ngọc Hoàng ngược lại ‘Rắn già rắn lột, người già người tọt vô săng’. Từ đó con người phải chết vì nạn tham nhũng tràn lan, nhất là bọn Trung Cộng và Việt Cộng.’
Còn những ai tin tử vi tướng số cho là tuổi Hợi tuổi Tỵ an nhàn chỉ nằm khàn hưởng lộc hãy nghiền ngẫm câu này:
-Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây,
Nằm khoanh trong bọng có hay việc gì ?
Cùng nghĩa với câu ‘Phú quí sơn lâm hữu khách tầm’ ca dao có câu:
-Khó khăn ở quán ở lều,
Bà cô ông cậu chẳng điều hỏi sao.
Giàu sang ở tận bên Lào,
Hùm tha, rắn cắn tìm vào cho nhanh.
Để diễn tả nỗi khó khăn cực khổ người dân Miên Tây Nam bộ khi xưa đã thốt ra lời:
-Muỗi kêu như sáo thổi-
Đỉa lội như bánh canh-
Cỏ mọc cộng thành tinh-
Rắn đồng đà biết gáy.
Nhưng bù lại lương thực dồi dào vì
‘Của kho vô tận biết ngày nào vơi’:
-Cần chi cá lóc cá trê,
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều!
Và nhìn rắn bơi như đỉa, người con gái miền sông nước đã khéo ví von lòng chàng trai đối với mình:
-Rắn có chân rắn biết, ngọc ẩn đá ngọc hay.
Biết thời biết mặt, nào hay biết lòng!
Đến khi hiểu rõ tâm địa chàng Sở Khanh, người con gái thốt ra một chuỗi câu từ chỗi:
-Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng,
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi,
Năm sôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà be rượu nuốt người lao đao…
Và… bao giờ trạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thời ta lấy mình!
Ôi thật là thiện tai! Thiện tai!
Qua những câu ca dao, tục ngữ nêu trên, ta thấy Rắn không được cảm tình của người nên bị gán ghép cho những điều xấu. Nhưng năm nay Quí Tỵ là năm con Rắn, nhiều người Việt tin rằng Rắn sẽ mang lại may mắn nên tranh nhau đi mua Rắn dự trữ cầu may.
Trong lịch sử Việt Nam còn truyền tụng nghi án Lệ Chi Viên đưa đến cái chết ‘Chu di tam tộc’ thảm khốc của văn hào công thần Nguyễn Trãi do Rắn trả thù.
‘Truyện kể rằng Nguyễn phi Khanh thân phụ Nguyễn Trãi, khi phát quang khu vườn nhà đã cho học trò giết chết 1 bày rắn con mới sinh. Rắn mẹ trốn thoát, sau hóa thân thành Thị Lộ làm thiếp Nguyễn Trãi để trả thù. Nàng Thị Lộ xinh đẹp văn tài nên được nhà vua sủng ái. Một ngày kia vua Lê thái Tông du ngoạn miền Côn Sơn phong cảnh hữu tình, nơi Nguyễn Trãi về hưu sống cùng Thị Lộ. Vua cho vời Thị Lộ đến Lệ Chi Viên xướng họa thơ văn suốt đêm và đến sáng nhà vua băng hà khi mới 20 tuổi. Triều thần cho rằng Nguyễn Trãi âm mưu cùng người thiếp giết vua, nên ông và toàn gia quyến bị kết án Chu di tam tộc. Mãi sau này vua Lê thánh Tôn lên ngôi mới rửa oan cho ông và truy tặng tước ‘Tán trù bá’. Thực ra đây là âm mưu tranh đoạt tước vị Thái Tử cho con mình của các bà Hậu, Phi. Nhưng dân gian lại tin rằng đó là sự trả thù của rắn mẹ- Nghi án lịch sử bi ai Lệ Chi Viên đã được viết thành nhiều truyện ngắn dài, như nhà văn Mai Thục viết thành tập truyện dài dã sử. Hay soạn thành tuồng cải lương ‘Rạng ngọc Côn Sơn’ và bi kịch ‘Bí mật Lệ Chi Viên’…
Văn học nước ta, có một bài thơ về Rắn thật tài tình thú vị của học giả Lê Quí Đôn khi ông còn nhỏ tuổi. Vì sự bất kinh với quan Thượng Thư khi đến thăm cha ông là Lê Phú Thứ. Ông bị cha phạt, nhưng quan Thượng thấy ông là đứa trẻ thông minh xin tha cho ông với điều kiện ông phải làm bài thơ tạ tội theo lời cha quở mắng vì ‘Rắn đầu rắn cổ’. Chỉ sau ít phút suy nghĩ ông đã làm ngay bài thơ ‘Rắn đầu biếng học’ dùng tên các loài Rắn để diễn ý:
‘Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha,
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha,
Ráo mép chỉ quen phường lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vệt dăm ba,
Từ nay Trâu Lỗ xin chăm học,
Keo hổ mang danh tiếng thế gian’
(Những chữ viết nghiêng là tên các loại rắn)
Trong pho truyện nổi tiếng Tam quốc Chí, Trung Hoa cũng nhắc đến nhân vật Lưu Bang ‘Trảm bạch xà khởi nghĩa’ như sau:
"Lưu Bang xuất thân là một đình trưởng tầm thường, được huyện lệnh giao cho trọng trách dẫn dân phu và tù binh tới núi Lý Sơn xây lăng mộ Tần thủy Hoàng. Nhưng dọc đường dân và tù sợ khổ cực trốn hết, chỉ còn lại 10 tráng sĩ theo giúp ông. Dọc đường Lưu Bang gặp Mãng Xà, đã cản đường sát hại nhiều người bằng hơi độc. Ông can đảm quyết chiến và hạ được Bạch Xà. Tiếp tục trên đường vào sáng hôm sau, ông gặp một cụ già ngồi khóc bên đường. Lưu Bang hỏi duyên cớ sự tình thì bà trả lời: ‘Con tôi, con trai Bạch Đế, bị giết bởi con trai Xích Đế’, nói rồi biến mất- Nghe đồn tin này dân chúng cho rằng Lưu Bang có chân mệnh đế vương, nên được nhiều người theo phò. Sau ông dựng nghiệp nhà Hán gọi là Hán Cao Tổ…
Cũng trong truyện Tam Quốc,Thi hào Đỗ Phủ tán tụng Khổng Minh Gia Cát Lượng dùng Bát trận đồ đánh bại Đại tướng Lục Tốn cùng với hàng vạn tinh binh Đông Ngô qua câu thơ:
‘Công lớn trùm non nước,
Lừng danh Bát trận đồ,
Sông tuôn đá chẳng chuyển,
Di hận chửa binh Ngô’
Khổng Minh đã bày Bát trận đồ gồm 8 thế trận liên hoàn: Thiên, Địa, Phong, Vân, Long, Hổ, Điểu, Xà.
Thế trận biến hóa từ vuông thành tròn bao bọc lấy quân địch, đầu đuôi tiếp cận nhau như Rắn Thường Sơn 2 đầu, và trận dứt điểm này được gọi là Thường Sơn xà trận hay Xà phương trận. Kim Dung nhà văn Trung Hoa nổi tiếng với nhiều bộ truyện võ hiệp, tạo nên những nhân vật độc đáo như Âu dương Phong biệt hiệu Tây Độc, xuất hiện trong 2 tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ. Lão chế ra nhiều loại thuốc cực độc không thuốc giải, nên giới giang hồ còn gọi là Lão Độc Vật. Hai công phu tuyệt kỹ nhất của lão là Hàm Mô Công (ngồi phun nọc độc như cóc) và Linh Xà Quyền dựa theo chuyển động của loại Rắn. Vũ khí độc hại của lão là cậy gậy phóng Rắn độc ra 2 đầu và bày Xà trận chế ngự đối phương.
Rắn còn là biểu tượng trong y học, kiến trúc và điêu khắc…Rắn cuốn quanh chiếc gậy là biểu tượng của ngành Y.
Còn ngành Dược thay cây gậy bằng chén thuốc.
Nhưng điểm nổi bật nhất của Rắn trong các loại thú là sự hiện diện đa dạng trong nhiều tôn giáo.
Tại Úc châu thổ dân thờ Rắn Cầu Vòng (Serpent Rainbow) tượng trưng nước cần thiết cho nông nghiệp.
Nhiều quốc gia Phi châu coi Mãnh Xà là thần linh uy lực, nên trên vương miện các Pharaoh Ai Cập chạm hình Rắn thần Naga để phù trợ nhà vua.
Bên châu Âu tại Hy Lạp, Rắn biểu tượng cho sự khôn ngoan và khả năng sinh sản. Một số thổ dân tại các quần đảo Anh quốc thường tổ chức các nghi lễ hiến tế súc vật cho Thần Rắn.
Châu Á là nơi có nhiều nước thờ Rắn nhất. Bộ tộc Vadi Ấn độ, người ta dạy trẻ làm quen với Rắn từ lúc 2 tuổi và đến 12 tuổi chúng đã trở thành người thôi miên Rắn chuyên nghiệp. Những tín đồ đạo Balamon coi các Lễ hội Rắn như một nghi thức tôn giáo. Người Hindu điêu khắc các vị thần tay cầm Rắn hay quấn Rắn quanh cổ như đồ trang sức. Còn bên Trung Quốc tranh vẽ thần Phục Hy đầu người đuôi Rắn và thần Nữ Oa đầu người mình Rắn. Vùng Đông Nam Á, thờ Rắn phổ biến nhất tại các nước: Campuchia, Thái Lan và Việt Nam (nơi các sắc dân thiểu số Chàm, Mường)
Trong Phật thoại kể lại cuộc đời Đức Phật khi vừa sinh ra nơi vườn Lâm Tỳ Ni, Thái Tử Tất Đạt Đa được vua Rắn Naga chín đầu phun nước tắm cho Ngài. Trong Kinh Phật cũng ghi ‘Thiên long bát bộ’ gồm 8 loại chúng sinh nguyện phát tâm bảo vệ chính pháp và hộ trì Tam Bảo, mà Rắn là một trong bát bộ gọi là Ma Hầu La Gia, vị thần mình người đầu Rắn.
Nhưng đặc biệt, Rắn đã xuất hiện trong Thánh Kinh.
Ngay phần đầu sách Sáng Thế trong Cựu Ước, Sa-tan dưới hình con Rắn đã cám dỗ Adam-Eva Nguyên tổ loài người, không tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm, nên bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng. Và Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phạt truyền đời cho loại Rắn mà phán:
‘Vì mày đã làm điều như vậy, mày sẽ bị rủa sả trong các loài súc vật và muông thú. Mày sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn đời. Ta sẽ làm cho mày và dòng dõi Người Nữ thù nghịch nhau. Người sẽ giầy đạp đầu mày và mày sẽ cắn gót chân Người’( Sáng Thế 3: 14& 15 )
Nên ta thấy dưới chân tượng Đức Mẹ thường có hình đầu Rắn và Đức Bà Guadalupe, Quan Thày Mexico theo tiếng thổ dân Aztec có nghĩa là ‘Người Nữ chiến thắng con Rắn’
Sách Dân Số báo trước cái chết của Chúa trên thập giá cứu chuộc loài người qua hình ảnh con Rắn Đồng treo trong sa mạc:
‘Đức Giê-hô-va sai con Rắn Lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến nỗi người Irael chết rất nhiều. Dân đến cùng Moi-Sen nói rằng: Chúng tôi có tội vì đã phạm đến Đức Giê-hô-va và Ông. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va để Ngài khiến Rắn lìa xa chúng tôi. Moi-Sen cầu khẩn cho dân và Chúa đã phán cùng ông: Hãy làm lấy một con Rắn Lửa, rồi treo lên một cây sào. Nếu ai bị Rắn cắn mà nhìn vào nó sẽ được sống. Vậy Moi-Sen làm một con Rắn đồng, treo lên 1 cây sào, nếu người nào đã bị Rắn cắn mà nhìn Rắn đồng sẽ được cứu sống.’ ( Ds.21: 6- 9 )
Sau này Chúa cũng nhắc lại trong Tân Ước:
‘Không ai đã lên trời, trừ phi Đấng bởi trời mà xuống, Con Người Đấng ở trên trời. Như Moi-Sen giương cao con Rắn trong sa mạc, Con Người cũng bị giương cao như vậy, ngõ hầu kẻ tin, thì nhờ Ngài mà được sống đời đời.’ ( Ga.3: 13- 15 )
Niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa là Cha từ ái:
‘Trong các ngươi ai có con xin bánh, há lấy đá mà cho nó? Hay nó xin cá, há lại cho nó con Rắn? Vậy các ngươi tuy là ác, mà còn biết lấy của lành làm quà cho con cái, thì huống hồ Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, sẽ ban của lành cho những ai xin Người.’ ( Mt.7: 9- 11)
Chúa truyền dạy các Vị Mục Tử phải can đảm khôn ngoan bênh vực đàn chiên:
‘Này Ta sai các ngươi như chiên vào giữa bày sói. Hãy khôn như loài Rắn và chân thực như chim câu’ ( Mt.10: 16 )
Và đừng sợ hãy tin vững mạnh vào quyền năng Chúa ban cho, công chính sẽ chiến thắng gian tà:
‘Thày đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên Rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em’ ( Lc.10: 19
Trích dẫn một đoạn tiêu biểu về Rắn trong Sách Khải Huyền, Thánh Sử Gioan mô tả cuộc giao chiến giữa Người Nữ và con Rồng (tức con Rắn thái sơ) – Người Nữ chính là Trinh Nữ Maria và con Rồng ám chỉ con Rắn Satan – Kết thúc là sự chiến thắng vinh quang của Người Nữ và sự thảm bại của Quỉ Mãng Xà:
“….Khi con Rồng thấy mình bị xô nhào xuống đất, thì nó đuổi theo Bà đã sinh con trai. Và đã ban cho Bà 2 cánh đại bàng mà bay vào sa mạc, đến chỗ dọn cho Bà. Ở đó Bà được cung dưỡng 1 thời, 2 thời và nửa thời xa tầm con Rắn. Con Rắn từ mõm nó phun nước chảy ra sông đằng sau Bà. Đất đã há miệng mà hớp cạn dòng từ mõm nó phun ra. Con Rắn tức tối với Bà, đi tuyên chiến với những người khác thuộc dòng dõi Bà, những kẻ nắm giữ lệnh truyền Thiên Chúa, và có nơi minh chứng của Đức Giêsu.” ( Kh.13: 13- 17 )
Thánh Thi ca tụng Trinh Nữ Maria trong Lễ kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội:
“Gót sen đạp nát đầu con Rắn,
Từng bao năm thù hận loài người,
Vinh quang có một không hai,
Tội nguyên không nhiễm, tội đời chẳng mang.
………………………………………
Mưu Rắn độc ngày đêm đe dọa,
Mẹ quyền năng đã phá dẹp tan,
Dẫn đưa về cõi thiên đàng,
Đoàn con vui hưởng vinh quang đời đời “
……………………………………………
Để kết thúc về Rắn năm Quí Tỵ, xin mượn đôi dòng Sấm ký của cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm với niềm hy vọng vào tương lai thanh bình cho thế giới:
“Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,
Can qua tứ xứ loạn đao binh,
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình “ (1)
Cùng sự suy tàn của những chế độ tham tàn- đặc biệt là tại Việt Nam:
“Rồng bay năm vẻ sáng ngời,
Rắn qua sửa soạn hết thời sa tăng,
Ngựa lồng quỉ mới nhăn răng,
Cha con dòng họ thày tăng hết thời “ (2)
Phải chăng lời Sấm Trạng Trình có một phần tương đồng với 1 đoạn trong Thánh Kinh tả lại việc Mai-Sen dẫn dân Do Thái trở về Đất Hứa sau 40 năm lang thang trên hoang mạc- Và phải chăng kỳ hạn của con dân nước Việt cũng sau 40 năm lưu lạc khắp 4 phương đã đến ngày trở về vinh quang xây dựng lại Quê Hương thân yêu (1975-2015).
Năm Quí Tỵ Kính Chúc Quí Vị An Khang và phấn khởi chờ đợi trong Niềm Tin Tất Thắng !
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG