Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 27 Tháng 3 2012 20:06

Ông Già Câm

Posted by 
Rate this item
(1 Vote)
onggiacam Ông lại say! Hình như rượu đã trở thành một phần máu thịt của ông, không có nó ông lại thấy mình như thiếu một cái gì quan trọng lắm. Ờ! Chỉ có rượu mới xoa dịu được nỗi đau trong tâm hồn và thể xác ông. Sáng uống! Chiều uống! Quanh năm uống.

 

Nghe Audio

Cuộc đời ông là cả một chuỗi dài những cơn say, say quên trời đất, làm như cả thế gian này chỉ có mình ông tồn tại. Lâu rồi bà con trong xóm này không nghe ông nói chuyện, chỉ thấy ông uống rượu và khóc một mình nơi góc chợ. Chắc ông bị câm! Cách đây một năm, ông đến cái xóm nhỏ này, gia tài của ông là một con chó trung thành, một cây đờn kìm và một cái bị nhỏ. Mỗi ngày ông ngồi ở góc chợ nhìn người ta qua lại dập dìu và cất tiếng đàn ai oán. Nhưng mà ông không phải ăn mày, ai cho tiền ông cũng lắc đầu. Lạ thiệt!

Mỗi sáng khi gánh mớ hàng bông ra chợ bán, Mơ thường đi qua góc chợ, nơi ông đang nằm chèo queo chập chờn giấc ngủ trong mùa gió chướng lạnh se lòng. Cô thường sửa lại cái mền mỏng manh cho ông bớt lạnh và trong lòng thấy thương cảm vô cùng. Ông là ai? Tại sao ông đến nơi này mà suốt năm qua cô chưa hề nghe ông nói một tiếng. Chỉ thấy hai con mắt mờ đục của ông thăm thẳm một nỗi buồn mà bất cứ ai nhìn vào cũng đều cảm nhận được. Một bữa, Mơ hỏi đại:
Ông à! Sao ông ngồi ở chỗ này hoài vậy? Sao ông buồn quá trời vậy? Con cháu ông đâu mà ông phải sống một mình vậy?
Có lẽ rất thừa khi hỏi một người câm, làm sao ông trả lời được. Ông lắc đầu nhè nhẹ, nhìn cô với ánh mắt mang ơn vì ông biết cô là người hay giúp ông đắp lại cái mền. Già cả rồi, ông có ngủ bao nhiêu đâu, đôi lúc buồn quá ông còn muốn cơn gió chướng độc địa kia giết chết mình cho rồi, biết đâu đó là lối thoát nhẹ nhàng cho ông, một con người không còn thiết tha gì với cuộc sống trên thế gian này. Do đó, những cử chỉ cao đẹp của cô ông đều hay hết nhưng ông giả đò ngủ say.
Mấy người ở chợ không biết nên nhiều người nghĩ sai lệch về ông. Bà Tám bán cháo lòng ở góc chợ, gần chỗ ông ngồi thường trề môi dài cả tấc khi có người khách nào đó hỏi về ông già ôm cây đàn kìm, đàn những âm điệu buồn đứt ruột:
Ông già đó hả? Tới giờ tui còn chưa biết ổng thứ mấy, tên gì nữa à. Bèo nhèo vậy mà làm phách lắm, bà thử cho tiền coi ổng lấy hông. Bà đưa đi cho ông năm chục ngàn đi, ổng mà lấy tui đền lại cho bà, không thiếu một cắc.
Người ta thử nhiều lần nhưng đều nhận được cái lắc đầu của ông. Họ không biết ông làm gì để sống mà tối ngày chỉ ngồi đờn và uống rượu. Ông tự dưng được mọi người trong chợ đặt cho một cái tên rất kêu: Hành khất đại hiệp. Chỉ có Mơ là không nghĩ như vậy, cô có linh cảm ông lão này chắc có một cuộc đời đầy sóng gió. Nhìn gương mặt và ánh mắt hằn lên sự đau khổ đến tận cùng thì Mơ cũng dư biết điều đó. Cô không hiểu tại sao những người ở cái chợ này lại có thái độ như vậy đối với ông. Mơ sống với đứa em nhỏ trong căn nhà nhỏ xíu ở ngoài mé sông cách chợ hơn năm trăm thước, cha mẹ đã mất từ lâu nên cô rất thèm một tình cảm ấm áp. Ông lão tóc đã bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo nhưng nhìn phúc hậu lắm, cô đoán ông chắc đã gần tám mươi tuổi rồi. Không hiểu sao cô có cảm tình đặc biệt với ông. Cô mồ côi mồ cút, ông bà cha mẹ đều chẳng còn ai nên từ lâu thứ tình cảm thiêng liêng đó đã xa hẳn cô từ lâu. Khi gặp ông, tình cảm đó dường như trỗi dậy. Cô quan tâm đến ông rất nhiều, hàng ngày cô bảo con Hoài ra ngồi kế bên nghe ông đờn cho ông bớt buồn. Nó không dám cãi chị chớ ngồi nghe đờn nó buồn ngủ muốn chết, cứ gục lên gục xuống như con gà cù rũ. Ông nhìn nó ngủ gục tội nghiệp quá nên một hôm tự dưng ông nói:
Con dìa đi, ngồi đây hoài mệt lắm, ông không làm sao đâu!
Con Hoài chạy cồng cồng ra chỗ chị nó bán, nó vừa chạy vừa la bai bãi:
Chị Mơ ơi! Ông biết nói, bà con ơi ông biết nói.
Mơ đang sắp xếp lại mớ bầu bí, nghe tiếng con Hoài um sùm, cô dừng tay hỏi:
Làm gì như giặc tới vậy, biểu mày ra ngồi với ông cho ông đỡ buồn, sao lại chạy dìa. Bộ ngủ gục hả, mới sáng sớm mà.
Nó thở hồng hộc, nói đứt quãng:
Hông... phải câm. Hổng phải, ông nói rõ lắm.
Vậy là suy đoán của Mơ trúng phóc, ông chỉ không muốn nói mà thôi. Bây giờ ông chịu nói chắc có lẽ ông còn một chút hy vọng gì đó. Cô định khi tan chợ sẽ ra cố gắng thuyết phục ông về nhà cô ở. Khi mớ bầu bí đã bán xong, cô cùng con Hoài đi ra góc chợ tìm ông. Khi đến gần cô thấy có nhiều người tụ tập quanh ông. Cô vẹt đám đông, lách người đến gần. Cô chưng hửng khi thấy ông không chỉ biết nói mà còn biết ca nữa. Cây đờn kìm run run trên đôi tay già nua, ông chậm chạp gảy đàn từng tiếng nghe buồn thiệt buồn. Rồi ông cất cái giọng khàn khàn ca một giai điệu xa xưa:
Trời vào xuân sao lòng buồn nhớ đến lang quân
Biên ải, trai anh hùng, chàng nhập ngũ quân nhung
quan nựng
Thiếp mỏi mòn luống đợi trông sao chẳng thấy tin chồng
Cá ngơ lội, gió lặng sao mờ, trăng lờ đờ buồn soi...
... Nếu chẳng đặng chung gối nơi lo loan phòng thề trăm năm vẹn giữ một lòng.
Vái van đặng giấc mộng tương phùng hầu nguôi lòng tạm đợi bạn tình chung.
Đây là bài Chinh phụ Thán, lời của Trịnh Thiên Tư viết theo bản Liêu Giang của danh cầm Ba Chột ở Bạc Liêu. Mơ rất thích bài hát này, cô thường hát lòng vòng mấy đám cưới ở chợ. Nhưng bây giờ nghe ông hát cô thấy lòng mình xúc động khôn nguôi, cô lặng nhìn mái tóc bạc phơ, cặp mắt mờ đục như đang nhìn về phía mông lung nào đó. Ông đã chịu nói chuyện, đã chịu ca thì có lẽ nỗi buồn của ông đã vơi đi đôi chút. Con Hoài ngồi bẹp xuống kế bên ông tròn mắt nhìn ông trân trối, nó cũng bất ngờ khi thấy ông ca mùi như vậy. Chờ cho mọi sự tò mò qua đi, khi mọi người đi hát, chỉ còn cô với con Hoài, Mơ nắm tay ông lắc nhẹ:
Ông dìa nhà tụi con sống đi ông à! Tụi con chỉ có hai chị em mà chẳng còn người thân nào. Con Hoài trông có ông ngoại lắm mà không được, nó coi ông như ông ngoại nó từ lâu rồi. Dìa ở nhà con nghen ông. Con mê hát lắm, ông dạy con hát nghen!
Con Hoài chen vô:
Con cũng học ca nữa, vô lớp cô biểu ca hoài mà con hổng biết bài nào hay hết. Ông dạy cả hai chị em con nhen!
Ông cười mà hai mắt rưng rưng, ông không ngờ người dưng mà đối xử với ông như ruột thịt. Sống gần tàn cuộc đời rồi ông mới thấm thía cái gọi là nhân tình thế thái. Ờ! Mình không sống được với con cái thì sống với người dưng, xem cuộc đời này có bao nhiêu chuyện lạ kỳ.
Sau nhiều lần được thuyết phục, ông đã đồng ý về nhà Mơ ở. Ông làm cho cô hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Con Hoài đang học lớp tám mà ông kèm cho nó học được hầu hết các môn. Nó khoái chí đi khoe tùm lum với đám bạn:
Ông ngoại tao giỏi lắm nghen! Tháng này tao đứng đầu lớp là nhờ ông đó. Hổng tin tụi bây ghé thử coi. Muốn học thì đóng tiền đàng hoàng nghen, chỉ mình tao là miễn phí thôi.
Mấy đứa nhỏ dường như không tin, ông già đó tụi nó biết mà. Má tụi nó khinh ông lắm mà. Sao kỳ vậy? Sau một lúc bàn bạc, cả đám quyết định tới nhà con Hoài coi nó nói thiệt hay chơi, tụi nó thụt thò ngoài cửa không dám vào vì đứa nào lúc trước cũng từng ghẹo ông là ông già câm, là hành khất đại hiệp. Con Hoài vào nhà, hãnh diện kêu:
Ông ngoại ơi! Con đi học dìa rồi! Có mấy bài toán khó quá, ông giải giùm con nghen!
Ông buông cây đờn xuống nhìn ra cửa, mỉm cười:
Ờ! Vô ăn cơm đi rồi ngoại chỉ cho nhưng phải cố học chớ, ngoại chỉ riết rồi học dở luôn đó.
Đám trẻ vào nhà nhìn ông ái ngại, nhưng ông nở một nụ cười thiệt tươi làm cho đứa nào cũng thấy nhẹ nhõm hẳn. Ông hỏi:
Mấy đứa học chung lớp với Hoài phải không. Nếu thấy cần thì ông giúp nhưng các cháu phải cố gắng hết sức mình, phải chịu khó mày mò trước, chừng nào không được thì ông chỉ cho.
Tụi nó lấy tập vở ra nhờ ông giảng lại bài vừa học xong mà còn hiểu rất mù mờ. Ông giảng lại trôi chảy, rành rọt từng phần một, làm cả đám tròn xoe mắt kinh ngạc. Chúng nhanh chóng hiểu bài và cảm thấy rất thích thú trong cái không khí học nhẹ nhàng dễ chịu như vậy. Từ đó chúng thường đến nhà con Hoài để ông dạy kèm. Ông chỉ bảo chúng tận tình mà không cần một khoản thù lao nào, những đứa trẻ ở cái xóm nghèo xơ xác này đến cơm còn không no nữa là. Ông thật sự không thiếu tiền để sống qua ngày, ông có ăn uống gì nhiều đâu. Lâu lâu ông đưa Mơ mấy trăm ngàn, cô cũng không biết làm sao ông có tiền. Mỗi tháng ông vắng nhà hai ngày, đi đâu cô cũng không biết. Khi trở vè ông đưa cho cô năm trăm ngàn, không lấy không được. Ông bảo nếu không nhận tiền thì ông sẽ ra đi, số tiền này mà một người sống ở quê một tháng thì có thể nói là dư giả. Hai chị em Mơ sống hàng tháng chắc cũng chỉ khoảng số tiền như vậy. Cô không muốn nhận tiền của ông nhưng ông dứt khoát quá nên cô buộc phải nhận và tự nhủ sẽ giữ đó khi nào ông cần đến thì có mà xài. Cuộc đời đầy bí ẩn của ông được vén lên sau nhiều lần Mơ dò hỏi. Đã coi như ruột thịt rồi nên ông nghĩ cũng chẳng cần giấu giếm nữa làm gì.
Ông kể chuyện đời ông. Nó giống như trong tiểu thuyết vậy, chỉ khác ở chỗ trong tiểu thuyết thì mấy đứa con đùn đẩy không ai chịu nuôi cha mẹ, còn mấy đứa con ông thì giành giật nhau để được nuôi ông. Nhưng việc làm đó không xuất phát từ những tấm lòng hiếu thảo mà xuất phát từ ý nghĩ đen tối muốn được sở hữu căn nhà của ông mà sau khi quy hoạch mở đường nó có giá hơn vài tỉ đồng. Ông là một nhà giáo về hưu, mấy chục năm ông giảng dạy tại một trường cấp ba danh tiếng thành phố. Bao nhiêu năm lao động cực nhọc, ông dành dụm mua được một căn nhà khá rộng rãi trong một con hẻm ở ngoại ô. Căn nhà đó lúc mua chẳng có bao nhiêu tiền và cả bốn đứa con ông chẳng ai chịu ở chung với ông. Từ lúc về hưu, ông sống với thằng cháu nội bởi nó thấy ông sống một mình cô đơn tội nghiệp.
Hằng ngày hai ông cháu sống đùm bọc lẫn nhau, ông sống bằng lương hưu còn nó làm cho một công ty điện tử của Hàn Quốc. Cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng thấm thoát đâu hơn chục năm. Cho đến một hôm thành phố có quyết định làm con đường ngang trước cửa nhà ông. Con đường rộng hơn hai chục mét và ngôi nhà yên tĩnh của ông tự dưng lồi ra mặt tiền ồn ào. Chẳng mấy chốc giá đất tăng với tốc độ chóng mặt, ngôi nhà cấp ba của ông người ta hỏi mua với giá hơn hai tỉ đồng. Các con ông tập trung về đông đủ chẳng thiếu đứa nào để bàn bạc vụ ngôi nhà, chúng muốn cha mình bán đi để chi cho mỗi đứa vài trăm triệu làm vốn. Còn ông sẽ mua một căn nhà nhỏ khác trong hẻm để yên tĩnh mà an dưỡng tuổi già. Ông không chịu vì ngôi nhà này đâu gắn bó với ông từ lâu, người già thường không thích sự thay đổi. Mặt khác, ông muốn để lại cho đứa cháu nội đã sống với ông mười mấy năm rồi. Cả bốn đứa con không ai chịu nhường ai, họ cãi nhau lớn tiếng, có đứa còn văng tục chửi thề. Ông thấy ngực mình nghèn nghẹn, nhìn mấy đứa con đứa nào tóc cũng đã hoa râm rồi mà tranh giành nhau quyết liệt. Thằng Út hùng hồ: Tui là con út, tui phải hưởng gia tài ba để lại. Các ông, các bà lớn thì phải biết nhường nhịn chớ. Tui nói lại, tui con út à nghen! Tui muốn cho ai bao nhiêu thì cho.
Thằng Hai cũng không chịu thua:
Con tao ở với nội từ khi còn nhỏ do đó ông nội nó phải để gia tài lại cho nó. Mà tao là cha nó, là con trưởng tao phải được phần lớn chớ.
Thằng Nhân thấy buồn ba mình quá, nó muốn sống với ông để chăm sóc ông khi ông tuổi đã cao chớ nào đâu muốn cái gia tài này. Một hôm không chịu nổi, nó nói với ông:
Con buồn quá ông à! Quy hoạch làm chi mà ảnh hưởng đến tình cảm gia đình mình như vậy. Công ty cử con qua Hàn Quốc tập huấn tám tháng, con không thể không đi được nhưng con lo cho nội quá. Tình hình như vầy chắc nội đổ bệnh chớ chẳng chơi!
Ông cố cười thật tươi cho nó an lòng:
Ông có sao đâu! Mọi chuyện rồi cũng ổn thôi con à!
Ông già rồi, sống được bao nhiêu nữa mà ham tiền bạc hả con. Con cứ đi, khi con dìa mọi chuyện chắc ổn rồi.
Thằng Nhân đi rồi ông thấy lòng mình trống trải vô cùng, bao nhiêu năm ông cháu cùng chia sẻ bao nhiêu buồn vui trong cuộc sống hàng ngày, bây giờ chỉ còn mình ông trong căn nhà vắng vẻ. Đám con ông có đến thì cũng chỉ cái chuyện bán ngôi nhà chớ chẳng còn chuyện gì. Trong mấy chục năm dạy học, học trò của ông bao nhiêu người ông không thể nào nhớ hết, có rất nhiều người thành đạt, qua nhiều chức vụ quan trọng trong xã hội. Vậy mà bốn đứa con ông chẳng học được một chút gì về lòng vị tha, về đạo đức làm người. Nỗi buồn của một người làm công việc trồng người ghê gớm lắm. Cuối cùng ông không thể chịu đựng được nữa khi mấy đứa con ông đưa người đến coi nhà và buộc ông nhất định phải bán. Đêm đó, ông không thể nào chợp mắt được, bao nhiêu nỗi buồn cùng một lúc ập đến, dày vò ông. Khi gà gáy sáng, ông trở dậy và quyết định rời khỏi căn nhà mình. Ông đốt nhang cho vợ, ngồi bên bàn thờ nói chuyện cho đến cây nhang tàn. Ông lấy cái lư hương của vợ, bỏ vào cái bị nhỏ, với tay lấy cây đờn kìm trên vách rồi mở cửa bước ra ngoài. Ngọn gió đêm đập vào mặt ông lạnh cóng nhưng ông vẫn từ từ bước tới. Con chó Ken chạy theo ông rối rít, nó cạp vào ống quần ông rị ông trở lại nhưng không được. Nó biết ông đã quyết định rồi và nó lặng lẽ đi sát bên ông, lâu lâu lại rên lên ư ử như an ủi. Ông cứ lội bộ như vậy cho đến sáng thì thấy mình cách nhà hơn hai chục cây số rồi. Ông mua ổ bánh mì cho con Ken ăn rồi đón đại một chiếc xe đò leo lên mà chẳng thèm để ý nó chạy về đâu. Số phận run rủi ông đến cái xóm này đã hơn một năm qua. Mơ đã bật khóc ngon lành khi ông kết thúc câu chuyện. Bây giờ cô hiểu tất cả mỗi thứ, cô hỏi mà giọng vẫn còn run run:
Rồi tiền đâu mà hàng tháng ông có xài vậy?
Ông cười nhè nhẹ:
Lương hưu đó mà, ông xin lãnh theo chế độ một lần và gửi tiết kiệm trong ngân hàng, mỗi tháng ông lên tỉnh để rút tiền lời bằng cái thẻ ATM này. Mơ nhìn cái thẻ xanh xanh mà ông đưa cho coi, trên thẻ có ghi mấy chữ nổi: NGUYEN VAN THANH. Cô không hiểu làm sao mà với cái thể này ông có thể rút tiền được nhưng cô không dám hỏi, sợ ông cười.
Ông nhìn cô rồi nói:
Ông ráng để nguyên số tiền đó chờ thằng cháu nội dìa cho nó cưới vợ. Nó nói đi tám tháng mà đã hơn một năm rồi. Mà nè! Con hiền hậu dễ thương lắm, chừng nó dìa ông làm mai cho hai đứa, hồi nó đi nó chưa có người yêu đâu.
Mơ thấy nóng bừng hai cả lỗ tai, cô có biết mặt mũi người ta đâu mà ông đòi làm mai. Nhưng cô nghĩ, ông tốt như vậy thì chắc người cháu gắn bó với ông cũng rất tốt. Con Hoài đi chơi dìa, đứng ngoài cửa nghe lóm chuyện, nó nói lớn như không thể lớn hơn:
A! Con sắp có anh rể rồi hả ông! Ông kêu anh ấy mau dìa đi, chị con sắp ế chồng rồi!
Mơ cốc nhẹ lên đầu nó một cái:
Mới có bi lớn, biết gì mà nói, ông ngoại đánh mấy roi bây giờ. Đi vô tắm rửa rồi ăn cơm, chạng vạng rồi.
Cơm nước xong, ông ra cái võng ngoài hàng ba ngồi, tay ôm cây đờn kìm dạo một bài mùi mẫn, con Ken nằm dưới chân ông lim dim đôi mắt. Mơ thấy tiếng đờn ông như vui hơn một chút, cô cầu trời cho những năm cuối cùng của một đời người, ông có những phút giây an nhàn hạnh phúc. Cầu trời cho cháu nội ông mau về. Biết đâu được! Ờ, biết đâu cô thành cháu dâu ông thiệt thì sao. Cô len lén liếc ra ngoài cái võng nhìn ông, hai gò má hồng lên vì mắc cỡ.

Nguyễn Minh Thuận

Read 1242 times Last modified on Thứ ba, 27 Tháng 3 2012 20:50