Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 22 Tháng 4 2021 05:49

Người công chính

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NGƯỜI CÔNG CHÍNH | SUY NIỆM VỀ NĂM ĐẶC BIỆT KÍNH THÁNH GIUSE


TMĐP- Xin thánh Giuse nâng đỡ con người còn rất yếu đuối của chúng ta và dạy chúng ta học với Ngài lòng tin vô điều kiện, lòng tin không cần giải thích, lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa trong mọi thử thách, nghịch cảnh của cuộc đời làm người Kitô hữu: sống và loan báo Tin Mừng.

Khi nói đến người công chính, chúng ta nghĩ ngay đến một con người ngay thẳng, công bình, chính trực, và thước đó cũng như tiêu chuẩn để đánh giá một người là công chính không gì khác hơn là Lề Luật, bởi chỉ Lề Luật, quy ước, phép tắc mới có khả năng phân định ai là người công chính và ai là người bất chính… Nhưng người công chính được nói đến trong Kinh Thánh không hẳn là người của Lề Luật, người cẩn thận tuân giữ mọi điều khoản của Luật, nhưng trước hết và trên hết là người tin vào Thiên Chúa.

Ngay từ chương 6 của sách Sáng Thế, ông Noê đã được Thiên Chúa gọi là người công chính, vì ông đi với Thiên Chúa (x. St 6,9), tức tin vào Thiên Chúa; rồi đến Ápram, người đã được Thiên Chúa Giavê hứa làm cho ông trở nên tổ phụ của một dân đông như sao trên trời (x. St 15, 4-5): “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6).

Như thế, Noê, cũng như Ápraham đã không là người công chính vì giữ Lề Luật, vì lúc đó làm gì đã có Lề Luật, ngoài luật lương tâm, nhưng vì các ông tin Đức Chúa. Chính niềm tin vào Thiên Chúa Giavê đã làm cho các ông được trở nên công chính.


Thánh Phaolô đã quảng diễn chân lý này trong nhiều thư mục vụ của ngài, như trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17), hoặc với giáo đoàn Galát: “Không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Gl 3,11 ; Dt 10 ;38).

Một hình ảnh sống động trong Tin Mừng Luca sẽ cho chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa người công chính của Tin Mừng và người công chính của thế gian, nói cách khác, người công chính nhờ tin vào Thiên Chúa, và người công chính vì giữ Lề Luật: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”(Lc 18,10-13).

Người Pharisêu đã cầu nguyện bằng kể ra Lề Luật mà ông đã giữ một cách trọn vẹn, và quả thực, ông đã thực hiện hoàn hảo những gì Lề Luật Môsê dậy, không sót một điều khoản nhỏ nào. Chính vì biết mình là người hoàn hảo trong việc giữ Lề Luật, mà ông đã tự so sánh mình với người thu thuế tội lỗi đang cúi mặt cầu nguyện ở cuối đền thờ, và tất nhiên, so sánh với người khác để thấy mình vượt trội; lấy người khác làm đối trọng để tự tuyên dương, khen thưởng mình là người tuyệt vời, bởi phải có kẻ bất chính thì người công chính mới toả hương thơm ngào ngạt; có kẻ tội đồ thì người đạo đức mới ngời sáng vinh quang, cũng như mầu trắng đứng một mình sẽ không nổi bằng được vẽ trên nền đen.

Người Pharisêu đã hoàn toàn dựa vào Lề Luật mà ông cẩn trọng tuân giữ để tự đánh giá và tự chứng thực mình là người công chính. Nói cách khác, ông tự trở nên công chính vì chuyên chăm giữ trọn Lề Luật; ông tự biết mình công chính, vì Lề Luật ông giữ là tiêu chuẩn, thước đo sự công chính của ông trước mặt Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó mà thánh Phaolô đã qủa quyết: “Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi …” (1 Tm 1,9); cũng như Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13), bởi người công chính là người đã tin vào Thiên Chúa, và đang đi với Ngài.

Khác hẳn với người Pharisêu, người thu thuế bị coi là phản quốc, tay say ngoại bang, hạng “người tội lỗi bất chính”, như ông Pharisêu đã thẳng thừng kết án trong lời cầu nguyện đầy công trạng, nhân đức và công chính của ông, đã không dựa vào Lề Luật, vì ngay cả có muốn dựa vào, ông cũng không được dựa, vì ông là người có “tội trống”, tôi công khai khi làm công việc thu thuế cho đế quốc thống trị.

Vì thế, ông chỉ còn biết đặt niềm tin vào một mình Thiên Chúa, Đấng ông tin rằng: chỉ mình Ngài thấu suốt tâm hồn ông, nên chỉ đấm ngực và thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Nài xin ơn thương xót ở người nào là tin tưởng tuyệt đối ở người đó, bởi không tin người ấy có quyền tha tội, không tin người ấy có lòng bao dung, đại lượng, hay chạnh lòng, ắt hẳn người ta không cần phải khẩn khoản nài xin lòng thương xót. Ở đây, người thu thuế tội lỗi đã biểu lộ lòng tin của mình vào Thiên Chúa, một niềm tin chân thành, vững mạnh và đầy khiêm tốn. Kết qủa là chính Đức Giêsu đã đánh giá sự công chính của hai người, chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã chứng nhận ai là người công chính, ai không là người công chính khi lên tiếng trước “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9): “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không” (Lc 18,14). “Người này” tức người thu thuế đã không vị Lề Luật khi cầu nguyện, nhưng tin vào Thiên Chúa giầu lòng thương xót; còn “người kia” tức người Pharisêu đã vì quá gắn bó một cách cứng nhắc, lạnh lùng, máy móc đến vô cảm với Lề Luật mà đánh mất lòng tin đơn sơ, chân thành, sống động, khiêm tốn vào Thiên Chúa, nên đã trở nên kiêu căng, ngạo mạn, không chỉ với người anh em tội lỗi, mà ngay cả trước mặt Thiên Chúa, khi tự cho điểm, đánh giá cao chính mình, và tự tuyên dương công trạng, thành tích đạo đức.

Thực vậy, nguy cơ của người đi tìm sự công chính ở việc giữ Lề Luật một cách xơ cứng, hẹp hòi, xét nét đến độ bối rối, bệnh hoạn chính là biến mình thành người có quyền ban sự công chính cho mình, và đánh giá sự công chính của người khác theo tiêu chuẩn bên ngoài, dù đó là Lề Luật của Thiên Chúa, bởi mục tiêu chính của người tín hữu là tin vào Thiên Chúa, bởi giữ Luật Thiên Chúa chỉ với mục đích được gọi là người công chính, mà không tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho những kẻ tin ở Ngài được trở nên công chính, thì chúng ta không tránh khỏi tình trạng “không được nên công chính” của người Pharisêu trong Tin Mừng, mà lý do đã đưa đến phán quyết sau cùng của Đức Giêsu chinh là “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” ( Lc 18,14).

Trong năm đặc biệt kính thánh Giuse- “người Công Chính”, chúng ta xin Ngài nâng đỡ con người còn rất yếu đuối của chúng ta và dạy chúng ta học với Ngài lòng tin vô điều kiện, lòng tin không cần giải thích, lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa trong mọi thử thách, nghịch cảnh của cuộc đời làm người Kitô hữu: sống và loan báo Tin Mừng.

Jorathe Nắng Tím


Bài viết nằm trong chuỗi suy niệm với tâm tình hướng về “Năm Đặc Biệt Kính Thánh Giuse”.

“Trái Tim Người Công Chính” là tác phẩm mới nhất do tác giả Jorathe Nắng Tím chắp bút đã xuất bản:

Quý bạn hữu có thể mua sách trực tiếp tại:

1/ Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế): 38 Kỳ Đồng – Phường 9- Quận 3- TP HCM

2/ Nhà Sách Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (Dòng Đồng Công cũ): 521 Tô Ngọc Vân, Tam Phú, TP. Thủ Đức

3/Nhà sách Foyer de Charité Bình Triệu: 52 Đường Số 5, khu phố 1, Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức

4/ Nhà sách Toà Giám Mục Thanh Hoá- 50 Nguyễn Trường Tộ – P.Trường Thi – TP. Thanh Hóa.

* Hoặc có thể đặt sách trực tuyến theo hướng dẫn: https://docs.google.com/forms/d/1KFkibSTiX1By-3-Cgghx46ZfVcwQWNugMLzBe0AKQSU/edit

https://tinmungduongpho.com/nguoi-cong-chinh-suy-niem-ve-nam-dac-biet-kinh-thanh-giuse/

Read 1003 times Last modified on Thứ sáu, 23 Tháng 4 2021 06:56