Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 20 Tháng 7 2024 13:44

. Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 07 - Thinh lặng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 07 - THINH LẶNG

D. Kulandaisamy và Y. Karunanidhi

Những trường hợp thinh lặng của Đức Maria (Mt 1-2; Lc 1-2) miêu tả phẩm chất quan trọng cần có cho Giáo hội hiệp hành.

Nền tảng Thánh Kinh

Trong Tông thư Patris Corde (Trái Tim Người Cha) - Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình… Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không phải ở sự hy sinh bản thân mà là ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng”[1].

Những lời này của Đức Thánh Cha cũng đúng với Đức Maria. Không như Thánh Giuse, Đức Maria đã từng lên tiếng trong Tin mừng. Lời của Mẹ đã được các Thánh sử ghi lại. Mẹ tương tác với sứ thần Gabriel (x. Lc 1,34); chào hỏi bà Elisabeth ở nhà ông Dacaria (x. Lc 1, 41); hát Kinh Magnificat (x. Lc 1,47-55); chất vấn trẻ Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,48); và tại Cana, Mẹ thông báo cho Chúa Giêsu biết họ hết rượu rồi (x. Ga 2,3); và hướng dẫn người phục vụ hãy làm những gì Chúa Giêsu bảo (2,5).

Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhận thấy sự thinh lặng bao trùm trên tất cả những lời này. Thật ra, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, sự thinh lặng nơi Đức Maria có vẻ nhiều hơn những lời Mẹ nói. Thánh sử Matthêu trình bày Đức Maria như một người thinh lặng trong trình thuật thời Thơ ấu. Thánh Matthêu giới thiệu Đức Maria đã đính hôn với Giuse (x. Mt 1,18), được Giuse đón về làm vợ (x. Mt 1,24); được ba Đạo sĩ thăm viếng (x. Mt 2,11), được Thánh Giuse bảo vệ trên đường trốn sang Ai Cập và trên đường trở về (x. Mt 2,13-14; 2,20-21). Khác với nhiều trường hợp trong trình thuật thời Thơ ấu của Matthêu, trong Tin mừng Luca, Đức Maria im lặng khi họ không có chỗ trong quán trọ (x. Lc 2,7), khi các mục đồng đến thăm Mẹ và hài nhi trong máng cỏ (x. Lc 2,16), và việc dâng Hài nhi Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,34-35). Trong Maccô và Luca, chúng ta có những sự đề cập đến việc Mẹ của Chúa Giêsu đến gặp Người (x. Mc 3,31; Lc 8,19). Trong Gioan, Đức Maria đứng lặng yên dưới chân thập giá (x. Ga 19, 26-27).

Ý nghĩa hiệp hành

Những trường hợp thinh lặng của Đức Maria miêu tả phẩm chất quan trọng cần có cho Giáo hội hiệp hành.

Nói không với quyền lợi

‘Việc được hưởng quyền’ làm cho một người có cảm giác rằng mình được ban cho quyền để có hoặc làm một điều gì đó trong địa vị, chuyên môn hoặc ơn gọi của mình. Một người có thể được hưởng quyền từ một đặc quyền, một sự vật hoặc một hoạt động. Ví dụ, một người mang cấp bậc chỉ huy trong quân đội vũ trang thì có quyền được cấp dưới chào. Khi Đức Maria bị từ chối để có một chỗ trong quán trọ, Mẹ đã từ bỏ quyền lợi trong địa vị là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cảm thấy không có quyền để đòi hỏi Thiên Chúa phải chuẩn bị mọi thứ cho Con Chúa được sinh ra qua Mẹ. Giáo sĩ trị nổi lên là bởi vì ‘quyền lợi’; và việc được hưởng quyền lực với tư cách là giáo sĩ dẫn đến nhiều hình thức lạm dụng khác nhau như: quyền lực, kinh tế, lương tâm và tình dục[2].

Nói không với óc bài ngoại

‘Óc bài ngoại’ là sợ hoặc ghét những người xa lạ hay người nước ngoài hoặc bất cứ thứ gì lạ. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng điều này, khi chúng ta không chấp nhận người ngoại kiều hoặc những thứ khác lạ từ bên ngoài vào cộng đoàn của chúng ta. Trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta có nhiều nhóm khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ hoặc lễ nghi. Điều này tạo thuận tiện cho việc phục vụ các nhu cầu mục vụ của họ. Tuy nhiên, ở cấp độ hiện sinh, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là điều đó có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, phân cực và chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ. Đức Maria chào đón các đạo sĩ với đôi tay rộng mở. Không có bất kỳ một sự kháng cự nào từ nơi Mẹ.

Nói không với định kiến

Vào thời Chúa Giêsu, những người chăn chiên được xem như những kẻ trộm cắp, nói dối và xâm phạm tài sản và ruộng vườn của người khác. Đối với họ, sự ra đời của Chúa Giêsu là nhờ Thiên thần loan báo. Ngay khi Thiên thần rời đi, những người chăn chiên đã để lại đàn súc vật ngoài đồng hoang mà đến Bêlem hầu chứng kiến sự kiện đang xảy ra. Họ không chỉ viếng thăm Hài nhi nằm trong máng cỏ, mà còn thuật lại cho Đức Maria và thánh Giuse những điều họ đã được nghe nói về Hài nhi. Đức Maria không có bất cứ định kiến nào đối với những người chăn chiên. Mẹ lắng nghe họ mà không phán xét. Trong Giáo hội hiệp hành, việc lắng nghe thường xuyên bị cản trở bởi thành kiến đối với người khác như thế nào?

Nói không với sự sợ hãi

Liên kết chặt chẽ với tư tưởng bài ngoại và định kiến, chính là nỗi sợ hãi của chúng ta về những điều chưa biết. Đức Maria không chỉ gặp gỡ những người lạ (các đạo sĩ) trên chính quê hương của Mẹ, nhưng ngay cả trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập, mảnh đất dân ngoại. Câu chuyện về chế độ nô lệ của tổ tiên Mẹ tại Ai Cập có lẽ đã nằm trong tiềm thức của Mẹ, nhưng Mẹ không hề sợ hãi những gì chưa biết. Tầm nhìn đức tin của Mẹ đã vượt qua ranh giới của Ai Cập. Mẹ sẵn sàng đối diện với những ẩn số về không gian – những gì có thể xảy ra trên vùng đất mới – và những ẩn số về thời gian – những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Giáo hội hiệp hành cần phải vượt qua những nỗi sợ này.

Nói không với sự cứng nhắc

Khi ông Simêon nói với Đức Maria rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35), tâm hồn của Mẹ đã không cứng nhắc để chống lại lời tiên báo hay chống lại lưỡi gươm. Đối lập với sự cứng nhắc là sự thích ứng. Sự thích ứng được định nghĩa là khả năng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Từ bản văn, chúng ta không thấy được rõ ràng ý nghĩa của thanh gươm xuyên thấu. Nhưng điều rõ ràng là một vết gươm đâm thấu sẽ để lại một vết sẹo không thể xóa nhòa, và sẽ là một lời nhắc nhở về sự tổn thương của Mẹ. Bài học mà chúng ta học nơi Đức Maria cho Giáo hội hiệp hành là bất cứ tổn thương nào mà chúng ta đã trải qua, dù là cá nhân hay tập thể, chúng ta cần phải hồi phục nhanh và tiếp tục cuộc hành trình.

Nói không với sự xung đột của những ý muốn

Tại đền thờ Giêrusalem, khi Đức Maria chất vấn cậu bé Giêsu: ‘Này con, tại sao con lại đối xử với chúng ta như thế? Cha con và Mẹ đã cực lòng tìm con’, Cậu bé Giêsu trả lời, “Tại sao Cha Mẹ lại tìm con? Cha Mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao? (x. Lc 2,48-49). Thánh Luca viết rằng: cha Mẹ Chúa Giêsu đã không hiểu những gì Ngài nói (x. Lc 2,50). Đức Maria, người đã nghe được lời giải thích từ sứ thần Gabriel, nhưng lại không nghe được lời giải thích từ người con của Mẹ. Ý nghĩa của ‘nhà Cha’ chắc hẳn đã làm Mẹ hoang mang. Mẹ nhận ra rằng có sự xung đột giữa ý Chúa và ý muốn nhân loại, và trong thinh lặng, Mẹ phó dâng cho ý Chúa. Giáo hội hiệp hành là nơi ý Chúa hoà hợp với ý muốn nhân loại.

Nói vâng với tính chất dễ bị tổn thương

Trong cuộc đời, Đức Maria đã có hai lần cảm thấy bị tổn thương vô cùng: một là khi Thánh Giuse định tâm bỏ Đức Maria cách kín đáo (x. Mt 1,19) và hai là khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho Thánh Gioan - người môn đệ yêu dấu - với những lời ‘Này là Mẹ con!’ Chúng ta cảm nghiệm những thương tổn khi chúng ta không nhận được sự giúp đỡ và khi chúng ta bị đặt dưới sự thương xót của một ai khác. Đức Maria đón nhận những tổn thương trong sự nhẹ nhàng, Mẹ không cãi lại Thánh Giuse và Chúa Giêsu. Những thành viên của Giáo hội hiệp hành được mong đợi biết đón nhận tất cả những tổn thương của chính mình. Chính việc chúng ta không có khả năng đón nhận những tổn thương đã khiến chúng ta nổi loạn trong các cộng đoàn Giáo hội của chúng ta.

‘Thinh lặng’ giúp chúng ta lớn lên hơn trong tính hiệp hành như thế nào?

Thinh lặng không chỉ đơn thuần là không có tiếng động. Nó không phải là một tình trạng thụ động. Đúng hơn, thinh lặng là sự hiện diện của toàn thể con người chúng ta dành cho chính bản thân chúng ta. Đó là một hành động với ý chí tự do. Thinh lặng giúp suy nghĩ được nhạy bén, các tương quan được củng cố, và việc giao tiếp được tập trung hơn.

Thinh lặng tạo không gian cho sự tự nhận thức. Trong thinh lặng, Đức Maria nhận ra mình là ai, và cuộc sống của Mẹ có ý nghĩa gì. Trong và qua Giáo hội, chúng ta nhận ra con người của chính mình, và sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta.

Thinh lặng làm chúng ta kiên nhẫn hơn với chính mình và người khác. Chúng ta có thường làm tổn thương người khác vì lời nói hấp tấp của mình không? Thường thì chúng ta hối hận vì lời nói hơn là hối hận vì sự thinh lặng.

Thông qua sự thinh lặng, chúng ta có thể trở nên người sáng tạo và hữu ích. Khi chúng ta khép mình với thế giới bên ngoài, chúng ta có thể chạm sâu vào cõi lòng mình.

Cẩm nang về hiệp hành[3] đề cập đến những khoảng thinh lặng như là một thành phần của trải nghiệm hiệp hành, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thinh lặng trong thỉnh ý hiệp hành. Điều đó nói lên rằng: thinh lặng giúp chúng ta ghi nhận những chuyển động nội tâm của chính mình và làm cho chúng ta hấp thụ những lời chia sẻ của người khác với sự chăm chú thiêng liêng[4].

Trong Tài liệu Chuẩn bị, khi liệt kê mười chủ đề chính, dưới tiêu đề ‘Đối thoại’ trong Giáo hội và xã hội, Đức Thánh Cha viết: “Đối thoại là con đường kiên trì bao gồm cả những lúc im lặng và chấp nhận đau khổ, nhưng lại có khả năng thu thập kinh nghiệm của con người và các dân tộc”[5].

Thánh Augustinô cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho con biết con”[6]. Theo thánh Augustinô, người đã đưa ra thuật hùng biện về sự thinh lặng, thì chính nhờ sự thinh lặng mà một người có thể đối diện với chính mình… Các tác giả tâm linh đều đề cao sự cần thiết của thinh lặng trong việc theo đuổi sự thánh thiện.

Đức Maria có thể đã học từ những đoạn Kinh Thánh Do thái và hiểu được ý nghĩa của thinh lặng:

Một thời để làm thinh, và một thời để lên tiếng” (Gv 3,7).

Lời lẽ ôn hoà của bậc khôn ngoan được lắng nghe trong yên lặng, mạnh hơn cả tiếng quát tháo của kẻ chỉ huy bọn ngu xuẩn” (Gv 9,17).

Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10,19).

Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa !” (Tv 46,11).

Sự ồn ào bên trong cũng như bên ngoài thường nhấn chìm hai tiếng nói quan trọng nhất: tiếng Thiên Chúa và tiếng lương tâm. Chúng ta kết luận bằng những lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Mẫu gương của Đức Maria có thể giúp Giáo hội đề cao hơn nữa giá trị của sự thinh lặng. Sự thinh lặng nơi Đức Maria không chỉ là sự tiết độ trong lời nói, nhưng còn là một khả năng sáng suốt dành cho việc ghi nhớ và đón nhận trong cái nhìn đức tin mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và các biến cố trong cuộc sống dương thế của Ngôi Lời. Chính sự thinh lặng đón nhận Ngôi Lời, chính khả năng chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô là những điều mà Đức Maria đã truyền lại cho các tín hữu. Trong một thế giới ồn ào với muôn vàn thông điệp đủ loại, chứng tá của Mẹ giúp chúng ta đánh giá cao hơn nữa về một sự thinh lặng thiêng liêng phong phú và nuôi dưỡng một tinh thần chiêm niệm”[7].

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (20.07.2024)


[1] Đức Phanxicô, Tông Thư Patris Corde – Trái Tim Người Cha, 08.12.2020, số 4 và số 7.

[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 6

[3] x. Tổng Thư ký của Thượng Hội đồngCẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần Phụ lục B, phần 4.5.

[4] x. Ibid., phần Phụ lục B, số 8.

[5] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ: Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30

[6] The Confessions (Tự thú), Phần X, số. 37.

[7] Đức Gioan Phaolô II, Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 22.11.1995

Read 159 times Last modified on Thứ hai, 22 Tháng 7 2024 07:08