Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 30 Tháng 10 2013 06:51

Đức Mẹ và người Hồi giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đức Mẹ và người Hồi giáo


VRNs- Fatima , Harissa , Damascus, Samalut , Assiut , Zeitun và nhiều nơi khác, những nơi mà Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra là những điểm đến không ngừng của các cuộc hành hương từ Libăng, Syria, Ai Cập, Iran. Khách hành hương đến đây không chỉ tìm kiếm sự chữa lành bênh tật thể xác mà còn tinh thần, họ cầu nguyện một cách tự phát và không theo những khuôn mẫu có sẵn của Hồi giáo. Dù nhóm Hồi Giáo cực đoan Salafist phá hủy các địa điểm hành hương mỗi năm nhưng lòng sùng kính Mẹ Maria vẫn gia tăng, hơn nữa nó còn được thúc đẩy bởi những câu chuyện trong kinh Koran (Kinh Thánh của người Hồi Giáo – viết về những mạc khải của thánh A-La cho tiên tri Muhamad). Cuộc đối thoại tinh thần giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo mang nhiều sự hứa hẹn hơn so với nhiều cuộc đối thoại văn hóa, thần học hay chính trị.

Theo tác giả Samir Khalil Samir của Asia News , mỗi năm có hàng triệu người Hồi giáo hành hương đến các đền thờ Đức Mẹ của người Công Giáo. Không chỉ những đền thờ lớn như Fatima ở Bồ Đào Nha hoặc Harissa ở Libăng, mà còn ở Ai Cập , Syria, Iran . Người Hồi giáo – đặc biệt là những phụ nữ, họ đi để tạ ơn Đức Mẹ và những vị thánh lớn của Kitô giáo như thánh Charbel hoặc George.

Trong con mắt của nhiều người phương Tây thì những biểu lộ này có vẻ ngốc ngếch hoặc giả dối khi họ đề cập tới các cuộc hiện ra, tới những lời cầu nguyện, nhưng sau đó lại có những cuộc tàn sát, giết người, bạo lực nhân danh tôn giáo !

Dù thích hay không, hiện tượng tôn giáo vẫn tiếp diễn ở châu Mỹ Latinh , châu Phi , châu Á. Khi thấy hàng triệu người theo đạo Hindu tắm trong dòng nước ô nhiễm của con sông thiêng, bạn có thể xem đó là một điều ngốc ngếch. Tuy nhiên, đối với họ thì đó là một hành vi gột rửa tội lỗi, là những lời kinh cầu. Người phương Tây có thái độ khoan dung và nhân từ đối với các tôn giáo khác , nhưng thái độ của họ đối với Kitô giáo lại là sự phê bình ngày càng khắt khe. Phương Tây không phải là thời hậu Ấn Độ giáo, hậu Hồi giáo nhưng là thời hậu Kitô giáo !

Vấn đề là ở phương Tây, sự siêu nhiên bị coi là lỗi thời, bị quy vào những điều thần thoại, ảo giác. Họ mãi lên án rằng, không có phép lạ hay cuộc hành hương nào có thể xóa bỏ các khó khăn.

Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, chiều kích tâm linh vẫn còn sống và có giá trị . Tại các quốc gia đông phương, tình cảm tôn giáo vẫn còn rất sống động giữa những người Hồi giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác. Nhưng hầu hết ở các nước phương Tây – đặc biệt là những nơi có trí thức cao – tình cảm tôn giáo bị xem như là một chuyện của quá khứ, không hợp lý, ngây thơ. Chúng ta phải tuyên bố cách rõ ràng : cách giải thích này là sai lầm.

LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MARIA CỦA NGƯỜI HỒI GIÁO

Tại Ai Cập, có ít nhất một chục địa điểm hành hương dành riêng cho Đức Trinh Nữ, nơi tưởng nhớ cuộc hành trình của Thánh Gia tại Ai Cập. Có nhiều truyền thống rất phong phú trong các bản văn ngụy thư của thế kỷ thứ tư và thứ năm. Bạn có thể đọc một số đoạn trong bài viết của Đức Ông Ravasi (nay là Đức Hồng Y ) về ngày 28 tháng 12 năm 2007 (ngày lễ tưởng niệm sự kiện các em bé dưới 2 tuổi bị vua Hê-rô-đê ra lệnh giết chết tại Bê-lem) được xuất bản trên báo L’Osservatore Romano.

Tháng Tám hàng năm, vào ngày lễ Đức mẹ Lên Trời, có ít nhất một triệu khách hành hương đến các đền thờ Đức Mẹ. Nổi tiếng nhất là ở Thượng Ai Cập (thuộc miền Nam), tại Jabal al- Tair, gần Samalut, cách Cairo khoảng 200 km. Ngày lễ kéo dài 15 ngày, mọi người cầu nguyện, cử hành phụng vụ và rửa tội cho trẻ sơ sinh (các linh mục xứ cũng đã xây dựng nhà rửa tội cho người Hồi giáo, cũng do nhu cầu rửa tội của họ).

Xa hơn về phía nam, có một nơi hành hương khác tại Deir Dronka, cách Cairô khoảng 380km và cách Assiut 7 km, nơi mà truyền thống cho rằng Gia Đình Thánh Gia đã từng lưu lại và Đức Trinh Nữ đã nghỉ ngơi trong một cái hang.

Một vài lần hiện ra được tường thuật lại trong thời gian gần đây :

• Vào ngày 22/1/1980 Đức Trinh Nữ hiện ra với một thầy phó tế .

• Ngày 10/1/1988 Mẹ hiện ra trên ngọn tháp nhà thờ với một du khách người Úc, và Chúa Giêsu cũng đã hiện ra với với những người làm việc tại tu viện cùng một con chim bồ câu.

• Ngày 7/8/1990, được bao quanh bởi ánh sáng, Đức Trinh Nữ đã hiện ra với các tu sĩ trong một hang động của tu viện.

Cuộc hành hương hàng năm diễn ra vào dịp “ăn chay của Đức Trinh Nữ” (từ ngày 7 đến ngày 21 tháng 8, còn lễ Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào ngày 22 theo nghi lễ Coptic). Tại thời điểm ấy, có hơn nửa triệu người hành hương, trong đó có hàng chục ngàn người Hồi giáo. Có một tu sĩ được coi là “người đặc biệt” ở đây, vì vị tu sĩ này có thể thực hiện 36 dấu thánh trên cơ thể của một đứa trẻ trong vòng một phút trong nghi thức rửa tội.

Người Hồi giáo chiếm một số lượng khá lớn trong tổng số khách hành hương, có người nói rằng họ chiếm ít nhất một phần tư trong tổng số.

Tại Ai Cập, có một nơi hành hương khác ở Zeitun gần Cairô, nơi Đức Mẹ được cho là đã hiện ra gần đây. Cuộc hiện ra bắt đầu vào năm 1968, được kéo dài trong vài tháng. Có nhiều nhà xã hội học – không phải người Ai Cập – đã gọi là sự việc lạ lùng này là một thứ bù đắp tình cảm, an ủi tinh thần cho những khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng những người Hồi giáo và Kitô giáo đến đó, bởi vì họ nhìn thấy một bóng màu trắng trên mái vòm của nhà thờ Zeitun, mà họ cho là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Sự thật rất khó để giải thích, nhưng hàng ngàn người cùng nhìn thấy những hình ảnh này thì thật lạ. Một cuộc hiện ra khác nữa của Đức Trinh Nữ là ở Imbaba, một khu phố đông dân cư.

Từ năm 1982 đến nay, những báo cáo về các lần hiện ra của Đức Mẹ tại Damascus gần Soufanieh vẫn tiếp diễn. Dầu đã chảy ra từ ảnh tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh và bàn tay của cô gái Myrna Nazzour 18 tuổi cũng đổ mồ hôi dầu. Vị linh mục chánh xứ thời đó – người lúc đầu đã hoàn toàn phản đối điều này – đã trở nên người hăng hái nhất với ảnh tượng này. Tại đây, người Hồi giáo và các Kitô hữu cũng lũ lượi kéo đến rất đông.

Gần Damascus cũng có một nơi hành hương để thăm viếng là lăng mộ của Settena Zainab, con gái của Ali và Fatima, người sáng lập dòng Si-ai của Hồi Giáo. Đây là một cuộc hành hương tìm về cội nguồn. Nhưng khi bạn tới những nơi mà Đức Trinh Nữ đã hiện ra thì lý do lại càng sâu xa hơn.

Những năm qua, nhiều chuyến bay đã chở các phụ nữ Hồi giáo từ Iran đến Fatima, Bồ Đào Nha. Họ đến đây để cầu nguyện với Đức Mẹ, người đã hiện ra cùng ba trẻ chăn chiên. Lý do là vì danh xưng Fatima được lấy từ tên con gái của tiên tri Muhammad và bà Ali Ibn Abi Talib.

Tại Harissa, Libăng, các phụ nữ Iran không ngừng tuôn đến để cầu nguyện với Đức Mẹ, đến nỗi mà linh mục quản lý đền thờ này đã xây một nhà nguyện dành riêng cho họ, kèm theo những ảnh tượng và kinh nguyện với bằng Tiếng Ba Tư, để giúp họ thuận tiện hơn trong việc bày tỏ lòng sùng kính với Đức Trinh Nữ.

Vào giữa tháng Năm năm ngoái, khi tôi chờ đợi để tham dự Thánh Lễ đêm tại Harissa, tôi đã thấy hàng trăm gia đình Hồi giáo – có lẽ là những tín đồ Si-ai – dừng lại để lắng nghe những bài thánh ca trước thánh lễ cho đến khi kết thúc.

Khi tôi ở Ma-rốc, tôi đã phát hiện ra rằng nhiều phụ nữ đang mang thai và phụ nữ sau sinh, vẫn giữ “kỳ chay tịnh của Đức Mẹ” mà kinh Koran có nói tới.

ĐỨC MARIA TRONG KINH KORAN

Các tín đồ Hồi giáo tới những đền thờ này đều biết rằng, Đức Maria là người phụ nữ được tôn kính nhất trong kinh Koran, người phụ nữ duy nhất được gọi là ” Siddīqah ” (chân chính, đáng kính, thánh thiện), một tước vị được dành cho nam giới (Siddiq). Mẹ là người phụ nữ duy nhất được kinh Koran tuyên bố rằng, Thiên Chúa đã chọn (inna Allāh istafāqī) và ưu ái hơn tất cả những người nữ trên trần gian (wa-faddalaki ‘ala nisā’ al-’ālamīn). Hơn nữa, Mẹ đã được thánh hiến (innī nadhartu mā fī batnī muharraran) ngay khi còn trong lòng thân mẫu. Thật vậy, một câu nói đáng sợ của tiên tri Muhammad (và vì thế nó được coi là một điều chắc chắn) nói rằng mọi trẻ em, khi sinh ra đều bị Sa-tan “chạm” vào, ngoại trừ Đức Maria và người Con của Mẹ. Một lối nói rất gần gũi với tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (tín điều này cho rằng, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Mẹ nguyên tuyền, trinh trắng, không hề mang tì vết của tội tổ tông).

13102807

Trong kinh Koran, Đức Maria là người “tinh tuyền nhất”, bởi vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ trở nên tinh tuyền. Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã nói với thiên thần : ” Làm thế nào tôi có thể có con, khi chưa từng có ai chạm vào tôi?”. Vì vậy, trong kinh Koran, Đức Giêsu được gọi là: “Đức Giêsu Kitô, con của Đức Maria” (al- Masih ‘Isa Ibn Mariam). Trong tiếng Ả Rập, chưa bao giờ có một ai được gọi là ” con trai của ( một người phụ nữ ) “, nhưng luôn luôn là con của (một người đàn ông). Vì vậy, Chúa Giêsu được sinh ra bởi một người phụ nữ không biết đến đàn ông và không thể gọi Đức Giêsu là “con trai của Giuse”!

Do đó, trong câu cuối cùng (câu 12) thuộc Chương 66 (al- Tahrīm ) của kinh Koran nói : “và Maria là con gái của Imran, người được gìn giữ đức khiết tịnh. Bà là người đã làm chứng cho sự thật về lời của Thiên Chúa và những mặc khải của Ngài; bà là một người đạo đức”.

Khi Đức Maria được nhắc đến trong đạo Hồi, Mẹ được thêm tước hiệu “Alayhā l- Salam” (bình an xuống trên Bà), một tước hiệu chưa được trao cho bất kỳ vị thánh nào. Tước hiệu này cũng được các Kitô hữu dùng để tôn xưng Đức Maria. Có cả một nói về Đức Maria trong kinh Koran được viết bởi cả những người Hồi giáo và Kitô giáo.

LÒNG SÙNG KÍNH VỀ CÁC VỊ THÁNH KITÔ GIÁO NƠI NGƯỜI HỒI GIÁO

Điều gì thúc đẩy người Hồi giáo đi hành hương như vậy? Trước hết, những người này muốn tái khám phá bản chất đức tin của họ, họ đang tìm kiếm một sự canh tân đức tin. Theo sau đó là ước mong được chữa lành bệnh tật thể xác. Tuy nhiên, ước muốn chữa lành bệnh tật tâm linh còn mãnh liệt hơn rất nhiều. Điều này rất giống với tâm tình của các khác hành hương Kitô hữu.

Phải nói rằng đối với người Hồi giáo chính thống, ngoại trừ cuộc hành hương đến thánh địa Mecca (Hajj), những cuộc hành hương khác đều là vô giá trị. Họ coi việc hành hương là một dạng tôn thờ ngẫu tượng với ngoại lệ là thánh địa Mecca. Đó là lý do tại sao người Hồi giáo cực đoan phá hủy tất cả những địa điểm hành hương, nhất là những ngôi mộ của các nhà hiền triết của phái Hồi Giáo mật tông (Sufi sage), nơi mà những nhà thần bí Hồi giáo ghé thăm mỗi năm. Nhóm Salafis là một điển hình, họ thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công tượng ảnh tôn giáo ở Tunisia , Libya, Ai Cập , Mali , Jordan , Pakistan, vv …

Xu hướng này trong Hồi giáo cực đoan cũng tương tự như thời đầu của Tin Lành : họ xem thường lòng đạo đức bình dân vì cho đó là điều quá ngây ngô và lệch lạc. Trên thực tế, con người không chỉ tìm kiếm Thiên Chúa thông qua những công việc hàng ngày, mà còn qua một số hiện tượng hoặc bằng chứng nào đó. Kitô hữu hay người Hồi giáo đều như vậy cả.

Có nhiều cuộc viếng thăm thường xuyên của người Hồi giáo đến đền thánh George ở Ai Cập, đền thánh Charbel Makhlouf ở Libăng hay ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria ở Êphêsô, đa phần trong số họ là phụ nữ. Đôi khi họ đi hành hương xin ơn để có một đứa con, hoặc để được chữa lành bệnh tật thể xác. Luôn luôn có những người Hồi giáo hành hương đến các địa điểm của Kitô giáo.

DucMeVaHoiGiao2 gxthohoang.net

CÁC TU SĨ TRỪ QUỶ CHO NGƯỜI HỒI GIÁO

Một yếu tố tâm linh hiện diện trong niềm tin của con người là sự sợ hãi ma quỷ. Tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này từ nhiều năm trước, khi tôi còn là một tu sĩ, nhưng chưa phải là linh mục. Đây là một ví dụ rất đáng kể, khi ấy tôi học Đại học Hoa Kỳ tại Cairô, tôi ra vào trường này nhiều lần trong ngày vì một số nghiên cứu. Có lần người gác cửa chặn tôi lại và nhẹ nhàng nói, “đứa con gái mười sáu tuổi của tôi bị quỷ ám.” Đó là lần đầu tiên tôi nghe về quỷ ám. Ông kể cho tôi rằng, con quỷ này đã làm cho con gái ông ngã xuống đất và làm cô ấy bị thương như thế nào. Ông nói thêm : “Tôi đã đưa con bé đến những thầy tế Hồi giáo của chúng tôi, nhưng họ không thể làm được gì. Họ bảo tôi rằng chỉ duy nhất có tu sĩ mới có thể giải thoát cô bé.” Ông cầu xin tôi làm điều gì đó.

Tôi hứa với ông rằng tôi sẽ cầu nguyện, nhưng tôi nhận thấy ông ấy có vẻ thất vọng vì câu trả lời của tôi. Khi tôi kể câu chuyện này với những anh em tu sĩ của tôi thì tất cả họ đều trách tôi, bởi vì họ tin rằng tôi nên thực hiện việc trừ tà theo nghi thức phụng vụ đã được thiết lập. Và tôi nhận ra rằng, nhiều tu sĩ đã được người Hồi giáo mời đến trừ quỷ cho một thành viên nào đó trong gia đình của họ và điều này rất phổ biến.

Thông thường, người Hồi giáo đến với các tu sĩ Chính Thống Cơ Đốc Ai Cập hoặc linh mục và việc trừ quỷ thường được thực hiện nơi công cộng. Tôi đã từng chứng kiến ​​một người đứng trước quảng trường nhà ga tại Cairô (Bab al- Hadid), ngày nay gọi là Midan Ramsis, với nến và nước thánh. Có một người đàn ông nằm trên mặt đất, cứng ngắc, miệng nguyền rủa, nhưng một lát sau, người đàn ông này bình tĩnh trở lại.

Một vài năm sau đó, vào tháng 9 năm 1994, một linh mục của phong trào Canh tân đặc sủng người Canada rất nổi tiếng với các phép lạ, đã đến Libăng. Đó là Cha Emilien Tardif (1928-1999) thuộc Dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Có hàng chục ngàn người, trong đó có nhiều người Hồi giáo đã đến xin cha giúp đỡ. Án phong chân phước của ngài đang được tiến hành. Hiện tượng này là một thực tế mà tôi không thể giải thích. Nhưng tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao ban tặng phẩm siêu nhiên cho một số người để phục vụ người khác. Những tặng phẩm này chỉ được trao trong một môi trường Kitô giáo, nhưng chúng lại được những người ngoài Kitô giáo chứng nhận và xác thực.

Nhiều phép lạ được thực hiện vì lợi ích của bất cứ ai có lòng tin, chính lòng tin này khiến Thiên Chúa làm phép lạ. Trong con người có một nhu cầu mà Hồi giáo không thể thỏa mãn được, nhưng điều đó lại sống động trong Kitô giáo. Đó là nhu cầu tâm linh, sự huyền bí và vẻ đẹp được trao tặng trong thế giới Kitô giáo dễ dàng hơn so với thế giới Hồi giáo.

LÒNG THÀNH KÍNH GẮN KẾT CON NGƯỜI. ĐỨC MARIA NHƯ MỘT CẦU NỐI GIỮA CÁC KITÔ HỮU VÀ NGƯỜI HỒI GIÁO

Lòng thành kính gắn kết con người. Ví dụ điển hình nhất cho điều này là quyết định của quốc hội Libăng ba năm về trước về việc thiết lập một ngày lễ quốc gia, họ đã chọn ngày lễ Truyền Tin của Đức Maria. Đó là một quyết định thận trọng của các Kitô hữu và người Hồi giáo. Kinh Koran đã hai lần đề cập đến biến cố Truyền tin cho Đức Mẹ (trong chương 3 và 19), và hầu như có cùng cách nói của Tin Mừng với sự tao nhã và trang trọng hơn. Trong các bản văn này, Đức Trinh Nữ Maria được mô tả là một người rất phục tùng Thiên Chúa, Mẹ đã ngạc nhiên trước những gì xảy ra với Mẹ đến nỗi chính Thiên Chúa đã an ủi Mẹ.

Những kinh nghiệm này dẫn đến sự hợp tác và hòa hợp tâm linh lớn lao với nhiều tín đồ Hồi giáo. Nếu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, – trong đó sự pha trộn giữa tôn giáo và quyền lực, tôn giáo và nhà nước, tôn giáo và chính trị -, không nắm kiểm soát thì các tín đồ Hồi giáo, cũng như những tín đồ khác, sẽ nuôi dưỡng thái độ cởi mở với sự siêu nhiên và tâm linh trong lòng mình. Vì thế phương diện này không được tự do thể hiện trong Hồi giáo : chuyện tâm linh cũng được lên kế hoạch, 5 kinh nguyện thường ngày phải được đọc như đã soạn sẵn trước đó, đến nỗi nếu phạm lỗi trong khi đọc chúng , người ta phải đọc lại từ đầu. Hồi giáo thiếu tính tự phát. Vì lý do này, khi một người Hồi giáo mong muốn tìm kiếm một cái gì đó thân tình hơn thì họ hướng về Kitô giáo giáo.

Lòng sùng kính tạo nên tình cảm thân thiện và không đối kháng. Ở phương Tây người ta thường nói rằng các tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo độc thần, là nguồn gốc của chiến tranh và chia rẽ. Luận điểm này sai lầm cả về quan điểm lịch sử và từ quan điểm nội dung. Tất nhiên, nhiều cuộc chiến tranh đã được tiến hành trên danh nghĩa tôn giáo. Nhưng con người cũng thúc đẩy các cuộc chiến tranh với danh nghĩa của nhiều hệ tư tưởng khác, chính tôn giáo không gây ra chiến tranh. Chúng ta phải nghĩ tới chủ nghĩa dân tộc, sự chia rẽ và nhiều cuộc thế chiến đã diễn ra ở châu âu, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân tồi tệ nhất đã gây ra nhiều bạo lực hơn bất kỳ tôn giáo nào. Các ý thức hệ vô thần của thế kỷ XX cũng đã gây ra nhiều chết chóc hơn bất kỳ tôn giáo nào.

Ngay cả những cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu cũng đã dựa trên một hiện tượng chính trị là sự lợi dụng tôn giáo (cuius regio, eius religio). Đó là quan điểm chung của thời đại, nhưng đó không phải là cái nhìn mà Phúc Âm đưa ra. Mối liên hệ giữa chính trị và tôn giáo vẫn còn rất mạnh mẽ trong Hồi giáo và Do Thái giáo. Việc xác định một nhà nước với một tôn giáo và một nhóm dân tộc, đã tạo ra chủ nghĩa phục quốc Do Thái (chủ nghĩa Xi-on), chủ nghĩa này đã tạo ra một hình thức bạo lực được châm ngòi bởi tôn giáo, chủ nghĩa này cũng gây ra các vấn nạn cho nhiều người Do Thái không ủng hộ nền chính trị của Israel. Về phía Hồi giáo, việc Palestine bị đồng hóa với Hồi giáo đã gây ra những khó khăn tương tự, và đó là lý do khiến tiến trình hòa bình và hòa giải bị cản trở.

Cho đến nay, đối với tôi, dường như Kitô giáo là một tôn giáo phân biệt rõ ràng giữa đức tin và chính trị, mặc dù không luôn luôn hoàn hảo vì là con người. Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng đã đề cập đến vấn đề này trong Tông Huấn gửi cho Trung Đông: “Mặt khác, một nhà nước thế tục lành mạnh giải phóng tôn giáo khỏi những trở ngại chính trị, và làm cho chính trị trở nên phong phú bằng sự đóng góp của tôn giáo, trong khi vẫn duy trì khoảng cách cần thiết, phân định rạch ròi và sự hợp tác không thể thiếu giữa hai lĩnh vực ” ( Tông huấn Ecclesia in Medio Oriente, số 29).

Thật vậy, đối với người Hồi giáo, ngay khi đề cập đến Đức Maria, có một sự thay đổi đáng chú ý trong thái độ của họ: bầu không của lòng sùng kính, của sự im lặng, của tình huynh đệ, như thể sau khi trò chuyện về nhiều điều, bạn đã bước vào một nơi thờ phượng có sự thing lặng.

Một số người có thể xem đây là một dạng hổ lốn (syncretism). Nhưng trên thực tế, lòng sùng kính là một hiện tượng mở ra cho tất cả mọi người. Thậm chí tại phương Tây, các đền thờ Đức Mẹ không chỉ thu hút người Kitô hữu, mà còn thu hút các tín đồ của các tôn giáo khác, hoặc những người đã rời bỏ Giáo Hội, hoặc thậm chí người vô tín. Mặc dù các nghi thức phụng vụ rõ ràng là của Kitô giáo. Và nếu tôi, khi cầu nguyện với Đức Mẹ mà nhìn thấy một người Hồi giáo cầu nguyện bên cạnh tôi thì có vấn đề gì không ? Ngược lại : đó là một niềm an ủi lớn lao vì lòng sùng kính là một nền tảng vững chắc hơn so với một ý thức hệ, chính trị hay sự liên kết văn hóa, cho một mối quan hệ và tình huynh đệ. Những ai vẫn nghĩ về đức tin Kitô giáo theo cách độc quyền, như một số người Công Giáo truyền thống, thì vẫn chưa thực sự hiểu được trọn vẹn Kitô giáo.

Samir Khalil Samir, Asianews

Minh Trang chuyển ngữ

Read 1703 times