Chuyện tình đẹp như mơ của ông Juan Martin và bà Sinforosa Colomfer trong suốt 45 năm qua tại một ngôi làng hoang cách thành phố Valencia của Tây Ban Nha 160 km đã khiến biết bao người ngưỡng mộ và cảm phục, bởi nó khiến người ta thật sự tin “thủy chung” là có thật.
Bằng đôi mắt hiền từ và chất giọng sâu thẳm, ông Juan chia sẻ về cuộc sống của mình cùng người vợ thân yêu, người mà ông đã đem lòng yêu say đắm từ cái nhìn đầu tiên khi ông trông thấy bà đưa đàn gia súc ra cánh đồng. Họ phải lòng nhau, và rồi họ thường xuyên có những buổi hò hẹn tại quán bar hay những tối khiêu vũ mỗi cuối tuần.
Họ kết hôn và sống một cuộc sống êm đềm, cho tới khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1936, hàng trăm người dân lần lượt rời bỏ vùng quê nghèo ra đi. Đến năm 1970, ngôi làng chỉ còn duy nhất hai cư dân là ông Juan và bà Sinforosa. Hai ông bà từng có một cô con gái, nhưng cô bé không may đã qua đời khi vừa mới 12 tuổi vì bệnh tắc động mạch.
Trước những năm đó, ngôi làng cũng từng có linh mục, giáo sư, trường học, cảnh sát… nhưng chỉ một vài năm sau cuộc nội chiến, tất cả đều đã rời đi nơi khác.
Vì thương nhớ con gái, cũng vì cái tình quê hương, bà Sinforosa không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ rời xa ngôi làng này. Nội tâm giằng xé giữa đi và ở có lúc khiến ông Juan thật sự mệt mỏi, nhưng cuối cùng ông hiểu rằng, ông thương vợ và ông cần bà ấy hơn bất kỳ điều gì khác:“Tôi không muốn bỏ cô ấy lại một mình”.
Ông tôn trọng quyết định của bà, bởi vì đây là nơi bà sinh ra, nơi tình yêu của họ bắt đầu, nơi chứa đựng biết bao niềm vui và kỷ niệm mà bà không muốn quên, nơi chôn giấu tình thương của bà đối với cô con gái yểu mệnh. Ước mong ở lại miền quê hoang vắng của bà được ông ủng hộ bằng cả tấm chân tình.
Ông kể:“Thỉnh thoảng có một vài người qua lại, họ đặt câu hỏi là chúng tôi có thể sống tốt ở đây như thế nào?”
Tôi nói rằng:“Hãy đến và sống ở đây một lúc, xem bạn có thể chịu đựng được bao lâu?”
Họ mất khoảng 3 năm để xây dựng một trang trại tại nhà, chăn nuôi gia súc, trồng lúa mì, yến mạch hoặc bất cứ thứ gì. Hàng ngày, ông bà chăm chỉ làm việc trên những quả đồi từ sáng sớm. Rồi khi hoàng hôn buông xuống, họ lại cùng nhau chuẩn bị những bữa tối đạm bạc mà chứa đầy yêu thương, họ vừa thưởng thức món ăn vừa chuyện trò về cách chế biến, trên khuôn mặt ông luôn là những cử chỉ âu yếm, thân thương dành cho bà.
Câu chuyện về “đôi vợ chồng Robinson” đời thực này đã được lan truyền trên khắp các mặt báo nước ngoài, sau đó hãng phim Jungles In Paris đã đến gặp để làm một bộ phim tư liệu ngắn về họ.
Trên con đường mòn, hình ảnh cụ ông vác bó củi thong dong bên chú chó thân thiện, ngọn lửa đốt lên sưởi ấm ngôi nhà và trái tim người phụ nữ yêu thương. Giờ đây, cả ngôi làng trở thành khoảng trời riêng của đôi vợ chồng già giữa núi non và mây trời.
Trên thế gian này, mấy ai nói yêu mà dám vì tình yêu buông bỏ lợi ích của riêng mình, mấy ai hứa hẹn mà dám vì người thương thực hiện lòng thành tín? Có sóng lớn mới đãi ra vàng thật, có hoạn nạn mới biết tấm chân tình;tình cảm vợ chồng trân quý nhất chính là dù trải qua bao sóng gió và thử thách vẫn nồng nàn và ấm áp như thuở ban đầu. Tình yêu thương mà vợ chồng dành cho nhau bằng trái tim chân thành không thể mua được bằng tiền hay bị phai nhạt bởi những cám dỗ xa hoa, người ta gọi đây là thủy chung vĩnh cửu.
Sưu Tầm