Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 02 Tháng 12 2021 08:11

Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cảm thức đức tin

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Mục vụ cảm thức đức tin

MỤC VỤ
TRỰC GIÁC ĐỨC TIN[1]

Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

 

Dẫn nhập

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhắc đến lời của một người phụ nữ đã nói với Ngài: “Nếu Chúa không tha thứ, thì thế gian đâu còn”. Đó là: “Trực giác đức tin”, do ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban cho. Trực giác đức tin là một tài nguyên có tính sống còn, đối với việc tân phúc âm hóa, mà Giáo Hội đang nỗ lực dấn thân rao truyền. Mọi người, nhận phép rửa, đều tham dự vào sứ vụ tiên tri của Chúa Giêsu Kitô. Trở thành: “Chứng tá trung thành và đích thực”[2]. Chúa Thánh Thần xức dầu cho họ và trang bị cho họ, để họ đảm nhận ơn gọi cao cả ấy, bằng cách ban cho họ một sự hiểu biết rất cá vị và thâm sâu về đức tin. Họ có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng và cho đức tin tông truyền trong Giáo Hội và giữa thế giới. Sau đây, tôi xin chia sẻ về mục vụ “Trực giác đức tin.”

Nhận thức

Trực giác[3] là hiểu biết một cách trực tiếp mà không cần lý luận, phân tích. Ngôn đời thường gọi là "trực giác mách bảo"; “linh tính hay giác quan thứ sáu”; “dự cảm” mà không cần lý do. Kinh nghiệm: "nhiều khi nhờ trực giác mà con người thoát được nhiều hiểm nguy".

Trực giác đức tin là gì và làm sao nhận diện được nó? Đâu là nguồn gốc? Đâu là điều kiện để thi hành trực giác đức tin cách chân chính? Rất nhiều câu hỏi, đòi được trả lời trong Giáo Hội ngày nay. Về phương diện mục vụ, tôi chỉ xin đề cập tới một số khía cạnh thực hành.

CĂN

Trước hết, khởi đi từ Kinh Thánh. Giôsuê đã xin Môsê ngăn cấm những người nói tiên tri ngoài Lều Hội Ngộ. Môsê đã trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Chúa ban Thần Khí của Ngài trên toàn dân của Ngài để họ đều là ngôn sứ”[4]! Còn Chúa Giêsu công bố: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”[5]. Tin Mừng là Chính Chúa Giêsu. Thánh Gioan xác tín: “Anh em đã được Chúa Kitô xức dầu. Ngài đang ở trong anh em. Ngài đã dạy anh em mọi điều rồi và anh em không cần bất cứ ai dạy dỗ anh em nữa”[6].

CỐT

Tiếp đến Công Đồng khẳng định: “ Mọi người đã nhận phép rửa, đều tham dự, vào ba sứ vụ của Chúa Kitô là “Tiên tri, tư tế và vương đế”. Và như thế, sẽ góp phần phá bỏ hàng ngũ giáo dân thụ động, và sự tách biệt giữa Giáo Hội thầy dạy và Giáo Hội học trò. Công Đồng còn cho rằng: “ Chúa Kitô chu toàn sứ vụ tiên tri của Người bằng cả phẩm trật cả hàng giáo dân”. Toàn thể cộng đoàn đều làm chứng cho đức tin tông truyền.

TRỌNG ĐIỂM

Và lịch sử minh chứng rằng, khi cần đưa ra quyết định gì về đức tin, chứng tá giáo dân, đều được các mục tử xem xét. Lịch sử có đủ bằng chứng cho thấy, giáo dân đóng vai trò chính trong việc ra đời của một số định tín về tín lý. Có lúc, chính Dân Chúa, nhất là giáo dân, trực giác cảm thấy việc khai triển tín lý phải đi theo hướng nào, ngay cả khi các nhà thần học và các giám mục chia rẽ nhau về vấn đề đó. Có khi rõ ràng có sự đồng linh hứng, giữa các mục tử và các giáo dân. Lại có lúc, như khi Giáo Hội muốn một định tín chẳng hạn, Giáo Hội “tham khảo” tín hữu, và trực giác đức tin của các tín hữu, khiến cho việc định tính hợp pháp. Điều ít được biết và thường không được chú ý đủ về vai trò của giáo dân trong việc khai triển giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Do đó, điều quan trọng là chức năng của giáo dân trong việc biện phân thích đáng phù hợp với Tin Mừng. Ở một số lãnh vực, giáo huấn của Giáo Hội đã khai triển được là nhờ người giáo dân khám phá ra các điều phải làm, căn cứ trên các hoàn cảnh mới. Suy tư của các nhà thần học, và sau đó phán đoán của huấn quyền giám mục, đều dựa vào cảm nghiệm của Kitô hữu, vốn được trực giác của tín hữu giáo dân làm cho sáng tỏ trước đó.

Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Toàn thể dân thánh, kết hợp với các mục tử của mình”, hàng giáo phẩm và hàng giáo dân, cả hai thực tại tạo thành “kho tàng thánh duy nhất của lời Chúa”, vốn “được ủy thác cho Giáo Hội”. Trực giác đức tin có 2 thực tại khác biệt nhau, dù có liên hệ mật thiết với nhau. Một đàng là tín hữu cá thể, nhờ các bí tích khai tâm, và nhờ cử hành Thánh Thể, đã tham dự cách riêng vào đức tin và vào đời sống Giáo Hội. Một đàng, là bản năng đức tin của chính Giáo Hội. Nhờ đó, Giáo Hội nhận biết Chúa và công bố lời của Người. Sự đồng thuận đóng một vai trò sống còn trong Giáo Hội: sự đồng thuận của các tín hữu là tiêu chuẩn chắc chắn để ta xác nhận đức tin tông truyền hay không.

Ứng dụng

Làm thế nào biện phân trực giác đức tin?

Đức GH Gioan Phaolô II: “Trực giác đức tin “không nhất thiết ở việc đồng thuận của tín hữu”. Nhiệm vụ của các mục tử Giáo Hội là “phát huy trực giác đức tin, khảo sát và phán đoán một cách có thẩm quyền, tính chân chính trong các phát biểu của nó, và giáo dục tín hữu trong việc biện phân phúc âm một cách trưởng thành hơn”.

Trước hết, lắng nghe lời Chúa. Rồi, gắn bó với huấn quyền thánh thiện, khiêm nhường, tự do và vui tươi. Trực giác đức tin còn được thể hiện qua: “Lòng đạo bình dân”. Chúa Giêsu cho thấy: “Lạy Cha, là Chúa Tể trời đất, Con tạ ơn Cha vì Cha đã giấu những điều này khỏi kẻ khôn ngoan và thông thái và đã tỏ chúng cho các người bé nhỏ”[7]. Đó cũng là hình thức biểu hiện đức tin Kitô Giáo nơi dân Chúa trong Giáo Hội. Đúng hơn, chỉ “sự khôn ngoan Kitô Giáo của dân Chúa” được biểu hiện qua muôn vàn phương cách. Sự khôn ngoan này “tổng hợp một cách sáng tạo thần linh và nhân linh, Chúa Kitô và Đức Mẹ, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đồng, đức tin và quê hương, trí hiểu và xúc cảm” và nó cũng là “nguyên tắc biện phân” và là “bản năng phúc âm”. Nhờ đó, họ tự phát, cảm nhận được lúc nào thì Tin mừng được phục vụ trong Giáo Hội và lúc nào nó trở thành trống rỗng nội dung và bị các quyền lợi khác làm cho tê cứng. Như thế, lòng đạo bình dân rõ ràng có liên hệ mật thiết với trực giác đức tin, nên cần được xem xét cẩn thận. Cần phải nhìn nhận cách riêng rằng lòng đạo bình dân là hình thức đầu tiên và nền tảng nhất của việc ‘hội nhập văn hóa’ đức tin. Lòng đạo này là một thực tại tôn giáo được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn; Người là Đấng đã xức dầu cho dân Chúa để họ đảm nhiệm “chức tư tế thánh thiện”. Điều tự nhiên đối với chức linh mục phổ quát của dân này là tìm cách phát biểu bằng nhiều cách khác nhau. Có thể nói lòng đạo bình dân “được điều hướng tốt” khi nó có tính “Giáo Hội” thực sự. Đức thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đã chỉ ra các tiêu chuẩn chắc chắn cho tính Giáo Hội này: “Được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”. Đức Giáo hoàng Phanxicô từng cho thấy rõ “sức mạnh truyền giáo” của lòng đạo bình dân, và xem ra ngài muốn nói tới trực giá đức tin khi quả quyết rằng “nâng đỡ lòng đạo bình dân” là cả “một sức mạnh phúc âm hóa tích cực mà ta không nên đánh giá thấp, vì đánh giá thấp là không biết nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Thần”. Cho nên, điều hết sức quan trọng là phải biện phân và lắng nghe tiếng nói của "những người bé nhỏ biết tin”[8].
Có một sự bình đẳng đích thực về phẩm giá nơi mọi tín hữu, vì nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu đều được tái sinh trong Chúa Kitô. “Vì sự bình đẳng này, tất cả mọi người trong số họ đều góp phần, mỗi người theo hoàn cảnh hay chức vụ riêng, vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô” . Cho nên, mọi tín hữu “đều có quyền, và có bổn phận, theo hiểu biết, khả năng và địa vị của mình, mà bày tỏ với các mục tử quan điểm của mình về các vấn đề liên quan tới lợi ích của Giáo Hội”. “Họ có quyền làm cho quan điểm của mình được các Kitô hữu khác biết đến, nhưng khi làm thế, họ phải luôn luôn tôn trọng sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, tỏ lòng kính trọng các mục tử và để ý tới ích chung và phẩm giá các cá nhân”. Thành thử, các tín hữu, và đặc biệt các tín hữu giáo dân, phải được các mục tử của Giáo Hội cư xử một cách kính trọng và ân cần, và được tham khảo cách thích đáng vì lợi ích của Giáo Hội. Động từ “tham khảo”: Một đàng, trong các vấn đề cai quản và các vấn đề mục vụ, các mục tử của Giáo Hội, trong một số trường hợp, có thể và nên tham khảo các tín hữu theo nghĩa xin họ cho ý kiến hay phán đoán. Đàng khác, “đoàn ngũ tín hữu là đoàn ngũ làm chứng cho sự kiện lưu truyền mạc khải, và vì đồng cảm thức của họ khắp thế giới Kitô Giáo, vốn là tiếng nói của Giáo Hội Bất Khả Ngộ”. Trong Giáo Hội thời trung cổ, Rôma sử dụng luật: “Điều gì tác động tới mọi người, cần được mọi người thảo luận và chấp thuận”, trong cả ba lãnh vực của đời sống Giáo Hội, đức tin, bí tích, cai quản.

Truyền thống: “Tổng hợp giữa phẩm trật với cụ thể, trong liên hợp và thỏa thuận”, và việc này vốn được coi là “tập tục tông truyền”. Nhiều vấn đề đã được đặt ra khi đa số tín hữu tiếp tục dửng dưng đối với các quyết định tín lý hoặc luân lý do huấn quyền đưa ra hay khi họ thẳng tay bác bỏ chúng. Việc thiếu tiếp nhận này có thể là dấu chỉ sự yếu kém hay thiếu đức tin nơi dân Chúa, do việc ủng hộ một cách không đủ phê phán nền văn hóa đương đại gây ra. Nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là dấu chỉ cho thấy một số quyết định do các vị có thẩm quyền đưa ra đã không xem xét gì tới kinh nghiệm và trực giác đức tin, của các tín hữu, hay huấn quyền không tham khảo đủ các tín hữu. Trong Giáo Hội, đức tin và luân lý, giữa các chi thể của Giáo Hội, cần thông đạt luôn luôn và đối thọai đều đặn về các vấn đề thực tiễn và công luận là một hình thức quan trọng của diễn trình thông đạt này. “Vì là một cơ thể sống động, Giáo Hội cần công luận để duy trì việc cho và nhận giữa các chi thể của mình. Không có hình thức này, Giáo Hội không thể tiến triển về tư tưởng và hành động”. Sự tán thành việc trao đổi tư tưởng và ý kiến cách công khai trong Giáo Hội đã được ban hành sau Vatican II không lâu, chính là dựa vào giáo huấn của Công Đồng về trực giác đức tin và tình yêu Kitô Giáo, và các tín hữu được mạnh mẽ khuyến khích tham dự tích cực vào việc trao đổi công khai này. “Người Công Giáo nên ý thức trọn vẹn việc họ được thực sự tự do nói lên tâm tư của mình vốn phát sinh từ “cảm thức đức tin” và từ tình yêu. Nó phát sinh từ cảm thức đức tin vốn được Thần Khí chân lý khêu gợi và nuôi dưỡng, để, dưới sự hướng dẫn của giáo huấn Giáo Hội mà họ vốn chấp nhận một cách cung kính, Dân Chúa có thể gắn bó một cách không nao núng với đức tin vốn được ban cho Giáo Hội tiên khởi, đào sâu ý nghĩa của nó hơn nữa bằng phán đoán chân thực, và áp dụng nó một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình[9]. Sự tự do này cũng phát sinh từ tình yêu. Vì chính nhờ tình yêu… mà dân Chúa đã được nâng lên tới chỗ có thể tham dự một cách thân mật vào sự tự do của chính Chúa Kitô, Đấng đã tẩy rửa ta khỏi tội lỗi để ta có thể tự do phán đoán phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Những vị thi hành thẩm quyền trong Giáo Hội sẽ hết sức quan tâm bảo đảm sao cho có được việc trao đổi có trách nhiệm các ý kiến từng được duy trì và phát biểu tự do trong dân Chúa. Hơn thế, các ngài sẽ còn thiết lập ra các quy tắc và các điều kiện để việc này có thể xảy ra. Việc công khai trao đổi ý kiến như trên là phương thế hàng đầu và thông thường để đo lường cảm thức đức tin. Tuy nhiên, từ Công Đồng Vatican II, nhiều phương thế có tính định chế đã được thiết lập, nhờ đó, tín hữu có thể được lắng nghe và tham khảo, như các hội đồng đặc thù, trong đó, các linh mục và nhiều người khác trong số các tín hữu của Chúa Kitô được mời tham dự, rồi các công đồng giáo phận, trong đó, giám mục giáo phận cũng có thể mời các tín hữu giáo dân làm thành viên, hội đồng mục vụ của mỗi giáo phận “gồm các thành viên tín hữu Chúa Kitô hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo: giáo sĩ, thành viên các viện tận hiến, và nhất là các tín hữu giáo dân”, và hội đồng mục vụ giáo xứ, trong đó “các tín hữu Chúa Kitô, cùng với những vị, do chức vụ của các ngài, dấn thân trong việc chăm sóc mục vụ trong giáo xứ, góp công vào việc phát huy hoạt động mục vụ”.

Trực giác đức tin và Huấn quyền

Huấn quyền phải lưu tâm tới cảm thức của các tín hữu, vốn là tiếng nói sống động của Dân Chúa. Không những họ có quyền được lắng nghe, mà phản ứng của họ đối với điều được đề xuất như là thuộc về đức tin các Tông Đồ phải được nghiêm túc xem xét, vì chính qua Giáo Hội như một toàn thể, mà đức tin đã được hạ sinh nhờ quyền lực của Thần Khí. Huấn quyền không một mình chịu trách nhiệm về việc này. Do đó, huấn quyền nên tham chiếu cảm thức đức tin của toàn thể Giáo Hội. Cảm thức của các tín hữu có thể là nhân tố quan trọng đối với việc khai triển học lý, và do đó, huấn quyền cần có những phương thế để tham khảo các tín hữu.
Trực giác đức tin và thần học

Hai mối tương quan này cần được nói rõ thêm. Thần học nên cố gắng phát hiện ra ngôn từ đang lớn lên như hạt giống trong thửa đất đời sống của dân Chúa, và, sau khi đã xác định âm sắc ấy, ý muốn ấy hay thái độ ấy quả phát xuất từ Thần Khí, và do đó tương ứng với cảm thức của các tín hữu, thì nên tích hợp nó vào các nghiên cứu của mình.

Nhờ trực giác đức tin của các tín hữu, dân Chúa cảm nhận bằng trực giác điều gì trong mn vàn các ý tưởng và học lý được trình bày cho mình là thực sự tương ứng với Tin Mừng, và do đó, có thể tiếp nhận được. Thần học nên chăm chú cẩn trọng tìm hiểu các bình diện khác nhau của việc tiếp nhận đang xảy ra trong đời sống dân Chúa.

Cảm thức của các tín hữu vừa phát sinh vừa nhìn nhận tính chân chính của ngôn từ biểu tượng hay huyền nhiệm thường tìm thấy nơi phụng vụ và lòng đạo bình dân. Khi đã nhận ra các biểu hiện của lòng đạo bình dân, nhà thần học cần thực sự tham dự vào sinh hoạt và phụng vụ của Giáo Hội địa phương, để có khả năng nắm được một cách sâu sắc, không chỉ bằng đầu mà còn bằng cả trái tim, bối cảnh thực sự, có tính lịch sử và văn hóa, trong đó Giáo Hội và các chi thể của mình đang cố gắng sống đức tin và làm chứng cho Chúa Kitô trong thế giới ngày nay.

Các nhà thần học suy tư về trực giác đức tin của các tín hữu

Qua đối thoại, các nhà thần học Công Giáo và các nhà thần học thuộc các truyền thống khác tìm cách có được sự nhất trí đối với các vấn đề gây chia rẽ Giáo Hội, nhưng các tham dự viên Công Giáo không thể ngưng sự cam kết của mình đối với các học lý chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Có nên coi các Kitô hữu phân ly như những người tham dự và đóng góp cách nào đó vào cảm thức đức tin hay không? Câu trả lời ở đây tất nhiên là: có, một số điểm của mầu nhiệm Kitô Giáo đôi khi được nhấn mạnh một cách hữu hiệu hơn trong các cộng đồng khác và cuộc đối thoại đại kết giúp Giáo Hội Công Giáo thâm sâu hóa và làm sáng tỏ cái hiểu riêng của mình về Tin Mừng.

Kết luận

Trực giác đức tin của tín hữu đòi hỏi tín hữu trước đó phải có nhân đức đức tin rồi. Thực vậy, chính kinh nghiệm sống đức tin giúp tín hữu biết biện phân liệu một học lý nào đó có thuộc kho tàng đức tin hay không. Cho nên, chỉ có thể nói một cách khái quát và theo nghĩa phái sinh (derivatively) rằng: “Có thể gán việc biện phân cần có đối với hành vi khởi đầu của đức tin cho cảm nghiệm đức tin của tín hữu”.

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Cảnh cáo chống lại việc đồng hóa “ý kiến của số đông Kitô hữu” với cảm thức đức tin. Cảm thức đức tin là “một đặc tính của đức tin thần học” và là hồng ân của Chúa giúp tín hữu “đích thân gắn bó với chân lý” đến độ điều họ tin cũng là điều Giáo Hội tin[10]. Vì không phải mọi ý kiến của tín hữu đều phát sinh từ đức tin, và vì nhiều người bị chao đảo bởi công luận, nên cần phải nhấn mạnh đến “dây nối kết bất khả tiêu giữa cảm thức đức tin và sự hướng dẫn Dân Thiên Chúa của Huấn Quyền mục tử”. Tuy nhiên, Thánh Tôma Aquinô: “Tín hữu không nên qui phục giáo phẩm nào giảng dạy ngược với đức tin. Thuộc cấp không hoàn toàn được miễn chước vì ngu dốt[11]. Thực vậy, thói quen đức tin tự nhiên hướng họ về phía chống lại lối giảng dạy như thế vì thói quen này nhất thiết dạy họ bất cứ điều gì dẫn họ tới cứu rỗi. Ngoài ra, vì không ai nên tin bất cứ thần khí nào một cách dễ dãi, nên họ không được quy phục lời giảng dạy khác lạ nhưng phải tìm hiểu thêm nữa hay đơn sơ phó thác nơi Thiên Chúa không cần phải đi sâu thêm vào các bí nhiệm của Thiên Chúa vượt quá khả năng của mình”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô[12], nói thêm rằng: “Các công đồng giáo phận, các đặc thù “cùng bước đi” trong tư cách môn đệ của Chúa, cần lưu ý tới “điều Chúa Thánh Thần đang nói với giáo dân, với dân Chúa và với mọi người”. Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới: “Mọi người đã lãnh nhận phép rửa, đều có một trực giác đức tin, và tạo nên một nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho việc tân phúc âm hóa. Nhờ trực giác đức tin, các tín hữu có khả năng không những nhìn nhận những gì phù hợp với Tin Mừng và bác bỏ những gì trái ngược với nó, mà còn cảm nhận được điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng gọi là “những con đường hành trình mới” trong đức tin. Một trong các lý do tại sao các giám mục và các linh mục cần phải gần gũi với dân của mình trên đường lữ thứ và cùng đi với họ, chính là để nhận ra “những con đường mới”. Sự biện phân được những con đường mới mẻ này, vốn do Chúa Thánh Thần mở ra và soi sáng, sẽ có tính sống còn đối với việc tân phúc âm hóa.
Trực giác đức tin có liên hệ mật thiết với ơn vô ngộ. Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, nó giúp Giáo hội có khả năng làm chứng tá và giúp các chi thể của Giáo Hội, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách cộng đồng, không ngừng biện phân được việc phải sống và hành động tốt nhất cũng như ăn nói thế nào cho trung thành với Chúa. Nó là một bản năng nhờ đó mỗi người và mọi người cùng suy nghĩ với Giáo hội, cùng chia sẻ một đức tin và một mục đích. Nó chính là điều hợp nhất các mục tử và dân, và làm cho cuộc đối thoại giữa họ với nhau, dựa trên các ơn phúc và ơn gọi liên hệ, trở thành vừa bản chất vừa sinh nhiều hoa trái cho Giáo hội./.

Truyền thông, TGPSG tháng 10 2021
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)


[1] Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.BMỘT TRÌNH BÀY CỦA MỘT TÍN HỮU TỪ GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

[2] Kh 3:14

[3] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

[4] Ds 11,29

[5] Mc 1:15

[6]1Ga 2:20, 27

[7] Mt 11:25; Lc 10:21

[8] Mc 9:42

[9] Lumen Gentium, 12

[10] Tông Huấn Familiaris Consortio (1981), số 5. Trong Chỉ Thị về Ơn Gọi Giáo Hội của Thần Học Gia, Donum Veritatis (1990), CDF

[11] Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 4, ad 3: “

Read 794 times Last modified on Thứ bảy, 04 Tháng 12 2021 06:43