Đôi khi phải rơi vào cảm giác bị khinh để hiểu và cảm được những phận người nhỏ bé cũng như học cái nhân cách làm người.
Về Sài Thành, gia đình chú em tinh thần đưa đi ăn tối. Hẳn nhiên lâu lâu Hai Lúa về phố nên rồi ghé quán ăn cũng tươm tất.
Như nông dân đi rửa phèn, nhiều ngạc nhiên cứ ùa đến như những làn gió mát thổi vào người thay cho những ngày nắng nóng. Nào là ra đường xe và người đông thật là đông. Nào là nhiều quán ngon và nổi tiếng không còn chỗ khi đặt bàn hay cũng phải chờ 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt ăn. Ngộ nghĩnh vẫn là để mua được ly trà sữa thì xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên là không có thói quen chờ đợi cũng như chả để mất thời gian vô ích như thế để rồi chọn quán vào là có chỗ ăn ngay.
Buổi ăn kết thúc và ra về. Đi xe ké nên cứ từ từ chậm rãi.
Trước khi ra cửa, bàn ăn bên góc trái có 3 người đàn ông. Thật nhanh mắt chứ cũng chả phải là khó để nhận ra người diễn viên nổi tiếng. Cũng vài lần trước đây cũng đã xem anh diễn ở sân khấu Idecaf với những vai diễn thật hay. Thật tình thì tôi rất ngưỡng mộ anh. Anh sống dường như trầm lặng và khép kín. Ngay cả đám tang của mẹ, Anh cũng lặng lẽ không công báo.
Vì ngưỡng mộ cung cách sống dù là nghệ sĩ nổi tiếng như Anh để rồi tôi phản xạ hết sức tự nhiên là cúi đầu chào Anh với nụ cười như cảm mến. Thật không ngờ phản ứng của Anh xem tôi như một người kỳ quái ! Theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ là tôi “tụt mút”.
Ra xe, tôi có kể lại cảm giác của tôi cho người em. Và cho đến tận bây giờ, khi gõ những dòng này và đã về với “ruộng” nơi đang ở thì cái cảm giác rùng mình về cách hành xử của người diễn viên đó vẫn còn trong tôi.
Tôi cũng từng tiếp xúc với một vài diễn viên nổi tiếng và thành đạt nhưng chắc có lẽ đây là người hiếm thấy với phản ứng khinh người cách tột độ như chàng này. Thật khó diễn tả khi ra đường, cách đặc biệt với người ngoại quốc. Dù không quen biết nhau nhưng thấy nhau trên đường là họ chào và nhoẻn nụ cười.
Hết sức lạ lùng cho cung cách khinh người của Anh. Cũng cảm thông, có lẽ ở trên đỉnh vinh quang nên hành xử vậy. Nhưng cũng nghĩ chả lẽ ai vinh quang cũng khinh người như anh chàng nghệ sĩ này sao ?
Rồi đến ngày ra sân ga về núi. Thường có thói quen chờ cho bà con đi hết rồi đến phiên mình. Đơn giản là khi có vé trên tay rồi thì không bao giờ rớt lại.
Bước lên xe với 2 cái balo. Một cái bình thường như bao nhiêu balo khác cùng với cái balo mà chú bộ đội hành quân theo tôi cả chục năm trời. Vừa bước lên xe, người nữ đứng kề bên rụt rè và phản ứng cực nhanh đó là ôm cái túi xách nhỏ mà cô đang mang theo trên người. Thật khó tả cho hành vi đó cùng với cái cảm giác hết hồn khi người cạnh bên tỏ vẻ đề phòng người mới lên xe là chính tôi.
Cũng dễ hiểu thôi. Giữa cái xã hội phát triển thì người ta thường vẫn đánh giá với nhau qua dáng vẻ bên ngoài để rồi thấy một dáng người như nông dân đi đôi dép lê quảy 2 cái balo lên xe làm họ sợ. Họ cũng chả xấu nhưng có lẽ xã hội đã tạo nên phản ứng của họ khi họ gặp phải người lem luốc như tôi.
Thật sự công tâm mà nói thì khoảng cách giàu nghèo ngày hôm nay quá lớn để người ta dễ phân biệt đối xử cũng như coi thường người yếu thế.
Nói tới đây tôi lại chợt nhớ về những cung cách và thái độ của người khác dành cho kẻ dưới. Rất dễ nhận ra rằng khi họ tiếp xúc. Đơn giản là họ chỉ gần và tiếp cận với bề trên, với cha sở. Ngược lại với bề dưới hay người không phải là cha sở thì họ dành cho ánh mắt khác. Phải chăng đó là cách hành xử của đại đa số người khi bày tỏ sự ưu ái cho các đấng bậc và ngược lại.
Một người thân nói thẳng : “Cha ơi ! Bà đó hả ! Mơ đi ! Chả có chơi với các cha đâu. Có chăng chơi với bề trên thôi. Bả là chỉ thân với các đức (cha) thôi cha ơi !”
Lời đó đúng thật vì thấy được hình ảnh của bà ấy luôn bên cạnh các đức. Mới đây thấy hình bà xách cặp cho đức cha khi đức cha đến dâng Thánh Lễ khánh thành đan viện nọ. Nhìn hình ảnh đó thấy cũng vui vui ! Có tiền là có thể làm bất cứ gì họ muốn ! Đơn giản vì họ có tiền mà ! Ngay cả những người dù là chức lớn nhưng vẫn lụy những kẻ có tiền.
Mà cũng đúng ! Muốn kết thân với những người đó như bà đó (đại gia) thì làm đức cha đi. Ai bảo không làm đức cha chi ngồi đó mà nói !
Đời là vậy ! Trọng giàu khinh nghèo, nâng các đấng các bậc và coi thường người dưới cũng là chuyện thường tình.
Phận làm nhỏ, phận nghèo bị khinh cũng là đúng lý thôi. Cũng nên đồng thân đồng phận với người nghèo cũng như người thấp cổ bé họng để cảm nhận được sự khinh khi của những người khác cũng là điều hay trong cuộc sống. Cảm như vậy để mình đồng cảm hơn với những người nghèo sống bên cạnh và lòng nhủ lòng đừng bao giờ khinh ai cả.
Muốn đừng bị khinh thì hoặc có chức hoặc có tiền ! Tôi chả có 2 thứ đó nên bị khinh cũng là chuyện bình thường. Lòng nhủ lòng như thế lòng lại thật bình an.
Lm. Anmai. CSsR