Linh Đạo là cách chúng ta sống. Đời sống Linh Đạo không là đời sống phía sau hay đời sống vượt trên cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Không, đời sống Linh Đạo chỉ thật sự có khi sống giữa những đau khổ, niềm vui và sự chán chường của thế giới, ở đây và ngay lúc này, khi chúng ta kinh nghiệm về nó.
Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa – Đấng Thánh Thiện – qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Chung chung với người Kitô hữu, ta tạm thời định nghĩa linh đạo là như thế. Và trong đời sống tu trì của Giáo Hội, mỗi dòng tu đều có linh đạo riêng của dòng mình. Thế nhưng rồi, trong cảm nhận rất cá nhân, dù ta đi theo linh đạo nào và sống theo linh đạo nào mà không đi theo con đường của lòng yêu thương, tình mến và bác ái thì coi như đời tu, đời tận hiến hỏng bét.
Dù là linh đạo nào nhưng nền tảng vẫn là lòng mến.
Một lần nọ, một linh mục nói rất mạnh về linh đạo của nhà dòng mà Cha đó đang theo. Cha có vẻ xác quyết về linh đạo mà Cha đang theo đuổi cũng như thao thức về linh đạo đó. Dĩ nhiên rằng xác quyết và theo đuổi của Cha hoàn toàn hợp lý và chuẩn xác.
Với tôi, tưởng nghĩ rằng trước hay sau khi mình sống cái linh đạo của nhà dòng – nơi mà mình đang tận hiến – thì điều tiên quyết nhất đó là lòng mến với anh chị em đồng loại. Cách đặc biệt là những người đang sống cùng, sống chung và sống với mình hằng ngày trong cuộc sống hiện tại. Bao lâu mà người ta không sống lòng mến với những người ngay cạnh bên thì quả chăng là điều đáng suy nghĩ.
Mới đây, trong bài chia sẻ trong Thánh Lễ nọ, cha giảng cứ nhấn nhá chuyện yêu thương, chuyện hiệp nhất với nhau. Cha nói rằng thật đáng buồn nếu như ai nào đó sống trong cảnh cha một mâm, thầy một mâm ...
Sau đó, tôi lại nghe các cha nói với nhau rằng nào có cái kiểu mỗi cha mỗi mâm như cha giảng đó nói đâu. Vẫn chung một mâm, chung một nồi đó chứ ! Thế nhưng khác múi giờ.
Có lẽ không kịp suy nghĩ sẽ không hiểu câu chuyện “khác múi giờ”. Sống chung với nhau mà lại ăn khác giờ nhau nghĩa là làm sao ?
Đứng trên tòa giảng, linh mục luôn luôn mời gọi giáo dân của mình đọc kinh chung, giữ giờ cơm chung với gia đình cơ mà. Nếu linh mục mà ăn theo kiểu khác múi giờ như thế thì linh mục đó đang sống cái linh đạo nào ?
Vẫn biết mỗi người một suy nghĩ, một não trạng, một cách sống nhưng phải vì hội dòng, vì linh đạo và nhất là vì Đức Kitô để mỗi người từ bỏ cái ý riêng của mình để sống chung với nhau. Thật thế, nếu như cứ bám vào cái linh đạo nào đó của hội dòng, của dòng tu mình đang sống mà không sống cái linh đạo bác ái và yêu thương thì hỏng rồi.
Lời của Thánh Phaolô hẳn mọi người còn nhớ : “Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.
Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả. ( 1 Cr 12, 31 – 13, 13)
Và như thế, bác ái phải chăng là nền tảng của đời người Kitô hữu và nhất là đối với người tu.
Ngay như trong đời sống gia đình. Phải chăng cái linh đạo yêu thương chính là con đường để sống, để xây dựng hạnh phúc của gia đình. Một khi thành viên trong gia đình không còn yêu thương nhau nữa thì gia đình đó bỗng dưng thành hỏa ngục.
Giảng lễ hôn phối, tôi vẫn thường đưa cái đoạn này ra như nhắc nhớ gia đình : Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.
Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.
Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. (Cl 3, 12-17)
Tôi trộm nghĩ, dù là ai, dù đi theo cũng như sống linh đạo nào mà không sống đức bác ái, lòng thương cảm lẫn nhau và nhất là ngay trong gia đình, trong cộng đoàn của mình thì những linh đạo mà người ta đang theo đuổi đó đều hỏng bét. Dù giảng hay, dù nói hay, dù làm việc bác ái giỏi, dù xây dựng tốt nhưng nếu không có đức ái thì như Thánh Phaolô nói “làm ích gì cho tôi”.
Trong cái thân phận mỏng giòn và yếu đuối, tôi luôn tự nhắc nhở chính mình về chuyện đức ái. Chính vì thế trong tất cả mọi sự tôi đều nghĩ đến đức ái để cân chỉnh lời ăn tiếng nói của mình. Và tôi nghĩ, khi đứng trước tòa Chúa, Chúa sẽ xét xử bản thân tôi về đức ái trước hết. Ý thức như vậy, ngày mỗi ngày phải “luyện chưởng” cũng như tu tập làm sao sống đức ái gần nhất đó là những người lân cận. Khi ta không có đức ái với người lân cận thì đừng bao giờ giảng về lòng thương xót cũng như ta tự phá hỏng con đường đi về nhà Chúa của chính bản thân ta.
Lm. Anmai, CSsR