Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 04 Tháng 7 2023 06:32

Vâng phục

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  VÂNG PHỤC

Tin mừng: Mt 21, 28-32

Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.

Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

SỐNG VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN

Đời sống thánh hiến được kêu gọi để làm hiện hiện trong Giáo Hội và thế giới những đặc nét của Đức Giêsu Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục.

Ý nghĩa sâu xa của các lời khuyên phúc âm được đặt trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi sự thánh thiện. Với lời khấn vâng phục, người tu sĩ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê su trong sự hóa mình ra không để thi hành ý Chúa Cha. Vì thế sự vâng phục mời gọi con lắng nghe tiếng Chúa qua dấu chỉ và các vị hữu trách, chấp nhận từ bỏ cái tôi để vâng phục hằng ngày theo khuôn mẫu Chúa Kitô.

Khi cam kết sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như bước vào hành trình của sự từ bỏ và “lội ngược dòng”. Mục đích của hành trình ấy là để kiếm tìm và kết hiệp trọn vẹn với Đấng mà mình kết ước. Dù có nhiều thách đố và đôi khi bị xem là những người “điên rồ”, người sống đời thánh hiến vẫn luôn tiến bước vì biết rằng đó là con đường đạt được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Với nhãn quan cá nhân, người viết xin trình bày khái quát về đức vâng phục, những thách đố, thể hiện và đề xuất để sống đức vâng phục trong đời sống cộng đoàn những người sống đời thánh hiến.

Vâng phục là gì?

Thông thường, nhiều người thường hiểu vâng phục theo một nghĩa duy nhất (một chiều) là chấp hành mệnh lệnh của bề trên. Tuy nhiên, theo nguyên ngữ, vâng phục có gốc trong tiếng La tinh là Obedire. Chữ này có căn ngữ là từ động từ audire và tiếp đầu ngữ Ob. Ob có nghĩa chính là đối diện, trước mặt; đổi lại. Vì vậy obedire trước hết có nghĩa là nghe, là đối thoại.

Theo thánh Kinh, vâng phục như là thái độ căn bản của con người trước Thiên Chúa (x.Xh 19,5; 24,7; Đnl 6,4; 11,13; 1Sm 15, 22; Tv 1,11). Vâng phục là vâng nghe theo ý Thiên Chúa và đáp trả lời mời gọi của Ngài.

Theo các nhà tu đức: vâng lời là thái độ sẵn sàng lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa dù thuận lợi hay khó khăn. Thánh ý Chúa có thể được thể hiện cách trực tiếp qua những cảnh huống của cuộc sống hay qua trung gian những vị hữu trách.

Những thách đố để sống đức vâng phục

Nhiều người sống đời thánh hiến thường quan niệm vâng phục là “tuân lệnh” bề trên của mình. Thật ra, điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì cốt yếu của đức vâng phục là tuân giữ luật (chủng viện, Dòng) và chu toàn thánh ý Thiên Chúa qua Bề trên. Điều mà người sống đời thánh hiến cần hướng đến và vâng phục là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, hiện nay việc tuân giữ đức vâng phục đang “rơi vào” khủng hoảng ngay chính trong cộng đoàn những người sống đời thánh hiến.

Và ta thấy có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này như: sự lạm dụng quyền của bề trên, những quan niệm sai lạc, ảnh hưởng từ xã hội. Quả vậy, có nhiều Bề Trên đã “quá tay” trong việc sử dụng quyền của mình. “Bề Dưới” dường như bị ép buộc để tuân theo những mệnh lệnh của Bề Trên. Họ vâng phục cách mù quáng! Những lý giải được đưa ra cho thực trạng này là: vâng phục chính là “chu toàn thánh ý Chúa”! .Thậm chí còn có “phương châm”: “hãy ước muốn như Bề Trên ước muốn, chỉ xét đoán như Bề Trên xét đoán và chỉ làm điều Bề Trên truyền dạy mà thôi”.

Điều này là do ảnh hưởng của quan niệm không đúng lắm về đức vâng phục. Trong quá khứ, đức vâng phục được đề cao “quá mức” không chỉ trong cộng đoàn tu trì nhưng còn là nơi nhiều giáo xứ, giáo họ. Đó là thời kỳ của mô hình Giáo Hội kim tự tháp. Nhiều Bề dưới quan niệm sống vâng lời để nên giống Chúa Giêsu “Đấng đã vâng lời cho đến chết, và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Thế nhưng ta thấy, nhiều lúc sự vâng phục ấy là một sự vâng lời “tối mặt tối mày”. Bề dưới chỉ vâng phục như một con rô-bốt! Đức vâng phục phải được tuân giữ trong sự tự do với ý thức yêu mến Chúa và tha nhân chứ không phải vâng phục cách tiêu cực. Sống trong môi trường như vậy có thể biến những thành viên của cộng đoàn tu trì thành những “nam- nữ quân nhân” của một trại lính với kỷ luật thép, lạnh lùng chứ không phải là một gia đình yêu thương. Điều này xem ra có vẻ mâu thuẫn với ý định tạo dựng và cứu độ con người của Thiên Chúa. Ngài đã sai Con của Ngài đến giải thoát và đem lại tự do để chúng ta sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Ngoài ra, người sống đời thánh hiến còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội. Mọi thực tại cần được nhìn dưới hai khía cạnh chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, hiện nay dường như con người chỉ quan tâm đến yếu tố chủ quan mà đánh mất khách quan. Con người đề cao chủ nghĩa cá nhân xem kỷ luật như là sự ràng buộc làm mất tự do của con người. Khẩu hiệu “dám nghĩ, dám làm” được đề cao và cũng ngấm ngầm len lỏi trong đời tu. Nhiều người sống đời thánh hiến “ngụy biện” cho khẩu hiệu ấy rằng: thế giới hôm nay luôn chuyển động không ngừng, một thế giới của sáng tạo và tự do; không chấp nhận sự rập khuôn, gò bó, chật hẹp.

Sống vâng phục trong cộng đoàn

Tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông

Trong quá khứ, theo mô hình lãnh đạo kim tự tháp, Bề Trên thường ít khi đối thoại với Bề Dưới.

Ngày nay với nhiều lý do, Bề Dưới chẳng mấy khi muốn đối thoại với Bề Trên, mà chỉ muốn ước bảo vệ sự độc lập và tự do của mình.

Sự tự do sống vâng phục của người sống đời thánh hiến phải “là sự tự do của con cái Thiên Chúa, một sự tự do khiến chúng ta không còn phải sợ hãi như những kẻ nô lệ, nhưng đồng thời cũng là sự tự do của những người ý thức trách nhiệm của mình đối với Cha (x.Lc 2,49; Ga 4,34). Nên các Bề Trên phải “thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ đối với anh em mình, bằng cách đó diễn tả tình yêu của Chúa đối với họ. Các Bề Trên phải lãnh đạo những kẻ thuộc quyền mình, như là những con cái Thiên Chúa, với sự tôn trọng nhân vị và khuyến khích họ vâng phục tự nguyện” (Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, 14). Khi biết khám phá và đón nhận sự vâng phục trong tự do thì người sống đời thánh hiến đạt được sự vâng phục cao độ.

Tuy nhiên, cũng không thể vịn vào sống tự do mà Bề Dưới sống “không vâng phục Bề Trên”, sống độc lập thoát khỏi sự “kiểm soát” của cộng đoàn. Đó không phải là sự tự do của con cái Thiên Chúa mà là của thế gian. Điều quan yếu của đức vâng phục chính là lắng nghe tiếng Chúa và những vị có trách nhiệm bởi vì mục đích của sự vâng lời chính là đức bác ái. Bề Trên và Bề Dưới cần phải lắng nghe và đối thoại trong tình bác ái huynh đệ vì thánh Phaolô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Bề Trên cần “phải sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ của mình, khuyến khích họ lo cho lợi ích của hội Dòng và của Giáo Hội”

Vâng phục là sống yêu thương

Nơi Đức Giêsu, vâng phục hoàn toàn là yêu thương. Người đón nhận tất cả từ nơi Chúa Cha: tình yêu, chương trình cứu độ, công việc, ý muốn… Vâng phục là lẽ sống, là niềm vui của Đức Kitô: “Lương thực của Thầy là làm theo ý muốn Đấng đã sai Thầy (Ga 4, 34); “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29). Trọn cuộc sống, Đức Kitô luôn cho biết sứ mạng của Người khi đến trần gian “ không phải để làm theo ý Tôi nhưng làm theo ý Đấng đã sai Tôi”(Ga 6, 38). Người luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha : vâng phục trao hiến mạng sống mình chịu đóng đinh vào thập giá, vâng phục trở thành tấm bánh bẻ ra cho mọi người. Dù có những xao xuyến nhưng Người vẫn sống vâng phục Chúa Cha cho đến tận cùng. Trong vườn cây dầu, Người đã nói:“Lạy Cha nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha đã định trước muôn đời” (Mt 26,42).

Người sống đời thánh hiến là những người bước theo Đức Kitô nên phải sống vâng phục trong yêu thương và phó thác. Bởi vì Đức Kitô cũng đã sống vâng phục trong yêu thương và phó thác nơi Chúa Cha. Vâng phục trong yêu thương sẽ giúp người sống đời thánh hiến thăng tiến và tìm thấy sự tự do đích thực, sự giải thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, các yếu đuối và ảo tưởng.

Vâng phục là chia sẻ trách nhiệm

Người tu trẻ hôm nay luôn muốn sống năng động và khát khao được thể hiện chính mình. Trong họ luôn có tâm thế “lên đường” chứ không muốn mãi mãi ở trong tình trạng “bị động, làm theo lệnh”. Tuy nhiên, vì thiếu sự quan tâm chia sẻ đồng trách nhiệm nên nhiều Bề Trên thường “âm thầm lặng lẽ ” vác thánh giá một mình. Nhiều Bề Trên đã quá “hà tiện” hay thiếu tin tưởng trong việc trao trách nhiệm cho Bề Dưới. Họ trở thành người “có tinh thần trách nhiệm quá cao” đến nỗi “bao sân” những công việc đã được trao cho Bề Dưới. Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã tin tưởng trao trách nhiệm và cơ hội cho người trẻ để họ “lên đường” cho sứ vụ (các Tông đồ, Timôthê, Titô). Ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã có mô hình Giáo Hội hiệp thông đồng trách nhiệm. Mỗi người theo khả năng riêng mình góp phần cùng nhau xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Tại sao mô hình ấy lại bị lãng quên? Nếu chỉ nhìn theo khía cạnh tiêu cực, sống đức vâng phục là một thách đố khó có thể vượt qua. Tuy nhiên, khi nhìn xa và rộng hơn, sống đức vâng phục không phải là sự mất mát nhưng còn mở ra cho người sống đời thánh hiến một chân trời mới, chân trời tự do và ân phúc.

Đề xuất:

Ngoài những phương thế siêu nhiên, có thể kể ra một số đề xuất trong thực tế sau:

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách lắng nghe: lắng nghe bằng đôi tai và cả con tim chân thành. Cả Bề Trên- Dưới phải biết lắng nghe và đối thoại trong bác ái và xây dựng cùng nhau chia sẻ trách nhiệm nhờ sự “đồng tâm nhất trí” (Cv 2, 46). Sự lắng nghe và đối thoại phải được phát xuất từ cả hai phía. Với Bề Trên phải biết lắng nghe anh chị em, tôn trọng những điểm cá biệt độc đáo và khả năng của anh chị em để cùng cộng tác trong tinh thần huynh đệ. Với Bề Dưới, phải tuân phục Bề Trên của mình trong đức tin và yêu mến đối với thánh ý Thiên Chúa để chu toàn một cách tích cực những “lệnh truyền”.

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách khiêm tốn từ bỏ ý riêng và hướng đến ích chung của cộng đoàn. Bởi vì nhận ra thánh ý Chúa đã khó mà vâng phục ý Chúa trong những tác nhân trung gian lại càng khó hơn. Nhờ từ bỏ ý riêng mà sự sống thần linh trong tâm hồn được lớn lên và sinh hoa kết trái (x.Ga 12,24).

Mỗi người cần phải biết sống vâng phục bằng cách luôn xác tín rằng theo Chúa trong đời sống thánh hiến không phải để tìm kiếm sự an nhàn, thoải mái hay được tự do sống theo ý riêng mình nhưng là để nên giống Chúa. Nhờ đó, họ có thể đón nhận tất cả với niềm vui để có thể sống trọn vẹn cho lý tưởng sống phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Kết luận

Napoleon đã nói: “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình”. Thật vậy, khi đoan hứa sống đức vâng phục, người sống đời thánh hiến như đã “đụng chạm” sâu thẳm đến “cái tôi” của mình. Chiến thắng để từ bỏ chính mình là sự chiến thắng và từ bỏ sâu xa nhất. Ước mong với ơn Chúa cùng những trợ lực và cố gắng từ bản thân, người sống đời thánh hiến sẽ luôn biết soi đời mình nơi Đức Ki-tô để biết tự do sống vâng phục trong tinh thần đối thoại và hiệp thông, vâng phục trong yêu thương và trách nhiệm hầu có thể ngày một trưởng thành và triển nở hơn trong ơn gọi của mình.

Tóm lại, sự vâng phục rất quan trọng qua đó diễn tả lời mời gọi nên thánh trong đời sống thánh hiến. Để được lớn lên mỗi ngày và đạt đến tự do đích thực trong hành trình ơn gọi, con cần cố gắng mỗi ngày để nhận biết và thi hành ý Chúa qua lời thưa vâng để thiết lập các mối tương quan với Thiên Chúa và chị em một cách tốt đẹp hơn.

Những Thách Đố Của Lời Khấn Vâng Phục

Đời sống thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa ban, và việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm làm cho người tu sĩ ngày một lớn lên trong tình yêu, được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và ước mong thuộc về Ngài cách trọn vẹn.

Dẫu rằng cả ba lời khuyên Phúc âm đều nhằm mục đích để làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn, nhưng theo Thánh Tôma, trong ba lời khấn thì ngài coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất", bởi qua lời khấn vâng phục, người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống.

Nhưng trong thời đại ngày nay, một thời đại đang đề cao quyền tự do, chủ nghĩa cá nhân, quý chuộng vật chất, thì dường như việc tuân giữ lời khấn vâng phục đang là một khó khăn thử thách cho người tu sĩ. Vậy đâu là những thách đố của người tu sĩ trong lời khấn vâng phục và phương thế nào giúp người tu sĩ sống vâng phục?

Thách đố hôm nay

Đề cao nhân quyền

Đọc bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng và xã hội phải tôn trọng. Những quyền căn bản đó cần được tôn trọng và bảo vệ vì đó là những giá trị nhân bản. Đối với người tu sĩ, khi chọn sống các lời khuyên phúc âm không làm giảm thiểu đi những giá trị nhân bản chân chính nhưng trái lại, làm thăng tiến chúng. Người tu sĩ đi tìm sự thánh thiện cho bản thân, họ cũng mong muốn “trị liệu thiêng liêng” cho nhân loại, bởi vì họ khước từ tôn thờ các loài thọ tạo và một cách nào đó họ làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình hơn (x. ĐSTH, số 87). Lời khấn vâng phục không phải khước từ đi tất cả quyền của con người, nhưng mặc cho nó một giá trị đúng mức, làm phong phú hóa đời sống xã hội con người.

Đề cao chủ nghĩa cá nhân

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vấn nạn như một thách đố của các tu sĩ đối với lời khấn vâng phục của thời hiện đại như sau: “Đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc” (ĐSTH, số 91). Sự thấm nhiễm vào các trào lưu của xã hội làm cho người tu sĩ cũng muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng, theo chủ nghĩa cá nhân của mình, thế nhưng họ không nhận ra đó là một sai lầm, một “lỗ hổng” rất lớn trong đời sống của mình. Cũng có những tu sĩ chỉ thích co cụm bản thân, chỉ biết sống cho mình mà quên đi những mối tương quan với người khác, đồng nghĩa với việc quá đề cao cái TÔI của mình.

Như lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng” (ĐHV 392). Muốn được như thế, là người tu sĩ, chúng ta phải chịu chôn vùi cái TÔI của mình như hạt lúa bị vùi lấp dưới lòng đất mới mong đơm bông kết trái (Ga 12,24). Vì thế, nếu không chết đi cái TÔI của mình mỗi ngày thì người tu sĩ khó có thể sống đúng căn tính của mình trong đời tu.

Không đồng cảm với những người có trách nhiệm

Người tu sĩ hôm nay như muốn chọn một số điều luật để vâng giữ, còn những điều khác thì tự miễn chuẩn cho mình. Cũng có những dấu hiệu “muốn đối kháng” một cách rất êm dịu, như người ta vẫn thường nói “bằng mặt mà không bằng lòng.” Một lối sống như vậy cho thấy rằng: họ coi trọng ý kiến, suy nghĩ, quan điểm, cách nhận định của mình là đúng, là quan trọng. Đó phải chăng là một thái độ rất tầm thường, không có gì là siêu nhiên cả, không mở ra cho mình một lối sống biết đón nhận, lắng nghe, một lối sống dễ dạy, dễ bảo,… hay có thể nói không nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người có trách nhiệm. Đó đúng thực là một “đức tin đang chảy máu.” Vâng lời trong đời tu là một sự hy sinh liên lỉ, bỏ mình chứ không theo lối sống đụng tí là bực bội, bất mãn, bất chấp và bất cần. Đối với người tu sĩ, vâng phục là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô đúng như Công đồng Vatican II khẳng định: “Các tu sĩ lấy đức tin tuân phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô” (PC 14). Vâng phục của người tu sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (TH. Chứng tá Phúc Âm, số 27).

Tính kiêu căng, nghĩ mình tài giỏi hơn người khác

Xã hội hôm nay rất đề cao bằng cấp, có thể nói, khi đánh giá người khác, họ lại dựa trên bằng cấp. Ngày nay trong giới tu sĩ cũng không ít những người có học vị rất cao, có khả năng hay tài giỏi hơn người khác về nhiều mặt.

Chuyện đáng nói là: đã có những người sống rất khiêm tốn, hòa đồng, cởi mở… tuy nhiên, cũng có những người lại rất tự mãn về những thành công của mình đã làm được điều này điều kia, họ tỏ ra kiêu ngạo, vênh vang và muốn thể hiện chính mình qua những thành công đó, họ làm cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh vọng cho bản thân, muốn được người khác tôn trọng, công nhận những thành công đó, nhưng khi bị chê bai, chỉ trích, hay gặp thất bại, họ dễ thất vọng và như muốn buông bỏ tất cả. Chính vì vậy mà tự kiêu là một cản trở lớn làm cho người tu sĩ khó thực thi đức vâng lời một cách tốt nhất.

Phương thế giúp sống lời khấn vâng phục

Để phá vỡ những rào cản ngăn cách người tu sĩ sống đức vâng phục cách trọn hảo, thiết nghĩ: trước hết phải tìm lại động cơ siêu nhiên của đời sống thánh hiến trong tương quan với Thiên Chúa cùng với những khao khát ước muốn thuở ban đầu; sau nữa, chính bản thân người tu sĩ cần phải phát huy những phẩm tính nơi mình để sống vâng phục cách triệt để nhất. Bởi lẽ, vâng phục là thái độ sẵn sàng, không trì hoãn hay rút lui, cũng không làm cẩu thả hay chậm chạp nhưng trong tinh thần tự do, tình nguyện, tự phát, không sợ hãi hay mặc cảm tự ti, có tính năng động tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn, biết dùng những năng lực, năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ được ủy thác cho mình.

Đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao phó, cuối cùng phải biết đối thoại trong tinh thần yêu mến, tôn trọng nhân vị.

Như vậy qua lời khấn vâng phục người tu sĩ tập cho mình một lối sống từ bỏ ý muốn, tự do để tìm kiếm từ điều “hợp ý riêng” đến điều “hợp ý Chúa”. Đó cũng chính là cầu nối để người tu sĩ tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô nơi trần gian hầu trở nên dấu chỉ cho nước Chúa hiện diện. Chính vì thế, Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục”.

Chúng ta bước đi trong đời sống dâng hiến qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, tôi thiết nghĩ rằng chỉ bằng sự vâng phục trong tình yêu và với tình yêu sẽ giúp tôi hoàn thiện bản thân mỗi ngày, dẫu biết rằng với con người yếu đuối và nhiều giới hạn nhưng với ơn Chúa giúp, tôi sẽ cố gắng luyện tập các nhân đức và thực hành các lời Khuyên Phúc Âm trong tin yêu và phó thác. Để làm được điều đó tôi cần kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện để nhận ra thánh ý của Chúa trong cuộc sống, nhất là những lúc gặp khó khăn thử thách trong đời dâng hiến. Bởi vậy, tôi và bạn, chúng ta cùng nhau xác tín hơn về ơn gọi của mình và can đảm bước đi trên hành trình là môn đệ của Đức Kitô vì có Người luôn đồng hành cùng chúng ta.

Tạm kết

Để ơn gọi của bạn và tôi được lớn lên mỗi ngày và đạt đến tự do đích thực, tôi và bạn đã biết làm gì rồi đó: “Hãy sống vâng phục” vì khi luôn tìm và thi hành ý Chúa trong cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng giải thoát được cái tôi của mình, dễ dẹp bỏ ý riêng để tìm ý Chúa qua các vị hữu trách để như lời thánh Phaolô nói: Chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà cho Thiên Chúa. Được như thế, lời khấn vâng phục không phải là gánh nặng khi chúng ta lãnh nhận một quyết định mới trong sứ vụ.

Ước mong sao nhờ lời khấn vâng phục trong tình yêu và bằng tình yêu, mỗi người tu sĩ chúng ta mỗi ngày được trở nên giống Chúa Kitô hơn và trở thành lời mời gọi sống động cho thế giới hôm nay.

Huệ Minh

Read 446 times Last modified on Thứ năm, 06 Tháng 7 2023 06:05