Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 17 Tháng 4 2015 14:37

Tương quan giữa lời khấn Vâng Phục, Khó Nghèo và Khiết Tịnh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tương quan giữa lời khấn Vâng Phục, Khó Nghèo và Khiết Tịnh, một bài viết của Hủ Tíu, người con của giáo xứ, Ban biên tập trân trọng giới thiệu.....

 

Cuộc đời người tu sĩ gắn liền với ba lời khấn:VÂNG PHỤC, KHÓ NGHÈO VÀ KHIẾT TỊNH  đụng chạm đến ba lãnh vực của con người là quyền lực, của cải vật chất, tính xác thịt.

Vâng phục mời gọi từ bỏ quyền lực thế gian để trở nên người vâng phục của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Khó nghèo kêu mời từ bỏ của cải thế gian để trở nên những người anh chị em nhỏ bé của tình yêu, trở nên một với những ai đau khổ, cầu nguyện và hành động cho sự giải phóng của họ. Thanh khiết mời gọi từ bỏ khoái lạc thế gian để trở nên những người bạn của tình yêu, giúp người khác khám phá ra rằng họ đang được yêu và mời gọi yêu thương.

Chính vì thế mà ba lời khấn này không tách rời nhau, nhưng hỗ trợ bổ túc cho nhau. Chúng đều phát xuất từ lời mời gọi theo Đức Kitô và việc đáp trả của mỗi con người. Tuy vậy, mỗi lời khấn đều sở hữu những nét rất riêng của nó nhằm làm phong phú đời sống của người tu sĩ và trong tương tác với mọi mối tương quan.

1. Với Đức Tuân Phục

Cùng được thánh hiến với nhau, nghĩa là chúng ta được hiệp nhất trong cùng một lời thưa “xin vâng”. Như vậy, Đức tuân phục ràng buộc những ý muốn khác nhau lại và hợp nhất những ý muốn đó trong một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, đồng thời cộng đoàn đó được trao ban cho sứ vụ đặc biệt phải đồng hành với Giáo Hội. Do đó, lời thưa “xin vâng” của người tu sĩ gắn liền với sứ vụ nhưng cũng gắn liền với cộng đoàn, một cộng đoàn phải thực hiện việc phục vụ ở đây, lúc này và với nhau. Với lời thưa “xin vâng”, các Bề trên là những người phải hoàn thành phận sự phục vụ và lãnh đạo của mình, đồng thời là những người phải thấy được sự hòa điệu giữa những công việc tông đồ và nhiệm vụ của mình. Chính trong sự hiệp thông này mà thánh ý Thiên Chúa được hoàn tất[1].

2. Với Đức Thanh Bần

Trong Kinh Thánh mời gọi tất cả mọi người hết để tài sản mình làm của chung “Tất cả đều là của chung” (Cv 4, 32). Sống thanh bần, biết chia sẻ mọi điều, từ vật chất đến tinh thần, đã trở thành nền tảng cho sự hiệp thông cộng đoàn ngay từ lúc khởi đầu. Sự khó nghèo của người tu sĩ gắn liền với một lối sống giản dị, khiêm tốn, đơn sơ, nhìn nhận phẩm giá của những người hèn kém nhất đồng thời biết đề cao những thực tại Tin Mừng như là đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Hầu giải thoát họ khỏi mối bận tâm về những sở hữu riêng tư và làm phong phú cộng đoàn, giúp cộng đoàn phục vụ Thiên Chúa và người nghèo cách hữu hiệu hơn[2].

Bởi thế lời khấn khó nghèo giúp người tu sĩ có được tự do nội tâm trước của cải, tiền bạc để thực sự nhận Chúa làm gia nghiệp, và Chúa là giá trị cao nhất. Có Chúa là có tất cả và Chúa sẽ giúp biến của cải thành những phương tiện yêu thương và hiệp thông quy tụ những tâm hồn thanh thoát để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn.

3. Với Đức Thanh Khiết

Trong đời sống cộng đoàn, đức thanh khiết được thánh hiến bao gồm cả sự trong sạch tâm hồn, trái tim và thân thể, biểu lộ sự tự do lớn lao để yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tất cả những gì thuộc về Ngài bằng một tình yêu không chia sẻ. Và như vậy, người tu sĩ có thể dốc toàn lực để yêu mến và phục vụ tha nhân, thể hiện tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu này được vun trồng và lớn lên qua đời sống huynh đệ. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn là sự nâng đỡ mỗi thành viên sống thanh khiết tốt hơn[3].

Khi sống chiều kích cộng đoàn trong các lời khuyên Phúc âm cách triệt để, cộng đoàn sẽ thi hành sứ vụ của mình cách trọn vẹn và hoàn hảo hơn.

Tóm lại, mỗi người sống ơn gọi tu sĩ đều trải qua kinh nghiệm sống cái tôi của mình, hoặc đặt trọng tâm nơi mình hoặc đặt trọng tâm nơi Chúa, mà ta có định hướng đúng hay sai. Định hướng sai lầm đi theo hình ảnh cái tôi khoái lạc, sở hữu của cải, địa vị quyền lực. Định hướng đích thực họa theo hình ảnh Thiên Chúa: Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng lời.
Hủ Tíu

 



[1] x. Theo Chúa Kitô (Văn Kiện Đời Tu, Tập II), tr. 542

[2] Sđd

[3] Sđd, tr. 543

Read 3556 times Last modified on Chủ nhật, 19 Tháng 4 2015 07:05