Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 10 Tháng 12 2023 10:20

Ngôn sứ Hôsê với sứ điệpThiên Chúa là Tình Yêu và sự sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NGÔN SỨ HÔSÊ VỚI SỨ ĐIỆP THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG | Suy Niệm Mùa Vọng Năm B


TMĐP- Ngôn sứ Hôsê được biết đến như ngôn sứ của tình yêu, ngôn sứ của âu yếm, ngọt ngào và sứ điệp ông loan báo là lòng thương xót của Thiên Chúa Giavê đối với dân Ngài.

Ông rao giảng tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với Ítraen bằng chứng từ là chính đời sống, khi ông cưới làm vợ một cô gái điếm:

“Khởi đầu, lời Đức Chúa thể hiện trong cuộc đời ông Hôsê. Đức Chúa phán với ông Hôsê: “Hãy đi cưới một một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm, vì cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm. Ông đã đi cưới bà Gôme, con gái ông Đíplagim” (Hs1,2-3).

Hôsê là ngôn sứ dấn thân cho sứ vụ với cả thân xác và tâm hồn, bởi cả cuộc đời với sinh hoạt và kinh nghiệm tình yêu, tất cả đều góp phần vào việc thực hiện sứ vụ ngôn sứ của ông. Điều này nói lên một sự thật, đó là người ta không thể là ngôn sứ đích thực và chu toàn sứ vụ ngôn sứ một cách hữu hiệu nếu không dám đương đầu với rủi ro, và trong trường hợp của Hôsê, rủi ro ông đương đầu và khổ đau ông gánh chịu qủa thực đã rất nguy hiểm và lớn lao.

Như Môsê và các ngôn sứ khác, Hôsê đã thấm thía số phận ngôn sứ của mình: là người bị dân cho là điên rồ, bị thiên hạ giăng bẫy trên đường đi, bị khủng bố ngay trong Đền Thờ chỉ vì loan báo hình phạt của Thiên Chúa : “Đã đến rồi những ngày trừng phạt, đã đến rồi những ngày báo oán: Ítraen sẽ thấy điều này! “Thế là ông bị mọi người lên án: “Ngôn sứ điên rồi ! Người được linh ứng nói sảng”‘, và họ “giăng bẫy trên khắp mọi nẻo đường ông đi, khủng bố ông ngay trong Nhà Thiên Chúa” (Hs 9,7-9).

Trong sách Hôsê, chúng ta thấy xuất hiện năm nhân vật: chồng, vợ, các con, những người yêu, và thần Baan. Tương quan giữa năm nhân vật này thật phức tạp: người vợ là biểu tượng của Ítraen, người chồng là Thiên Chúa Giavê, người yêu là thần Baan

Qua các nhân vật và cách đối xử giữa các nhân vật, ngôn sứ Hôsê loan báo sứ điệp về tương quan giữa con người với Thiên Chúa, tương quan giữa dân được Thiên Chúa chọn với Đức Chúa. Ông đã xử dụng hình ảnh “cha con”, “vợ chồng” để diễn tả tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và Ítraen dân Ngài.

Sử dụng ngôn từ thật mới mẻ để trình bày Thiên Chúa là Tình Yêu, ngôn sứ còn trình bày chân lý Thiên Chúa là nguồn sự sống, khi quyết liệt chống lại thần Baan được coi như thần ban sự sống, mà Ítraen luôn bị cám dỗ chạy theo, để Ítraen hiểu rằng sự sống chỉ được phát sinh từ Thiên Chúa , sự sống của Ítraen chỉ đến từ Thiên Chúa Giavê. Chính tương quan yêu thương giữa vợ – chồng, như tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài đã ban cho Ítraen sự sống. Và sự sống ấy xảy ra trong lịch sử nhân loại, khi Thiên Chúa cứu Ítraen ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, để rồi sự sống ấy phải được liên tục lớn lên trên dòng lịch sử, nghĩa là trong từng khoảnh khắc: ở đây và lúc này, tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Ngài phải được thể hiện không tắc nghẽn, đứt đọan bằng thực hiện những điều tốt lành trong đời sống hằng ngày, không thờ ngẫu tượng, không phụng thờ Thiên Chúa một cách hình thức, hời hợt, “vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6; x. 8,1-14).

Cũng qua ngôn từ âu yếm, yêu thương, ngôn sứ tỏ ra cho dân thấy họ đã được Thiên Chúa yêu thương: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16), và chính Thiên Chúa đã nói với họ “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương.Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong thành tín, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2, 21-22),nhưng họ đã khước từ tình yêu đó: “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín, chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy!” (Hs 11,7). “Quả thật, trong xứ này, chẳng có tín thành, chẳng có ân nghĩa, cũng chẳng có sự hiểu biết Thiên Chúa. Chỉ có bội thề, dối trá, sát nhân và trộm cướp, áp bức với ngoại tình, các cuộc đổ máu cứ nối tiếp nhau. Chính vì thế mà xứ sở tang thương, dân cư tàn tạ, ngay thú vật ngoài đồng, cũng như chim trời cá biển, tất cả đều chết hết” (Hs 4, 1-3).

Trước cảnh bội tín, và tình yêu bị khước từ, Thiên Chúa đã lên tiếng thở than : “Khi Ítraen còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi; chúng dâng hy lễ cho các Baan, đốt hương kính ngẫu tượng… Ta đã lấy nhân nghĩa, ấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1-4)

Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn một lòng thương xót và tiếp tục âu yếm tha thứ cho dân Ngài, như tấm lòng của người chồng quảng đại vẫn luôn mãi yêu thương, dù vợ mình không ngừng phản bội: “Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ítraen,Ta trao nộp ngươi sao đành… Trái tim ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 1, 8-9).

Khi đọc những trang sấm ngôn mang tính đe dọa trừng phạt, cũng như trừng phạt, chúng ta có cảm tưởng: Thiên Chúa không còn cách nào khác, ngoài trừng phạt, vì dân Ngài phản bội và bất trị: “Ta là Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai Cập. Ngoài Ta ra, ngươi không được biết thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta. Chính Ta đã biết ngươi khi ngươi còn ở trong sa mạc, trong vùng đất cằn cỗi khô khan. Vừa khi ra đồng cỏ, chúng được ăn uống thoả thuê. Nhưng khi thoả thuê rồi, chúng đâm ra tự cao tự đại. Chính vì thế mà chúng đã quên Ta. Nên đối với chúng, Ta khác nào sư tử, tựa con báo, Ta rình rập bên đường. Như gấu mất con, Ta chồm lên chúng, Ta xé chúng cho nát tan lồng ngực; Ta ăn thịt chúng tại chỗ như sư tử cái, chúng sẽ bị mãnh thú ngoài đồng phanh thây” (Hs 11,4-8).

Nhưng nếu “tội lỗi của Giuđa phải được ghi bằng bút sắt và khắc bằng mũi kim cương vào tâm hồn và vào các góc bàn thờ của chúng” (Gr 17,1), thì đối với Thiên Chúa vẫn còn một khả thể để cứu giúp, chữa lành (x. Gr 17,14), đó là “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26).

Thay tim cũ bằng tim mới, tức ban sự sống mới, ban đời sống mới, nếu chúng ta hiểu được rằng “Ngài đã sửa trị con và con đã được sửa trị”, và cầu khấn Ngài: “Xin chữa lành con, để con được chữa lành, xin cứu thoát con để con được cứu thoát, vì vinh dự của con chính là Ngài !” (Gr 17,14), “Xin đưa con trở về, và con sẽ trở về, vì Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa của con!” (Gr 31,18).

Như thế, trở về với Thiên Chúa là được sống lại, được tái sinh trong Thiên Chúa, Đấng ban sự sống mới cho kẻ muốn trở về với Ngài, Đấng chữa lành vết thương cho người muốn được Thiên Chúa chữa. Do đó, ước muốn trở về là điều kiện tiên quyết mà ngôn sứ Hôsê đã nhấn mạnh với Ítraen: “Hãy trở về với Thiên Chúa mang theo lời cầu nguyện. Hãy thưa với Người: “Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dấng lên Ngài làm lễ thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng không gọi là thần thánh những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm” (Hs 14,2-4), và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhận lời: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng. Với Ítraen Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Libăng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượu Libăng” (Hs 14, 5-8).

Tóm lại, Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, yêu dân Ngài vô cùng và đến cùng. Ngài còn là Đấng thành tín, luôn giữ lời đã hứa, và thực hiện Giao Ước đã ký kết với dân Ngài: Ta là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi là dân Ta. Tình yêu ấy được thể hiện qua ơn cứu sống, vì Ngài là Nguồn Sống, Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban ơn cứu sống cho mọi người tìm đến kêu cầu Ngài.

Jorathe Nắng Tím

Read 107 times Last modified on Thứ hai, 11 Tháng 12 2023 07:02