Chủ nhật, 16 Tháng 6 2024 09:04
Những tật xấu và các nhân đức. Bài 11: Hành động nhân đức
Posted by Ban Biên Tập
Những tật xấu và các nhân đức. Bài 11: Hành động nhân đức
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức.
Bài 11: Hành động nhân đức
Anh chị em thân mến!
Sau khi kết thúc phần tổng quan về các tật xấu, đến lúc chúng ta nhìn sang bức tranh phản chiếu, đối lập với kinh nghiệm về sự dữ. Tâm hồn con người có thể chiều theo những đam mê xấu xa, có thể nghe theo những cám dỗ có hại được ngụy trang dưới lớp vỏ thuyết phục, nhưng nó cũng có thể chống lại tất cả những điều này. Dù điều này có mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, con người vẫn được tạo ra để làm điều tốt, thực hiện điều tốt thực sự và con người thậm chí rèn luyện nghệ thuật này, khiến một số khuynh hướng sẽ trở nên thường trực trong con người chúng ta. Suy tư quanh khả năng tuyệt vời này của chúng ta tạo thành một chương cổ điển của triết học đạo đức: chương về nhân đức.
Các triết gia người Rôma gọi nó là virtus, các triết gia Hy Lạp gọi là aretè. Thuật ngữ Latinh trước hết nhấn mạnh rằng người nhân đức là người mạnh mẽ, can đảm có khả năng kỷ luật và khổ hạnh. Vì vậy, việc thực hành các nhân đức là thành quả của một quá trình nảy mầm lâu dài, đòi hỏi nổ lực và thậm chí là đau khổ. Từ aretè trong tiếng Hy Lạp biểu thị điều gì đó vượt trội, điều gì đó nổi bật, khơi dậy sự ngưỡng mộ. Vì vậy, người có nhân đức là người không bị biến dạng do xuyên tạc mà trung thành với ơn gọi của mình và nhận thức đầy đủ về chính mình.
Chúng ta sẽ lạc lối nếu nghĩ rằng các vị thánh là những ngoại lệ của nhân loại: một nhóm nhỏ hạn chế sống vượt quá giới hạn của loài người chúng ta cách vô địch. Tuy nhiên, các vị thánh, theo quan điểm mà chúng ta vừa giới thiệu về các nhân đức, là những người trở thành chính mình một cách trọn vẹn, hoàn thành ơn gọi của riêng mình. Một thế giới thật sự hạnh phúc nếu trong đó công lý, sự tôn trọng và lòng nhân hậu trao đổi cho nhau, tinh thần rộng mở và hy vọng là những điều bình thường được chia sẻ chứ không phải là điều bất thường hiếm gặp! Đây là lý do tại sao chương về hoạt động nhân đức, trong thời gian đầy bi kịch này của chúng ta, nơi chúng ta thường phải đối mặt với những điều tồi tệ nhất của nhân loại, cần được mọi người tái khám phá và thực hành. Trong một thế giới méo mó, chúng ta phải nhớ đến hình dáng mà chúng ta đã được tạo dựng, hình ảnh của Chúa đã in sâu trong chúng ta mãi mãi.
Nhưng chúng ta có thể định nghĩa khái niệm về nhân đức như thế nào? Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra cho chúng ta một định nghĩa chính xác và súc tích: “Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện” (GLCG 1803). Do đó, nó không phải là một điều tốt ngẫu hứng và có chút tình cờ, từ trên trời rơi xuống cách rời rạc. Lịch sử cho chúng ta biết rằng ngay cả những tên tội phạm, trong một khoảnh khắc sáng suốt, cũng đã làm được việc tốt; chắc chắn những hành động này đã được viết trong cuốn “sách của Chúa”, nhưng nhân đức lại là một điều khác. Đó là một điều tốt phát sinh từ sự trưởng thành tiệm tiến của con người cho đến khi nó trở thành một đặc tính bên trong. Nhân đức là một thói quen của tự do. Nếu chúng ta được tự do trong mọi hành động và mỗi khi được mời gọi lựa chọn giữa thiện và ác thì nhân đức chính là điều giúp chúng ta có thói quen hướng tới sự lựa chọn đúng đắn.
Nếu nhân đức là một món quà đẹp đẽ như vậy thì ngay lập tức nảy sinh một câu hỏi: làm sao có thể có được nó? Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản, nó phức tạp.
Đối với người Kitô hữu, sự trợ giúp đầu tiên là ân sủng của Thiên Chúa. Thực ra nhờ Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta là những người đã được rửa tội, Ngài hoạt động trong tâm hồn chúng ta để dẫn đưa chúng ta đến đời sống nhân đức. Nhiều Kitô hữu đã đạt được sự thánh thiện qua nước mắt, khi nhận ra rằng họ không thể khắc phục được một số điểm yếu của mình! Nhưng họ trải nghiệm rằng Chúa đã hoàn thành công việc tốt đẹp đó mà đối với họ chỉ là một bản phác thảo. Ân sủng luôn đi trước cam kết đạo đức của chúng ta.
Hơn nữa, chúng ta không bao giờ được quên bài học rất phong phú đã đến với chúng ta từ sự khôn ngoan của người xưa dạy chúng ta biết rằng nhân đức sẽ phát triển và có thể trau dồi được. Và để điều này xảy ra, ơn đầu tiên cần cầu xin Chúa Thánh Thần là sự khôn ngoan. Con người không phải là một lãnh thổ tự do để chinh phục những thú vui, cảm xúc, bản năng, đam mê mà không thể làm bất cứ điều gì để chống lại những thế lực này, có khi hỗn loạn, đang chế ngự trong ta. Món quà vô giá mà chúng ta sở hữu đó là sự cởi mở, đó là sự khôn ngoan biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm để hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Sau đó, cần có thiện chí: khả năng lựa chọn điều tốt, rèn luyện bản thân bằng cách thực hành khổ hạnh, tránh thái quá.
Anh chị em thân mến, đây là cách chúng ta bắt đầu hành trình nhân đức, trong vũ trụ thanh bình này, một vũ trụ có vẻ đầy thử thách nhưng có tính quyết định đối với hạnh phúc của chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng
Published inGiúp nhau sống đạo
Tagged under