Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 14 Tháng 7 2014 15:55

Bài Giáo Lý Bảy Ơn Chúa Thánh Thần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài Giáo Lý Bảy Ơn Chúa Thánh Thần

Có bảy ơn Chúa Thánh Thần (dựa vào Isaia 10,2-3): - Khôn ngoan - Hiểu biết - Biết lo liệu - Sức mạnh - Thông minh - Đạo đức - Kính sợ Đức Chúa Trời. Nhờ những ơn này, ta biết xử thế đúng tinh thần Tin Mừng Phúc Âm và biết tiến đức mỗi ngày.

Trong bảy ân huệ này có bốn ơn trợ giúp trí năng ta (ơn Khôn ngoan, Hiểu biết, Biết lo liệu, Thông minh.) Mỗi ơn hoàn thiện một đức tính cơ bản. Ơn khôn ngoan hoàn thiện lòng nhân từ trong lúc xét đoán những điều thiêng liêng. Ơn hiểu biết giúp thấu hiểu sự thật. Ơn lo liệu giúp ta suy xét thận trọng. Ơn Thông minh ban kiến thức giúp ta luôn hy vọng.

Ba ơn còn lại trợ giúp ý chí ta (Sức mạnh, Đạo đức, Kính sợ). Ơn sức mạnh cho lòng can đảm khi phải đối mặt trước nguy hiểm. Ơn đạo đức hoàn thiện đức công bằng để trao trả cho những người khác những gì thuộc về họ (đặc biệt đúng với việc trao trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài). Ơn kính sợ Thiên Chúa giúp hoàn thiện sự kiểm soát và từ bỏ những ham muốn sai lạc.

1 - Ơn Khôn Ngoan

Ơn khôn ngoan giúp trí năng dựa vào những nguyên lý tối thượng để nhận ra Thiên Chúa là nguyên nhân tạo thành mọi sự. Ơn này làm cho linh hồn ta đáp ứng với Thiên Chúa trong quán niệm những mầu nhiệm cao cả chính là hoạt động của Chúa, để hướng toàn bộ cuộc sống và tất cả các hành động của ta theo thánh ý Ngài.

2 - Ơn Hiểu Biết

Vô tri bất mộ. Ơn hiểu biết giúp ta hiểu được chiều sâu của Lời Chúa và bí ẩn của Đức tin để sống đúng với tinh thần Phúc Âm . Ơn hiểu biết khơi dậy trong ta khả năng dò xét kỹ luỡng chiều sâu của tư tưởng Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài, điều này không có nghĩa là mọi tín hữu đều có thể hiểu được tất cả mọi sự và có một kiến thức đầy đủ về các kế hoạch của Thiên Chúa, tất cả mọi điều này sẽ được tỏ lộ khi chúng ta ở trước nhan Thiên Chúa và thực sự nên một với Ngài.

3 - Ơn Biết Lo Liệu

Ơn biết lo liệu là ơn Chúa răn dạy chúng ta, cảnh báo ta những nguy hiểm cho sự cứu rỗi và giúp ta tránh xa những lừa gạt của ma quỷ, giúp ta cân nhắc tính toán để phân định điều nên, lẽ thiệt, điều phúc, việc tội, điều phải nói, việc phải làm, để biết giải quyết mọi việc theo đúng thánh ý Chúa.

4- Ơn Sức Mạnh

Ơn sức mạnh giúp ta thêm can đảm, đủ nghị lực để chịu đựng hoặc đối phó với mọi tình thế nguy nan thử thách, giúp chúng ta mạnh sức và giữ vững được Đức tin thể theo ý Chúa. Các vị tử đạo có thể có gan can đảm tự nhiên, nhưng không đủ, phải có ơn này trợ giúp mới vui vẻ, sung sướng bước ra pháp trường.

5 - Ơn Thông Minh

Ơn thông minh giúp trí năng khám phá ý Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, hiểu biết mối tương quan giữa Thiên Chúa và vạn vật, biết nhìn tất cả mọi người, và thế giới xung quanh chúng ta, dưới ánh sáng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, biết tìm những phương thế giúp ích phần rỗi và tránh những cản trở quấy rối tâm hồn ta, xử dụng những của cải vật chất chóng qua đời này để “mua” lấy nước Thiên đàng mà thôi, cho hợp với thánh ý Chúa.

6 - Ơn Đạo Đức

Ơn đạo đức nâng đỡ tâm tình yêu mến Chúa và yêu mến việc đạo đức để phát triển đức thờ phượng. Ơn này giúp ta hiểu lòng mộ mến Thiên Chúa bên trong là điều cần thiết chứ không chỉ là việc tôn thờ bên ngoài, giúp phát triển tình yêu Thiên Chúa như là một người cha, và tuân theo luật Thiên Chúa bởi vì ta yêu Ngài.

7 - Ơn Kính Sợ

Ơn kính sợ gieo vào lòng ta sự khinh ghét tội lỗi và sự sợ vi phạm Thiên Chúa, nâng đỡ tâm tình kính sợ và yêu mến Chúa. Sợ, vì Chúa Ngài là Đấng thưởng phạt chí thánh, công thẳng. Mến, vì Ngài là Cha nhân lành, tốt lành, hằng thương yêu tha thứ ta. Nên suy gẫm về vẻ uy nghi, cao sang của Thiên Chúa, phép công thẳng của ngài và ơn nghĩa tử Ngài ban cho ta.


CÁC BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ CÁC ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN



Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Khôn Ngoan

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý về các ơn Chúa Thánh Thần. Anh chị em biết rằng Chúa Thánh Thần là linh hồn, là nhựa sống của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu: Ngài là tình yêu của Thiên Chúa là Đấng biến tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Chúa Thánh Thần luôn luôn ở với chúng ta, luôn ở trong chúng ta, ở trong lòng chúng ta.

Chính Chúa Thánh Thần là “hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa” (x. Ga 4:10), là quà tặng của Thiên Chúa, và Ngài thông truyền cho những ai chấp nhận Ngài những ơn thiêng liêng khác nhau. Hội Thánh xác định bảy ơn, một con số biểu tượng ám chỉ sự viên mãn, sự đầy đủ; chúng là những ơn mà chúng ta học khi chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức, và chúng ta khẩn cầu trong kinh nguyện cổ xưa được gọi là “Bài Ca Tiếp Liên về Chúa Thánh Thần.” Các ơn Chúa Thánh Thần là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa.

1. Như thế, theo danh sách này thì ơn đầu tiên của Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan. Nhưng nó không chỉ là sự khôn ngoan của loài người, là kết quả của kiến thức và kinh nghiệm. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng vua Solomon, khi đăng quang làm vua dân Israel , đã xin ơn khôn ngoan (x. 1 V 3:9). Và ơn khôn ngoan chính là thế này: đó là ân sủng để có thể nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Nó chỉ đơn thuần thế này: nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các tình thế, các vấn đề, tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự vật theo sở thích của mình, hoặc theo tình trạng tâm hồn mình, với yêu hay ghét, với ganh tị ... Không, đó không phải là cặp mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ngõ hầu chúng ta nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan.

2. Và hiển nhiên là ơn này xuất phát từ sự thân tính với Thiên Chúa, từ mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Thiên Chúa, như mối liên hệ của con cái với Chúa Cha. Và khi chúng ta có mối liên hệ này thì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan. Khi chúng ta hiệp thông với Chúa, Chúa Thánh Thần như biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho nó cảm nhận được tất cả sự nồng ấm của Ngài và sự yêu thương đặc biệt của Ngài.

3. Như vậy Chúa Thánh Thần làm cho người Kitô hữu trở thành “khôn ngoan.” Tuy nhiên, không có nghĩa là người ấy có câu trả lời cho tất cả mọi sự, biết tất cả mọi sự, nhưng có nghĩa là người ấy “biết” về Thiên Chúa, biết Thiên Chúa hành động thế nào, biết khi nào một điều đến từ Thiên Chúa và khi nào không đến từ Thiên Chúa; người ấy có sự khôn ngoan mà Chúa ban cho tâm hồn chúng ta. Theo nghĩa này, tâm hồn của người khôn ngoan có mùi vị và hương vị của Thiên Chúa. Và quan trọng biết bao khi trong cộng đoàn của chúng ta có những Kitô hữu như thế! Tất cả mọi sự trong họ nói về Thiên Chúa cùng trở nên một dấu chỉ xinh đẹp và sống động về sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Và đó là điều mà chúng ta không thể tạo ra, không thể tự mình sở đắc: đó là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho những người ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Chúng ta có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, trong lòng chúng ta; chúng ta có thể lắng nghe hoặc không lắng nghe Ngài. Nếu chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần, Ngài dạy chúng ta con đường khôn ngoan, Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để nhìn với cặp mắt của Thiên Chúa, nghe với đôi tai của Thiên Chúa, yêu với con tim của Thiên Chúa, và phán đoán sự việc với phán đoán của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, và tất cả chúng ta có thể có được. Chúng ta chỉ cần xin Chúa Thánh Thần ơn ấy.

Anh chị em hãy nghĩ về một bà mẹ, ở nhà, với con cái, khi một đứa con làm điều này, đứa khác nghĩ điều khác, và bà mẹ đáng thương chạy ngược chạy xuôi vì các vấn đề của con cái. Và bà la mắng con khi bà mệt mỏi, đó có phải là khôn ngoan không? La mắng con - tôi hỏi anh chị em – có phải là khôn ngoan không? Anh chị em nói gì: có phải là khôn ngoan không? Không! Thay vào đó, khi ấy bà mẹ bế đứa con lên, nhẹ nhàng khiển trách và bảo nó: “con không được làm như thế, vậy thì...”, và nói với nó một cách rất kiên nhẫn, đó có là ơn khôn ngoan của Thiên Chúa không? Có! Và đó là điều mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong cuộc sống của mình! Rồi trong hôn nhân, khi hai vợ chồng cãi nhau chẳng hạn, và sau đó không thèm nhìn mặt nhau, hoặc nếu có nhìn nhau, thì nhìn với gương mặt quặu cọ: đó có phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa không? Không! Thay vào đó, nếu họ nói, “Phải, cơn giông tố đã qua, chúng ta hãy làm hòa” và họ bắt đầu tiến bước trong an bình: đó có phải là khôn ngoan không? [dân chúng thưa: Có!] Đó, đó là ơn khôn ngoan. Chớ gì ơn này đến nhà, đến với các trẻ em, đến với tất cả chúng ta!

Và chúng ta không học được ơn này: Đây là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Cho nên, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần và ơn khôn ngoan, ơn khôn ngoan của Thiên Chúa dạy chúng ta nhìn với cặp mắt của Thiên Chúa, cảm nhận bằng con tim của Thiên Chúa, nói những lời của Thiên Chúa và như vậy, với ơn khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, chúng ta xây dựng gia đình, chúng ta xây dựng Hội Thánh, và tất cả chúng ta được thánh hóa. Hôm nay chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan. Và chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Maria, là Toà Khôn Ngoan, ơn này: xin Mẹ ban cho chúng ta ơn này. Cảm ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

****
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Hiểu Biết

Anh chị em thân mến, chào anh chị em .

Sau khi suy ngẫm về Đức Khôn Ngoan, là ơn đầu tiên trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, hôm nay, cha muốn tập trung vào ơn thứ hai, đó là Ơn Hiểu Biết. Ơn Hiểu Biết không hẳn liên quan đến trí thông minh của con người, không liên quan đến khả năng hiểu biết, được xác định ở mức độ bằng cấp cao hay thấp. Ơn Hiểu Biết là ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thông ban và là ơn giúp các Kitô hữu có khả năng vượt qua vẻ bề ngoài của thực tại và suy xét cách kỹ lưỡng sự sâu xa của những tư tưởng của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài.

Nói với Giáo Đoàn Côrintô, tông đồ Phaolô diễn tả những hiệu quả của Ơn Hiểu Biết rất hay – những điều mà Ơn Hiểu Biết hoạt động trong chúng ta – thánh Phaolô nói: “Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 9-10). Điều này, tất nhiên, không có nghĩa là một người Kitô hữu có thể hiểu biết mọi sự và có được sự hiểu biết trọn vẹn về kế hoạch của Thiên Chúa: Tất cả kế hoạch của Thiên Chúa sẽ chỉ được mặc khải cách rõ ràng khi chúng ta tìm thấy chính mình trong cái nhìn của Thiên Chúa, và chúng ta thực sự trở nên một với Ngài. Tuy nhiên, tự bản thân từ “hiểu biết” cho phép chúng ta “tìm hiểu một ý nghĩa tất nhiên”: và ơn này giúp chúng ta hiểu mọi sự như Thiên Chúa hiểu, bằng sự hiểu biết của Thiên Chúa, bởi vì một người có thể hiểu được một tình huống với khả năng hiểu biết của con người, bằng sự khôn ngoan, và điều đó là tốt. Nhưng, để hiểu những tình huống cách sâu xa hơn như Thiên Chúa hiểu, thì đây chính là hiệu quả của Ơn Hiểu Biết. Và Chúa Giêsu đã muốn gởi Chúa Thánh Thần đến nhờ đó chúng ta có thể có được Ơn Hiểu Biết, hầu chúng ta có thể nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa hiểu, với khả năng hiểu biết của Thiên Chúa. Đây là ơn huệ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã trao ban cho tất cả chúng ta. Đây là ơn mà nhờ đó Chúa Thánh Thần đưa chúng ta vào sự thân mật với Thiên Chúa và làm cho chúng ta được tham dự vào kế hoạch yêu thương, mà Ngài đang dệt vào mảnh đất của cuộc đời chúng ta và vào trong lịch sử. Ơn Hiểu Biết giúp chúng ta hiểu ý nghĩa đích thực của lịch sử.

 

Vậy rõ ràng là, Ơn Hiểu Biết liên hệ chặt chẽ với Đức Tin. Khi Chúa Thánh Thần ngự vào tâm hồn chúng ta và mở trí chúng ta, Ơn Hiểu Biết làm cho chúng ta lớn lên mỗi ngày trong sự hiểu biết những điều Thiên Chúa nói và thực hiện. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Thầy sẽ ban Thánh Thần và Ngài sẽ làm cho các con hiểu tất cả những Thầy đã nói với các con. Hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu, hiểu Lời Ngài, hiểu Tin Mừng, hiểu Lời Thiên Chúa. Một người có thể đọc Tin Mừng và hiểu được một vài điều, nhưng nếu chúng ta đọc Tin Mừng với Ơn Hiểu Biết của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể hiểu sâu xa hơn những Lời của Thiên Chúa. và đây là một ơn tuyệt vời, mà tất cả chúng ta phải xin và cùng nhau xin: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con Ơn Hiểu Biết. Ơn Hiểu Biết giúp chúng ta hiểu rằng mọi sự đều là ơn ban, mà vì yêu thương, Thiên Chúa ban tặng để cứu độ chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ nhắc cho chúng ta nhớ những giáo huấn của Ngài và sẽ giải thích những gì chúng ta không hiểu.

Có môt đoạn trong Tin Mừng theo thánh Luca diễn tả sự sâu sắc và sức mạnh của Ơn Hiểu Biết rất hay. Sau khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu trên thâp giá và việc mai tang Ngài, hai trong số các môn đệ của Ngài, tuyệt vọng và đau khổ, rời bỏ Giêrusalem và trở về quê là làng Emmau. Trong khi họ đi đường, Chúa Giêsu Phục Sinh cùng đi với họ và nói chuyện với họ, nhưng mắt họ bị đóng lại vì sự buồn sầu và thất vọng, nên không thể nhận ra Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ thì họ đã hiểu rằng Ngài đã phải chịu đau khổ và chết rồi sau đó sống lại, tâm trí họ mở ra và niềm hy vọng được khơi lên trong tâm hồn họ (x. Lc 24, 13-27). Và đây là điều mà Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta: Ngài mở trí cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn những sự thuộc về Thiên Chúa, những sự thuộc con người, những tình huống, và tất cả mọi sự. Ơn Hiểu Biết là một ơn quan trọng đối với đời sống Kitô hữu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho tất cả chúng ta Ơn Hiểu Biết để chúng ta hiểu được những điều xảy ra như Ngài hiểu, và quan trọng nhất là, để hiểu Lời của Thiên Chúa trong Tin Mừng.

Đây đích thực là việc Chúa Thánh Thần hoạt động nơi một Kitô hữu với Ơn Hiểu Biết. Chúng ta, cũng vậy, bị áp lực bởi sức nặng của cuộc sống và của những giới hạn của bản thân, không thể nhận ra rằng Chúa Giêsu đang ở bên chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta mời Chúa Thánh Thần ngự vào tâm hồn chúng ta, Ngài sẽ soi sáng và nói cho chúng ta về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

Các bạn thân mến, Ơn Hiểu Biết thực sự quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta! Qua Ơn Hiểu Biết, Thần Khí của Thiên Chúa xuyên qua bóng tối của tâm trí và tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người Kitô hữu đích thực, làm cho chúng ta có thể tận hưởng những gì Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta qua Lời Ngài, và tận hưởng tất cả những gì Ngài thực hiện trong cuộc đời chúng ta.

Hoàng Quốc Việt chuyển ngữ

****
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Biết Lo Liệu


Anh chị em thân mến, chào anh chị em .

Trong bài đọc từ sách Thánh Vịnh chúng ta nghe thấy đoạn, trong đó nói rằng: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con” (Tv 16: 7). Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần, ơn biết lo liệu. Chúng ta biết ơn này quan trọng thế nào, đặc biệt là trong những giây phút khó xử nhất, để có thể tin cậy vào lời khuyên của những người khôn ngoan và những người yêu thương chúng ta. Giờ đây, qua ơn biết lo liệu, chính Thiên Chúa, với Chúa Thánh Thần, là Đấng soi sáng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta hiểu một cách hợp l‎ý để nói năng, cư xử và biết con đường để đi theo. Nhưng ơn này hoạt động trong chúng ta thế nào?

1. Khi chúng ta chào mừng và đón nhận Ngài trong tâm hồn mình, Chúa Thánh Thần lập tức bắt đầu làm cho chúng ta nhạy cảm với giọng nói của Ngài và hướng dẫn những suy nghĩ, những tình cảm và những ý định của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài hướng cái nhìn nội tâm của chúng ta mỗi ngày một hơn vào Chúa Giêsu, như một mẫu gương của cách hành động và liên hệ với Thiên Chúa Cha và anh chị em của chúng ta. Cho nên ơn biết lo liệu là hồng ân mà Chúa Thánh Thần làm cho lương tâm của chúng ta có khả năng thực hiện một sự lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo luận l‎ý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Bằng cách này, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên về nội tâm, làm cho chúng ta lớn lên cách tích cực, làm cho chúng ta lớn lên trong cộng đồng và giúp chúng ta không rơi vào sự ích kỷ và cách nhìn riêng tư về mọi sự. Do đó, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên và cũng giúp chúng ta sống trong cộng đồng. Điều kiện cần thiết để giữ gìn ơn này là cầu nguyện. Luôn luôn trở lại cùng một chủ đề: cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện rất quan trọng. Cầu nguyện với những kinh nguyện mà tất cả chúng ta đều biết từ nhỏ, nhưng cũng cầu nguyện bằng lời lẽ riêng của mình. Cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, xin chỉ bảo con, con nên làm gì bây giờ?” Và với cầu nguyện chúng ta dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần đến và giúp chúng ta vào lúc đó, để khuyên nhủ chúng ta tất cả phải làm gì. Hãy cầu nguyện! Đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ! Không ai, không ai nhận ra chúng ta cầu nguyện trên xe buýt, trên đường phố: chúng ta cầu nguyện trong im lặng với con tim. Chúng ta hãy tận dụng những giây phút ấy để cầu nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết lo liệụ

2. Trong sự mật thiết với Thiên Chúa và trong sự lắng nghe Lời Ngài, chúng ta từ từ đặt sang một bên luận lý cá nhân của mình, thường bị sai khiến bởi việc khép kín lòng mình, bởi những thành kiến ​và tham vọng của mình, và thay vào đó chúng ta hỏi Chúa: Điều gì là điều Chúa muốn? Thánh Ý của Chúa là gì? Điều gì làm Chúa vui lòng? Bằng cách này, một sự đồng cảm sâu xa trưởng thành trong chúng ta, hầu như bẩm sinh trong Chúa Thánh Thần và chúng ta cảm nghiệm những lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng Matthêu đúng như thế nào: “các con đừng lo lắng phải nói thế nào hay phải nói gì, vì các con sẽ được cho biết phải nói gì trong giờ đó; vì không phải các con nói, mà chính Thần Khí của Cha các con nói qua các con.” (Mt 10:19-20).

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khuyên nhủ chúng ta, nhưng chúng ta cần dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần, để Ngài có thể khuyên nhủ chúng ta.Và việc dọn chỗ là cầu nguyện, cầu nguyện để Ngài đến và luôn giúp đỡ chúng ta.

3. Cho nên, giống như tất cả các ơn khác của Chúa Thánh Thần, ơn biết lo liệu cũng là một kho tàng cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Chúa không chỉ nói với chúng ta trong sự mật thiết của tâm hồn, nói với chúng ta, vâng, nhưng không chỉ có thế, Ngài cũng nói với chúng ta qua giọng nói và chứng từ của các anh em chúng ta. Đó thực sự là một ơn cao cả, là có thể gặp được những người nam nữ có đức tin, đặc biệt là trong những giây phút phức tạp và quan trọng trong cuộc sống của mình, để họ giúp soi sáng tâm hồn chúng ta ngõ hầu nhận ra Thánh ‎Ý Chúa!

Tôi nhớ một lần tôi ngồi ở toà giải tội trong Đền Đức Mẹ Luján, trước đó là một hàng dài. Cũng có một người trẻ hoàn toàn tân thời, đeo bông tai, xăm mình, tất cả những điều ấy... Và em đã đến để cho tôi biết những gì đang xảy ra. Đó là một vấn đề lớn và khó khăn. Và em nói với tôi: con đã nói tất cả điều này với mẹ con và mẹ bảo con: hãy đi đến với Đức Mẹ và Mẹ sẽ cho con biết phải làm gì. Đây là một người phụ nữ đã có ơn biết lo lieu. Bà không biết làm sao để giải quyết vấn đề của con mình, nhưng đã chỉ con đúng đường: hãy đến với Đức Mẹ và Mẹ sẽ cho con biết. Đây là ơn biết lo liệu. Người phụ nữ khiêm nhu, đơn sơ, đã cho con bà lời khuyên chân thành nhất. Thực ra, em ấy đã nói với tôi: con nhìn lên Đức Mẹ và con cảm thấy rằng con phải làm điều này, điều này và điều này.. Tôi không cần phải nói, mẹ em và chính em đã nói tất cả mọi sự. Đây là ơn biết lo liệu. Các chị em, các bà mẹ, các chị em có ơn này, hãy xin ơn ấy cho các con cái của chị em. Ơn khuyên bảo con cái là một hồng ân của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Thánh Vịnh 16, mà chúng ta đã nghe, mời gọi chúng ta cầu nguyện bằng những lời này: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, con chẳng nao núng bao giờ” (các câu 7-8). Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn luôn có thể đổ sự chắc chắn này vào tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta đầy an ủi và bình an của Ngài! Hãy luôn luôn xin ơn biết lo liệu!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

****
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Sức Mạnh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Chúng ta đã suy niệm trong những bài giáo lý gần đây về ba ơn đầu tiên của Chúa Thánh Thần là các ơn khôn ngoan, thông hiểu và biết lo liệu. Hôm nay chúng ta suy niệm về việc Chúa làm: Ngài luôn luôn đến nâng đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta và Ngài làm điều ấy bằng một ơn đặc biệt: ơn sức mạnh.

1. Có một dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của ơn này. Một người gieo giống đi ra gieo hạt giống; tuy nhiên không phải tất cả hạt giống được gieo xuống đều sinh hoa quả. Những hạt rơi trên lối đi bị chim trời ăn mất; những hạt rơi trên đất sỏi đá hay bụi gai sẽ mọc lên, nhưng mau bị mặt trời làm cho khô héo hoặc bị những cây gai làm cho chết ngạt. Chỉ những hạt rơi trên trên đất tốt mới có thể lớn lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4:3-9 / Mt 13:3-9 / Lc 8:4-8 ). Như chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Chúa Cha là người gieo giống, Ngài gieo hạt giống Lời Ngài một cách dồi dào. Tuy nhiên, hạt giống thường đụng chạm với sự khô khan của tâm hồn chúng ta, và ngay cả khi được đón nhận, có thể vẫn không sinh hoa quả. Trái lại, với ơn sức mạnh, Chúa Thánh Thần vun xới thửa đất tâm hồn chúng ta, giải thoát nó khỏi tình trạng tê liệt, thiếu quả quyết và tất cả sợ hãi có thể ngăn chặn nó, để Lời Chúa được đưa ra thực hành một cách đích thực và vui vẻ. Ơn sức mạnh này là một ơn trợ giúp thực sự, nó ban cho chúng ta sức mạnh và cũng giải thoát chúng ta khỏi rất nhiều trở ngại.

2. Ngoài ra còn có một số những giây phút khó khăn và những tình trạng cực độ trong đó ơn sức mạnh được bày tỏ một cách phi thường, gương mẫu. Đó là trường hợp của những người phải đối đầu với những kinh nghiệm đặc biệt khắc nghiệt và đau thương, làm đảo lộn cuộc sống của họ và của những người thân yêu của họ. Hội Thánh rực rỡ với những chứng từ của rất nhiều anh chị em là những người đã không ngần ngại hiến đời mình, để vẫn trung thành với Chúa và Tin Mừng của Người. Thậm chí ngày nay cũng có rất nhiều Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới đang tiếp tục cử hành và làm chứng cho đức tin của họ với niềm xác tín sâu xa và bình thản, cùng chịu đựng ngay cả khi họ biết rằng điều này có thể đưa đến một giá rất cao. Ngay cả chúng ta, tất cả chúng ta, chúng ta biết những người đã trải qua những tình cảnh khó khăn, rất nhiều đau thương. Nhưng chúng ta nghĩ đến những người nam nữ này là những người sống một cuộc sống khó khăn, vật lộn để thăng tiến gia đình, giáo dục con cái của họ: họ làm tất cả điều này chính vì có Thần Khí dũng cảm giúp họ. Có bao nhiêu người nam nữ – chúng ta không biết tên họ – đang làm vinh danh dân của chúng ta, vinh danh Hội Thánh của chúng ta, bởi vì họ mạnh mẽ: mạnh mẽ trong việc thăng tiến cuộc sống của họ, gia đình của họ, công việc của họ, đức tin của họ. Những anh chị em này là các vị thánh, thánh trong cuộc sống hàng ngày, các vị thánh được giữ kín giữa chúng ta: chính ơn sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ của những con người, của những người cha, người mẹ, những anh em, chị em và những công dân. Chúng ta có rất nhiều! Chúng ta cảm tạ Chúa vì những Kitô hữu này là những người có một sự thánh thiện kín đáo: Chúa Thánh Thần mà họ có trong lòng làm cho họ tiếp tục! Và thật tốt cho chúng ta để suy nghĩ về những người này: nếu họ làm được tất cả những điều ấy, nếu họ có thể làm được những điều đó, thì tại sao tôi lại không làm được? Và cũng tốt để xin Chúa ban cho chúng ta ơn sức mạnh.

Chúng ta đừng nên nghĩ rằng ơn sức mạnh chỉ cần thiết trong một số trường hoặc tình cảnh đặc biệt. Ơn này phải là một ghi nhận cơ bản về bản thể Kitô hữu của chúng ta, trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Như tôi đã nói, chúng ta phải mạnh mẽ trong tất cả mọi ngày của cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần sức mạnh này, để thăng tiến cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, đức tin của chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói một câu làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu, “tôi có thể làm tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Phil 4:13). Khi chúng ta phải đối đầu với cuộc sống hàng ngày, khi gặp khó khăn, hãy nhớ điều này: “Tôi có thể làm tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.” Chúa ban sức mạnh, luôn luôn, không sai trật. Chúa không thử thách chúng ta quá sức chịu đựng chúng ta. Người luôn luôn ở với chúng ta. “Tôi có thể làm tất cả mọi thứ trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.”

Các bạn thân mến, đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ để tính ươn lười hoặc tệ hơn nữa là sự lo âu bắt lấy chúng ta, đặc biệt là khi đối diện với những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Trong những trường hợp ấy, đừng chán nản, mà hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần, bởi vì với ơn sức mạnh Ngài có thể nâng tâm hồn chúng ta lên và thông truyền sức sống mới và lòng nhiệt thành cho cuộc sống chúng ta và việc đi theo Chúa Giêsu của chúng ta.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

****
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Thông Minh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Hôm nay tôi muốn làm nổi bậc một trong bảy ân sủng khác của Chúa Thánh Thần, đó là Ơn Tri Thức. Khi chúng ta nói về sự tri thức, chúng ta nghĩ ngay tới khả năng con người để học hỏi nhiều hơn về thực tại chung quanh chúng ta, và để khám phá các định luật điều khiển thiên nhiên và vũ trụ. Ơn Thông Minh đến từ Chúa Thánh Thần, tuy nhiên không giới hạn nơi kiến thức của con người: đây là một ơn đặc biệt, giúp chúng ta hiểu biết qua Thụ Tạo, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa và mối liên hệ mật thiết với mọi thụ tạo.

1. Khi con mắt chúng ta được Thánh Thần soi sáng, chúng mở ra để chiêm ngắm Thiên Chúa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và sự hùng vĩ của vũ trụ, và dẫn đưa chúng ta khám phá cách thức mọi thụ tạo nói với chúng ta như thế nào về Thiên Chúa, và về tình yêu của Người. Tất cả điều này gợi lên cho chúng ta một sự ngạc nhiên và biết ơn vô hạn! Đây là cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm khi chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật hay một kỳ công nào đó là thành quả của tài năng và óc sáng tạo của con người: trước các tuyệt tác này, Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến việc ca ngợi Thiên Chúa từ đáy lòng sâu thẳm của chúng ta, và nhận ra rằng, tất cả mọi sự chúng ta có đều là những ân sủng vô giá và là dấu chỉ của tình yêu vô biên Người dành cho chúng ta.

2. Chương đầu của sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh, chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa vui thích về thụ tao của Người, bằng cách nhấn mạnh vẻ đẹp và sự thiện hảo nơi mọi thụ tạo. Vào cuối mỗi ngày, sách này viết: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” ( 1,12.18.21.25 ) …Nhưng nếu Thiên Chúa thấy Thụ Tạo là tốt đẹp, thì chúng ta cũng phải có thái độ này, chúng ta phải thấy rằng Thụ Tạo là tốt đẹp. Ơn Thông Hiểu về vẻ đẹp này, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta ơn này, vẻ đẹp này! … và khi Thiên Chúa hoàn thành việc tạo dựng con người. Người không nói là “tốt đẹp”, Người nói “rất tốt đẹp”, Người kéo chúng ta lại gần Người. Và trong mắt Thiên Chúa, chúng ta cao trọng nhất, tốt đẹp nhất, là tác phẩm hoàn hảo nhất trong mọi Thụ Tạo ….” Nhưng còn các Thiên Thần thì sao? Chúng ta không thua kém Thiên Thần là mấy! Chúng ta nghe được điều này trong sách Thánh Vịnh! Thiên Chúa thực sự yêu thương chúng ta! Chúng ta phải cảm tạ Người về điều này!

Ơn Thông Hiểu đặt chúng ta trong sự hài hòa sâu xa với Đấng Tạo Hóa và cho phép chúng ta thông phần vào cái nhìn và sự nhận xét đầy sáng suốt của Ngài. Và chính trong viễn cảnh này, chúng ta có thể hiểu được con người là chóp đỉnh của Thụ Tạo, như là sự hoàn thiện của một kế hoạch yêu thương được in dấu nơi mỗi người chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra những người khác như là những người anh chị em của mình.

3. Tất cả những điều này là căn nguyên của sự thanh thản và bình an và cho người Kitô hữu một bằng chứng hân hoan về Thiên Chúa, theo mẫu gương của thánh Phanxicô Assisi và nhiều vị thánh, những người đã có thể ca ngợi và tán dương tình yêu của Thiên Chúa qua việc chiêm ngắm Thụ Tạo.

Tầm nhìn duới ánh sáng của Chúa là cái nhìn nhân ái và tôn trọng, giúp chúng ta tránh không bị rơi vào cạm bẫy của những thái độ quá trớn hay sai lầm. Trước hết là nguy cơ tự ý tin rằng mình là sở hữu chủ của các loài thụ tạo và các sáng tạo, trong việc xử lý chúng như chúng ta thích và không có giới hạn. Chúng có giới hạn và không phải là tài sản của chúng ta, mà là những quà tặng mà Thiên Chúa đã cho ta để ta chăm sóc chúng và sử dụng chúng với sự tôn trọng vì lợi ích chung của tất cả.

Thái độ sai lầm thứ hai là cám dỗ tự giới hạn mình vào hàng các thụ tạo và xem chúng như thể giải đáp mọi thắc mắc của chúng ta. Với ơn Thông biết, Thánh Thần giúp chúng ta giải gỡ những cám dỗ này.. nhưng tôi muốn trở lại con đường sai lạc thứ nhất … Chúng ta là những người Cai Quản Thụ Tạo, chứ không phải là Ông Chủ trên các Thụ Tạo. Thụ tạo là quà tặng Chúa ban cho ta và ta cai quản nó. Nhưng khi chúng ta khai thác các cưỡng bức trên Thụ Tạo, chúng ta hủy diệt dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, khi hủy diệt Thụ Tạo chúng ta đang nói với Chúa là: “Con không thích chúng! Chúng không tốt đẹp!” “Vậy thì con thích cái gì?” “Con chỉ thích chính con!” – Và đó là tội! Các bạn thấy không? Cai quản thụ tạo là gìn giữ ân sủng Chúa ban cho chúng ta và cũng là một cách để nói lên lời tri ân Thiên Chúa. Con làm chủ thụ tạo, con không bao giờ phá hủy quà tặng của Chúa nhưng tiếp diễn công trình của Chúa. Và đây phải là thái độ của chúng ta đối với các Thụ Tạo. Gìn giữ Thụ Tạo. Vì nếu chúng ta hủy diệt Thụ Tạo, Thụ Tạo sẽ hủy diệt chúng ta! Xin đừng bao giờ quên điều này!!

Có một lần khi cha ở miền quê và đã nghe đã nghe một câu nói từ một người bình dị yêu hoa và và anh ta chăm sóc chúng, và anh nói rằng chúng ta phải nuôi dưỡng những gì xinh đẹp mà Chúa ban cho chúng ta. Thụ Tạo là quà tặng để ta sử dụng đúng cách, chứ không được lạm dụng… vì cha biết không, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ – Vâng, quả thật là vậy, Chúa luôn luôn tha thứ… Chúng ta những người nam và nữ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng không luôn luôn tha thứ… nhưng thưa cha, Thụ Tạo không bao giờ tha thứ! Và nếu chúng ta không gìn giữ và chăm sóc, Thụ Tạo sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta”.

Ơn sủng siêu nhiên này giúp chúng ta tôn trọng kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa và quản lý khôn ngoan các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của gia đình toàn thể nhân loại. Nó cũng khiến tầm nhìn của chúng ta có thể vươn xa hơn những thực tại trần thế, ngăn cản chúng ta tự hạn chế trong những con người và sự việc của thế giới của mình mà quên rằng mỗi trật tự, giá trị và vẻ đẹp của các thực tại đều là những dấu chỉ hướng về Thiên Chúa, “Đấng là nguồn mạch và là chung cuộc của mọi thứ.”

Xin cho chúng ta nhận biết tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta như là việc của Chúa, và người đồng loại của chúng ta như anh chị em một nhà.

***
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Ðạo Ðức

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em.

Hôm nay chúng ta muốn suy niệm về một ơn Chúa Thánh Thần thường bị hiểu lầm hoặc bị người ta nghĩ đến một cách hời hợt, và đáng lẽ nó chạm vào trung tâm của căn tính chúng ta và đời sống Kitô hữu của chúng ta: đó là ơn đạo đức.

Cần phải nói rõ rằng ơn này không phải là có lòng từ bi đối với một người nào đó, có lòng thương xót người khác, nhưng nó chứng tỏ rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa và cho thấy mối liên hệ sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa, một mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời chúng ta và giữ cho chúng ta được vững mạnh và hiệp thông với Ngài, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

1. Mối liên hệ này với Chúa không chủ ý là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt. Nó là một mối liên hệ phát xuất từ bên trong. Đó là một mối liên hệ được sống bằng con tim: đó là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, được Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bằng hữu thay đổi đời sống chúng ta cùng đổ đầy nhiệt tình và niềm vui trên chúng ta. Do đó, ơn đạo đức trước hết đánh thức trong chúng ta lòng biết ơn và chúc tụng. Thực ra, điều này là động cơ và ý nghĩa đích thực nhất của việc phụng tự và tôn thờ của chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa và tất cả tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta một cách hầu như hoàn toàn tự nhiên để cầu nguyện và cử hành. Cho nên ơn đạo đức đồng nghĩa với tinh thần đạo đức đích thực, với niềm tin tưởng của con thảo đối với Thiên Chúa, với khả năng cầu nguyện cùng Ngài bằng tình yêu và sự đơn thành đặc trưng của những người khiêm nhường trong lòng.

2. Nếu ơn đạo đức làm cho chúng ta lớn lên trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến việc sống như những con cái của Ngài, thì đồng thời cũng giúp chúng ta đổ tình yêu này trên những người khác và nhận ra họ là anh em. Và sau đó, vâng, chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những tình cảm đạo đức – chứ không phải chủ nghĩa đạo đức! - trong việc đối xử với những người chung quanh chúng ta và những người chúng ta gặp hằng ngày. Tại sao tôi nói không phải chủ nghĩa đạo đức? Tại vì có một số người nghĩ rằng đạo đức là nhắm mắt lại, làm cho một khuôn mặt giống như hình một thánh nhân, giả vờ là một vị thánh. Ở Piedmont chúng tôi nói là: làm một “mugna quacia.” Đó không phải là ơn đạo đức. Ơn đạo đức thực sự có nghĩa là có thể vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi những người cô đơn hoặc lo lắng, sửa sai những người lầm lạc, an ủi những người đau khổ, chào đón và giúp đỡ những người thiếu thốn. Có một liên hệ rất chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn đạo đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên hiền lành, làm cho chúng ta trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn, trong bình an với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền lành.

Các bạn thân mến, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Vì tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em đã không nhận được thần khí nô lệ làm cho anh em lại phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Cha ơi!’” (Rom 8:14-15). Chúng ta hãy cầu xin Chúa để ơn của Chúa Thánh Thần có thể chinh phục sự sợ hãi của chúng ta, sự thiếu chắc chắn của chúng ta, kể cả tinh thần bồn chồn và thiếu kiên nhẫn của chúng ta, cùng có thể làm cho chúng ta vui mừng làm chứng cho Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, thờ phượng Chúa trong chân l‎ý và cũng phục vụ tha nhân trong sự hiền lành và luôn luôn với một nụ cười mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong niềm vuiNguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn đạo đức.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

****

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Kính Sợ Thiên Chúa

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Ơn kính sợ Thiên Chúa, mà chúng ta nói đến hôm nay, kết thúc loạt bài về bảy ơn Chúa Thánh Thần. Ơn này không có nghĩa là sợ hãi Thiên Chúa: chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta và yêu thương chúng ta cùng muốn cứu độ chúng ta, và luôn luôn tha thứ, luôn luôn; do đó không có lý do gì để phải sợ Ngài! Tuy nhiên, ơn kính sợ Thiên Chúa, là hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mình nhỏ bé ra sao trước mặt Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và rằng sự tốt lành của chúng ta là do việc phó thác cho Ngài với lòng khiêm nhường, kính trọng và tin tưởng trong bàn tay của Ngài. Đó là kính sợ Thiên Chúa: phó thác vào sự tốt lành của Cha chúng ta, là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều.

1. Khi Chúa Thánh Thần đến ngự trong lòng chúng ta, ban cho chúng ta sự an ủi và bình an, và làm cho chúng ta cảm nhận được mình là gì, là nhỏ bé, với thái độ đó - như Chúa Giêsu khuyên nhủ trong Tin Mừng – về những người đặt mọi lo âu và ước vọng của mình nơi Thiên Chúa và cảm thấy được bao bọc và nâng đỡ bởi hơi ấm và sự che chở của Ngài, như một em bé với cha mình! Đó là Chúa Thánh Thần ở trong tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy như những đứa con ở trong vòng tay của Cha mình. Như vậy, theo nghĩa này, chúng ta hiểu rõ về ơn kính sợ Thiên Chúa tạo ra trong chúng ta sự ngoan ngoãn, lòng biết ơn và chúc tụng, đổ đầy hy vọng vào tâm hồn chúng ta như thế nào. Thực ra, nhiều lần chúng ta không hiểu thấu được kế hoạch của Thiên Chúa, và ý thức rằng chúng ta không thể tự đảm bảo cho mình hạnh phúc và sự sống đời đời. Tuy nhiên, chính trong kinh nghiệm về những giới hạn và sự nghèo nàn của chúng ta mà Chúa Thánh Thần an ủi chúng ta và giúp chúng ta cảm nhận được rằng điều quan trọng duy nhất là để cho mình được Chúa Giêsu dẫn dắt trong vòng tay của Cha Người.

2. Đó là lý‎ do tại sao chúng ta cần ơn này của Chúa Thánh Thần như vậy. Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giêsu và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài. Hãy mở tâm hồn ra, bởi vì lòng nhân lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta. Đó là điều Chúa Thánh Thần làm với ơn kính sợ Thiên Chúa: mở các tâm hồn. Mở lòng ra để ơn tha thứ, lòng thương xót, lòng nhân lành, sự vuốt ve của Chúa Cha đến với chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con đang được Ngài yêu thương vô cùng.

3. Khi chúng ta được thấm nhuần bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng đi theo Chúa với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng lời. Tuy nhiên, đó không phải là với thái độ cam lòng, thụ động và ta thán, nhưng với sự kinh ngạc và niềm vui của một em bé nhận ra rằng mình được Cha phục vụ và yêu thương. Vì thế, Ơn kính sợ Thiên Chúa không làm cho chúng ta thành các Kitô hữu nhút nhát, dễ bảo, nhưng tạo ra trong chúng ta lòng can đảm và sức mạnh! Nó là một ơn làm cho chúng ta thành các Kitô hữu xác tín, nhiệt tình, không phục tùng Chúa vì sợ hãi, nhưng vì được tình yêu của Ngài đánh động và chinh phục! Được chinh phục bởi tình yêu của Thiên Chúa! Và đây là một điều tốt đẹp. Để cho mình bị chinh phục bởi tình yêu của Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều, Ngài yêu thương chúng ta với tất cả con tim của Ngài.

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, bởi vì hồng ân Thiên Chúa, ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là một “lời cảnh báo” trước sự ngoan cố trong tội lỗi. Khi một người sống trong sự dữ, khi phạm thượng chống lại Thiên Chúa, khi khai thác những người khác, khi áp chế họ, khi chỉ sống vì tiền tài, vì hư danh, hay quyền lực, hoặc kiêu căng, thì khi đó sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa cảnh báo chúng ta: hãy cẩn thận! Với tất cả quyền lực này, với tất cả tiền bạc này, với tất cả kiêu hãnh này của mi, với tất cả hư danh này của mi, mi sẽ không có hạnh phúc đâu. Không ai có thể mang với họ sang (đời sống) bên kia dù là tiền bạc, dù là quyền lực, dù là hư danh, dù là kiêu hãnh. Không mang được gì cả! Chúng ta chỉ có thể mang theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, những vuốt ve của Thiên Chúa, được chúng ta chấp nhận và đón nhận với tình yêu. Và chúng ta có thể mang theo những gì mà chúng ta đã làm cho tha nhân. Hãy cẩn thận đừng đặt hy vọng vào tiền tài, kiêu hãnh, sức mạnh và hư danh, bởi vì tất cả mọi thứ ấy không thể hứa bất cứ điều gì tốt đẹp với chúng ta! Tôi đang nghĩ đến những người có trách nhiệm với những người khác và để cho mình trở thành tham nhũng chẳng hạn; anh chị em có nghĩ rằng một người tham nhũng sẽ được hạnh phúc ở đời sống bên kia không? Không, tất cả những thành quả tham nhũng của người ấy đã làm hư hỏng trái tim người ấy và sẽ rất khó để đến với Chúa. Tôi nghĩ đến những kẻ sinh sống nhờ nạn buôn người và nô lệ lao động; anh chị em có nghĩ rằng những kẻ đối xử tệ với con người, khai thác con người bằng việc nô lệ lao động có tình yêu của Thiên Chúa trong trái tim họ không? Không, họ không có lòng kính sợ Thiên Chúa và không hạnh phúc. Họ không. Tôi nghĩ đến những người sản xuất vũ khí để gây ra chiến tranh; nhưng anh chị em nghĩ xem công việc này là nghề gì? Tôi chắc rằng nếu bây giờ tôi hỏi: có bao nhiêu người trong anh chị em đang chế tạo vũ khí? Không, không một ai. Những nhà sản xuất vũ khí này không đến để nghe Lời Chúa! Những người ấy sản xuất cái chết, họ là những con buôn sự chết và chế tạo hàng hóa sự chết. Ước gì ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho họ hiểu rằng một ngày nào đó tất cả sẽ kết thúc và họ sẽ phải tính sổ trước mặt Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Thánh Vịnh 34 cung cấp cho chúng ta lời cầu nguyện như sau: “Chính kẻ cùng khổ này đã kêu cầu, và Chúa đã nghe lời, cùng cứu nó khỏi mọi điều gian khổ. Thiên sứ của Chúa đồn quân quanh những ai kính sợ Ngài, và giải thoát họ” (các câu 7-8). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết kết hợp tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của người nghèo, để đón nhận ơn kính sợ Thiên Chúa và có thể nhận ra mình, cùng với họ, được bao bọc bởi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha chúng ta, Cha của chúng ta. Chớ gì được như vậy.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Read 1711 times Last modified on Thứ ba, 15 Tháng 7 2014 15:38