Hầu hết chúng ta có thể làm việc này ít nhất một hay hai lần.
Chúng ta thường cắm đầu đi thẳng một mạch ra ngoài ngay sau Rước Lễ vì chúng ta có việc quan trọng phải làm..
Chúng ta hy vọng linh mục và bạn bè không ai chú ý. Và có thể là những người đó không để ý thật. Nhưng chắc chắn có một Người để ý.
Là một nữ tu và phải thường xuyên di chuyển đến nhiều nơi khác nhau, tôi thấy thực sự ngạc nhiên trước những khác biệt rõ rệt giữa những giáo xứ này với những giáo xứ khác. Tôi đến từ Oklahoma và hiếm khi thấy mọi người rời Thánh Lễ về sớm. Tôi có thời kỳ sống ở California, và tại giáo xứ nơi tôi ở, người ta hay đi lễ muộn và đôi khi lại về sớm. Bây giờ tôi đang ở vùng Đông Bắc và rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người rời Thánh Lễ về sớm. Nhưng cái này cũng tùy mỗi giáo xứ. Đây là một hiện tượng cũng thú vị. Một vài người lẻ tẻ không làm tôi quan tâm. Nhưng khi cả nửa số người tham dự Thánh Lễ biến mất ra bãi đậu xe trước bài hát kết lễ, nó làm tim tôi trĩu buồn.
Nhiều lúc tôi muốn chạy đuổi theo bắt tay những người tôi thấy ngay sau Rước lễ sải bước dứt khoát ra khỏi nhà thờ, và nói với họ rằng, “Anh/Chị đang có Giê-su trong lòng! Hãy nán lại thêm một lát để tâm sự với Người, tạ ơn Người, và yêu mến Người!”
Các bạn có muốn một vài động lực để tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không? Bạn biết có người nào đang cần động lực như vậy không?
Dưới đây là một số lý do để tôi ở lại tham dự đến hết Thánh Lễ (bỏ qua vấn đề tôi là một nữ tu, và một điều đáng hổ thẹn cho tôi nếu tôi bỏ chạy ra khỏi nhà thờ ngay sau Rước Lễ mỗi Chúa nhật):
1. Rước Lễ là một sự Kết Hiệp: Khi chúng ta rước lễ, chúng ta đón nhận chính Giê- su trong lòng. Khi chúng ta ăn xong rồi bỏ chạy cũng giống như việc đến thăm một người bạn và ngay khi người bạn đó ngồi xuống để chuyện trò với mình thì mình lại nhảy dựng lên và chạy vọt ra ngoài la to lên, “Rất vui được có thời gian với bạn. Hẹn gặp bạn tuần sau!” Rước Thánh Thể là sự Kết Hiệp với Đức Ki-tô là Đấng Cứu độ của chúng ta. Để có thể kết hiệp, chúng ta phải thực sự biết tận hưởng được giây phút đặc biệt này với Người và dành ít phút cho Người.
2. Thật không đẹp khi thể hiện sự khiếm nhã: Trước mỗi Thánh Lễ trong nhà dòng, chúng tôi có nửa giờ thinh lặng chiêm niệm về Tin Mừng. Thỉnh thoảng tôi bị trễ. Tôi vội vã bước vào đầu cúi gằm xuống, rất ngượng ngập cảm thấy mọi người có thể biết được mình đã ngủ nướng. Cho đến gần đây tôi mới nhận ra rằng việc đúng giờ không phải chỉ để tránh sự ngượng ngùng trước mọi người nhưng vì tôi chuẩn bị đến gặp gỡ Giê-su. Tại sao chúng ta lại thường quan tâm đến thái độ phản ứng của người khác hơn là chính chúng ta với Chúa Giê-su? Chắc chúng ta nghĩ Tôi phải chạy vì tôi có quá nhiều việc phải làm, thứ này thứ kia đang chờ tôi! Nhưng tại sao chúng ta lại quá dễ dàng rời đi sớm khi chính Đấng Tạo Dựng Vũ Trụ đang mong chờ gặp gỡ chúng ta?
3. Thánh Lễ không phải là một Hoạt động trên danh mục công việc: Khi chúng ta nhìn thấy ai đó chạy vội ra khỏi Thánh lễ, cảm giác như là họ đang kết thúc một hoạt động trong danh mục công việc của họ và muốn làm cho xong càng sớm càng tốt. Đời sống người Ki-tô hữu không phải là một danh mục công việc. Đó là một lời mời gọi xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa. Nếu chúng ta đi tham dự Thánh Lễ với ý nghĩa làm tròn bổn phận, dĩ nhiên chúng ta có thể thoát khỏi tội chết đời đời, nhưng nếu chỉ đơn thuần vớt vát thoát khỏi án phạt đời đời thì đâu còn là tiếng gọi của đời sống tâm hồn của chúng ta. Chúng ta được kêu mời nhiều hơn thế nữa. Chúng ta được kêu mời để kết hiệp, để nên thánh, để hoán cải.
4. Lời Ban phép lành cuối lễ rất quan trọng: Vào ngày Lên Đền Thánh, Zacaria, cha của Thánh Gio-an Tẩy Giả, đã có vinh dự được tiến vào đền thánh ngay trong ngày thiên thần báo cho ông biết ông và vợ ông sẽ có một đứa con trai. Mọi người háo hức chờ đợi bên ngoài để ông chúc lành cho họ sau khi dâng hương. Khi Zacaria ra ngoài và bị câm vì không tin lời của thiên thần, sự thiếu vắng một lời chúc lành cho thấy rõ nét việc mất ơn phúc và bi kịch khi ông bị mất tiếng nói. Tôi chắc chắn người ta ra về cảm thấy bực bội. Lời chúc lành rất quý giá. Khi linh mục, qua sự tận hiến được đại diện Đức Ki-tô ban phép lành cuối lễ là chúng ta được chúc lành bởi chính Thiên Chúa. Nếu Chúa Giê-su đang đứng ở đó sẵn sàng ban ơn lành cho chúng ta trước khi chúng ta ra về hòa mình vào với dòng chảy cuộc sống bình thường, các bạn có sẵn sàng chờ đợi không?
5. Bạn sẽ nhận THÊM NHIỀU ân sủng: Theo “hoa trái của bí tích … tùy thuộc vào tình trạng tham dự của người nhận lãnh” (CCC 1128). Có một sức mạnh bên trong và của chính các bí tích, nhưng có bao nhiêu phần của sức mạnh đó thấm nhập vào tâm hồn của chúng ta và hoạt động thể hiện ra bên ngoài đời sống còn tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta. Nếu chúng ta vội vã rời khỏi Thánh Lễ ngay sau rước, những cơ hội cho tình trạng của chúng ta được xem như thiếu ý thức tôn kính trước sự kiện trọng đại là chúng ta đang mang trong mình thân thể, máu, tâm hồn và thần lực của chính Thiên Chúa. Đó là một trách nhiệm quan trọng. Nhưng việc đó xứng đáng được chúng ta giữ mình trong tình trạng tôn kính tuyệt đối, bởi vì tất cả chúng ta đều cần tất cả những ân sủng mà chúng ta có thể nhận được.
SR. THERESA ALETHEIA NOBLE
[aleteia.org]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/04/2016]