Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 07 Tháng 5 2016 14:48

Bài thuyết trình của Lm. TĐD Gp. Phan Thiết ngày 04. 5. 2016 ( phần 1)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài thuyết trình của Lm. TĐD Gp. Phan Thiết ngày 04. 5. 2016 ( phần 1)

Các Gia Trưởng Gp Ban Mê Thuột thân mến,

Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:1-3,11-32), là Sứ Điệp Xót Thương của Thiên Chúa gửi đến cho con người, cách riêng, cho mỗi người chúng ta, mỗi gia trưởng hôm nay, tại đây.
- Hãy đặt mình vào vai của người con thứ hoang đàng, để cảm nhận lòng xót thương của Cha thật bao la, thật thánh thiện.

- Hãy đặt mình vào vai của Người Cha Nhân Hậu để mặc lấy lòng thương xót và tính trách nhiệm của người cha kiểu mẫu là Thiên Chúa, mà sống trong cuộc đời với vợ con, với gia đình, với giáo hội với giáo xứ của anh chị em.
- Hãy đặt mình vào vai của Người anh cả, và trong ánh sáng của Tin Mừng, hãy nhận ra tình thương dối trá của cõi lòng mình khi sống trong nhà Cha, một người cha có tình thương chân thật.

Thưa các gia trưởng, trước tiên hãy xem xét cách sống của người con thứ,

Người con hoang đàng
Vâng, có thể nói người con thứ trong dụ ngôn đã làm ầm ỉ với Cha đòi chia gia tài theo cách chia từ đường, hương hỏa, sản nghiệp gia đình, gia tộc; nó đã khăng khăng đòi xa lìa cha để tự mình định hướng cho tương lai của mình, không cần đến sự định hướng của Cha mình; nó đã nhất quyết xuống đường đòi tự do cá nhân để làm theo ý riêng cho bằng được…cách nào đó, người con thứ vừa biết cha thương con, vừa biết cha phải giữ lẽ công bằng, nên đã lạm dụng tình thương, lạm dụng đức chính trực của cha mà khai thác, mà áp bức cha mình cách quá đáng.

Kết quả của cuộc đấu tranh xuống đường nội bộ đó thế nào? Người cha đã phải xuống nước vì tôn trọng tự do của con, và đã chia phần gia sản cho con. Người cha hẳn phải biết, hoặc có thể tiên liệu được là tương lai con như thế nào chứ? Nhưng vì thương con, tôn trọng con, hy vọng con sẽ biết khôn mà chiều theo ý của con. Niềm hy vọng của ông do tự ông đặt định cho mình, Ông biết rằng ông không khỏi lo lắng, nhưng cũng không sao, vì có thể trong lòng tốt, lòng hy vọng của ông vẫn cho rằng: giả sử có một thực tế phủ phàng cho con, thì âu cũng là điều tốt phải xảy đến, để con hiểu cha nhiều hơn, để con cần đến cha nhiều hơn…

Thế là người con từ giã cha, ôm tài sản đi và quyết định lìa xa Cha để thực hiện cuộc đời mình theo ý riêng của mình.

“What must be, must be”, “Que sera, sera” “Điều phải đến, phải đến” như một định luật cho những kẻ ảo tưởng, dại dột. Đó là sự thất bại đi từ chỗ chạy theo những đam mê, dục vọng rồi sa đà, hư hỏng và đau khổ bất hạnh, thất bại.
Thất bại lớn nhất đời cậu con thứ là ông chủ trại heo không còn coi nó là con người, đối xử với nó tệ hơn một con heo. Nó không còn nhân phẩm nữa. Mà nhân phẩm của nó đâu phải là tầm thường. Nó là con ông cháu cha, Cha nó là một ông chủ, cha nó có nhiều người làm thuê làm mướn, mà cha nó đối xử như một con người. Còn nó? Thất bại! Thân bại, danh liệt!

Đó là kết cuộc của người “làm việc mình thích, không làm việc mình phải làm”. Nếu nó biết làm điều cha nó thích: là ở nhà, đừng lìa xa cha, thì đâu có gì là bất ổn, bất hạnh?!

Trong tình trạng bi đát ấy, nó có ý định trở về. Nhưng trở về như thế nào đây? Nó mới manh nha biết chuyện phải làm, nhưng cũng lại là chuyện thích làm theo ý nó.

Đáng lý nó phải hiểu chuyện “phải làm ngay bây giờ” là “nhận ra mình lỗi phạm đến cha, trở về mà xin lỗi cha, mà tạ tội với cha chứ”, nhưng không, nó vẫn chưa nhận ra điều phải làm ấy. Nó trở về với lý do khác, đó là: quá đói, phải về mà kiếm ăn.

Vì sao vậy? Vì nó vẫn chưa nhận ra lầm lỗi mình, chưa nhận ra tình thương cha. Nó đã có ý định tự xây dựng cuộc đời mình theo ý riêng mình, và ảo tưởng sẽ đạt được thành công trong đời. Nếu nó đã có được nhà cao cửa rộng, của ăn của để, danh vọng lẫy lừng, thì liệu nó có biết ơn cha nó không, nó trở về mà cảm ơn cha nó không? Hay là, lúc ấy, nó sợ người ta biết cha nó là một ông già cù lần thất học, quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, cả đời lúi cúi, ngóc đầu không nổi? Hay là nó sẽ về vênh váo với cái mặt khinh khỉnh mà nói với Cha nó rằng ; ông thấy không, cứ quần quật cái rẫy cái nương như ông, có mấy ngàn gốc cà phê, có bao nhiêu mẫu tiêu, thì rồi cả đời cũng chỉ có nước mà ăn tro mò trấu!

Thế thì, nếu không có những thất bại trên đường đời, bạn bè không bỏ nó, con gái không bỏ nó, tiền bạc danh vọng không bỏ nó, xã hội không đày nó xuống vực cùng cực như thế, thì chắc gì nó tính chuyện về nhà mà làm công cho cha nó?
Nếu chủ trại heo kia tôn trọng nhân phẩm của nó, xem nó như là con người, lo cho con người ăn no thì mới lo được cho mấy con heo chứ! Nếu ông chủ trại heo kia tốt bụng hơn nữa, lo cho nó ăn no mặc ấm, rồi ăn ngon mặc đẹp hay, chỗ ngủ đàng hoàng thì nó có hứng thú mà trở về với cha nó không?
Chắc là không!

Nó đã trở về vì đói, trở về để kiếm cái ăn, trở về vụ lợi. Nó không trở về vì có mảy may gì mến yêu cha nó. Nó trở về vì thực tế quá phủ phàng.

Và bây giờ, đúng như điều cha nó tiên liệu: Thực tế phủ phàng đã dạy cho nó một bài học. Vâng thực tế phủ phàng, bây giờ lại là điều cần có để khơi dậy một ý thức, khơi dậy một giác ngộ, khơi dậy cho nó một sự trở về.
Đúng thế, từ trại heo về nhà cha, cái ý thức giác ngộ gợi cho nó nhận ra việc phải làm, đó là xin lỗi cha. Hẳn là phải có tác động của tiếng nói chân chính tự bên trong, nó mới hiểu ra và lên kế hoạch là về và thưa với cha điều gì cho phải đạo

Mỗi chúng ta là người con hoang đàng

Chúng ta vừa xem xét con người của đứa con hoang đàng. Bây giờ, thử đặt câu hỏi, mỗi người chúng ta đây, có phải là người con hoang đàng đã bỏ cha mà đi hay không.

Thưa anh em, có thể anh em sẽ trả lời ràng không, con chưa hề bỏ Chúa, con chưa hề lìa xa Chúa, con chưa hề đòi chia gia tài…

Thực ra:

- Đã lắm khi trong đời, chúng ta đã từng đòi Chúa chia gia tài cho mình, mà mình không hay biết. Ấy là lúc chúng ta tự nhận những gì mình có: thân xác, trí khôn, hiểu biết, tài năng, sắc đẹp, tiền bạc mình làm ra, nhà cửa mình xây dựng, sản nghiệp mình tạo lập… là thuộc quyền sở hữu của mình, mình được tự do sử dụng theo ý riêng mình. Và quả thực, chúng ta đã tiêu xài cách vô ích, đã phung phí đến cạn kiệt, để vô tình rước họa vào thân… rồi tự mình la lên than van kêu trách Chúa, sao con phải đau khổ thế này, sao con phải cùng cực thế kia…Như thế không phải là chúng ta đã đòi chia gia tài rồi đó sao?

- Một ngày từ sáng sớm đến tối mịt, không có một phút giờ nhớ đến Chúa, không có một công việc nào để Chúa can thiệp, để Chúa dự phần, không có một Lời Chúa nào có thể làm kim chỉ nam hướng dẫn… Và chúng ta đã làm tất cả mọi việc theo sự hiểu biết kiêu căng, theo cái đam mê, dục vọng của mình…Như thế không phải là chúng ta đã gạt Chúa ra ngoài, đã quên mất Chúa, đã bỏ Chúa ở nhà để mình đi hoang vô định đó sao?

- Những thất bại trong cuộc đời do bởi những đam mê dục vọng, những đau khổ trong đời do bởi tự mình chuốc lấy vì sự dại dột kiêu căng, ảo tưởng tự mình có thể mưu tìm hạnh phúc, những phút xót lòng vì một cuộc đời đương qua đi mà tất cả phải đành buông tay, bế tắc… không phải là đã đến lúc đời mình khánh kiệt đó sao?

- Vâng, mỗi chúng ta, không khác người con thứ hoang đàng kia bao nhiêu đâu, bởi vì chúng ta đã để cho ý riêng của mình điều khiển hướng dẫn cuộc đời mình, mà không để cho ý Chúa hướng dẫn. Những đau khổ, thất bại ấy, có mang chút dấu ấn gì của thánh thiện đâu, đúng ra phải gọi là hậu quả của tội lỗi đấy chứ? Thế thì ai dám nói đau khổ là thánh giá? Có những đau khổ mà mình tự chuốc lấy kia, sao gọi là thánh giá được.

Anh em gia trưởng quí mến, hãy phân biệt những đau khổ mà chúng ta đang mang trong mình, đau khổ nào do tội lỗi chúng ta, đau khổ nào do tội lỗi của người khác mà chúng ta phải gánh chịu, để có thể gọi cái nào là thập giá, cái nào là thánh giá trong đời.

Bây giờ, anh em là gia trưởng trong gia đình, nhưng hãy nhớ lại mỗi người chúng mình đã là một người con, trước khi mình làm một người cha.
Ngày cha mẹ mới sinh ra ta, mẹ nâng như trứng, mẹ hứng như hoa. Ấm đầu một tí là kêu cha chạy mua thuốc, chở bệnh viện…Cha mẹ lo cho mỗi người chúng ta làm sao cho xinh đẹp bằng người, cho khỏe mạnh bằng người. Đến khi tự mình bước vào đời, tiêm nhiễm bao nhiêu tật xấu của xã hội: thuốc lá, xì ke, ma túy, chạy xe tốc độ, ăn chơi, rượu chè, bài bạc, trai gái, đánh lộn đổ máu, là ta tự chuốc vào mình bao thứ bệnh tật: lao phổi, ung thư, si đa, xơ gan, đột quị, chuốc vào mình bao thứ đau khổ không đáng có: tù tội, hận thù, bè phái hiềm khích…Có người cha nào muốn cho con cái mình gặp phải tai họa như vậy không? Hay tự mình chuốc lấy cái đau khổ đó vào mình làm cho lòng cha mình đau thắt.

Chúa đã dùng chính những đau khổ mà tự mình chuốc lấy, hay nói đúng hơn Chúa dùng chính cái thực tế phủ phàng không tránh khỏi ấy, để cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, để nhắn gửi chúng ta lời mời hồi tâm, nếu không còn kịp canh tân, đổi mới, thì ít ra cũng nhận rõ được vấn đề…đâu là chân lý, đâu là sai lâm, đâu là tình thương, đâu là ghét bỏ, đâu là tự do, đâu là nô lệ, đâu là hạnh phúc, đâu là khổ đau…

Nếu trong cuộc đời này không có người chê cười mình là thằng con mất dạy, chửi bới mình là thứ âm binh, làm nhục mình vì mình đã không vâng lời cha mẹ mà sinh ra hư đốn, thì chắc gì mình đã nhận ra điều sai quấy của mình mà sửa lỗi.
Nếu trong cảnh ngục tù mà người ta không đánh đập, không tra hỏi, không chế tài, không bỏ đói, lại đối xử với tù nhân bình đẳng như người không phạm pháp, hoặc lo cho tù nhân cũng rượu thịt, cũng trai gái, còn sung sướng hơn ở ngoài thì ai còn muốn về lại với vợ con, với gia đình, về lại mái nhà êm ấm.
Nếu không có những cơn đau vật vả đến mức chết quách đi còn sướng hơn, thì còn có ai cảm thấy hối hận vì chính mình đã phung phí cái sức khỏe của mình, đã tàn phá cái dung nhan một thời của mình, thì còn ai hối hận chi cái tội mình đã độc ác với chính mình là dường nào?

Vâng, cứ nghĩ đến lòng cha ruột cha đẻ của mình đau thắt như thế nào, để hiểu nỗi lòng Thiên Chúa Cha chúng ta cũng đứt ruột như thế nào khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta phải đau khổ do hậu quả của tội lỗi.

Vậy, nếu là đau khổ do tội lỗi, thì phải giải quyết gấp cái nguyên nhân, chính là tội lỗi của mình, bằng chính sự sám hối, đổi mới, quay về và xưng thú với người cha như người con hoang đàng trong dụ ngôn hôm nay.
Người Cha trong Hoạt Cảnh Trở Về và Bí Tích Giải Tội

Anh em gia trưởng thân mến,

Bây giờ, tôi muốn mời anh chị em nhìn lại hoạt cảnh trở về của người con thứ, và xin anh chị em liên tưởng ngay đến việc chính mình trở về với cha chúng ta là Thiên Chúa nơi tòa giải tội.

Ban đầu, người con hoang trở về không vì yêu mến Cha, nhưng chỉ vì đói quá, cần cái ăn thực dụng. Thế nhưng, trên đường về, anh đã được Thần Khí soi sáng để thưa với cha cách chân thành rằng: “Thưa cha, con đã phạm tội với trời và với Cha, con không đáng là con Cha nữa”. Hãy bắt đầu cuộc sám hối, chắc chắn Thần Khí của Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta, để chúng ta có thể gặp được một lòng thương xót vô bờ.

Quả thực, khi anh ta trở về, điều làm cho anh ta choáng váng, cảm động nhất, chính là cách đối xử đầy tình thương của người cha.

Vâng, đúng vậy! Khi đã yêu thương, người ta có thể làm nhiều điều vô lý, có thể nói là không lý giải được, như người cha trong dụ ngôn hôm nay.

Ta thử xem những chuyện vô lý nhé:
- Cha đã chờ đợi con năm tháng, đôi mắt Cha đã mù lòa, nhìn gần chẳng thấy huống nữa nhìn xa. Vậy mà, dụ ngôn kể rằng: người cha đã “trông thấy khi anh ta còn ở đằng xa”.

- Đứa con đi đã bao năm, lúc trở về gầy gò, lem luốc, thân tàn ma dại… vậy mà ông già lọm khọm kia cũng nhận ra khuôn mặt con mình, để mà “chạnh lòng thương con” quá đỗi.

- Cha đã già, sức yếu, chân đứng không yên, chân đi không vững, vậy mà, dám “chạy ra” mà “ôm chầm con yêu”, “hôn lấy hôn để”. Bình thường chạy sao nổi?. Nếu giữ trong lòng cái giận hờn buồn trách thì ôm chầm nó sao được? Và nếu xem nó đang tội lỗi đủ mọi thứ mùi đời tanh hôi thì làm sao mà hôn lấy hôn để, hôn như chưa từng hôn sao được? Chẳng phải vì Cha đã quên hết tội lỗi của nó, mà chỉ nhớ một điều là mình đang có một đứa con hư, đang cần nó trở về để phục hồi quyền nghĩa tử cho nó.

Bởi vậy, hèn chi, nó thều thào mấy lời xin lỗi “Thưa cha con đã phạm tội với trời và và với cha. Con không đáng là con cha nữa…” mà người cha như chẳng bận tâm, như chẳng cần phải nghe. Ông chỉ lo việc ra lệnh cho đầy tớ lấy áo, lấy giày lấy nhẫn quí tử mà ra mang cho nó ngay.

Áo, giày nhẫn,quí tử, chính là ông muốn phục hồi nhân phẩm cho nó ngay, phục hồi quyền làm con cho nó ngay, quyền làm con của Cha trong nhà mà tự nó đã đánh mất.

Rồi làm gì nữa, ông ra lệnh “bắt bê đã vỗ béo, mở tiệc ta ăn mừng, bởi con ta đã chết, mà nay được hồi sinh, bởi con ta đã mất, nay tìm lại chính mình…”. Không ai cản nổi niềm vui của người Cha. Có thể thằng con bất xứng kia nó hoảng hồn, vì nó nghĩ nó không dám đòi hỏi, xin xỏ gì cha nữa, chỉ mong được là người làm công cho cha, mà cha lại đối xử với nó cách quá hào phóng.

Vâng, nó phải hiểu là cha vui không chỉ vì cha được lại con, mà còn hơn thế nữa, cha vui vì con được lại chính mình. Con không còn là thằng chăn heo thuê mướn cho người ta với thân phận nô lệ tôi đòi cho những dục vọng hư đốn. Con không còn bị người ta bỏ đói, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đến mức thân tàn ma dại. Bởi vì, danh dự của con, danh nghĩa của con là “Con của Cha” “ Con của Thiên Chúa” đã được phục hồi.

Đúng như ở một chỗ khác, Chúa Giê-su nói: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Nếu nảy giờ anh chị em có liên tưởng tới tòa giải tội, và như mình đang đi xưng tội trong hoạt cảnh trở về này, thì bây giờ, anh chị em có thể đứng lên tạ ơn Chúa, và bước ra khỏi tòa với lòng thanh thản được rồi.

Vâng! Hoạt cảnh trở về không khác chi một tòa giải tội. Một hối nhân chưa bước vào tòa thì Thiên Chúa đã biết mức độ chân thành của người ấy. Chúa cũng không muốn nghe người ấy xưng tội gì, bởi vì Chúa biết rõ người ấy muốn xưng tội gì. Chúa cũng không nhớ người ấy tội gì, Chúa chỉ biết người ấy đã quì trước tòa giải tội với tấm lòng thành là Chúa tha thứ.

Chúa Giê-su là dung mạo của lòng thương xót của Chúa Cha. Chính Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết về tình thương của Chúa Cha qua cuộc sống của Ngài trên trần gian và đỉnh điểm là đổ máu mình ra mà chuộc tội cho thiên hạ. Nghĩa là, nhờ hy tế Thập Giá của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa Cha tha thứ cho con người khỏi án chết đời đời bởi tội lỗi.

Vì thế, việc sám hối trở về với Thiên Chúa của chúng ta hôm nay, được thực hiện qua Bí Tích Hòa Giải, nơi ấy, linh mục chỉ là vị đại diện cho Chúa Giê-su Ki-tô mà ban ơn tha thứ cho hối nhân, là cho hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa trong tình Cha Con, với quyền nghĩa tử. Người đã được giao hòa với Thiên Chúa, sẽ được hưởng trọn quyền làm con; đó là được dự tiệc Thánh Thể Chúa ở đời này, và dự tiệc Hạnh Phúc muôn dời nơi Thiên Quốc.

Có người cho rằng chúng ta đang phải xưng tội với một linh mục là một con người cũng những tính hư tật xấu như chúng ta. Vâng, đúng như thế. Nhưng nên nhớ rằng: dẫu là một linh mục thế nào đi nữa, khi ngồi vào tòa giải tội, thì linh mục ấy đại diện cho Chúa Giê-su mà giải tội cho chúng ta, hay nói cách khác, chính Chúa Giê-su đang giải tội ban ơn tha thứ cho chúng ta qua con người linh mục.
Xin kể câu chuyện này:

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

Sự tích ấy có từ câu chuyện này.

Một người tội lỗi, quá nhiều tội lỗi, sau nhiều ngày ray rứt, đến xưng tội với một linh mục. Cha đã giải tội và khuyên đừng phạm tội nữa.

Hai tháng sau, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn. Cha giải tội và khuyên, đừng phạm tội nữa…

Hai tuần sau, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn gấp nhiều lần nữa… Cha khuyên, nhất quá tam, lần này thôi nhé, không chừa thì không giải tội cho đâu…rồi cha giải tội cho người ấy.

Một tuần sau, lần thứ tư, cũng người ấy, đến xin xưng tội, tội nhiều hơn và nặng hơn, kinh khủng hơn…. Cha giải tội đứng lên, mời về, không giải tội…
Ngay lúc ấy, bàn tay phải từ thánh giá trên cung thánh, giơ cao lên, ban phép giải tội cho người ấy. Và có tiếng nói với linh mục rằng: “Sao cha không giải tội cho người ấy. Tôi đã nhìn thấy người ấy chân thành sám hối tự đằng xa…."Chính tôi là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải cha đâu".

Và hơn thế nữa, nếu anh em đã đọc được “thông điệp về lòng thương xót” của chị Thánh Faustina, thì sẽ rõ, trong ấy, một lần thị kiến, Chúa Giê-su nói với chị thánh Faustina rằng: “Chính ta, là người giải tội cho con, qua một vị linh mục”.

Kết thúc vấn đề lòng thương của Người Cha trong Hoạt cảnh trở về, chúng ta có thể hiểu ra Thiên Chúa là một người cha có lòng thương xót vô biên và có tính trách nhiệm rất chuẩn mực để mỗi gia trưởng chúng ta noi theo trong đời gia trưởng của mình.

Người anh cả trong dụ ngôn

Anh em gia trưởng thân mến,

Còn một nhân vật thứ ba trong dụ ngôn mà chúng ta chưa nhắc đến, đó là người anh cả.

Người anh cả không đòi chia của, không bỏ cha, không bỏ nhà, không đi xa đàng điếm phung phí… suốt ngày ở bên cha, làm lụng, canh tác với Cha trong gia đình. Cứ tưởng là anh ta có bình an hạnh phúc lắm…Thực ra, anh ở bên cha, mà lòng anh xa cha, không gắn bó với cha, không thấu hiểu nỗi lòng cha, không yêu mến cha, không chia sẻ với cha.

Bất kỳ công việc nào mà không được thực hiện bắt đầu từ lòng mến, thì công việc ấy kém đi giá trị của nó. Anh ta ở nhà với cha, không vì lòng yêu mến hiếu thảo với cha, nhưng chỉ vì được yên thân cho mình, thì việc ở bên cha còn ý nghĩa gì quí giá.

Anh ở nhà với Cha, ở bên Cha có cha có con, ngày ngày gặp nhau, ăn uống với nhau, mà anh ta không muốn hiểu nỗi lòng cha thế nào, anh chỉ nghĩ đến anh, thì còn giá trị gì?

Anh không nghĩ là anh làm việc với cha, nhưng anh nghĩ là anh làm việc cho cha. Thực ra cha chẳng cần anh phải làm việc cho cha, nhưng nếu hiểu sâu sắc hơn, thì anh phải là người làm việc với cha để cùng cha xây dựng cơ ngơi sản nghiệp cho nhà mình thì mới đúng

Giữa anh và cha có một khoảng cách không nên có, mà khoảng cách ấy là khoảng cách anh tự tạo ra, anh tự đặt định, chứ cha anh nào có ý nghĩ đó: anh ta nghĩ là anh ta làm công cho cha để kiếm cái ăn. Trong khi đó, đường đường anh là một người con có quyền thừa kế.

Rõ ràng là anh nghĩ xấu cho cha anh, chứ cha anh không hề đối xử xấu với anh, mà ngược lại, cha xem anh như con trong nhà, và thương yêu anh hết mực.
Chỉ một thái độ của anh, khi nhìn thấy em anh trở về, là giận dỗi không vào nhà, đã nói hết con người ích kỷ của anh, nói hết tâm ý của anh.

Và cụ thể hơn, anh nói với cha anh chính cái lòng tệ bạc của anh đối với cha qua câu nói trách móc cha không biết cách xử sự ở đời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'

Nói như thế chẳng khác nào so sánh giữa việc mình ở với cha, với việc em mình bỏ nhà đi, để phê phán cha mình không biết giải quyết vấn đề sao cho tốt đẹp.
Có nghĩa là, theo ý riêng của anh ta, nếu thằng hư đốn kia trở về, người cha phải đập cho nó một trận, bỏ đói nó vài ngày, không tổ chức tiệc mừng thì đúng hơn, thì hay hơn, thì tốt hơn.

Anh ở nhà với cha, mà không muốn sống và làm theo ý cha, lại muốn sống và làm theo ý riêng anh, thì có khác gì anh cũng để cho tâm trí cho trái tim, cho cõi lòng anh đi hoang đàng ngàn dặm.
Thì ra, anh cả cũng chính là đứa con hoang đang nữa của cha.

Anh em gia trưởng thân mến

Cách sống của người anh cả trong dụ ngôn, có phải là cách sống của mỗi chúng ta hôm nay ở đây không?

Có người nói rằng: tôi không phải hạng người ấy.
Vâng, nếu ai trong chúng ta không nằm trong danh sách những người anh cả, thì thật là đáng mừng.

Nhưng, mỗi người chúng ta cũng hãy xét mình:

- Tôi vẫn đi nhà thờ, tham gia hội đoàn, tham gia công tác, vẫn sáng lễ chiều kinh, vẫn làm những việc bác ái, vẫn đóng góp cho nhà thờ, vẫn thăm viếng anh em, vẫn chia cơm sẻ áo, vẫn xin lễ cho các linh hồn…. vcà vân vân … tôi làm đủ chuyện của người con cả…….nhưng hãy hỏi lại lòng mình, tôi làm các việc ấy, vì yêu mến Chúa, hay vì yêu mến tôi.

- Tôi sốt sắng họp hành, siêng năng công tác, thì Chúa lại để cho tôi nghèo hoài…. còn mấy thằng âm binh kia cả ngày nhậu nhoẹt, chỉ vác xác tới nhà thờ mỗi một lễ chúa nhật, vậy mà nó vẫn sống tà tà phây phây, sung sướng, lại thêm giàu có, xài tiền chẳng hết bao giờ…

- Thấy một người tội lỗi công khai đi xưng tội, đi lễ, trở lại với sinh hoạt giáo xứ, người này nguýt, kẻ kia nhòm với con mắt khinh khi, ngờ vực: cái thằng gian ác đó mà làm gì có chuyện sám hối với ăn năn, Chúa chưa phạt nó trắng mắt nhăn răng là may phước cho nó lắm rồi.

- Còn biết bao nhiêu ý nghĩ không đẹp trong đầu chúng ta, dành cho những người cùng đinh, khốn khổ, thâp hèn và nhất là những người tội lỗi…
Có phải những suy nghĩ ấy, thái độ ấy, là suy nghĩ thái độ của người anh cả đã xâm nhập tâm hồn chúng ta hồi nào không hay biết
Cũng chỉ vì chúng ta chưa loại trừ được tính kiêu căng, ích kỷ, ganh tỵ…
……..
Người cha trong dụ ngôn đã xuống nước với anh con cả, chạy ra mà quỳ xuống năn nỉ anh con cả vào nhà, vui với Cha, vui với niềm vui của chính cha…
Chúa cũng đang quỳ gối xuống mà năn nỉ mỗi anh anh em chúng ta hãy mặc lấy lòng thương xót của Chúa mà sống quảng đại với nhau, biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Biết vui mừng với ai tìm lại được con đường chân chính…

Mỗi chúng ta là người cha có lòng thương và tính trách nhiệm

Anh em gia trưởng thân mến,

Chúng ta đã xem xét cả ba nhân vật trong dụ ngôn. Và bây giờ, có thể nói, chúng ta đang đóng cả ba vai của ba nhân vật ấy trong cuộc đời.

- Là một gia trưởng, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng hoang đàng tội lỗi như người con thứ, nhưng phải khẩn cấp trở về với Chúa, qua bí tích giải tội, qua việc canh tân đổi mới, làm lại cuộc sống đạo đức của chính mình để còn làm gương sáng cho vợ và cho con về đời sống với Chúa.

- Là một gia trưởng, chúng ta cũng không thể sống cách sống đạo đức giả, yêu mến dối như người canh cả, để cuối cùng, lộ ra cái tính ích kỷ, ganh tỵ không đáng có. Nhưng ngược lại, phải mặc lấy lòng thương xót, cảm thông, tha thứ, cách cao thượng để làm gương cho vợ con về đời sống với tha nhân.
- Và nhất là, là một gia trưởng, chúng ta phải mặc lấy lòng thương và trách nhiệm của Thiên Chúa đối với con người, để chúng ta thể hiện lòng thương và trách nhiệm của mình đối với gia đình.

+ Vì lòng thương và trách nhiệm, người gia trưởng hãy làm gương và nhắc nhở vợ con:

- Hãy sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Cha, để tìm lại chính mình với ơn nghĩa tử.

- Hãy chuyền tay cho nhau, bản “Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu” như “Sứ Điệp Của Lòng Thương Xót”.

- Hãy chuyền tai cho nhau cảm nhận về niềm vui được thứ tha, được phục hồi, được sống chan hòa tròng tình cha.

- Hãy mặc lấy lòng thương xót của Cha, và loan báo lòng thương xót của cha, qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu

Đó chính là hiến chương giáo dục gia đình với lòng thương và trách nhiệm.

+Vì lòng thương và trách nhiệm, người gia trưởng hãy sống đời sống công chính như thánh Giuse bổn mạng. Đời sống công chính ấy đòi buộc mỗi gia trưởng phải
- từ bỏ những ý tà là hướng về điều xấu xa tội lỗi,
- từ bỏ những ý ác là ý xấu xa áp đặt cho người, nhất là cho vợ và cho con,
- từ bỏ ý riêng để hòa hợp ý mình với ý chung của vợ con, dựa trên chuẩn mực là “làm theo Thánh ý Chúa’, thực thi đúng Lời Chúa, lề luật Chúa, lề luật Hội Thánh.

Anh em gia trưởng thân mến,

Một chút chia sẻ, một chút gợi ý gửi đến anh em gia trưởng GP Ban Mê Thuột hôm nay. Nguyện xin Lời Chúa, cách riêng Lời Chúa qua dụ ngôn “ Người Cha Nhân Hậu” sẽ thấm đẫm lòng trí anh em, để từ nay, mỗi một gia trưởng xét cần, có thể bắt đầu lại công việc thực hiện sứ mệnh gia trưởng của mình trong gia đình, dưới sự soi sáng của “Tình Cha” là Thiên Chúa chúng ta.

Có ba câu hỏi gợi ý, xin mời anh em cùng thảo luận

1. Bạn nghĩ gì về câu nói: “Dưới mắt người cha, thì con ở tuổi nào cũng chưa trưởng thành”

2. Bạn có cảm thấy mình đã đánh mất nhân phẩm khi phạm tội nặng không?
3. Bạn sẽ đối xử thế nào với những đứa con hư đốn?

Read 805 times Last modified on Thứ bảy, 07 Tháng 5 2016 21:03