Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 15 Tháng 8 2016 21:01

Bài giảng của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản ngày Lễ Mẹ Lên Trời 2016 tại TTHH Đức Mẹ Giang Sơn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài giảng của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản ngày Lễ Mẹ Lên Trời 2016 tại TTHH Đức Mẹ Giang Sơn


Lễ Mẹ Lên Trời 2016
(Kh 11, 19a; 12, 1-6a. 10ab; 1 Co 15, 20-27; Lc 1 , 39-56)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, toàn thể giáo phận chúng ta đều hướng tâm tình về Mẹ, để cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa về những ơn lành Chúa đã ban cho Mẹ, đặc biệt là ơn được rước về trời cả hồn lẫn xác, và đồng thời chúng ta cũng dâng lên Mẹ những lời cầu xin tha thiết của những người con luôn yêu mến và phó thác nơi Mẹ.

Xin mẹ thương cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người con của Mẹ, tất cả những người tham dự ngày hành hương hôm nay, được sống an lành, hạnh phúc, biết từ bỏ con người cũ để sống theo gương Mẹ, con người mới được hưởng ơn cứu chuộc trong Đức Kitô.

Xin mẹ cầu bầu cho từng gia đình giáo xứ trong giáo phận, biết sống đức tin, đức cậy, đức mến một cách mạnh mẽ, và biết sống tinh thần hiệp nhất, yêu thương nhau.

Xin Mẹ lắng nghe và chuyển cầu lên Chúa những ước muốn thầm kín của những ai đang đau khổ, để mỗi người hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị của những đau khổ để biết thánh hóa mình trong đời sống thường ngày.

Xin Mẹ thương đến đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta. Xin Mẹ phù hộ cho mọi người con dân Việt Nam được sống trong ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với phẩm giá con người. Chúng ta cùng thành tâm thống hối mọi tội lỗi...

Anh chị em thân mến.

Chúng ta mừng lễ Mẹ Lên Trời trong năm thánh Lòng Thương Xót Mục đích của năm thánh này là mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Đức Giê-su Kitô, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng đến trần gian để giúp con người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa Cha và sống hoán cải, trở về với Ngài để được đón nhận ơn cứu rỗi. Khi đã trở nên người môn đệ của Đức Kitô, mỗi người tín hữu, noi gương Mẹ Maria, sống và chia sẻ lòng thương xót này cho anh chị em của mình.

Trong bài Tin Mừng, bà I-sa-ve, sau khi nghe tiếng Mẹ chào và cảm nhận đứa con trong bụng nhảy mừng đã nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43). Mẹ Maria đã giải thích lý do tại sao Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế: “Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa dã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời” (1, 54-55). Mẹ được diễm phúc cưu mang con Chúa, vì Chúa thương xót dân Người, chứ không phải vì công trạng của riêng Mẹ. Lòng thương xót đó trải dài trong suốt lịch sử của dân thánh. Chúa đã hứa với Abraham thế nào và Chúa đã thực hiện lời hứa đó như thế nào?

Chúa đã hứa cho Abraham trở thành tổ phụ của một dân tộc được tuyển chọn đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Lời hứa này được thực hiện kèm với lòng tin và tinh thần vâng phục phó thác của ông. Khi I-sa-ac lên 12 tuổi, Chúa thử lòng Abraham bằng cách yêu cầu ông hiến tế người con trai duy nhất, người con mà ông đã sinh ra trong lúc tuổi già, niềm hy vọng để ông được trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Tuy đau đớn trong lòng, nhưng ông luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa, và sẵn sàng hiến dâng đứa con duy nhất. Chúa đã thấy lòng tin của ông và ra tay cứu thoát I-sa-ac.

Khi dân Is-ra-el bị làm nô lệ ở Ai-cập, người ta tìm mọi cách để tiêu diệt họ, Thiên Chúa đã sai Môi-sen đến giải thoát và đưa họ về đất hứa. Trong suốt 40 năm vượt qua hoang địa để về đến đất hứa, dân Is-ra-el phải trải qua bao thử thách: từ cái đói, cái khát, đến sự trung tín với Giao ước. Chúa luôn hiện diện bên họ và ra tay can thiệp giúp đỡ họ. Thiếu lương thực, vì không thể trồng cấy trong hoang địa, Chúa đã cho manna từ trời rơi xuống nuôi dân, cho tới khi họ ăn được hoa màu trong đất hứa. Khi bị khát ở Mê-ri-ba, Chúa đã cho nước chảy ra từ tảng đá để cho dân chúng và đàn súc vật uống thỏa thuê. Khi đã vào được trong đất hứa, dân Is-rael phải sống chung với các dân ngoại, họ bị nguy cơ đồng hóa với các dân tộc khác và sống trái với Giao ước, Chúa đã gởi đến các tiên tri để dạy dỗ, nhắc nhở họ sống trung thành với Giao ước. Ngay cả khi họ phải sống trong những hoàn cảnh nguy hiểm, Chúa cũng giúp họ nuôi dưỡng niềm hy vọng. Niềm hy vọng đó là Chúa sẽ gởi đến cho dân Chúa một Đấng Cứu Thế. Người sẽ giải phóng cho con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, được sống trong lòng thương xót của Chúa. Và khi đến thời đã định, Chúa đã cho Người Con của Ngài thụ thai trong lòng Đức trinh nữ Maria, người Mẹ đầy ơn phúc, người Mẹ mà chúng ta yêu mến và mừng lễ hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Như Mẹ Maria luôn đặt mình trong dòng lịch sử cứu độ của dân Chúa để nhận ra những ơn lành mình nhận được là do lòng thương xót của Chúa đối với cả dân tộc, chúng ta, những người Kitô hữu, cũng noi gương Mẹ đón nhận những hồng ân Chúa ban và chia sẻ những ân lộc đó cho mọi người.

ĐTC Phan-xi-cô, trong tông thư năm Lòng Thương Xót đã viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sông Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội… Có lẽ từ lâu chúng ta đã quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. Một đàng, cám dỗ muốn chỉ tập trung vào công lý làm chúng ta quên rằng đó chỉ là bước đầu, đương nhiên là cần thiết và không thể thiếu, nhưng Giáo Hội phải tiến xa hơn để đạt tới một mục tiêu cao hơn và quan trọng hơn. Đàng khác, thật đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm thấy trong nền văn hoá ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng đang dần biến mất. Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng. Đã đến lúc Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan bao sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bùng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai.” (số 10)

Chúng ta trao phó tất cả cuộc đời cho Mẹ, và xin mẹ giúp chúng ta noi gương Mẹ, yêu mến Chúa và chia sẻ lòng yêu mến đó cho mọi người. Chúng ta cũng dâng lên Mẹ mọi nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống thường ngày, xin mẹ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn với lòng can đảm và tín thác. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Read 7578 times