“Chính Thầy đây. Đừng sợ!”.
“Anh Chị em! Đừng sợ đón tiếp Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Ngài!”, đó là những lời đầy cảm hứng khai mạc triều đại của vị giáo hoàng 264, thánh Gioan Phaolô II, ngày 22/10/1978. Như một chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới, ngài viết ‘Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’; trong đó, vị thánh giải thích, “Khi công bố những lời này tại quảng trường thánh Phêrô, tôi biết, thông điệp đầu tiên của tôi và triều đại của tôi sẽ gắn liền với chân lý của Đấng Cứu Độ. Trong Ngài, chúng ta tìm thấy nền tảng sâu xa nhất cho lời “Đừng sợ!”, “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài”.
Lời khuyên “Đừng sợ!” được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước hơn 100 lần và trong Tân Ước hơn 50 lần; dưới nhiều hình thức khác, có tài liệu cho rằng, cả thảy 366 lần. Con số chính xác không quan trọng, nhưng quan trọng, Thiên Chúa muốn chúng ta chiến thắng sợ hãi, sự lo lắng và bồn chồn; Thiên Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong mọi sự và đặt tất cả mọi hy vọng vào Ngài, cả khi rối bời giữa hỗn mang của ‘biển trong đêm’ như trường hợp các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay.
Vậy thì điều gì khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi? Với một số người, nỗi sợ xuất hiện vì bất an tài chính, sức khoẻ kém, quan hệ tan vỡ, tương quan hỏng hóc, tội lỗi giày vò... Và đôi khi, cả những ‘dòng lưu’ trong tâm hồn cũng dậy sóng bởi những cảm xúc vô kiểm soát, niềm kiêu hãnh, sự phù phiếm, các ý tưởng lăng loàn… khiến chúng ta mất cảm giác về phương hướng và dường như việc chèo chống ‘thuyền lòng’ trở nên vô dụng giữa ‘biển trong đêm’. Bên cạnh đó, có lẽ nỗi sợ lớn nhất là sợ chết; thế nhưng, Đức Kitô, Chúa chúng ta đã vượt qua cái chết và đã sống lại. Ngài là Chúa kẻ sống và kẻ chết thì không gì khiến chúng ta phải sợ, dẫu chết là ‘biển trong đêm’ hãi hùng nhất.
Tin Mừng hôm nay tường thuật biến cố Chúa Giêsu tiến về phía các môn đệ vốn đang ở vào thời điểm hỗn loạn trên ‘biển trong đêm’ của họ; gió thổi, sóng gào, thuyền ngập nước, hòng chìm. Nhưng kìa, trên mặt biển, Ngài đang đến! Và dẫu những ngư dân dày dạn này đã trải qua nhiều đêm lênh đênh trên biển, nhưng Thầy của họ lại chọn lúc này để đến với họ, không phải để đưa họ vào bờ nhưng để nói với chúng ta rằng, bất kể phải đối mặt với ‘cơn bão’ nào trong cuộc đời, Ngài vẫn sẽ ở đó theo một cách thức kỳ diệu nhất! Ngài muốn chúng ta tin rằng, bất kể chúng ta phải vật lộn với bất cứ ‘biển trong đêm’ nào, thì Ngài vẫn luôn ở đó, gây ngạc nhiên, đầy yêu thương, an ủi.
Niềm tin vào Chúa và Lời Ngài không mở ra một con đường dẫn đến mọi việc sẽ dễ dàng và bình lặng; nó không cứu chúng ta khỏi những bão tố cuộc đời. Nhưng niềm tin cho chúng ta một bảo đảm về một sự ‘Hiện Diện’, hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng khuyến khích chúng ta vượt qua những thử thách hiện sinh; niềm tin ấy bảo đảm sự chắc chắn của một bàn tay nắm lấy chúng ta, giúp chúng ta đối mặt với những khốn khó, chỉ cho chúng ta con đường phải đi ngay cả khi nó tối tăm. Tóm lại, đức tin không là lối thoát cho các vấn đề, nhưng đức tin duy trì cuộc hành trình và mang lại cho nó một ý nghĩa, đó là một hành trình có Chúa cùng đi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.
Nếu nỗi sợ hãi là điều chúng ta phải vật lộn ở cấp độ linh hồn, cấp độ sợ mất mát cả phần rỗi đời đời, chúng ta hãy hướng lòng về thực tế của những Chân Lý Cứu Độ. Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian để cứu chúng ta; Ngài không đến để chỉ dạy dỗ, truyền cảm hứng hay trợ giúp; Ngài đến để cứu, để chuộc, để mua lại; Ngài đến để tiêu diệt sự chết, sợ hãi, tội lỗi và tất cả những gì ngăn cản chúng ta khỏi Chúa Cha. Hành động cứu rỗi của Ngài biến đổi chúng ta và thay đổi nhân loại mãi mãi. Nếu hiểu được và tin được điều này, sẽ không gì có thể cướp đi sự bình yên của chúng ta, không gì khiến cho lòng chúng ta ngập chìm trong sợ hãi, cả khi giữa ‘biển trong đêm’.
Anh Chị em,
Cuộc đời mỗi người như một hành trình vượt biển, có những ngày lướt sóng êm đềm dưới trăng thanh; nhưng không ít ngày bão bùng dông tố bên trong lẫn bên ngoài. Những lúc ấy, là những lúc chúng ta phải nghe cho được Lời Chúa, “Hãy an tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Quả vậy, qua cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã cưới lấy nhân loại, Ngài không hề bỏ rơi chúng ta. Nhưng vẫn có người tự hỏi, ‘Có Thiên Chúa tại sao vẫn có khổ đau?’. Vâng, Chúa Giêsu ở với chúng ta, Ngài không cất thánh giá khỏi chúng ta, nhưng ban sức để chúng ta vác nó một cách có ý nghĩa và đầy tình yêu. Vậy, đừng sợ bất cứ điều gì. Bởi không có điều gì mà Thiên Chúa không biết, không có điều gì nằm ngoài chương trình cứu độ của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài, có để cho Ngài giúp, có nghe được Ngài giữa ‘biển trong đêm’ không, và đó là vấn đề.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết rằng, một khi con quyết định đón Chúa vào ‘thuyền đời’ con, theo một nghĩa nào đó, con đã đến đích. Xin cho con biết buông tay chèo để Ngài lái chèo đời con an bình đi giữa ‘biển trong đêm’ cập bến bình an của Ngài”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)