Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 22 Tháng 10 2021 11:18

Truyền giáo: một câu chuyện buồn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TRUYỀN GIÁO : MỘT CÂU CHUYỆN BUỒN


Chúa nhật tới đây là khánh nhật truyền giáo !

Nghe 2 từ truyền giáo, bản thân tôi cảm thấy sợ sợ và có nhiều cảm xúc

Tôi mạo muội viết ra chút tâm tình suy nghĩ và gửi cho vài người thân quen

Bao nhiêu năm truyền giáo nhưng sao con số vẫn cứ khiêm tốn ở tỷ lệ 7%

Nhiều năm rồi con số 7% cứ mãi đứng yên ở đó.

Con số gia nhập đạo, con số rửa tội có chứ ! Nói là không cũng không đúng ! Đa phần rửa tội là rửa tội cho trẻ sơ sinh của con cái nhà đạo. Hay như là rửa tội thì rửa tội theo kiểu theo đạo chồng hay theo đạo vợ.

Và như vậy, để người tự nguyện theo đạo dường như không có hay hiếm thấy.

Dĩ nhiên là Giáo Hội chịu áp lực của sự tăng trưởng, của nền kinh tế thị trường. Thế nhưng cũng không nên đổ lỗi cho xã hội. Có chăng Giáo Hội nhìn lại chính mình.

Nếu như Giáo Hội tự mãn thì muôn đời con số vẫn dậm chân tại chỗ. Có những nơi, có những người ăn mày cho một quá khứ xem chừng ra vẻ vang về con số người theo Chúa nhưng họ quên nhìn lại thực trạng của ngày hôm nay.

Cũng vì chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng để rồi những người chịu phép rửa sống cứ như người chưa chịu phép rửa vậy. Những người còn đến nhà thờ thì hoàn hoàn không có một chút vốn liếng gì về Kinh Thánh, Giáo Lý, Phụng Vụ ... Hỏi đến đâu là không biết đến đó. Vì chạy theo quân số nên làm gì người ta biết được Chúa là ai ?

Vấn đề ở chỗ là người ta vụ hình thức quá nhiều !

Ở những xứ đạo gọi là mạnh nhưng kỳ thực chỉ mạnh khi các đấng các bậc đến hay như những ngày lễ hội mà thôi. Sau khi các cụ ra về thì ngôi thánh đường vắng lặng !

Cảm nghiệm cũng như kinh nghiệm về chuyện này thật rõ trong nhiều năm qua khi đến ở các xứ đạo.

Cứ đến ngày lễ là ta thấy đông nghịt người và ai ai cũng như khẳng định mình. Sau đó thì ngôi thánh đường quạnh hiu như chưa hề có gì. Họ chạy theo hình thức bên ngoài và cũng quên đi cái chất lượng bên dưới.

Lâu lâu tổ chức một hội nghị hay hội thảo về truyền giáo thật hoành tráng. Hội nghị và hội thảo chưa kết thúc thì đã có một bản báo cáo hội nghị thành công tốt đẹp. Dường như chưa bao giờ thấy hội nghị hay hội thảo nào chưa thành công cả. Và nếu nói thành công là thành công ở chỗ nào ? Chắc có lẽ thành công ở chỗ phát biểu trôi chảy và xúc tích, lôi cuốn người nghe. Kèm theo đó là một thư ký của hội nghị tài năng viết lại nhật ký cũng như biên bản của hội nghị.

Cũng như các hội nghị của các cụ mũ gậy thôi ! Nói ra thì bảo bất mãn hay hỗn láo hay chán tu. Không hề ! Nói ra để nói được tiếng lòng mình thôi.

Biết bao nhiêu vấn nạn của Giáo Hội. Các cụ ngồi lại vài bữa và rồi có một biên bản và thư chung không tìm thấy lỗi chính tả. Canh lề, canh trang và canh chữ thật đẹp. Tiếc thay cũng chỉ là trên giấy.

Vừa qua, vì hoàn cảnh, 3 giờ đồng hồ gọi là họp và cũng có 1 thư chung hẳn hoi. Thư chung ấy cũng chung chung cầu nguyện và ăn chay để xin cho đại dịch mau qua !

Cầu nguyện thì người nghèo lúc nào chả cầu. Họ cầu cho có ân nhân cho họ lương thực ngày 2 bữa.

Ăn chay thì dường như suốt mấy tháng trời họ cũng đã ăn chay rồi.

Các đấng bậc, các cụ nên cần ăn chay hơn người nghèo. Di dân, dân làm thuê làm mướn cơ bản ngày nào họ cũng ăn chay rồi !

Và rồi cũng xong cái gọi là họp thường niên. Kỳ tới vào tháng 2 năm 2022 nếu không còn dịch.

Thế đó ! Hội nghị, phong trào, hội thảo, rước sách, lễ hội xem chừng ra choáng ngợp cho một Giáo Hội đầy hình thức. Chung chung là hình thức rất đạt nhưng nội dung có gì đó đó để rồi không cuốn hút được lòng đạo thật sự.

Nếu như tu sĩ linh mục sống thực sự là một thợ gặt lúa thì chắc chắn tình hình, tỷ lệ nó sẽ khác.

Đàng này dường như Giáo Hội đã, đang và vẫn còn sống theo não trạng giáo sĩ trị nên rồi khó có mà để cho người ta theo đạo và thậm chí người có đạo khó mà giữ đạo.

Nói như thế không phải là không có những gương sáng hay những mục tử chân chính. Có nhưng dường như quá ít và khiêm tốn. Thay vào đó là ta thấy những chuyện trái khoáy như là buôn thần bán thánh vậy.

Nơi nững gia đình giàu có và đại gia thì lễ lạc hoành tráng và luôn luôn có sự xuất hiện của các đấng bậc. Các cụ đi đâu cũng tiền hô hậu ủng và cơm bưng nước rót để rồi làm sao có thể gần gũi với dân được. Họ nhìn các cụ lung linh quá ! Người giàu thì tha hồ gần gũi để chụp hình khoe mẽ. Người nghèo cứ đứng xa xa để nhìn như nhìn một quan chức.

Dĩ nhiên các ngài cần có những phương tiện hay phục vụ nhưng có khi phương tiện cũng như sự phục vụ nó quá xa với người nghèo.

Gọi là cộng thế này thế kia nhưng ta thấy quan chức tạm gọi là diễn đi nhưng họ còn đến thăm dân trong mùa dịch. Còn các quan chức nhà đạo, ta thấy có cụ nào đến với dân đâu ? Thậm chí Thánh Lễ trực tuyến còn không làm cũng như không cho người khác làm ! Quyền và quyền lúc nào cũng đứng hàng đầu cũng như sống xa cách với dân chúng.

Chuyện cần để cho người ta thấy mục tử đó chính là chuyện các ngài gần với dân, tiếp xúc với dân và đồng thân đồng phận với dân. Chỉ khi nào các cụ gần gũi với dân thật sự hay gọi là đồng hóa trong kiếp nghèo của họ thì khi đó may ra mới thay đổi lòng dân cũng vậy.

Còn với người Kitô hữu, dường như cũng chạy theo cái hình thức bên ngoài để đánh mất phẩm chất bên trong. Nếu như Kitô hữu sống một cuộc đời đầy bác ái yêu thương thì chắc chắn sẽ đánh động lòng người.

Thôi ! Chắc cũng đủ để nói lên tâm tư trong ngày khánh nhật truyền giáo.

Tiếp tục và tiếp tục cầu nguyện để cho việc truyền giáo được phát triển như lòng Chúa mong muốn.

Lm. Anmai, CSsR

Read 479 times Last modified on Thứ bảy, 23 Tháng 10 2021 15:55