Mái ấm gia đình: Mạn đàm về bình an và hạnh phúc
Posted by Ban Biên TậpNụ cười trẻ thơ mang đến hạnh phúc cho mọi người. Source: Pixabay
Chúng ta thường nguyện cầu bình an, chúc cho nhau được bình an và hạnh phúc trong dịp năm mới cũng như trong đời sống hàng ngày. Nhưng làm thế nào để bước đúng vào con đường hạnh phúc và bình an?
Mỗi người có thể hiểu khác nhau về hạnh phúc và luôn cố gắng tìm đến một cuộc sống hạnh phúc như bản thân mong muốn.
Vậy hạnh phúc là gì?
Trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về hạnh phúc. Theo nhà tâm lý học người Mỹ gốc Nga, Sonja Lyubomirsky, giáo sư tại Khoa Tâm lý học tại Đại học California, Riverside và là tác giả của cuốn sách ‘The How of Happiness – A Scientific Approach to Getting the Life You Want’ (Bí quyết hạnh phúc - Một cách tiếp cận khoa học để có cuộc sống như bạn mong muốn), thì hạnh phúc là trải nghiệm của sự vui sướng, sự bằng lòng, một trạng thái tích cực đi đôi với cảm nhận về cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa và giá trị.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam Hà Lan, “Từ góc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc bốn hóa chất phối hợp ăn ý với nhau: dopamine như một cánh tay xốc chúng ta bật dậy từ chiếc ghế lười biếng, endorphins khiến cái chân đau bước nhẹ nhàng hơn, oxytocin giúp ta đến gần bên những người yêu dấu với một cái ôm dịu dàng, và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi người yêu dấu ấy nói rằng cái ôm này làm họ sung sướng biết bao. Ta như bay lên trong một khoảnh khắc an vui. Cuộc đời thật đẹp.”
Cường Lã, tiến sĩ về Sức khỏe cộng đồng, hiện đang là cố vấn về chính sách và nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm linh của Úc, nói rằng cả hai định nghĩa về hạnh phúc nêu trên đều cho chúng ta nhận định rằng khoảnh khắc hạnh phúc luôn trôi qua nhanh chóng, và những hóa chất tạo ra cảm giác hưng phấn cũng chỉ đến trong chốc lát.
Như vậy, theo đuổi hạnh phúc giống như chúng ta theo đuổi một điều rất hữu hạn. Đôi khi chúng ta tưởng hạnh phúc là một cái gì đó vĩnh hằng, vĩnh viễn, nhưng thực ra nó chỉ như những viên đường ngọt ngào và chóng tan.
Tiến sĩ Cường Lã nghĩ rằng ‘Quan điểm về hạnh phúc của bạn như thế nào thì sẽ quyết định việc bạn có được hạnh phúc trong bao lâu.’
Một số dấu hiệu của người hạnh phúc được các nghiên cứu ghi nhận bao gồm: luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống; luôn biết bày tỏ lòng biết ơn những gì mình đang có; hạnh phúc với thành công của người khác; không so sánh bản thân với người khác; chấp nhận rủi ro và dám đối mặt với nỗi sợ hãi; trân trọng nuôi dưỡng những mối quan hệ; biết tha thứ; luôn mỉm cười; luôn biểu hiện sự ngạc nhiên thích thú trước những điều bất ngờ trong cuộc sống; và biết thể hiện sự khiêm nhường, khiêm tốn.
Bình an là gì?
Theo từ điển Hán Nôm, bình an nghĩa là bình yên, không hoạn nạn, không hiểm nguy, luôn có trạng thái bình tĩnh và an định.
Trạng thái bình an bao gồm bình an trong nội tâm và thanh thản trong tâm hồn, điềm tĩnh cho dù có những yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến căng thẳng bất yên.
Trong một số nền văn hóa, đạt được bình an là đạt đến trạng thái ý thức của sự giác ngộ, nghĩa là được nuôi dưỡng bằng sự rèn luyện khác nhau, chẳng hạn như biết cầu nguyện, thiền định, tập thở, tập những động tác tạo nên sự thư thái như trong tập yoga, thái cực quyền, khí công, thực hành tâm linh, đi tìm hành trình thấu hiểu nội tâm.
Khi đạt được trạng thái bình an, cân bằng, bình tĩnh trước nghịch cảnh thì chúng ta sẽ sẵn sàng mở cửa đón nhận hạnh phúc.
Nhưng con đường hạnh phúc là do lựa chọn của mỗi người và ai cũng cần có kỹ năng để đi trên con đường đó.
Chúng ta phải hiểu rằng có được hạnh phúc là một kỹ năng sống. Trong Phật giáo có nói rằng không có con đường nào đưa chúng ta tới hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường. Vấn đề là con đường chúng ta đi là đúng hay sai, chúng ta có kỹ năng để đi trên con đường đó hay không.
‘Biết đủ’ và ‘chí tiến thủ’
Chia sẻ với SBS Tiếng Việt về khái niệm ‘biết đủ’ và ‘chí tiến thủ’, Tiến sĩ Cường Lã cho rằng nếu cứ đuổi theo những ham muốn ở bên ngoài, chúng ta sẽ không bao giờ biết đủ. Và chính sự đuổi theo đó khiến chúng ta đi lệch con đường tìm kiếm hạnh phúc và bình an.
Dẫn lời thiền sư Minh Niệm, anh Cường nói rằng vấn nạn lớn nhất của thế giới hiện nay là chúng ta mất khả năng nhận biết rất nhiều điều kiện để có được bình an và hạnh phúc, chúng ta không có thời gian để dừng lại một phút để chiêm nghiệm ra điều đó.
Có chí tiến thủ là có đủ quyết tâm, đủ dũng cảm để luyện cho tâm thức của mình không bị vướng bận bởi sự tham lam theo đuổi mong cầu, và sống tích cực mỗi ngày, lan tỏa yêu thương, tìm vui trong những điều nhỏ nhất mỗi ngày. Đó mới là chí tiến thủ theo như tôi hiểu.
Tiến sĩ Cường Lã
Như vậy có thể nói có chí tiến thủ là nhận biết khi nào nên dừng lại, để không đi quá giới hạn, biết nhìn lại mình, soi rọi tâm mình mỗi ngày và tự kiểm điểm bản thân.
Một số cách để hướng tới sự bình an và hạnh phúc
Tiến sĩ Cường Lã gợi ý một số điều mà bản thân anh chiêm nghiệm được, có thể giúp vượt qua những cảm xúc tiêu cực để được bình an và hạnh phúc.
Điều đầu tiên là dọn dẹp tâm trí, cũng giống như quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón Tết. Khi quét dọn tâm hồn, mỗi người có thể xem lại thức ăn cho thân và thức ăn cho tâm của mình. Không chỉ điều chỉnh thực phẩm đưa vào cơ thể sao cho cân bằng, mà còn xem lại thức ăn cho tâm như các loại báo chí, phim ảnh mà chúng ta xem và những lời nói mà chúng ta thốt lên có mang lại điều gì tích cực hay không.
Thứ hai là biết chấp nhận những khó khăn thử thách, bởi vì cuộc sống lúc nào cũng có khó khăn thử thách. Và cuộc sống vô thường nên mọi sự luôn biến đổi, những buồn khổ cũng sẽ dịu đi, niềm vui sẽ đến.
Bên cạnh đó cần tập kiên nhẫn, tập phản ứng chậm lại để suy xét trước khi đưa ra lời nói và hành động, để tránh gây tổn thương cho người khác.
Tập hít thở mỗi ngày để nuôi dưỡng hơi thở lành mạnh hơn, mang lại dưỡng khí nuôi dưỡng tế bào của cơ thể, là một điều vô cùng quan trọng hướng tới sự bình an và hạnh phúc.
Một điều quan trọng nữa là buông bỏ những tật xấu như đố kỵ, thù hận, cầu toàn. Và cũng đừng tập trung quá nhiều vào việc chỉ ra lỗi lầm của người khác.
Tập cho đi cũng là một cách để mang lại hạnh phúc cho mình. Cho đi không hẳn phải là cho cơm ăn, cho áo mặc, cho tiền, mà đôi khi chỉ cần cho đi những phút giây bình an hiện tại, chẳng hạn như chỉ cần ngồi bên người thân và cho họ sự yên tâm, yên bình.
Ngoài ra, một lối sống đơn giản, không cầu kỳ, không hoa mỹ cũng là một cách để hướng tới sự bình an và hạnh phúc.
'Hạnh phúc thực sự là một kỹ năng sống' - Tiến sĩ Cường Lã (áo vàng).
Đôi dòng về khách mời
Cường Lã là Tiến sĩ về Sức khỏe Cộng đồng, anh hiện đang làm Cố vấn về Chính sách và Nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm linh Úc (Spiritual Health Association).
Anh có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu học thuật, chính sách và vận động chính sách về sức khỏe và phát triển cộng đồng
Sưu Tầm