Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 29 Tháng 5 2024 15:46

Tôn trọng nhau mà sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TÔN TRỌNG NHAU MÀ (DỄ) SỐNG

Thể trạng con người mập tròn béo tốt khác nhau thế nào thì suy tư của mỗi người cũng khác nhau như thế. Dù là 2 anh em hay 2 chị em sinh đôi đi chăng nữa thì suy nghĩ sống cũng như quan niệm sống của mỗi người cũng khác nhau.

Tôn trọng người khác là một đức tính tốt đẹp cũng như là giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của con người mà khi làm người dù bất cứ là ai cũng phải có và phải biết. Ngay từ khi còn bé mới lớn khôn và nhất là khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được giáo dục về việc tôn trọng người khác, tôn trọng lẽ phải. Một người biết cách tôn trọng người khác là một người có giáo dưỡng, biết tôn trọng chính mình.

Tôn trọng người khác thể hiện ở việc chúng ta đánh giá đúng mực, xem trọng danh dự, lợi ích và phẩm giá của người khác. Đây là cách để bạn nhận ra giá trị của con người, xem trọng họ mà không bình phẩm hay chê bai.

Tuy nhiên, tôn trọng người khác không có nghĩa là chúng ta có sự đánh giá quá cao về giá trị của con người so với thực tế. Tôn trọng người khác không phải là dùng những lời nói để nịnh bợ mà cần đánh giá đúng, khách quan về mọi người.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng tôn trọng người khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nó thể hiện tình cảm giữa người với người. Tôn trọng không chỉ có ý nghĩa với người được tôn trọng hay người trao sự tôn trọng mà còn có ý nghĩa với xã hội.

Khi ai đó được người khác tôn trọng thì chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tấm lòng của chúng ta, khiến họ cảm thấy vui vẻ, yêu đời khi nhận được sự tôn trọng từ phía mọi người. Hơn thế, người được tôn trọng còn cảm thấy tự tin hơn vào chính mình, tạo động lực để họ phát triển trong tương lai.

Khi chúng ta biết tôn trọng người khác thì chúng ta sẽ thể hiện được mình là một người có giáo dưỡng. Chúng ta sẽ trở thành một tấm gương cho sự giáo dục tốt để những người khác noi theo. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình, chúng ta sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác khi biết trao đi sự tôn trọng.

Trong một xã hội mà sự tôn trọng được đề cao cũng như con người biết tôn trọng lẫn nhau, biết yêu thương chia sẻ thì xã hội ngày càng phát triển, tân tiến. Một khi bất công xảy đến giữa người với người thì đất nước đó sẽ lui lại với những nơi mà người ta biết tôn trọng nhau, tôn trọng phẩm giá của con người.

Kỳ thực, không ai trong chúng ta chẳng có ai hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm nào đó. Vì vậy, sẽ thật ích kỷ, xấu xa nếu như chúng ta đem điểm yếu của người khác ra để mua vui. Đây không chỉ thể hiện chúng ta không tôn trọng người khác mà còn cho thấy chúng ta là người xấu tính, không được giáo dục, không biết đối nhân xử thế.

Rồi đến một lúc nào đó, chúng ta cũng sẽ bị cười nhạo vì những điểm yếu của mình. Lúc đó, bạn sẽ hiểu cảm giác thế nào là không được mọi người tôn trọng. Hãy biết chấp nhận những điều không hoàn hảo của người khác và khắc phục khiếm khuyết của bản thân.

Con người trong tập thể có thói quen và lối sống khác nhau. Vì thế, chỉ cần không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung thì những thói quen đáng được tôn trọng và chấp nhận. Bài xích một thói quen, văn hóa cũng nghiêm trọng như vấn nạn phân biệt chủng tộc, để lại nhiều hệ quả khôn lường. Có sự tôn trọng mới tạo nên sợi dây liên kết giữa người với người, xã hội mới bền vững và phát triển.

Chúa Giêsu chính là bậc thầy sống tôn trọng và dạy người khác tôn trọng nhau : “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”.(Lc 6,31)

Chúa Giêsu đã đưa ra một “khuôn vàng thước ngọc” trong cách đối xử với người thân cận: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế” (Mt 7,12).

Thực ra, đã có nhiều người bảo rằng: “Đừng làm cho người ta điều anh không muốn họ làm cho mình” nhưng chưa có ai nói: “Hãy làm cho người khác điều ngươi muốn người ta làm cho mình”. Từ xưa, Khổng tử đã dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, hay như trong sách Tô-bi-a có đoạn chép: “Điều con không thích, thì cũng đừng làm cho ai” (Tb 4, 16). Có vẻ Chúa Giê-su cũng dạy một điều tương tự, nhưng thực ra Ngài muốn chúng ta đi xa hơn như thế. Quả vậy, ngài muốn chúng ta đi bước trước trong cung cách đối xử với tha nhân một cách tích cực và hướng thượng: Tích cực vì điều gì mình muốn người khác làm cho mình, thì mình hãy làm cho người khác trước đã; Hướng thượng vì những gì chúng ta “làm cho một trong những người anh em bé mọn” được Chúa coi là “làm cho chính Chúa” (Mt 25, 41).

Đây quả là giáo huấn mới mẻ và tích cực của Chúa Giê-su trong cách cư xử với người thân cận.

Nói thì dễ nhưng làm thì lại thật là khó trong cõi nhân sinh. Nói tôn trọng người khác tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Dù mỗi chúng ta sống trong bất kỳ hoàn cảnh hay môi trường nào, hãy luôn ghi nhớ rằng: “Cho đi điều gì sẽ nhận về điều đó”. Luôn tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, có thái độ tốt là cách để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

Trong cuộc sống, nên chăng hãy tôn trọng nhau để cho dễ sống.

Lm. Anmai, CSsR

Read 121 times Last modified on Thứ năm, 30 Tháng 5 2024 08:42