Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 30 Tháng 1 2023 18:53

NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TỚI DANH XƯNG THỔ HOÀNG

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TỚI DANH XƯNG THỔ HOÀNG


I.THỔ HOÀNG, ĐỊA DANH LỊCH SỬ
Thổ Hoàng là tên gọi thiêng liêng và thân thương đối với những người dân sống ở vùng hạ lưu của dòng sông Ngàn sâu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng sông này bắt nguồn từ núi Giao Thừa và Cũ Lân thuộc dãy núi Trường Sơn nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Khi chảy tới địa bàn xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, dòng sông uốn mình qua chín khúc (1) trông như con rồng uốn lượn trước khi chảy về hướng Bắc qua huyện Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba bến Tam Soa, huyện Đức Thọ tạo thành dòng sông La.
Tên gọi Thổ Hoàng xuất hiện từ thời điểm nào? Người đời nay hầu như cũng không quan tâm lắm vì có chăng cũng chỉ là tên gọi của một giáo xứ thuộc giáo phận Vinh miền Bắc. Các công trình nghiên cứu về xã hội trước đây hầu như cũng không mấy quan tâm tới điều này. Nhưng trong thực tế vùng đất huyện Hương Khê ngày nay đã có giai đoạn trong quá khứ mang tên huyện Thổ Hoàng (1407 – 1427). Điều này gắn liền với tên tuổi của một nữ nhi mang tên Trần Thị Ngọc Hảo, Hoàng phi của vua Trần Duệ Tông. Các tài liệu nghiên cứu về đề tài này hầu như chỉ được đề cập tới chính sách Điền trang thời Trần, trong đó có đề cập tới Hoàng hậu nhà Trần với công cuộc khẩn hoang lập ấp tại Đức Thọ(2). Năm 1407 – 1427 vùng đất này được mang tên huyện Thổ Hoàng. Ngày nay tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh còn tồn tại một địa danh mang tên Thổ Hoàng. Năm 1865 khi giáo phận Vinh cơ cấu thành lập các giáo xứ thuộc hạt Ngàn Sâu đã lấy tên của của một địa danh hành chính lúc đó là xã Thổ Hoàng đặt tên cho giáo xứ mới, thuộc tổng Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bao gồm các làng mạc và họ đạo như: Phương Trạch, Vạn Căn, Tri Bản, Thọ Vực, Kẻ Vang (3). Những tên gọi này gắn liền với những quá khứ xa xưa nhưng trong thực tế thì chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về vùng đất này. Trong tác phẩm Hương Khê 135 năm (1867 – 2002), Nguyễn Bá Thành cũng chỉ đề cập thấp thoáng tới tên gọi huyện Thổ Hoàng thời thuộc Minh và giáo xứ Thổ Hoàng thời Tự Đức có nhiều người giỏi tiếng Pháp, làm thông ngôn cho các quan chức khi giao dịch với Pháp (4).
(1) Sông Ngàn Sâu có tên chữ Hán: Kê Quan 雞冠, Thâm Giang 深江, còn có tên gọi là Cửu Khúc, một chi lưu của sông La.
(2) Những tài liệu nghiên cứu về Điền trang của bà Trần Thị Ngọc Hảo
http://www.thanhnien.com.vn/.../toa-dam-hoang-hau-bach...
http://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Thị_Ngọc_Hò
http://huongkhe.gov.vn/.../Van.../Hoang-hau-Bach-Ngoc-437/
http://vanhoanghean.com.vn/.../dien-trang-cua-hoang-thai...
(3)Những địa danh thuộc xã Thổ Hoàng, tổng Phương Điền. Khi Thổ Hoàng thành lập xứ, các địa danh này trở thành các họ đạo. Ngày nay các họ đạo này đã nâng cấp thành các xứ đạo riệng biệt: Vạn Căn (1917), Tri Bản (1917), Thọ Vực (1937), Kẻ Vang (1938).
(4)Hương Khê 135 năm (1867 – 2002), PGS.TS.Nguyễn Bá Thành chủ biên. Nxb Văn Hóa – Thông tin 2003.
Để tìm hiểu một cách rõ nét và có tính khoa học, ta cần phải đi ngược dòng lịch sử để tìm lại cội nguồn.

328137249 897422191404875_8703036300153111749_n

II. THÁI ẤP, ĐIỀN TRANG THỜI TRẦN, THẾ KỶ XIII – XIV
Thái ấp, Điền trang là một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội thời Trần (Thế kỷ XIII – XIV). Đây là một trong những chủ trương góp phần khai hoang lập ấp và phát triển kinh tế, xã hội thời đó. Thái ấp là một loại hình ban cấp ruộng đất của triều đình cho các vương hầu, quý tộc, tôn thất nhà Trần. Điền trang là một loại hình cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, phi tần được khẩn hoang lập điền trang bằng chính sách ban hành năm 1266 và kéo dài tới năm 1400. Ở đây ta chỉ bàn tới loại hình Điền trang.(5)
Điền trang thời Trần là đất do vương hầu, công chúa, phò mã, phi tần chiêu tập dân xiêu tán không có sản nghiệp làm nông nô khai khẩn ruộng đất và lập điền trang. Sở hữu loại ruộng đất này thuộc quyền tư nhân. Tuy nhiên vẫn có những ruộng đất được sung vào đất công.(6)
Các điền trang thời Trần được phân bố nhiều trong cả nước, chủ yếu dựa vào lưu vực của các dòng sông, ngã ba sông hoặc vùng ven biển. Quy mô điền trang rộng hay hẹp tùy thuộc vào năng lực của chủ. Theo thống kê trong tài liệu Thái ấp - Điền trang thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) có 14 điền trang được liệt kê, trong đó Điền trang của bà Trần Thị Ngọc Hảo vợ vua Trần Duệ Tông rộng đến 3965 mẫu, có những điền trang khác chỉ rộng 500 mẫu (của Hoàng Hối Khanh), 100 mẫu hoặc 250 mẫu (của công chúa Trần Khắc Hãn, con gái thứ 4 của vua Trần Thánh Tông)v.v. Riêng bà Trần Thị Ngọc Hảo đã có công khai phá một vùng rộng lớn bao gồm địa phận của Đức Thọ, Hương Sơn, can Lộc và Hương Khê. Điền trang của Hoàng hậu Bạch Ngọc tồn tại cho đến lúc Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh (khoảng 40 năm), sau đó bà dâng số ruộng đất này cho Lê Lợi, nơi đây trở thành hậu cứ của nhà Lê (7).
Vào thời thuộc Minh (1407-1427), vùng đất này có tên gọi là huyện Thổ Hoàng. Tên gọi này được đặt cho huyện mới có thể là sự khẳng định vùng đất đã thuộc về Hoàng triều (chiết tự của câu Hoàng triều cương thổ)(????. Dân cư thường gọi đây là Hoàng Điền.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.38.
(7) Thái ấp - Điền trang thời Trần (Thế kỷ XIII - XIV) Nguyễn Thị Phương Chi. Nxb. Viện sử học 2001.
Nguồn: http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&;;d=TTbFfqyuMrCa2001.1.17&e=-------vi-20--1--img-txIN-------#
(???? GS Lê Quốc Vượng giải thích: Hoàng triều là triều đại đang trị vì; cương thổ là vùng đất đai ở biên giới. Vậy Hoàng triều cương thổ (Hán-Việt: 皇朝疆土, tiếng Pháp: Domaine de la Couronne) là vùng đất đai ở biên giới, thuộc sự quản lý của triều đại đương thời. Cách gọi này áp dụng cho vùng Tây Nguyên, phía Tây lãnh thổ nước ta dưới thời phong kiến nhà Nguyễn. http://www.sggp.org.vn/bandocdatcauhoi/nam2004/thang9/18223/
Trong bối cảnh lịch sử của những năm cuối thời nhà Trần, thanh thế của Hồ Quý Ly ngày càng lấn lướt, do có 2 cô ruột là mẹ của Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông nên ông được cấc nhắc đưa vào hàng ngũ quan lại, giữ những nhiệm vụ quan trọng trong triều. Khi Trần Duệ Tông (1373 – 1377) tử trận ở Chiêm Thành, Nghệ Tông lập con của Duệ Tông là Giản Hoàng lên ngôi, sau lại nghe lời Quý Ly mà phế truất rồi xử tử, lập con nhỏ là Trần Thuận Tông. Từ đây, Quý Ly thật sự có vai trò to lớn phía sau trong mỗi quyết định của Nghệ Tông. Triều đình nhà Trần thực sự rối loạn. Trong hoàn cảnh đó, bà Trần Thị Ngọc Hảo vợ vua Trần Duệ Tông muốn lánh xa chốn kinh thành loạn lạc nên xin triều đình về quê của bà vùng Tri Bản khẩn hoang. Bà đem 567 người tùy tòng trở về quê hương. Tại đây bà chiêu mộ khoảng 3000 dân địa phương khẩn hoang, lập ấp. Số ruộng đất lên đến 3965 mẫu. Trong quá trình khẩn hoang đã mọc thêm nhiều làng xóm mới. Những làng xóm đầu tiên trong điền trang của bà gồm có: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê và Tùng Chinh (9).


328108175 1229787511282721_4000828089553852376_n

III. NHỮNG GIẢ THIẾT VỀ VÙNG ĐẤT THỔ HOÀNG HIỆN TẠI.
Phần này xin được trình bày theo chủ kiến của người viết, dựa trên những địa danh tồn tại từ lâu đời và những truyền tụng dân gian liên quan tới vùng đất mang tên Thổ Hoàng tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Tên gọi này đã từng là địa danh hành chính của một huyện, sau thu hẹp lại thành một tổng, một xã nhưng nay chỉ tồn tại là tên của một giáo xứ thuộc giáo phận Vinh. Tại sao tên gọi Thổ Hoàng không đặt ở một địa danh thu nhỏ nơi khác mà lại chính xã Phương Mỹ, vùng đất cuối cùng của huyện Hương Khê, hẳn phải có lý do riêng. Tiếc rằng chưa có một nghiên cứu cụ thể về vùng đất này. Hy vọng những ý kiến chủ quan của tác giả sẽ khơi nguồn cho những nghiên cứu về sau.
Bà Trần Thị Ngọc Hảo mệnh danh là Bạch Ngọc Hoàng hậu (Hoàng hậu cưỡi con voi trắng), con gái ông Trần Công Thiệu, quê ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê. Bà là người tài sắc vẹn toàn nên được tuyển vào cung vua Trần Duệ Tông (1373-1377) rồi trở thành hoàng hậu. Bà sinh được một con gái là Trần Thị Ngọc Hiên, hiệu là công chúa Huy Chân. Trong hoàn cảnh của xã hội lúc đó, bà rời hoàng cung trở về Tri Bản vốn là quê hương bà để khẩn hoang, đồng thời cũng tránh sự nhiễu loạn ở chốn kinh thành.
Đoàn thuyền của Bà Ngọc Hảo vượt sông La, ngược theo dòng sông Ngàn Sâu, qua Cồn Voi tiến vào khu vực cửu khúc, đây chính là vùng đất quê hương của bà. Tại đây, ngày nay còn tồn tại địa danh rộc Bến Thần. Phải chăng vị trí này cách đây 600 năm về trước là nơi thuyền bè cập bến. Lên khỏi rộc Bến Thần là Bãi Phố, nơi mà thuở xa xưa khách buôn tụ tập họp chợ. Phải có phố chợ, người đời sau mới gọi là bãi Phố. Cách gọi của dân gian căn cứ vào những sự vật trong quá khứ để đặt tên. Dọc theo lưu vực của dòng sông Ngàn Sâu, hai bên là những cánh đồng màu mỡ. Đồng Cửa Ràn nằm trải dài từ cồn Voi qua đồng Vang, hai bên là làng Thiên mộ, Nam Hạ, bên kia là Phương Trạch. Giữa cánh đồng Cửa Ràn có con đường bộ mang tên Thiên Lý. Tên gọi này hầu như đã bị lãng quên, chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của một ít người lớn tuổi. Những tên gọi xưa đã được thay đổi theo dòng chảy của thời gian. Từ Đức Thọ băng qua giữa đồng Cửa Ràn, đồng Vang, Hà Linh xuôi về Nam. Con đường này có lẽ cũng được thiết lập từ thời khẩn hoang lập ấp xa xưa và là con đường bộ theo hướng Bắc Nam thuộc miền núi huyện Hương Khê.
Trở lại tên gọi của những địa danh, ta thấy có những điểm thật lý thú. Bên cạnh bãi Phố là đồng Dinh, đồng Mục Voi. Phải có dinh thự thì mới gọi là đồng Dinh, có nơi quản voi thì mới gọi là đồng Mục Voi. Ngày nay dấu vết của quá khứ chẳng còn lại gì ngoài tên gọi. Câu chuyện truyền khẩu dân gian vẫn truyền tụng bà Bạch Ngọc Hoàng hậu cưỡi bạch tượng. Tưởng rằng câu chuyện chỉ là huyền thoại nhưng thực tế đó lại là sự thật vì đồng Mục Voi chính là nơi chăn dắt voi khi xưa. Bên cạnh đó còn có nhiều tên gọi khác gợi cho ta hình dung một cảnh sống phồn thịnh xa xưa.
Ngày nay, dân cư thời cận đại hầu như không biết về giai đoạn lịch sử này. Thời gian đã trôi qua cách đây 600 năm về trước, trong khi đó những làng mạc dọc theo hai bên lưu vực của dòng sông Ngàn Sâu hàng năm vẫn phải sống chung với lũ lụt nên dẫu có các bút tích của người xưa để lại thì cũng không thể bảo tồn được. Hương Khê, tự bản chất tên gọi cũng gợi cho ta hình ảnh của một vùng rừng núi bao la nhiều khe suối, lại là vùng rừng núi biên cương giáp Lào. Vì vậy những nghiên cứu lịch sử về vùng đất này hầu như không có. Lịch sử chỉ đề cập tới Hương Khê qua phong trào Cần Vương và đỉnh cao là khởi nghĩa Phan Đình Phùng (1885-1896). Ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về giai đoạn khẩn hoang lập ấp thời Trần, ta khẳng định vùng Ngũ Khê khi xưa chính là làng mạc được thành lập thuở ban đầu. Hiện nay tên gọi tại khu vực này đã thay đổi hoàn toàn. Ngũ Khê được gọi là Mỹ Khê (10), Thiên Mộ đổi là Phương Mộ… Khi quân triều đình về dựng trại khẩn hoang và xây dựng khu dinh thự, phố chợ, không ai nghĩ tới rằng đây là nơi sơn cùng, thủy tận. Giải đất bình nguyên bên sông thật đẹp, đúng là sơn thủy hữu tình. Mùa lũ về, nước tuôn đổ từ trên các dãy núi, từ thượng nguồn Ngàn Sâu dồn lại, mọi người mới nhận ra điều nguy hiểm khi dòng sông uốn mình qua chín khúc làm cho lưu lượng của dòng chảy chậm hẳn, nước dâng cao đụng phải cồn voi dội ngược tạo ra ngập úng cả vùng. Người xưa cũng đã chống chọi với thiên nhiên, sau nhiều năm bất lực với lũ lụt mới chuyển làng lên những vùng cao như Mỹ Khê, Nam Hạ; để lại cánh đồng trống không chỉ có tên gọi các địa danh là còn tồn tại.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Tùng Quy, một tùy tướng của Lê Lợi phát hiện nơi ở của Hoàng hậu Bạch Ngọc liền báo với Lê Lợi. Lê Lợi cảm thấy bất ngờ vì giữa chốn núi rừng lại có những điều thật kỳ thú. Ông gặp bà Hoàng hậu Bạch Ngọc, cảm mến sắc đẹp của công chúa Huy Chân, đem lòng yêu mến. Ông đã lấy công chúa Huy Chân làm phi và xây dựng cho hai mẹ con bà Bạch Ngọc hai cung điện gọi là Phượng Hoàng và Ngũ Long (11). Hoàng hậu Bạch Ngọc dâng tất cả điền trang cho vua Lê. Điền trang của bà Hoàng hậu do địa thế tự nhiên núi non hiểm yếu, thuận lợi về quân sự, nên quân Minh không thể phát hiện ra chỗ ở của Bà. Từ đó điền trang của Bà trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến và là cơ sở hậu cần cung cấp sức người, sức của giúp đỡ Lê Lợi chống quân Minh xâm lược(12).
(9) Theo Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb, Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.290. (Ngũ Khê, nay là Mỹ Khê, thôn Hương Trung, xã Phương Mỹ, hữu ngạn Sông Ngàn Sâu).
(10) An Tĩnh cổ lục, Hippolyte Le Breton, Nxb. Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.290.
(11) Đền Ngũ Long thường gọi là đền Thánh Mẫu, được lập tại làng Hoà Yên, tổng Đồng Công, thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc, Công chúa Huy Chân và Công chúa Trang Từ.
(12) Bà Ngọc Hảo trở về quê hương khoảng năm 1380 sau Khi vua Trần Duệ Tông mất (1377), cho tới khi gặp Lê Lợi khoảng năm 1428 khi Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An.
Trang Từ công chúa con của công chúa Huy Chân lấy Minh Quận công Bùi Ban, thuộc hàng Khai quốc công thần của nhà Lê đã có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống giặc Minh xâm lược tại vùng An Tĩnh. Vào thời Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Bùi Ban bị thương tại Chăm pa, sau đó về mất tại truông Bắt, làng Thổ Hoàng, huyện Hương Khê. Tại Mỹ Khê có đền Ông Tướng thờ Bùi Ban. Rất tiếc đền thờ ngày nay chỉ còn lại nền đất. Trang Từ công chúa sau này tái giá cùng ông Khôi Quận công Trần Hồng, người làng Đồng Lạc, phủ Đức Thọ. Về sau, nàng xuất gia về tu tại chùa Am cùng mẹ và bà ngoại tại Đức Thọ (13).
Ngày nay, tại xã Phương Mỹ (tên gọi mới hiện nay là Điền Mỹ), huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và các vùng lân cận, khi nhắc tới danh xưng Thổ Hoàng, nhiều người vẫn khẳng định đấy là tên gọi của quê hương chung thuộc tổng Thổ Hoàng trước đây(14). Các địa danh vẫn còn tồn tại những tên gọi xưa kia nhưng địa hình ngày nay đã có nhiều thay đổi. Theo tác giả Hippolyte Le Breton thì địa bàn Bà Hoàng hậu dừng chân là vùng Bi Bản (Tri Bản)(15). Như vậy những bài viết nghiên cứu về Điền trang Bà Trần Thị ngọc Hảo hay Hoàng hậu nhà Trần chỉ mới đề cập tới những vùng đất liên quan tới Đức Thọ còn có tên gọi là La Giang, nơi có chùa Am là nơi tu hành cuối đời của bà Hoàng hậu mà vô tình bỏ sót một giai đoạn khoảng hơn 40 năm trước đó. Có thể các sử gia Triều Lê chỉ ghi nhận những thành quả của Bà Hoàng hậu kể từ khi tùy tướng của Lê Lợi là Nguyễn Tùng Quy phát hiện ra nơi ở của Bà cho tới khi Bà quy tiên. Lăng mộ của Bà tại núi Phúc Sơn, tục gọi Núi Vua tại địa phận làng Hoà Yên, cách chùa Am 2 cây số về phía Nam (16). Nhưng theo Hippolyte Le Breton thì không còn dấu vết gì của các mộ ấy nữa.
Nơi doanh trại xưa kia lâu dần bị hoang hóa, cho tới khi tổ tiên của những người Thổ Hoàng hiện tại di cư tới khai hoang lập ấp và thành lập làng Phương Trạch (17).
(13) Thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Bùi Ban là con của Bùi Bị, một danh tướng của Lê Lợi đánh giặc và bị thương tại Chăm Pa, sau đó chết tại Truông Bắt, Thổ Hoàng. Truông Bắt tức trại Bắt ngày nay, thuộc khu vực Mỹ Khê. Tại Mỹ Khê có đền thờ Ông Tướng nhưng nay chỉ còn lại nền đất. Qua câu chuyện trên ta thấy được mối liên hệ giữa những nhân vật của Triều đình nhà Lê với vùng đất khởi nghiệp xưa kia của Bạch Ngọc Hoàng hậu. Thời điểm này cách giai đoạn Bà Ngọc Hảo về tu hành tại chùa Am khoảng 30 năm. Có thể dòng họ Bùi nơi đây là hậu duệ của Bùi Ban.
(14) Tháng 2/2006, buổi gặp mặt đồng hương Thổ Hoàng lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, ngoài những người có đạo, còn có những người lương dân thuộc các vùng lân cận như Mỹ Khê, Nam Hạ, phúc Đồng, Hà Linh sống tại miền Nam cùng về tham dự. Vì họ cho rằng đấy chính là quê hương của họ.
(15) An Tĩnh cổ lục, Hippolyte Le Breton, Nxb. Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.290.
(16) Lê Như Thủy, Bà Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tông (1373-1377), Tạp chí Tri Tân, số 70 năm 1942.
(17) Căn cứ vào tên gọi của các địa danh tại thôn Phương Trạch xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, nay là giáo xứ Thổ Hoàng – Giáo phận Vinh, ta có thể đánh giá đây chính là doanh trại đầu tiên của bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, sau đó vì lũ lụt mà phải dời lên những vùng cao như Nam Hạ, Mỹ Khê. Theo tác giả Hippolyte Le Breton trong An Tĩnh cổ lục thì Ngũ Khê là một trong những làng xóm đầu tiên trong điền trang của bà. Như vậy khu doanh trại này thời kỳ đầu có tên là Ngũ Khê, sau này dời lên vùng cao, về sau gọi là Mỹ Khê. Thực tế 2 địa danh này chỉ cách nhau dòng sông Ngàn Sâu. Một bên là đồng bằng, nột bên là đồi núi. Khu doanh trại đầu tiên lâu dần bị hoang hóa do lũ lụt. Sau này tổ tiên của những người Thổ Hoàng hiện tại di cư tới lập làng Phương Trạch.
IV.GIAI ĐOẠN DI CƯ CỦA CÁC DÒNG HỌ
Khi tổ tiên của những người Thổ Hoàng hiện tại từ nhiều nơi trong vùng An Tĩnh, Thanh Hóa di cư tới thì nơi đây đang trực thuộc tổng Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn. Hầu hết gia phả các dòng họ đều ghi nhận hoàn cảnh xã hội lúc đó đang loạn lạc, nhiều người phải bỏ quê nhà chạy loạn tìm chốn nương thân. Căn cứ vào các thế hệ được ghi nhận trong gia phả của các dòng họ, kể từ thế hệ đầu tiên tới định cư tại vùng đất Phương Mộ cho tới nay truyền được 10 đời (18). Yếu tố loạn lạc được ghi nhận trong gia phả các dòng họ trùng hợp với giai đoạn khi quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc Hà đã dừng chân tại đất Hoan Châu để tuyển mộ quân sỹ. Giai đoạn loạn lạc này về phía Bắc quân Thanh lấy cớ sang giúp Lê Chiêu Thống nhưng thực tế là xâm chiếm nước ta, phía Nam quân Tây sơn tiến quân ra Bắc, đi tới đâu tuyển mộ binh sỹ sung quân và thu lương tới đó. Đối với người dân lương thiện không gì hơn là tìm một chốn xa xôi, hẻo lánh, bình yên để làm ăn. Tổng Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn thời điểm đó cũng như toàn bộ huyện Hương Khê sau này, là một huyện miền núi hiểm trở, xa lánh cảnh binh biến và có thể an tâm làm ăn sinh sống. Có thể ông cha chúng ta đã đến vùng đất này trong hoàn cảnh đó. Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung đại thắng quân Thanh. Đây là cột mốc quan trọng để giúp cho người đời sau xác định lại thời điểm lịch sử. Thời gian cũng có thể dao động trước và sau thời điểm này trong vòng hai thập niên vì triều đại Quang Trung chỉ tồn tại tới năm 1792, nhất là những năm cuối đời của vua Quang Trung, cuộc chiến giữa Quang Trung và Nguyễn Ánh chỉ xảy ra ở Đàng Trong. Giai đoạn này tương ứng với thế hệ đầu tiên được ghi nhận trong gia phả các dòng họ cư ngụ lâu đời tại đây.
(18)Thông thường một thế hệ được tính trong khoảng thời gian là 25 năm. Tuy nhiên hoàn cảnh của xã hội phong kiến ngày xưa đã làm cho khoảng cách được rút ngắn lại. Tục tảo hôn cũng như quan niệm ‘nữ thập tam, nam thập lục’ vô hình chung đã thúc đẩy cho các thế hệ xích lại gần nhau hơn. Con cái của ông anh cả nhiều khi lớn hơn tuổi với chú út trong gia đình là lẽ thường tình. Có thể nói thế hệ của người xưa tại các vùng nông thôn xê dịch trong khoảng 20 - 25 năm, điều này cho phép ta ước tính thời gian tổ tiên của những người Thổ Hoàng di cư tới thôn Thiên Mộ trong khoảng thời gian từ 1765 – 1790.
(18.1) Căn cứ vào gia phả họ Ngô vùng đất Phương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh được công bố năm 2010, ông Ngô Xuân Hiền được coi là tổ phụ của dòng họ Ngô tại Phương Trạch. Kể từ cụ Ngô Xuân Hiền trở về sau con cháu tiếp nối được 10 đời. (Phả tộc họ Ngô Thổ Hoàng 2010).
(18.2) Căn cứ vào gia phả họ Nguyễn vùng đất Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh được công bố theo bản dịch từ nguyên bản chữ Hán (1936) chuyển sang Quốc ngữ năm 1982 và sau này được tu chỉnh lại theo bản dịch 1995: ‘Ông Nguyễn Trọng Minh, sống tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ông là một vị danh tướng thời hậu Lê, cầm quân ra trận, chiến đấu và tử nạn trên biển nên không có mộ phần. Bài vị được thờ tự tại nhà thờ họ Nguyễn ở Sầm Sơn – Thanh Hóa. Sau khi cha mẹ qua đời, ông Nguyễn Văn Thảng là con trai duy nhất cùng vợ là Hồ Thị Dương vào lập nghiệp tại thôn Tùng Sơn - Mỹ Khê. Ông Thảng là người có sức khỏe và mưu trí dám một mình chống chọi và đánh nhau với khái (cọp) dẫn đến tử nạn. Sau khi ông mất, mẹ con bà Dương đưa nhau sang làng Vạn tiền tòng giáo đạo vào năm Kỷ Dậu (1789). Riêng người con cả là Nguyễn Văn Khánh vẫn để lại bên Lương để lo việc hương khói thờ phụng tổ tiên. (theo Gia phả họ Nguyễn Phương Trạch).
Trong câu chuyện dân gian được truyền tụng lâu đời của những người dân tại vùng đất Phương Mỹ đều nhắc lại giai đoạn khi tổ tiên của họ đến khai hoang lập ấp, điểm dừng chân là thôn Thiên Mộ, sau này đổi lại là Phương mộ. Riêng chi tiết này cũng gợi cho ta những điều cần phải suy nghĩ. Trước mặt thôn Thiên Mộ là đường Thiên Lý. Hai chữ Thiên gắn liền với nhau tại một vùng đất hẳn phải có liên quan tới một giai đoạn lịch sử, tên gọi này có thể được xác lập từ rất lâu trước khi những di dân tới đây lập nghiệp(19). Vùng đất được gọi là Thiên Mộ là một doi đất nổi lên hình dáng giống như một ngôi mộ, chiều dài khoảng 1000m, chiều ngang khoảng 300m được chia làm 2 xóm, xóm Thượng và xóm Hạ. Dân gian vẫn thường cắt nghĩa Thiên Mộ có nghĩa là mộ nhà trời. Đường Thiên Lý là con đường bộ băng ngang qua đồng Cửa Ràn, chỉ lưu thông được trong mùa nắng, khi mùa lũ về thì bị chìm trong biển nước. Đây là con đường bộ được thiết kế theo hướng Bắc – Nam. Con đường này hẳn đã được lưu thông lâu đời, thời Pháp thuộc cũng đã chôn trụ ki-lô-mét, mãi về sau thời gian cải cách ruộng đất 1953 - 1954, người dân tưởng rằng đó là nơi chôn dấu của cải của người Pháp nên đã đào mất gốc.
Khi những người di dân tới khai hoang lập ấp, thì tên gọi cũ của vùng đất này cũng được thay đổi, Thiên Mộ được đổi lại là Phương Mộ. Điều này gắn liền với tên gọi của một địa danh mới, đó là Phương Trạch. Cùng một lúc các địa danh tại khu vực này được gắn liền với chữ Phương: “Phương Mộ, Phương Trạch, Phương Mỹ” hẳn phải có nguyên nhân. Cách cắt nghĩa xem ra hợp lý nhất, thể hiện được ý nghĩa của người xưa:
- Phương Mộ là địa phương chiêu mộ dân cư lập ấp. Khi mà vùng đất này trở nên chật hẹp, các cố và những người lớn tuổi hàng năm ra căn đo mực nước của dòng sông Ngàn Sâu để đi đến một quyết định lập làng Phương Trạch.
(19) Đây có thể là con đường bộ được thiết lập từ thời khẩn hoang xa xưa. Con đường mang tính nội bộ trong phạm vi của một huyện miền núi. Ngày nay hầu như bị lãng quên.
- Tên gọi Phương Trạch có nghĩa là vùng đất chọn đúng phương hướng. Phương Trạch cũng đã có thời gian là tên gọi của một xã và thu hẹp lại là thôn. Về mặt tôn giáo Phương Trạch hầu như chỉ thuần thúy là tên gọi của giáo họ trị sở trực thuộc giáo xứ Thổ Hoàng.
Phương Trạch là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn nằm trước mặt thôn Thiên Mộ và bên phía tả ngạn của dòng sông Ngàn Sâu. Hàng năm vùng đất này luôn phải chịu cảnh lũ lụt, vì thế các cố đo mực nước để xem con nước dâng cao cỡ nào rồi mới có quyết định lập làng. Khi ấy, vùng thượng nguồn Ngàn Sâu còn nguyên sơ, hàng năm về mùa lũ nước nguồn không tuôn đổ ào ạt như sau này. Trong quá khứ cũng từng có những trận lụt nhấn chìm vùng đất hạ Ngàn Sâu trong biển nước, vì thế đây là nỗi lo của người xưa, sự cẩn trọng cũng như tìm ra những biện pháp đối phó với lũ lụt đã làm cho những con người nơi đây trở thành linh hoạt và biết cách sống chung với lũ. Đây cũng chính là nơi tồn tại những địa danh phản ánh của một thời kỳ phồn thịnh như đã nhắc ở phần trước. Thời gian trôi qua đã lâu, kể từ khi làng Ngũ Khê dời lên những vùng cao để tránh lũ lụt cho tới khi tổ tiên của những người Thổ Hoàng hiện tại tới lập nghiệp, thời gian cách xa trong khoảng 350 năm. Người dân sau này không nắm bắt được quá trình lịch sử của vùng đất mình đang sinh sống mà hầu như chỉ được truyền khẩu lại từ giai đoạn lập làng Phương Trạch trở về sau…
Tại các khu vực này còn sót lại nhiều di tích từ thuở bà Trần Thị Ngọc Hảo về khẩn hoang và lập làng Ngũ Khê, nhưng khi người dân tới khai phá thì dần dà các di tích này bị phá hủy, thậm chí các đình chùa, nhà thờ tự lại bị phá hủy không thương tiếc trong giai đoạn cải cách ruộng đất sau này. Cổng Dinh là di tích cuối cùng bị tàn phá vào thời điểm 1953 – 1954, nguyên nhân cũng bởi vì ngộ nhận là nơi chôn dấu của cải của người xưa mà một số người đã ra tay đào bới, phá hủy. Cổng Dinh là cổng dẫn vào khu dinh thự. Vị trí này nằm trên con đường đi dọc theo bờ sông dẫn vào đồng Dinh. Cổng nhìn về hướng Đông, ngọn đồi trước mặt bên kia sông Ngàn Sâu là đình Mỹ Khê. Phần sông được gọi là Cửu Khúc song song với đồng Dinh. Hình thức uốn lượn của Cửu Khúc giống như hình con rồng thời Lý. Có thể cấu tạo địa chất nơi đây có những điểm đặc biệt mà với tác dụng xâm thực của dòng chảy đã tạo nên những điểm kỳ thú của thiên nhiên. Dòng Ngàn Sâu chảy qua Cửu Khúc quanh co, lưu lượng chậm hẳn, sau đó đổ về phía vực Gia. Về mùa lũ cồn Voi trở thành lá chắn làm cho nước dội ngược lại, thoát không kịp, dâng cao ngập lụt cả cánh đồng cho nên người xưa gọi nơi đây là “Cửu Khúc hồi lai”, tuy nhiên người dân lại gọi một cách dân dã là “chín khúc hội nai” vì nghĩ rằng đây là điểm nai thường hội tụ về uống nước, thực tế nhìn bờ sông 2 bên thẳng đứng thì làm sao nai có thể xuống uống nước được.
Dòng sông Ngàn Sâu cũng đã từng có tên khác là Cửu Đức và Thâm Giang. Từ Cửu Đức cũng có thể được bắt nguồn từ Cửu Khúc… Dòng sông này đã chứng kiến những biến thiên của lịch sử, dòng chảy vẫn lặng lẽ xuôi về biển cả và chuyển tải bồi đắp cho ruộng đồng quê hương bao vị phù sa. Đặc điểm của những dòng sông nơi quê hương Hồng Lĩnh hầu như mang chung một bản chất lúc hiền hòa, lúc giận dữ. Người xưa đã huyền thoại hóa hiện tượng của thiên nhiên qua câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Người dân ở vùng Nghệ Tĩnh nói chung hàng năm phải chống chọi vỡi bão lụt, thời tiết và thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện con người nơi đây trở thành kiên cường, bất khuất…
Từ cổng Dinh đi ngược về thượng nguồn, qua rộc Bến Đình là bãi Chợ Hôm. Cảnh quan ở đây trông thật đẹp, đúng là sơn thủy hữu tình. Người xưa đã đặt tên cho vùng đất là Phương Mỹ, có lẽ vì cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên. Một địa phương đẹp đẽ, một giang sơn gấm vóc, không có ý nghĩa nào giá trị và cô đọng hơn bởi hai từ: Phương Mỹ… Chữ Mỹ ở đây liên quan tới từ Mỹ Khê. Mỹ Khê là tên gọi được chuyển đổi của từ ngữ ban đầu là Ngũ Khê. Không rõ ở đây có bao nhiêu con suối, nhưng chính từ Ngũ Khê đã nói cho chúng ta biết điều ẩn chứa qua từ ngữ. Nghiên cứu về vị trí của cổng Dinh ta có thể nhận ra được những điều lý thú. Cổng Dinh nhìn về hướng Đông, bên kia sông là làng Mỹ Khê. Như vậy ta có thể hiểu được trong xã hội phong kiến xa xưa, sự phân cấp của khu vực dinh thự dành cho quan lại và làng mạc dành cho thứ dân được định hình rõ ràng. Vào thời điểm làng Phương Trạch được thành lập, Bãi Chợ Hôm chưa có, bên hữu ngạn của dòng sông là chợ “Lụy”(20), bên cạnh đó là mỏm đồi nhô cao trở thành một vị trí quan sát toàn vùng. Ngày xưa đình Mỹ Khê tọa lạc nơi đây, ngày nay tất cả chỉ còn lại nền đất trống rỗng.
Đứng tại vị trí của đình Mỹ Khê xưa kia, thả hồn ra bốn hướng ta mới cảm nhận hết được giá trị linh thiêng của nơi núi sông hội tụ. Dòng sông đã chia thung lũng của vùng hạ Ngàn Sâu thành đôi bờ, một bên là doanh trại của Bạch Ngọc Hoàng Hậu xưa kia, một bên là Mỹ Khê, vùng đất được mệnh danh là đất Vua ban sau này(21). Thung lũng này được bao quanh bởi những rặng núi trùng điệp, nơi khởi đầu của dãy Trường Sơn. Các nhà viết sử, xưa kia có lẽ cũng đã đứng từ đình Mỹ Khê để quan địa hình của vùng hạ Ngàn Sâu, để nhìn thấy dòng chảy uốn mình qua Cửu Khúc, để phát hiện ra sự linh thiêng của sông núi. Đây có lẽ cũng là điểm hấp dẫn bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, dẫu cho có sống đầy đủ trong cảnh giàu sang nhung lụa nhưng lòng vẫn hướng về quê nhà, hoàn cảnh của xã hội giai đoạn cuối thời Trần đã tạo điều kiện để bà trở về cố quận.
Ngược thời gian quay trở về 600 năm trước, ta có thể hình dung hai bên bờ của dòng sông Ngàn Sâu tại khu vực này đã có nhiều thay đổi. Chợ Lụy bên bờ Mỹ Khê ngày nay không còn nữa, bờ sông bị xâm thực thành thẳng đứng, thời xa xưa thì phía bờ sông này chắc chắn phải thoai thoải mới thuận tiện cho thuyền bè cập bến và người dân họp chợ ven sông. Ta cũng không thể tham vọng cho rằng đây là nơi đô hội, bởi vì cho tới hôm nay cũng là một địa phương miền núi xa xôi hẻo lánh, có chăng là đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời, những vết cắt của lịch sử chồng lấn lên nhau cần được làm sáng tỏ. Chợ Lụy bên kia sông vẫn được những người lớn tuổi tại Phương Trạch nhắc đến như là một kỳ tích của ông cha thuở trước. Sự việc này liên quan đến ông Trần Hậu Nghĩa, người được coi là tổ phụ của dòng họ Trần tại đất Phương Trạch(22). Khi làng Phương Trạch hình thành, thu hút cư dân nhiều nơi trong trong tỉnh An Tĩnh, Thanh Hóa tới lập nghiệp, kể cả xóm vạn nghề(23) trên sông là người của làng Thịnh Quá và Làng Truông cũng bỏ thuyền lên bờ(24)…
(20) Chợ Lũy hay chợ Lụy? Cách phát âm của một số vùng tại Nghệ Tĩnh hầu như không có dấu ngã, cho nên “Lụy” là đúng hơn.
(21) Đất Vua Ban: 1884 Vua Tự Đức ban cho cha già Hoằng về khẩn đất Mỹ Khê cho dân nhờ. Trích Tự sự Nguyễn Hoàng.
(22) Khi làng Phương Trạch được thành lập thu hút cư dân ngày càng đông, chợ Lụy trực thuộc vùng Mỹ Khê bên kia sông vốn có từ lâu đời nhưng trở thành bất tiện vì không có nơi cho thuyền bè cập bến bởi tác dụng xâm thực của dòng sông đã xói mòn bờ bên kia thẳng đứng, trong khi bãi Chợ Hôm bên này sông trở nên thuận lợi hơn, dòng chảy đã bồi đắp bờ sông bên tả ngạn thành bãi cát bồi, thuyền bè ra vào thuận lợi. Để cưới được chợ bên kia sông về bên này là một điều rất nhiêu khê. Nhưng ông Trần Hậu Nghĩa đã làm được điều đó. (Xem thêm Quê Hương Thổ Hoàng – HCN).
(23) Vạn nghề hay vạn chài còn gọi là Vạn đò phường là từ ngữ nói chung chỉ về những người sống nghề chài lưới trên sông, quy tụ thành các nhóm nhỏ lênh đênh trên sông nước.
(24) “Thượng gia, hạ thuyền”. Năm 2000, tôi được đọc một tài liệu viết tay của cố Ngô Xuân Thiêm (cố Cát) sống tại Bình Giã viết về họ Ngô có đề cập tới chi tiết này. Cố Cát là bào đệ cố Ngô Xuân Ngoạn, thường gọi là cố Nguyên, một nhân sỹ của Thổ Hoàng khi xưa, từng đỗ đạt, vinh quy về làng. Trong gia đình còn có linh mục Ngô Xuân Luyện là bào huynh.
V.XÓM ĐẠO PHƯƠNG TRẠCH
Căn cứ vào diễn tiến lịch sử được trình bày trên, khi tổ tiên của những người Thổ Hoàng hiện tại đến khai hoang, lập nghiệp tại vùng đất này thì tên gọi Thổ Hoàng lúc đó là để chỉ một đơn vị hành chính tổng Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn. Đạo công giáo cũng đã được truyền đến đây rất sớm. Theo vào Bản phúc trình ngày 03/10/1676 của linh mục Manoela Ferreyra về các hoạt động truyền giáo như sau:
“Tổng cộng những nơi có bổn đạo sống trong xứ Nghệ An là 195. Trong số này chỉ có 39 theo các Giáo sĩ(các lm VN mới được ĐC Lambert truyền chức), và những nơi khác, tức là 156 theo các Cha Dòng Đức Chúa Giêsu.
Lại còn phải thêm 30 xóm đạo trong đất Bố Chính, nằm sát biên thùy của Đàng Trong, tại những xóm đạo này bổn đạo chỉ chấp nhận các Cha Dòng [Đức Chúa Giêsu], không chấp nhận chút nào các Giáo sĩ, như vậy tổng cộng là 185 xóm đạo trong tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh theo chúng ta [Dòng Dức Chúa Giêsu] ; Ấy là chưa nói đến rất nhiều thuyền của người đánh cá và đi buôn, thuyền chở người dọc theo các con sông lên miền ngược Ngàn Phố, Ngàn Sâu sông Cửu Khúc Hoàng Điền thuộc huyện Thổ Hoàng, Đức Quang phủ. Những người đó hầu như sống trên sông nước, đa số là những người Giêsu hữu. – Những nhà thờ được xây cất trong Nghệ An và Hà Tĩnh là 53. Vùng Đàng ngoài đã chiếm mất 18, do là những nhà thờ do các Thừa sai của Dòng [Đức Chúa Giêsu]. Vùng rừng núi sông Cửu Khúc chỉ có một nhà thờ Thổ Hoàng thuộc Dòng Giêsu chúng ta mà thôi”(25).
Dựa vào bản Phúc trình này ta thấy nổi bật lên các điểm như sau:
- Hầu hết những người sống nghề thuyền chài (còn gọi là phường vạn đò, vạn nghề) trên sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu là những người đã được đón nhận Tin Mừng (26).
- Trong Bản Phúc trình xuất hiện từ “Cửu Khúc Hoàng Điền”, đây chính là ruộng công thuộc triều đình nhà Lê (27).
- Tại khu vực này chỉ có một nhà thờ (28).
(25) Bản phúc trình của Giáo sĩ Manoela Ferreyra ngày 03/10/1676 (trang 366 – 367) trích: Giáo hạt Bố Chính - Cao Vĩnh Phan.
(26) Sông Ngàn Sâu chảy về hướng Bắc qua huyện Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba bến Tam Soa, huyện Đức Thọ tạo thành dòng sông La. Như vậy phường vạn đò ở đây chỉ về những người sinh sống và di chuyển trên các con sông này.
(27) Từ ngữ Hoàng Điền không thấy phổ biến trong các tài liệu về lịch sử mà hầu như chỉ xuất hiện trong báo cáo của Giáo sĩ Manoela. Cửu Khúc là tên gọi của sông Ngàn Sâu. Ta không nên nhầm lẫn đó là vị trí của Giáo xứ Thổ Hoàng, GP.Vinh hiện tại mà là chỉ một vùng rộng lớn bao gồm huyện Hương Khê ngày nay. Hoàng Điền chính là ruộng đất nằm hai bên lưu vực sông Ngàn Sâu được khai phá từ thời bà Trần Thị Ngọc Hảo, sau này bà đã dâng cho Lê Lợi (1428), số ruộng đất này trở thành ruộng công.
(28) Ngôi nhà thờ được đề cập tới ở đây vẫn là một dấu hỏi vì trong các tài liệu không xác định rõ vị trí. Trong khi đó ta khẳng định được rằng từ ngữ Thổ Hoàng được nêu trong Bản phúc trình là chỉ một vùng rộng lớn. Tài liệu ghi rõ: “thuyền chở người dọc theo các con sông lên miền ngược Ngàn Phố, Ngàn Sâu sông Cửu Khúc Hoàng Điền thuộc huyện Thổ Hoàng, Đức Quang phủ.”
Căn cứ vào Bản phúc trình của Giáo sĩ Manoela cho ta thấy đạo Công giáo đã được truyền đến các làng mạc thuộc hai bên lưu vực dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố từ rất lâu. Do tính chất sinh hoạt cộng đồng tôn giáo khác biệt nên đã hình thành các làng mạc Lương – Giáo cạnh nhau. Trong cùng một dòng họ, hầu như người con trai trưởng vẫn theo đạo thờ cúng tổ tiên, ông bà; người con thứ sang đạo. Sự kiện này hầu như được ghi nhận trong gia phả của các dòng họ… Từ khi làng Phương Trạch được thành lập, thu hút dân cư từ nhiều nơi tới lập nghiệp, kể cả những người vạn nghề trên sông là giáo dân của xứ Làng Truông và Thịnh Quá bỏ thuyền lên bờ làm nhà (29)… Từ những chi tiết này, ta có thể khẳng định làng Phương Trạch được thành lập và quy tụ những người giáo dân từ nhiều nơi tới lập nghiệp. Bên cạnh đó làng Mỹ Khê đã có tự lâu đời. Dần dà có những gia đình bên Lương tại Mỹ Khê cải đạo sang Giáo và chuyển qua sinh sống tại làng Phương Trạch, thuận tiện cho vấn đề sinh hoạt (30).
(29) Tài liệu của Cố Ngô Xuân Thiêm (Cố Cát).
(30) Gia phả họ Nguyễn ghi nhận bà Hồ Thị Dương vợ Ông Nguyễn Văn Thảng (mất) cùng các con cải đạo năm Kỷ Dậu 1789, trong khi đó Ông Nguyễn Văn Khánh là con trưởng vẫn ở lại bên Lương lo việc thờ cúng tổ tiên; Gia phả họ Hoàng ghi nhận Cố Hoàng Bang, Hoàng Ngợi theo đạo khoảng năm 1865, trong khi đó cố Tông Dũng và cố Nuôi Phê là cửa trưởng vẫn ở lại bên Lương.
(31) Trích: Mừng năm thánh 2010, xem Lịch sử Truyền giáo Việt Nam (bài 10) thành lập và tổ chức 17 giáo phận tông tòa, từ 1659 đến 1959 (Gs.Trần Văn Cảnh)
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&;;v=detailarticle&id=13&ia=7289
VI.THỔ HOÀNG, TÊN GỌI CỦA MỘT GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN VINH
A.THÀNH LẬP GIÁO PHẬN VINH:

327992394 898029521235655_3757556115871253814_n


Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) quá rộng lớn. Ngày 27.03.1846, Đức Giáo Hoàng Gregorius XVI chia đôi : một vẫn giữ tên cũ là Tây Đàng Ngoài, một lấy tên mới là Nam Đàng Ngoài (Vinh), gồm Bố Chính, Nghệ An, Hà Tĩnh. Giáo phận mới có 1 giám mục là Đức cha Gautier Hậu, 35 linh mục việt nam, 4 thừa sai, 75 thầy giảng, 69 chủng sinh, 220 nữ tu, 18 giáo xứ với 66.350 giáo dân. Từ năm 1868-1869, với sự trợ giúp đắc lực của Ông Nguyễn Trường Tộ, Đức Cha xây dựng cơ sở Tòa Giám Mục tại Xã Đoài. Năm 1951: Giáo phận Vinh được trao cho đức tân Giám Mục Baotixita Trần Hữu Ðức.
Kể từ khi thành lập, Giáo phận Vinh bắt đầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức các Giáo hạt, Giáo xứ. Sự phân cấp lại hệ thống tổ chức này giúp ta xác định được rõ ràng hơn các danh xưng về tổ chức của giáo phận mới. Trong Lịch sử Truyền giáo của Lm.Trương Bá Cần thường đề cập tới từ ngữ “Trú sở”, Giáo sĩ Manoela lại gọi là ‘Xóm đạo”. Từ ngữ này vẫn còn tồn tại cho tới giai đoạn sau này, chỉ những nơi cư ngụ của giáo dân…
B.THÀNH LẬP GIÁO XỨ THỔ HOÀNG:
Năm 1865, Giáo phận Vinh thành lập Giáo xứ Thổ Hoàng và Làng Truông trực thuộc Hạt Ngàn Sâu. Hai giáo xứ này về mặt hành chính trực thuộc tổng Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn. Năm 1867 huyện Hương Khê được thành lập, tên gọi Thổ Hoàng thu hẹp lại trong phạm vi xã Thổ Hoàng, tổng Phương Điền. Ngày nay tên gọi Thổ Hoàng chỉ còn tồn tại tên gọi của một giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, về mặt hành chính thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Lịch sử đã có những thay đổi, những biến thiên này đều có một quá trình tất yếu. Ngay cả khi Giáo phận Vinh đặt tên cho một giáo xứ mới trong trường hợp này cũng là một ngoại lệ. Thông thường là lấy tên giáo họ trị sở để đặt tên cho giáo xứ, nhưng đây lại lấy tên của một địa danh hành chính để đặt tên cho giáo xứ này hẳn phải có những nhìn nhận về yếu tố lịch sử và truyền thống. Rất tiếc không có một tư liệu nào để lại giúp cho người đời sau hiểu rõ sự lựa chọn của người xưa. Tuy nhiên nhìn về tổng thể quá trình đã trình bày trên, ta hiểu được ý định của các bậc tiền bối muốn lưu giữ một giá trị lịch sử liên quan tới mặt xã hội, đồng thời gắn liền với một giai đoạn truyền giáo đầy gian khó và thử thách.
VII.THAY LỜI KẾT
Những vấn đề liên quan tới danh xưng Thổ Hoàng là một khảo luận dựa trên những tư liệu lịch sử, bên cạnh đó là những giả định của tác giả. Những tài liệu khảo cứu trước đây của một số tác giả khác hầu như chỉ đề cập tới vùng Đức Thọ, nơi có chùa Am, là nơi tu hành vào giai đoạn cuối đời của bà Hoàng hậu Bạch Ngọc. Những sử gia triều Lê cũng chỉ đề cập tới huyện Thổ Hoàng vào thời thuộc Minh và ghi nhận những thành quả khẩn hoang của bà Bạch Ngọc sau khi bà dâng vùng đất này cho Vua Lê. Có thể vì nơi đây địa lý hiểm trở, là nơi sơn cùng thủy tận nên đã không lọt vào mắt xanh của những nhà nghiên cứu. Những nghiên cứu về vùng đất Thổ Hoàng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê hầu như không có. Theo chủ kiến của tác giả đây là một sự thiếu sót cần phải nêu lên để các bậc học giả, các nhà nghiên cứu sẽ cất công tìm ra sự thật, bổ khuyết lại một giai đoạn lịch sử trong quá khứ.
Hoàng Công Nga

Read 417 times Last modified on Thứ tư, 01 Tháng 2 2023 06:48