Mỗi Tuần Một Thành Ngữ | Bài 2: Sơn Cùng Thủy Tận
Posted by Ban Biên TậpThành ngữ là một thể loại văn học dân gian, được ông cha ta đúc kết qua bao đời. Nó được sử dụng rộng rãi trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày. Nó cũng là “chất liệu” để sáng tác thơ ca, văn học. Thành ngữ thường ngắn gọn nhưng ý tứ rất phong phú và sâu sắc, nó cho ta nhiều bài học thú vị...
MỖI TUẦN MỘT THÀNH NGỮ
BÀI 2: SƠN CÙNG THỦY TẬN
GIẢNG VIÊN: GIUSE NGUYỄN VĂN QUÝNH
Thành ngữ “sơn cùng thủy tận” được tạo thành nhờ các từ Hán Việt: sơn (núi), cùng (cuối) thủy (nước) và tận (hết).
Như vậy, thành ngữ “sơn cùng thủy tận” là chỉ những nơi sâu thẳm, heo hút, xa xôi hẻo lánh, cùng trời cuối đất.
Chúng ta có thể đặt câu với thành ngữ này như sau.
- Các giáo viên miền núi thi hành nhiệm vụ ở những nơi “sơn cùng thủy tận” mà vẫn nhiệt tình hết lòng.
Quý vị và các bạn thân mến,
Thành ngữ “sơn cùng thủy tận” còn chỉ nơi cuối cùng của việc kiếm sống, chỉ nơi tận cùng của con đường sống, nghĩa là không còn lối thoát nào nữa. Đó là khi hoàn cảnh dồn người ta đến chân tường, không còn đường nào khác ngoài con đường duy nhất, con đường cuối cùng.
Thí dụ:
- Chúng tôi đem nhau đến đây coi như là “sơn cùng thủy tận” để kiếm kế sinh nhai.
Quý vị và các bạn thân mến,
Cuộc sống khắc nghiệt hôm nay, nhất là sau đợt dịch covid, bao nhiêu con người thất nghiệp, phải bươn chải kiếm sống. Nhiều gia đình cũng rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, phải bỏ thành thị mà đến những nơi “sơn cùng thuỷ tận” để sống cho qua ngày đoạn tháng. Thật là tội nghiệp lắm thay!
Một thành ngữ khác cũng diễn đạt ý tưởng này, đó là “thâm sơn cùng cốc” : “thâm sơn” là núi sâu, “cùng cốc” là cuối hang. Nghĩa đen là núi sâu hang cùng. Nghĩa bóng là nơi rừng núi hoang vu, xa xôi hẻo lánh, không một bóng người.
Chúng ta có thể đặt câu với thành ngữ này như sau.
- Các đạo sĩ thường ẩn mình tu hành nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta vừa tìm hiểu thành ngữ “sơn cùng thủy tận” .
Tuần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về thành ngữ “đứng mũi chịu sào”.
Mến chào tạm biệt quý vị và các bạn.
https://giaophanphucuong.org/tieng-viet-online/moi-tuan-mot-thanh-ngu-%7C-bai-2-son-cung-thuy-tan-31887.html