Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 07 Tháng 5 2024 08:03

Cử Hành Thánh Thể: Bài 26-Lời Nguyện Tiến Lễ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 26 – LỜI NGUYỆN TIẾN LỄ



Giuse Phạm Đình Ái, SSS

 

WHĐ (08.04.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 26: LỜI NGUYỆN TIẾN LỄ

I/ NGHI THỨC

Rửa tay xong, linh mục trở lại giữa bàn thờ, đứng hướng về cộng đoàn, dang tay, rồi chắp lại, mời gọi họ cầu nguyện và nói: Anh chị em hãy cầu nguyện... Sau khi cộng đoàn đứng dậy và thưa Xin Chúa nhận hy lễ …, linh mục sẽ dang tay đọc lời nguyện tiến lễ. Cuối lời nguyện, cộng đoàn tung hô: Amen (x. QCSL 146; NTTL  30). Sau khi đặt lễ vật trên bàn thờ và hoàn tất những nghi thức đi kèm, qua lời mời cộng đoàn cùng cầu nguyện và đọc lời nguyện tiến lễ, linh mục kết thúc phần chuẩn bị lễ vật và sửa soạn đọc Kinh nguyện Thánh Thể (QCSL 77; x. NTTL  30).

II/ LỊCH SỬ

Trong phụng vụ Rôma ngày xưa, khi còn trong giai đoạn ứng khẩu, người ta không thấy có lời nguyện tiến lễ sau khi dâng lễ vật mà thường chỉ có bài hát đi kèm cuộc rước dâng lễ, sau đó là Kinh Tạ Ơn/Kinh Nguyện Thánh Thể.[1]

Dần dần, khi phụng vụ được hình thành cố định, trong tất cả các Sách Nghi Thức Bí Tích Rôma (Sacramentarium), các lời nguyện được thêm vào như phần kết của những cuộc rước: (1) Lời nguyện nhập lễ để kết thúc phần mở đầu và dẫn vào việc nghe Lời Chúa [cuộc rước đầu lễ]; (2) Lời nguyện tiến lễ để kết thúc phần dâng lễ [với cuộc rước dâng lễ vật] và dẫn vào cử hành phụng vụ Thánh Thể; (3) Lời nguyện hiệp lễ nhằm kết thúc phần rước lễ [với cuộc rước hiệp lễ].[2] 

Nguyên thủy, lời nguyện tiến lễ hay khởi đầu còn gọi là lời nguyện trên lễ vật (oratio super oblatađược đọc lớn tiếng như bao nhiêu kinh nguyện khácLời nguyện này nằm trong nghi thức dâng lễ tại Rôma, xuất hiện và phát triển trong khoảng thế kỷ IV hay V.[3] Từ thế kỷ thứ VIII, đầu tiên là tại các lãnh thổ miền Tây nước Đức (Frankish)/vương quốc của người Franc, lời nguyện tiến lễ mất dần ý nghĩa vì không còn là lời nguyện của cộng đoàn nữa mà biến thành lời nguyện tư tế và chỉ dành cho vị chủ tế đọc thầm diễn tả từng cử chỉ của linh mục khi dâng lễ vật và như một sự dẫn nhập hợp lý để bước vào Lễ quy ngay sát vốn vừa thinh lặng vừa thiêng thánh.[4] Do vậy, lời nguyện này bấy giờ mới mang tên gọi là “oratio secreta” (kinh thầm nguyện) như thấy trong cuốn Sacramentarium Gelasianum cổ.[5] Có người cho rằng sỡ dĩ phải đọc thầm vì trùng với việc đọc danh sách những người dâng lễ. Một số học giả giải thích khác: “oratio secreta” có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là “oratio super dona secreta” nghĩa là “lời nguyện trên các lễ vật được lựa chọn riêng ra” nhưng đã bị hiểu lầm là “lời nguyện thầm/kinh thầm nguyện.[6] Các sử gia khác lại giải thích là do ảnh hưởng của phụng vụ Đông phương khiến cho thói quen đọc thầm trở nên phổ biến hơn. Lời nguyện trên lễ vật không được xem là lời nguyện kết thúc phần dâng lễ vật mà được gọi là Lễ quy Nhỏ” nhằm cho thấy tầm quan trọng của nó cũng như được áp dụng cho nghi thức dâng lễ vật và đi trước “Lễ quy Rôma”.[7] Vì vị chủ tế cầu nguyện trong thinh lặng nên không đòi hỏi có một lời đáp nào định sẵn. Tuy nhiên, dần dần sự đa dạng của những câu thưa thành tiếng đã thay thế cho lúc cầu nguyện thinh lặng. Công thức hiện nay đã trở nên thông dụng khắp nơi kể từ thế kỷ XI.[8]

Danh xưng “lời nguyện thầm/kinh thầm nguyện” (oratio secreta) tiếp tục hiện diện trong Sách lễ 1570 và thực hành trong suốt mấy thế kỷ. Chỉ đến năm 1964, ngay trước khi Sách lễ tu chỉnh được hoàn tất, Đức Phaolô VI đã yêu cầu các tư tế phải đọc lời nguyện tiến lễ lớn tiếng. Công cuộc canh tân Sách lễ của Công đồng Vaticanô II đã lấy lại chức năng ban đầu của lời nguyện này và xem nó là nhằm kết thúc phần chuẩn bị lễ phẩm và sửa soạn đọc Kinh Tạ Ơn/Kinh Nguyện Thánh Thể (Prex eucharistica praeparatur). Vì vậy, Hội Thánh trở lại với danh xưng cổ điển ban đầu khi gọi lời nguyện tiến lễ là lời nguyện trên lễ vật/hiến phẩm (oratio super oblata) cùng với việc đơn giản hóa chúng một cách đáng kể.[9] Nói đúng ra, đây không phải là một kinh dâng lễ vật hay một kinh khấn xin (epiclesis) mà chỉ là một lời nguyện nhằm tới Thánh Thể mà thôi.[10]

III/ Ý NGHĨA

Cùng với lời nguyện nhập lễ và lời nguyện hiệp lễ, lời nguyện tiến lễ là một trong ba lời nguyện chính trong bài lễ của mỗi Thánh lễ. Chúng có hai ý nghĩa sau: [i] Là một lời nguyện chuyển tiếp, kết thúc hồi chuẩn bị lễ vật và dẫn cộng đoàn đi vào Kinh nguyện Thánh Thể; [ii] Có nội dung dâng tiến và lãnh nhận nhằm diễn tả tâm tình tạ ơn của dân Chúa vì muôn ân huệ Chúa đã thương ban đồng thời nài xin Chúa đoái thương đón nhận lễ vật Hội Thánh dâng lên.[11]

Khác với nội dung của lời nguyện nhập lễ vốn nói lên đặc tính của ngày lễ hay của mùa phụng vụ cách tỏ tường, lời nguyện tiến lễ thường hàm chứa nội dung tổng quát hơn. Ý tưởng chính của nó là: Xin Chúa thương nhận những lễ vật phàm trần đi đôi với lòng dâng hiến của chúng ta. Xin Người thánh hóa và ban xuống cho chúng ta những ơn thiêng liêng cũng như diễn tả ước muốn của cộng đoàn là được kết hợp với của lễ dâng tiến. Có thể nói, lời nguyện tiến lễ chứa đựng ý tưởng một cuộc trao đổi giữa trời và đất: chúng ta dâng lên Thiên Chúa lễ vật trần gian, và xin Ngài ban lại cho chúng ta ơn thiêng từ trời. Chỉ ngoại trừ một số lễ đặc biệt liên quan đến mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, lời nguyện tiến lễ mới đề cập đến mầu nhiệm của ngày lễ và xin Chúa ban ơn cho chúng ta liên quan đến mầu nhiệm cử hành. Lời nguyện tiến lễ vào lễ đêm Giáng sinh là một trường hợp:

Lạy Chúa, xin thương nhận của lễ chúng con cùng dâng tiến trong đêm Giáng sinh này. Và nhờ cuộc trao đổi kỳ diệu trong mầu nhiệm nhập thể, xin cho chúng con được nên giống Ðức Giêsu là Ðấng đã phối hợp nhân tính của chúng con với thiên tính của Chúa trong chính bản thân Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.[12]



[1] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 90.
[2] X. Ibid.
[3] X. Paul Bradshaw, ed. The New SCM Dictionary of Liturgy and Worship (London: SCM Press, 2002), s.v. “Offertory,” by Jardine Grisbrooke, 452-453.
[4] X. Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 86.
[5] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 91; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 133.
[6] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 61.
[7] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 97.
[8] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 191.
[9]  X. Paul Bradshaw, ed. The New SCM Dictionary of Liturgy and Worship (London: SCM Press, 2002), s.v. “Offertory,” by Kenneth W. Stevenson, 338.
[10] J. Gelineau, Phụng vụ Thánh Thể, dg. VD (Knhxb: Knxb), 23.
[11] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2001),115.
[12] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 107-108.
Read 166 times Last modified on Thứ tư, 08 Tháng 5 2024 07:31