Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 19 Tháng 1 2016 15:41

Bối cảnh Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bối cảnh Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo
 

1. Vài hàng lịch sử

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson, lúc ấy là một mục sư Anh Giáo tại Graymoor, New York, khởi đầu Tuần Tám Ngày Hợp Nhất Giáo Hội với sự hỗ trợ của các vị giáo phẩm Anh Giáo và Công Giáo, trong đó, có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston.

Tuần tám ngày trên bắt đầu ngày 18 tháng 1, lúc ấy là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma và kết thúc ngày 25 tháng 1, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, Wattson và các thành viên khác của Hội Chuộc Tội trở thành người Công Giáo, và qua năm 1910, Wattson được thụ phong linh mục. Việc giữ tuần tám ngày được phổ biến nhanh chóng, và tới năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, trong khi đặt tên lại cho nó là Tuần Tám Ngày Hợp Nhất Ngai Tòa, đã mở rộng việc giữ ngày này ra toàn thể Giáo Hội. Hiện nay, Tuần Lễ này có tên là Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo.

Từ năm 1968, Ủy Ban Đức Tin và Trật Tự của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới và Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo (trước đây có tên Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo) đã cùng nhau soạn thảo tư liệu cho tuần lễ cầu nguyện. Chủ đề của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo năm 2016 là “Được kêu gọi công bố các kỳ công của Chúa” (xem 1Pr 2:9). Các tư liệu năm nay được khai triển tại Latvia.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng năm 1964, Công Đồng Vatican II đã ban hành Sắc Lệnh về Đại Kết gọi là Unitatis Redintegratio, và năm 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Thông Điệp Ut Unum Sint về Đại Kết. Để sửa sai những người muốn dùng đại kết như một cái cớ bào chữa cho viêệ c không chịu công bố tính viên mãn của Đức Tin Công Giáo, năm 2007, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng:

“Đại kết không chỉ có chiều kích định chế nhằm ‘biến việc hiệp thông cục bộ hiện nay giữa các Kitô hữu thành sự hiệp thông trọn vẹn trong chân lý và bác ái'. Nó còn là trách vụ của mọi thành viên tín hữu, trước hết bằng các phương thế cầu nguyện, đền tội, học hỏi và hợp tác. Ở mọi nơi và mọi lúc, mỗi người Công Giáo đều có quyền và bổn phận làm chứng và công bố trọn vẹn đức tin của mình. Với các Kitô hữu không phải là Công Giáo, người Công Giáo phải bước vào một cuộc đối thoại đầy tôn kính trong bác ái và chân lý, một cuộc đối thoại không phải chỉ để trao đổi các ý tưởng, mà còn để trao đổi các ơn phúc, để sự viên mãn của các phương thế cứu rỗi có thể được cung hiến cho các đối tác đối thoại của mình. Nhờ cách này, họ được dẫn tới một cuộc trở về với Chúa Kitô mỗi ngày mỗi sâu sắc hơn”.
 

2. Chủ đề năm nay

Chủ đề “Được kêu gọi công bố các kỳ công của Chúa” trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phêrô, chương 2, các câu 9-10:
“Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2:9-10).

Thánh Phêrô nói với Giáo Hội sơ khai rằng trong việc họ đi tìm ý nghĩa trước khi gặp gỡ Tin Mừng, họ không phải là một dân. Nhưng nhờ nghe lời kêu gọi trở thành giống nòi được tuyển chọn của Thiên Chúa và tiếp nhận được sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, họ đã trở thành dân riêng của Thiên Chúa. Thực tại này được phát biểu trong Phép Rửa, cho cho mọi Kitô hữu, trong đó, chúng ta tái sinh từ nước và Chúa Thánh Thần (xem Ga 3:5). Trong Phép Rửa, chúng ta chết cho tội lỗi để được sống lại với Chúa Kitô mà bước vào sự sống mới của ơn thánh trong Thiên Chúa. Thách thức diễn ra hàng ngày là luôn ý thức được bản sắc mới này trong Chúa Kitô.

Phép Rửa mở ra một hành trình đức tin mới rất lý thú, kết hợp mỗi Kitô hữu mới với dân Chúa qua mọi thời đại. Lời Thiên Chúa, tức Sách Thánh mà các Kitô hữu mọi truyền thống đều sử dụng để cầu nguyện, học hỏi và suy niệm, là nền tảng của việc hợp nhất đích thực, tuy bất toàn. Trong các bản văn chung của Kinh Thánh, chúng ta được nghe biết các hành động cứu vớt của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi: dẫn dắt dân Người ra khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, và kỳ công vĩ đại của Người: làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, mang lại sự sống mới cho tất cả chúng ta. Ngoài ra, việc đọc Kinh Thánh bằng thái độ cầu nguyện cũng sẽ dẫn chúng ta tới việc nhận ra các kỳ công của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thiên Chúa chọn chúng ta không phải như một đặc ân. Người làm chúng ta nên thánh thiện, nhưng không theo nghĩa: các Kitô hữu nhân đức hơn người khác. Người chọn chúng ta để chu toàn một mục đích. Chúng ta chỉ thánh thiện bao lâu ta dấn thân phụng sự Thiên Chúa, một điều luôn có nghĩa là đem tình yêu của Người đến cho mọi người. Là dân tư tế nghĩa là để phục vụ thế giới. Các Kitô hữu sống ơn gọi lúc chịu Phép Rửa này và làm chứng cho các kỳ công của Thiên Chúa bằng nhiều cách: 

Chữa lành các vết thương: Các cuộc chiến tranh, tranh chấp và ngược đãi đã làm tổn thương cuộc sống xúc cảm và liên hệ của nhiều người. Ơn thánh của Thiên Chúa giúp chúng ta xin tha thứ vì các trở ngại mình gây ra ngăn cản hoà giải và hàn gắn, tiếp nhận lòng thương xót, và lớn lên trong sự thánh thiện.

Tìm kiếm chân lý và hợp nhất: Việc ý thức được căn tính chung của chúng ta trong Chúa Kitô mời gọi chúng ta cố gắng làm việc hướng tới việc giải đáp các nan đề vẫn còn đang chia rẽ các Kitô hữu chúng ta. Giống các môn đệ xưa trên đường Emmau, ta được mời gọi chia sẽ kinh nghiệm và nhờ đó khám phá ra rằng trong cuộc hành rình chung với nhau của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô luôn ở bên cạnh chúng ta.

Dấn thân tích cực cho nhân phẩm: Kitô hữu nào đã từ bóng tối được đem vào ánh sáng tuyệt diệu của Nước Chúa đều nhận ra phẩm giá ngoại thường của mọi sự sống con người. Qua các dự án xã hội và bác ái chung, chúng ta vươn tay ra với người nghèo, người thiếu thốn, người nghiện ngập và bị hắt hủi.

3. Bối cảnh tư liệu

Như trên đã nói, tư liệu của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Hữu năm nay được khai triển tại Latvia. Kitô Giáo vào Latvia rất sớm.

Thực vậy, giếng rửa tội xưa nhất ở Latvia có từ thời Thánh Meinhard, nhà truyền giáo vĩ đại tại Latvia. Nguyên thủy, nó được đặt tại Nhà Thờ Chính Tòa của thánh nhân ở Ikšķile. Ngày nay, nó được đặt tại Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Hội Luthêrô ở thủ đô Riga của Latvia. Việc đặt nó cạnh toà giảng ở đây hùng hồn nói lên mối tương quan giữa Phép Rửa và việc rao giảng, và ơn gọi chung của mọi người đã rửa tội phải công bố các kỳ công của Chúa. Ơn gọi này đã tạo nên chủ đề cho Tuần Lễ Cầu Nguyện năm nay cho việc hợp nhất Kitô Giáo.

Các chứng cớ khảo cổ cho thấy Kitô Giáo lần đầu tiên đã được các thừa sai Byzantine đưa vào Đông Latvia thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên, phần lớn các tường thuật xác định khởi thủy Kitô Giáo ở Latvia vào hai thế kỷ 12 và 13, và vào sứ mệnh truyền giảng của Thánh Meinhard, và sau này của các thừa sai Đức. Thủ đô Riga là một trong các thành phố đầu tiên chấp nhận các ý tưởng của Luther thuộc thế kỷ 16, và qua thế kỷ 18, các thừa sai Moravia (Herrnhut Brethren) đã phục hoạt và thâm hậu hóa đức tin Kitô Giáo khắp đất nước. Con cháu họ sẽ đóng một vai trò trung tâm trong việc đặt nền cho độc lập quốc gia năm 1918.

Quá khứ, với khá nhiều thời kỳ tranh chấp và đau khổ, đã để lại những hậu quả trông thấy đối với đời sống giáo hội tại Latvia ngày nay. Điều đáng buồn là việc dùng bạo lực của một số nhà thừa sai và thập tự quân tiên khởi đã làm sai lạc phần nào yếu tính của Tin Mừng. Trong nhiều thế kỷ, lãnh thổ Latvia đã là bãi chiến trường tôn giáo và chính trị cho nhiều thế lực quốc gia và tuyên tín. Các thay đổi trong việc giành quyền thống trị chính trị tại nhiều phần của xứ sở thường được phản ảnh trong các việc thay đổi tuyên tín của người ta. Ngày nay, Latvia là ngã ba đường nơi các vùng Công Giáo Rôma, Thệ Phản và Chính Thống Giáo gặp nhau. Vì vị trí độc đáo này, nó là nhà đối với các Kitô hữu của nhiều truyền thống khác nhau, nhưng không truyền thống nào trổi vượt cả.

Latvia trước nhất hiện hữu như một quốc gia từ năm 1918 tới năm 1940, tiếp  theo Thế Chiến I và sự sụp đổ của hai đế quốc Nga và Đức. Thế Chiến II và các thập niên sau đó với các ý thức hệ toàn trị bài Kitô Giáo, tức Quốc Xã và Cộng Sản vô thần, đã mang tàn phá tới lãnh thổ và người dân Latvia, kéo dài tới tận lúc Xô Viết Nga sụp đổ năm 1991. Trong những năm này, các Kitô hữu hợp nhất với nhau trong việc làm chứng chung cho Tin Mừng, dù phải chết vì đạo. Bảo Tàng Viện Giám Mục Sloskans ở Latvia ghi lại việc làm chứng chung này, liệt kê các Kitô hữu tử đạo của các Giáo Hội Chính Thống, Luthêrô, Baptist và Công Giáo. Các Kitô hữu nhận ra việc tham dự của họ vào chức tư tế vương giả được Thánh Phêrô nhắc tới trên đây qua việc chịu đựng tra tấn, đầy ải và chết chóc vì đức tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô. Sợi dây đau khổ nối kết họ này tạo nên một sự hiệp thông sâu sắc giữa các Kitô hữu tại Latvia. Nhờ sự hiệp thông này, họ khám phá ra chức linh mục do phép rửa, qua đó, họ có khả năng dâng các đau khổ của họ kết hợp với các đau khổ của Giêsu, vì thiện ích nhiều người khác.

Kinh nghiệm hát và cầu nguyện chung với nhau, kể cả bài quốc ca Xin Thiên Chúa Chúc Lành Cho Latvia, là điều chủ yếu đối với việc Latvia giành lại độc lập năm 1991. Những lời cầu nguyện sốt sắng cho tự do đã được dâng lên khắp các nhà thờ trong nước. Hợp nhất trong ca hát và cầu nguyện, các công dân không vũ trang đã xây nhiều rào cản trên phố phường Riga và vai sát vai thách thức xe tăng Xôviết.

Tuy nhiên, đêm đen toàn trị của thế kỷ 20 đã làm nhiều người ra xa lạ với chân lý về Chúa Cha, việc Người tự mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Cảm tạ Chúa, thời kỳ hậu Xôviết đã là một thời kỳ canh tân đối với các giáo hội. Nhiều Kitô hữu đến với nhau để cầu nguyện theo từng nhóm nhỏ và tại các buổi phụng vụ đại kết. Ý thức được rằng ánh sáng và ơn thánh của Chúa Kitô vẫn chưa vào sâu và biến đổi mọi người Latvia, họ muốn cùng nhau làm việc và cầu nguyện để các vết thương lịch sử, sắc tộc và ý thức hệ hiện vẫn còn làm méo mó xã hội Latvia được lành lại.


Tác giả:  Vũ Văn An

 

Read 1957 times Last modified on Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 17:09