Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 14 Tháng 6 2019 07:02

Có thì nói có ( Thứ bảy Tuần 10 Thường niên)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Có thì nói có ( Thứ bảy Tuần 10 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 5, 33-37

(33) “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. (36) Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Suy niệm:

Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.
Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.

Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).

Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).

Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.

R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Read 10561 times Last modified on Thứ sáu, 14 Tháng 6 2019 07:15