Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 13:31

Sống ngay thẳng như Batôlômêô

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  SỐNG NGAY THẲNG NHƯ BATÔLÔMÊÔ

THÁNH BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô, TÔNG ĐỒ, lễ kính.

Kh 21,9b-14; Ga 1,45-51.
SỐNG NGAY THẲNG NHƯ BATÔLÔMÊÔ

Lễ thánh Bartôlômêô được cử hành từ thế kỷ thứ VIII trong các xứ Francs, đến thế kỷ thứ IX-X thì lan sang Roma. Lễ cử hành vào ngày 24 hoặc 25 tháng tám; với người Byzance, ngày 25 trùng lễ kính chuyển hài cốt của Người, còn lễ chính là ngày 11 tháng 6, chung với thánh Banabê. Lịch thánh Piô V đã ấn định lễ này vào ngày 24 tháng tám.

Bartôlômêô (có nghĩa là con của Tolamai) là một trong Nhóm Mười hai, các phúc âm thường nhắc chung với Philipphê (Mt 10, 3). Người ta thường cho rằng Bartôlômêô cũng là Nathanael, nhưng điều này không có cơ sở. Nếu phải là Nathanael, chắc hẳn người có gốc ở Cana (Ga 21, 2) và đã được Philipphê đem đến trình diện Đức Giêsu (Ga 1, 45).

Một số tài liệu ngụy thư cho rằng thánh Bartôlômêô đã sang giảng Phúc âm ở Tây An hoặc các vùng gần Ethiopie, hoặc thậm chí còn tới Đại Arménie. Hình như Ngài đã bị lột da sống, theo luật hình Ba Tư, sau đó bị chặt đầu rồi đóng đinh thập giá. Người ta cho rằng hài cốt của Ngài được tôn kính ở Roma, nơi đảo Tibérine, và ở Francfort nước Đức. Thánh Bartôlômêô được coi là người bảo vệ các bệnh nhân, các ông bà bán thịt, thợ thuộc da và thợ đóng sách.

Ơn gọi của Nathanaen tức Bartôlômêô là như thế. Thật diệu kỳ, thật đơn giản. Chính Nathanael cũng ngờ. Chuyện xẩy ra thật mau lẹ : với sự giới thiệu của Philípphê về Nathanael, Chúa Giêsu đã làm cho ông đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và từ ngạc nhiên, tới thán phục và tin vào Ngài : "Vì Tôi nói với anh là Tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa" (Ga 1, 50).

Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.

Chúa đã đích thân chiêu mộ các tông đồ trong giới hạng trung bình, giới thợ thuyền, công chức, thủ trưởng đoàn đội v.v... họ thuộc giới có đủ thời giờ lo lắng cho nước trời, vì công việc không làm họ u tối, trí độn. Họ không phải hạng người vô học, dốt nát. Họ là hạng người Do Thái đang mong đợi Đấng thiên sai Cứu Thế. Họ biết khá khá Kinh Thánh để đoán được thời giờ đã gần tới.

Họ có những ước đoán của lớp trung bình. Họ có thể hình dung một nhân vật lực lưỡng như rôbốt, mới chắc là Đấng Messia, Đấng Messia phải đáp ứng được những nét đặc trưng, nên không thể xuất thân “Từ Nadarét đâu có gì hay được”.

Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"

Khi đã được gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu rồi, người được gọi mới vượt qua được những thành kiến tự nhiên đối với Chúa, và cảm thấy được thôi thúc chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa cho anh chị em chung quanh. Kinh nghiệm sống của Philipphê được chia sẻ cho Nathanael: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói đến, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”.

Có thể nói đây là kiểu mẫu cho điều chúng ta gọi là việc tông đồ, là thông truyền và chia sẻ kinh nghiệm sống của chính bản thân về Chúa Giêsu cho anh chị em chung quanh, đây cũng là phương thế duy nhất giúp anh chị em vượt qua được những thành kiến không tốt về Thiên Chúa, để cùng chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngài. Chỉ nhờ đã gặp được Chúa trước rồi chúng ta mới có thể trở nên phương tiện để giúp anh chị em đến gặp Chúa: “Cứ đến mà xem”.

Đi theo Chúa, sống với Chúa, Bartôlômêô càng lúc càng nghiệm ra sự kỳ diệu trong ơn gọi của mình và càng ở gần Chúa, được Chúa uốn nắn, hun đúc, dậy bảo, Bartôlômêô, càng thấm thía tình thương của Chúa và hồng ân nhưng không Chúa đã trao ban cho Ngài. Bartôlômêô trở nên một trong 12 môn đệ nồng cốt đầu tiên của Chúa Giêsu.

Sau ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh nhân được sai giảng đạo tại miền Lycôni, Ấn Độ và Arménie. Thánh nhân có tài giảng thuyết, có lòng đạo đức và nhờ những phép lạ Ngài làm kèm theo những lời lẽ thuyết phục và đầy tài hùng biện của Ngài biết bao người đã quay về với Chúa, họ đã từ bỏ ngẫu tượng, từ bỏ tà thần để đi theo Chúa. Thánh nhân đã trừ quỉ cho nhiều người, đặc biệt là cho công Chúa Polêmon và giúp cho cả gia đình nhà Vua được lãnh nhận ơn gọi theo Chúa. Thánh nhân đã rao giảng với tất cả tình thương và lòng xác tín của Ngài vào Chúa Giêsu, Đấng Ngài tin và yêu mến. Chính vì thế, các sư sãi, những kẻ không thiện cảm với đạo Thiên Chúa đã âm mưu hãm hại Ngài, họ vu khống Ngài và báo cáo với Vua Attiges để Vua ra lệnh bắt giam, hành hạ Ngài bằng đủ cực hình ghê tởm, sau cùng Vua đã hạ lệnh cho trảm quyết Ngài vào năm 52.

Ta cần dành thời giờ để học hỏi và phát triển mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Chỉ có thế mới giúp chúng ta có được một niềm tin yêu vững mạnh nơi Ngài. Bổn phận của chúng ta là giới thiệu cho mọi người đến với Đức Kitô, chứ không phải tập trung vào chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô cho tha nhân bằng lời giảng hay bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Chúng ta đừng bao giờ ngăn cản tha nhân đến với Thiên Chúa vì lời giảng hay hành động của chúng ta.

Huệ Minh

Read 518 times Last modified on Chủ nhật, 25 Tháng 8 2019 11:47