Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 06:49

Sám hối

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sám hối

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên.

(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ bảy.

Rm 8,1-11; Lc 13,1-9.

SÁM HỐI


Ta thấy không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà mệnh lệnh “ăn năn đền tội”, một trong ba mệnh lệnh Fatima, được ưu tiên đặt lên hàng đầu, nhưng hữu ý nhấn mạnh việc sám hối vừa cần thiết cho phần rỗi con người, vừa cấp thiết đối với sự tồn vong của cả nhân loại. Trang Tin Mừng hôm nay, qua hai câu chuyện những người bị tổng trấn Philatô giết và bị tháp Silôê đè chết, cùng với dụ ngôn cây vả, cũng đề cao tầm quan trọng của việc sám hối, hàm chứa trong một kỳ hạn cuối cùng.


Trước hết, kỳ hạn cuối cùng là thời điểm để Thiên Chúa biểu tỏ Lòng Thương Xót. Xét về hiệu quả kinh tế, cây vả không sinh trái thì đương nhiên phải bị chặt đi, vừa tiết kiệm đất vừa đỡ mất công chăm. Nhưng ngạc nhiên thay, trong dụ ngôn trên, từ người chủ vườn cho đến người làm vườn, lại không theo lẽ tự nhiên ấy mà sẵn sàng chịu thiệt, không tiếc thời gian để tiếp tục đầu tư cho cây vả “vô dụng” này! Sự kiên nhẫn của người chủ vườn đã phần nào phác họa nên dung mạo của Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, Đấng từng mong mỏi đợi chờ hoa trái của dân riêng Ngài là Israel: “Đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có” (Lc 13,7).


Dân Israel vốn là dân ưu tuyển, nhưng “cây vả” Israel đã không sinh hoa kết trái như mong đợi (Kbc 3,17; Kg 2,19), lại còn bao lần phản bội, bất trung. Lẽ ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã giáng xuống trên họ như lời Gioan Tẩy Giả: cái rìu đặt sát gốc cây, cây nào không quả quăng ngay hỏa lò (Lc 3, 9). Tuy nhiên, Chúa Giêsu, qua hình ảnh người làm vườn, đã xin thêm cho cây vả một cơ hội cuối cùng, để năm nay chăm sóc bón phân, may ra năm tới có phần trái ngon (Lc 13, 9). Đó là sự kiên nhẫn trong hy vọng của một Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8).


Thứ đến, kỳ hạn cuối cùng là thời cơ để con người bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Nếu dụ ngôn cây vả là lời cảnh báo về những người không sản sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống, thì hai biến cố những người bị tổng trấn Philatô giết và bị tháp Silôê đè chết là lời cảnh cáo rằng ai cũng có tội, nên phải sám hối, bằng không “sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc 13,3).


Điều này chứng tỏ Thiên Chúa vừa kiên nhẫn đợi chờ, vừa kiên quyết đòi hỏi con người phải sám hối ăn năn. Lời kêu gọi sám hối ấy, một đàng, mang tính căn bản, vì gắn liền với sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu (Mc 1,15) và cả sứ vụ cứu thế của Người (Lc 5,32); và đàng khác, còn mang tính cấp bách, vì chỉ giới hạn trong một kỳ hạn cuối cùng là “một năm nay nữa” (Lc 13,9).


Việc sám hối không chỉ gói gọn nơi Nghi thức Thống Hối trong thánh lễ hằng ngày, mà còn trải ra nơi mọi bậc sống và hoàn cảnh sống. Nếu mỗi người biết sống tinh thần sám hối canh tân, lánh xa điều dữ, làm thêm điều lành thì hoa trái sẽ trổ sinh. Cụ thể, khi chúng ta biết “sống theo sự thật và trong tình bác ái” như lời dạy của thánh Phaolô trong Bài đọc 1, “cây vả” cuộc đời ta sẽ “lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô” (Ep 4,15).


Thiên Chúa luôn mong muốn chúng ta đáp trả bằng sự thành tâm sửa đổi đời sống, luôn biết dùng Lời Chúa để sám hối, sửa đổi, và hưởng ứng lời mời gọi của Thanh Phaolô: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an”. (Rm 8, 5-6).


Qua các biến cố trong cuộc đời, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người hoán cải và trở về với Người. Thế nhưng, con người thường phớt lờ sứ điệp yêu thương ấy. Dẫu thế, giữa cuộc đời nổi trôi của ta, tiếng Chúa vẫn khẽ vang vọng, mời gọi và thôi thúc tự trong lòng ta. Tiếng gọi ấy nói lên lòng thương xót và nhẫn nại bao la của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng không ngừng chuyển cầu cho ta trước nhan Thiên Chúa và quan phòng dẫn dắt ta như hình ảnh người làm vườn kiên nhẫn chăm bón cho cây vả không sinh trái. Ước mong trái tim chúng ta biết thổn thức để mau chóng nhìn lại bản thân, chân nhận những khuyết điểm và quyết tâm sửa đổi để được “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15, 9) – Đấng giàu lòng xót thương.


Ta thấy tính cấp bách đòi hỏi mỗi người không được trễ nải trong việc sám hối, càng không được ỷ lại hay lạm dụng lòng Thương Xót của Chúa, mà phải biết tận dụng những “ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7) để không ngừng vun xới và chăm sóc cho “cây vả” đời mình. Trong kỳ hạn cuối cùng ấy, có ai biết được mình sẽ sống bao lâu, hoặc mình sẽ chết lúc nào, và bằng cách nào? Vì thế, lời khuyên bổn đạo của một cha xứ nọ là “Hãy sám hối một ngày trước khi chết!” xem ra thật thâm thúy, nghĩa là việc sám hối cần được thực hiện ngay, ở đây và lúc này; bởi ngày nào, giờ nào, phút nào cũng có thể là ngày cuối cùng, giờ cuối cùng, phút cuối cùng ta còn được hiện diện trên cõi đời.


Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sám hối để đáp lại lòng thương xót nhẫn nại của Chúa. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng vừa cho thấy ai trong chúng ta cũng đều là tội nhân, nhưng Ngài cũng ám chỉ rằng hết mọi người đang được xót thương. Chỉ có điều là Thiên Chúa đang xót thương và còn gia hạn cho một thời gian để mời gọi người ta sám hối. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả. Chúa Giêsu đã cho thấy lòng kiên nhẫn kỳ lạ của người chủ vườn là Thiên Chúa, vừa loan báo về tính cách khẩn trương của việc người ta phải hối cải.


Huệ Minh

Read 548 times Last modified on Chủ nhật, 27 Tháng 10 2019 08:15