Thứ Sáu tuần 33 TN.
1 Mcb 4:36-37.52-59; Lc 19:45-48
Thánh Cêcilia, Đttđ. Lễ nhớ.
HÃY DỌN ĐỀN THỜ CHO SẠCH SẼ
Giáo Hội Chúa Kitô được tô điểm bằng muôn vàn vị thánh. Các thánh là những người đã sống những nhân đức anh hùng, khiến mọi người đều phải công nhận những nét đẹp của các Ngài. Thánh Cecilia là một trong muôn vàn thánh đã bảo vệ đức khiết tịnh của mình đến nỗi đã trở nên con người anh hùng, đã hân hoan được phúc tử vì đạo.
Vị nữ thánh bổn mạng nền thánh nhạc này sống vào thời Giáo hội sơ khai. Muốn biết về tiểu sử thánh nữ Cêcilia, chúng ta hãy cùng trở về với thế kỷ thứ 4. Cêcilia là một nữ quý tộc Rôma đã dâng hiến trái tim mình cho Chúa Giêsu. Thánh nữ muốn làm hiền thê của Chúa Giêsu, nhưng thân phụ ngài lại sắp xếp để Cêcilia kết hôn với một chàng quý tộc ngoại đạo.
Người ta nói rằng trong lúc cử hành hôn lễ, cô dâu đáng yêu này đã ngồi tách biệt ra. Trái tim ngài dâng lên Chúa Giêsu những lời hát và cầu xin Người trợ giúp. Khi Cêcilia và Valêrianô, vị hôn phu của ngài, ở một mình, thánh nữ Cêcilia mới lấy hết can đảm mà nói cùng Valêrianô rằng: “Anh Valêrianô! Em có điều muốn nói với anh! Anh phải biết em có một vị thiên thần của Thiên Chúa hằng canh giữ em. Nếu anh để em giữ trọn lời hứa là chỉ làm hiền thê của Đức Chúa Giêsu mà thôi, thì vị thiên thần của em sẽ yêu mến anh như ngài đã yêu mến em.”
Valêrianô đã nghe lời thuyết phục của Cêcilia và đã tôn trọng lời hứa trinh khiết của ngài; đồng thời anh cũng trở thành một Kitô hữu. Người em trai của Valêrianô, Tiburtiô, cũng học hỏi đức tin Công giáo nơi Cêcilia. Thánh nữ đã trình bày về Đức Chúa Giêsu cách rất tuyệt vời đến nỗi chẳng bao lâu, Tiburtiô cũng xin chịu phép Thanh tẩy. Cả hai anh em đã cùng nhau làm nhiều việc từ thiện.
Khi bị bắt vì tội danh là Kitô hữu, hai anh em đã can đảm thà chịu chết còn hơn là chối bỏ đức tin mới lãnh nhận. Thánh nữ Cêcilia đã âu yếm chôn cất thi hài của hai anh em trước khi chính ngài cũng bị bắt giữ. Thánh nữ đã hoán cải nhiều quan chức, những người trước đây đã bắt ngài hy sinh tế các tà thần. Khi bị ném vào lửa đỏ, thánh nữ Cêcilia đã chẳng hề hấn gì. Sau cùng, người ta đã sai một tên đao phủ đến chém đầu Cêcilia. Người đao phủ đã chặt xuống cổ thánh nữ ba phát, nhưng Cêcilia không chết ngay lúc ấy. Thánh nữ quỳ xuống nền nhà cách bất động. Tuy vậy, qua việc chìa ra ba ngón của một bàn tay và một ngón bên bàn tay kia, thánh nữ Cêcilia vẫn tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là Ba Ngôi cùng hiện diện trong một Thiên Chúa.
Đức tin của thánh nữ Cêcilia thật là mạnh mẽ và đã thuyết phục được người khác tin theo Chúa Giêsu. Tình yêu của thánh nữ cũng thật lớn lao và vẫn trung thành với Chúa Giêsu ngay cả khi phải đối diện với những mối nguy hiểm. Chúng ta hãy cầu xin cùng thánh nữ Cêcilia ban cho chúng ta cũng một đức tin và tình yêu đã làm cho ngài nên thánh.
Như bất cứ Kitô hữu tốt lành nào khác, thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo hội rằng Thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác.
Trở về với trình thuật Tin Mừng hôm nay, ta thấy đối với dân Do thái, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, là nơi tế lễ cho Thiên Chúa và là nhà cầu nguyện cho muôn dân, nên luôn mang tính chất thiêng liêng thánh thiện. Nhưng dần dà người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc. Đức Giêsu đã không thể chịu đựng cảnh xô bồ và vô ý thức của những người đã muốn biến nhà Chúa thành hang trộm cướp, chợ búa.
Đền thờ Giêrusalem là thành thánh của Israel (2 Sm 5, 9) nơi Thiên Chúa ngự trị và là nơi cất giữ Hòm bia Giao ước. Ở đó là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và là nơi dân thánh hành hương về đó để tìm Thiên Chúa và để “xem thấy mặt Ngài” (Tv 27/26, 4-8). Gần đến lễ Vượt qua của người Do Thái, không khí buôn bán, trao đổi hàng hóa của những lái buôn trong Đền thờ cũng rộn ràng và tấp nập không thua gì phiên chợ tết : kẻ mua chiên, người bán bò, kẻ mua bán bồ câu, kẻ khác trao đổi bạc.
Điều đó làm Chúa Giêsu phải lấy dây làm roi mà xua đuổi chiên cũng như bò ra khỏi Đền thờ, còn tiền của những người đổi bạc Người đổ tung ra, và người lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2, 15). Người nói với họ : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Như thế, Chúa Giêsu khẳng định : Đền thờ Giêrusalem là “Nhà Cha Người”, Người chính là Con Thiên Chúa, và không ai được phép làm ô uế Đền thờ, biến nơi thờ phượng thành “Sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19, 46).
Bất chấp tất cả dư luận cùng những nguy hiểm đối với bản thân, Người đã xua đuổi bọn lợi dụng nhà Chúa ra khỏi đền thờ. Qua hành động này, Chúa Giêsu không chỉ buộc người Do Thái trả lại sự thánh thiêng của đền thờ nhưng Người còn thanh tẩy lối sống ham mê tiền bạc và tôn thờ ngẫu tượng của họ, những người đã biến đền thờ và việc tôn thờ Thiên Chúa thành phương tiện để phục vụ túi tiền.
Việc thanh tẩy đền thờ vừa nói lên tình yêu của Chúa Giêsu với đền thờ, với Chúa Cha, đồng thời cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta, những người con của Chúa, biết tôn trọng sự thánh thiêng của ngôi đền thờ vật chất, quan trọng hơn nữa đó là biết thanh tẩy tâm hồn và thân xác chúng ta khỏi những đam mê tội lỗi, ngõ hầu tâm hồn chúng ta luôn xứng đáng là ngôi đền thờ thiêng liêng đón Chúa đến ngự trị.
Đền thờ mới là Thân mình Chúa Kitô (Ga 2, 19) nơi Thiên Chúa hiện diện (Cl 2, 9) Giáo Hội cũng là Thân mình Chúa Kitô nên cũng là Đền thờ (Ep 2, 20-22), và mỗi Kitô hữu là chi thể Chúa Kitô nên cũng là Đền thờ Chúa Thánh Thần (2Cr 6, 19).
Như thế, việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem qua tin mừng hôm nay, mời gọi chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn mình, loại bỏ tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động không xứng hợp ra khỏi con người ta, và biết dành cho Chúa vị trí ưu tiên trong tâm trí ta. Chúng ta cũng cần thanh tẩy tâm tình khi tham dự các giờ cử hành Phụng vụ, gạt bỏ những lo ra, chia trí để thờ phượng Chúa cách trọn hảo, và chúng ta cũng phải thanh tẩy tâm thế bằng thái độ cung kính, thờ lạy khi vào Thánh đường, nơi Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.
Qua cử chỉ thanh tầy Ðền Thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền Thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền Thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền Thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.
Huệ Minh