Thứ Sáu tuần 34 TN
Đn 7:2-14; Lc 21:29-33
NHẠY BÉN VỚI DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại loan báo tiếp những dấu chỉ thời đại sẽ xẩy ra, và Ngài quả quyết: “Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã gần”.
Sách Đanien kể khi Đấng Lão Thành xuất hiện, quyền lực của Ngài vô song, đánh bại sự hung bạo của các con thú dữ, Ngài dành lại quyền xét xử, trao lại cho Con Người. Quả vậy, những gì sách Đanien tường thuật đã được mạc khải nơi Đức Giêsu.
Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã công bố bản Hiến Chương Nước Trời, các mối phúc của Ngài bị người đời xem là đi ngược với xu hướng thời đại, thì vào ngày cánh chung, khi sức mạnh của thế gian bị đánh bại, lúc này những giá trị Tin mừng sẽ sáng chói.
Những kẻ xưa kia vì Tin mừng, vì các mối phúc, họ phải sống thua thiệt và đau khổ, thì giờ đây sẽ tỏa sáng và vui mừng: “Ngày đó anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được giải thoát”. Chúa Giêsu cho thấy sự trái ngược với hai lối sống. Những kẻ trước kia cậy dựa vào sức mạnh, vào của cải, vào danh vọng, thì giờ phải khiếp sợ. Còn những kẻ trước kia vì Tin mừng, vì các mối phúc phải đau khổ sầu não thì giờ trở nên hân hoan.
Dù muốn dù không, ngày cùng tháng tận rồi cũng đến. Ngày đó sẽ là ngày kinh hoàng, như sách bài đọc một diễn tả. Bốn con thú trong sách Đanien nói đến, đều là những con thú hung dữ. Con thứ nhất giống như sư tử, con thứ hai giống như con gấu, lại được lệnh “Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi”, con thứ ba giống như con beo, con thứ tư không nói đến chủng loại, mà chỉ nói đến đặc tính: “Con thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song, răng của nó bằng sắt và rất to, nó ăn, nó nghiền rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại”.
Quả vậy, văn phong của bài thị kiến mà triên tri Đanien tường thuật, giống như những thước phim mà chúng ta đã xem đâu đó trong thời sự thế giới, những cuộc động đất, bão tố, hay những cuộc thảm sát do nhân loại gây ra, và trong viễn tượng tương lai, các nhà khoa học cũng đưa ra những lời cảnh báo nếu con người tiếp tục quay lưng lại với mẹ Vũ Trụ, thì nhân loại sẽ tiếp tục gánh chịu những hậu quả còn kinh hoàng hơn nữa.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ và cũng là nói với chúng ta, về những dấu chỉ của ngày Nước Thiên Chúa đến. Thế nhưng, Nước Thiên Chúa là một nước khủng khiếp lắm hay sao mà có những dấu chỉ dễ sợ như động đất, ôn dịch, hay chiến tranh loạn lạc. Không, Nước Thiên Chúa là nước của yêu thương, của hạnh phúc. Những dấu chỉ đó cho thấy quyền lực của Satan, quyền lực của sự dữ đang lung lay. Và Triều đại của Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Ngày hôm nay có một sự kiện mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Đó là ngày hôm nay, con người ít nhạy bén với những giá trị thiêng liêng.
Nhà giảng thuyết Payson nói: “Triệu chứng của sự suy thoái thiêng liêng cũng giống như sự suy thoái thân xác. Nó thường bắt đầu bằng việc không thích ăn và chê chán mọi thứ thực phẩm, như cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng. Khi nào có những triệu chứng đó, bạn hãy cẩn thận; sức khỏe thiêng liêng của bạn đang lâm nguy. Cần đến ngay vị Đại Y Sĩ là Thánh Linh để chữa trị”.
Một người giàu có nọ xây một toà nhà rất đầy đủ tiện nghi, có thể nói là ngoài sức tưởng tượng! Xây xong, ông mời bạn bè đến tham quan, và những người này đã không ngớt lời khen ngợi công trình tuyệt mỹ. Chính chủ nhà cũng tỏ ra không kém phần hứng khởi, và sau khi dọn đến ở trong ngôi nhà mới, ông đã bày ra mọi thứ trò tiêu khiển, đủ mọi lạc thú trên đời!
Ngày nọ, một người tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa đến thăm và được ông chủ mời đi tham quan tòa nhà tráng lệ. Sau khi hướng dẫn vị khách đi xem xong, người chủ giàu có mới hỏi người của Thiên Chúa có ý kiến gì không. Vị này trả lời:
– Tòa nhà làm tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, nó dư một cánh cửa! Ông cần bít cánh cửa này lại nếu ông muốn có một tòa nhà không chê vào đâu được và hạnh phúc lâu bền!
– Cánh cửa nào thế?
– Đó là cánh cửa mà có lẽ không bao lâu nữa đâu, người ta sẽ khiêng thi hài của ông đi qua. Ngày nào cánh cửa này còn mở, ngày đó hạnh phúc của ông trong lâu đài này sẽ không thể kéo dài, và cái gì không kéo dài được thì không có giá trị cao. Hãy biết rằng, thời gian đang qua đi này sẽ được tiếp nối bằng sự vĩnh cửu, cái sẽ không bao giờ qua đi!
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức để đọc được ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc sống. Mỗi biến cố xẩy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa ; mỗi biến cố xẩy đến đều ẩn chứa một tiếng gọi của Ngài. Trong may mắn thịnh vượng, chúng ta cảm tạ Chúa đã đành, mà ngay cả trong những thất bại, khổ đau, chúng ta lại càng phải tin rằng Thiên Chúa không ngừng yêu thương chúng ta và vẫn luôn hoạt động để mang lại điều thiện hảo cho chúng ta.
Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô loan báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Ta có thể nhìn xem những việc xảy ra chung quanh mình để biết điều Thiên Chúa đang muốn nói với chúng ta hôm nay là gì. Thiên Chúa vẫn đang nói với con người không chỉ qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, nhưng còn qua các dấu chỉ của cuộc sống xung quanh và trong chính cuộc đời của mỗi chúng ta: những biến cố chính trị, xã hội, những bất trắc hay thuận lợi của hoàn cảnh, và cả những đau khổ, bệnh tật… Bổn phận chúng ta là phải biết lắng nghe và nhận ra tiếng nói ấy để biết mình phải làm gì. Lắng nghe bằng sự thinh lặng suy niệm sâu xa, bằng thái độ khiêm tốn và yêu mến. Nhịp sống hiện đại càng ồn ào hối hả, càng đòi chúng ta phải biết thinh lặng và lắng nghe nhiều hơn.
Và rồi ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tham dự cách tích cực vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám hy sinh, dám chịu thiệt thòi để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải chấp nhận những khó khăn nguy hiểm…
Huệ Minh