Thứ Năm tuần 2 MV.
Thánh Gioanna Phanxica Chantal, Ts
Is 41:13-20; Mt 11:11-15
TẬP SỐNG NHƯ GIOAN
Toàn thể dân Israel đang trông chờ Đấng Mêsia xuất hiện để giải thoát họ khỏi cảnh lầm than. Do đó, dân chúng ghi khắc lời trong Sách Thánh: “Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta” (Ml 3, 23). Dựa vào lời này, nhiều người dân Israel nghĩ rằng tiên tri Elia vĩ đại thời xưa sẽ xuất hiện một lần nữa để dọn đường cho Đấng Thiên Sai (Mt 17, 10).
Để giúp cho dân chúng hiểu đúng lời của tiên tri Malakhi, Chúa Giêsu chỉ cho họ biết tiên tri Elia trong lời loan báo đó chính là Gioan Tẩy Giả. Ông là vị tiên tri cuối cùng chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến trần gian (Mt 11, 13). Khi khẳng định Gioan chính là Elia, thì một cách gián tiếp, Chúa Giêsu cũng tự nhận mình là Đấng Cứu Thế, vì Gioan Tẩy Giả làm chứng về Ngài. Thế nhưng, nhiều người Do Thái vẫn không đón nhận Chúa Giêsu, họ chờ đợi một Đấng Mêsia khác.
Tin Mừng hôm nay góp một nét vẽ khắc họa nên chân dung Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu xác nhận ông là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ ; ông là hiện thân của ngôn sứ Êlia với sứ mạng kêu gọi người ta sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế.
Cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron. Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả. Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm.
Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Chúa Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành.” Chính vì thế, Gioan Tẩy Giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.
Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Ta thấy thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip.
Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa.” Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.”
Ngày nay, nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết rằng Đấng Cứu Thế đã đến trần gian. Một số người khắc khoải chờ đợi, một số khác cậy dựa vào tiền bạc, danh vọng, quyền lực như “vị cứu tinh” của mình. Đức ái Kitô giáo thôi thúc chúng ta tiếp tục sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Chúa Giêsu đến với tâm hồn của nhiều người chưa biết Chúa.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Gioan Tẩy Giả muốn cho dân chúng thấy Đấng đến sau ông còn cao trọng hơn ông vì Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi chấp nhận thân thận người phàm. Lối sống của Chúa là lối sống đơn sơ, khó nghèo: Sinh ra trong hang bò lừa, sống lang thang rày đây mai đó, chết trần trụi trên cây thập giá… để cho thấy trần gian này không khống chế được Ngài. Sứ mạng của Ngài là loan báo Nước Thiên Chúa mà chính Ngài đã thành lập.
Nói đến Gioan Tẩy Giả, thường chúng ta nghĩ về ông như là con người được Thiên Chúa sử dụng cách ưu việt để làm công việc của Chúa. Ông củng cố, kiến tạo lòng dân xứng đáng đón nhận Đấng Cứu Thế, nên ông cũng được gọi là Gioan Tiền Hô. Tuy công trạng của ông rất hiển nhiên, mọi người công nhận và kính phục, nhưng chưa bao giờ Gioan nghĩ về cách gây ảnh hưởng cho mình nơi dân Chúa. Ngược lại, ông luôn hướng dân Chúa đến Đấng cao cả xuất hiện sau ông, mà ông không xứng cởi quai dép cho Người. Ông còn dạy người ta phải khiêm tốn, hạ mình và vâng phục để Chúa lớn lên: “Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại”. Như thế, Gioan gián tiếp nói với dân Chúa rằng, họ cần nghiêm túc thực hiện bài học luân lý về sự khiêm nhường, vâng phục để nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đang đến.
Để làm chứng về Đấng Cứu Thế, chúng ta không chỉ dùng lời nói mà còn dùng cả cuộc sống tràn đầy niềm vui. Đó là niềm vui của sự gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu, cách đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể. Niềm vui ấy cần được tỏa lan qua một đời sống sẻ chia với người nghèo khó, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, yêu thương hiệp nhất trong gia đình và trong cộng đoàn giáo xứ. Chính khi sống tinh thần hiệp nhất và hiệp thông của cộng đoàn Thánh Thể, chúng ta đang dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với tâm hồn của mình và của nhiều người chưa biết Chúa.
Huệ Minh