Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 25 Tháng 12 2019 08:32

Chết cho tình yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chết cho tình yêu


Thứ Năm. NGÀY THỨ HAI TUẦN
BÁT NHẬT GIÁNG SINH.

THÁNH STÊPHANÔ,

TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính.

Cv 6: 8-10. 7:54-60; Mt 10: 17-22
PVGK: thánh vịnh riêng

CHẾT CHO TÌNH YÊU

Hôm nay, ta mừng ngày về trời của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Ngài là một trong bảy phó tế đầu tiên của Giáo hội sơ khai, được các tông đồ chọn để giúp họ trong vấn đề vật chất. Tuy vậy, Ngài cũng tham gia trong công việc loan báo Tin mừng. Ngài chịu tử đạo ở Giêrusalem năm 35.

Ta mừng ngày về trời của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Ngài là một trong bảy phó tế đầu tiên của Giáo hội sơ khai, được các tông đồ chọn để giúp họ trong vấn đề vật chất. Tuy vậy, Ngài cũng tham gia trong công việc loan báo Tin mừng. Ngài chịu tử đạo ở Giêrusalem năm 35.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, điều tưởng chừng như nghịch lý ấy hóa ra lại đầy ý nghĩa, bởi sự nối tiếp những nốt nhạc yêu thương từ mầu nhiệm Giáng Sinh đến mầu nhiệm Thập Giá, từ máng cỏ hang đá đến Núi Sọ đau thương. Sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô mà sứ điệp Tin Mừng nhấn mạnh đã được minh họa rõ nét qua những dấu ấn tình yêu nơi cuộc đời thánh Stephanô, “hoa trái đầu mùa” của biến cố Giáng Sinh.

Ta thấy dấu ấn đậm nét nơi cuộc đời thánh Stêphanô là sống cho tình yêu. Nói một cách khác, phẩm cách nổi bật nơi cuộc đời thánh nhân là “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Kinh Hòa Bình), mà một trong những phương cách cụ thể được ngài thể hiện là giúp đỡ các cô nhi, quả phụ. Có lẽ trong Giáo hội thời sơ khai, việc phục vụ bàn ăn, phục vụ bác ái là nhiệm vụ được quy định cụ thể rõ ràng nhất, được dành riêng cho các phó tế là những người sống sứ mạng này, trong đó có Stêphanô.

Sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại, nhờ việc cầu nguyện và đặt tay của các Tông Đồ, Stephanô đã trở nên người được Chúa chọn (Cv 6, 6). Để rồi với một trái tim đầy nhiệt huyết, “đầy lòng tin và đầy Thánh Thần” (Cv 6, 5), phó tế Stephanô hoàn toàn dâng hiến tuổi xuân mà dấn thân cho lý tưởng cao đẹp này, vì “bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại”, như lời tác giả Sách Đường Hy Vọng đã viết (số 792).

Ta thấy dấu ấn đậm nét nơi cuộc đời thánh Stephanô là chết cho tình yêu. Lòng mến nhiệt thành đã không ngừng thúc đẩy thánh nhân trung thành loan truyền Chúa Kitô chịu đóng đinh, và đó là nguyên nhân mà những kẻ ghen ghét đã đưa ngài đến cái chết. Cái chết ấy không chỉ là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa Tình Yêu, mà còn ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Vì Ta, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22).

Thật thế, trong những giờ phút cuối đời tại pháp trường, Stêphanô đã bền chí đến cùng, đã yêu đến cùng khi lấy sự tha thứ làm vũ khí đáp trả hận thù: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này!” (Cv 7,20). Dù phải hứng chịu bao tiếng thét gào phản đối của đám đông, nhưng thánh nhân vẫn hiên ngang “nhìn lên trời” mà chiêm ngưỡng “vinh quang Thiên Chúa” (Cv 7,54). Dù phải gục ngã đau đớn thảm thương dưới làn mưa đá của kẻ thù, nhưng ánh sáng tình yêu nơi cuộc đời thánh nhân không hề bị dập tắt mà tiếp tục lan tỏa khắp mọi nơi và cho mọi người.

Như vậy, thánh Stêphanô đã trở nên giống như Chúa Giêsu trong tình yêu, lúc sống cũng như lúc chết. Trong một bài giảng, thánh giám mục Phungienxiô đã khẳng định: “Đức ái đã đưa Đức Kitô từ trời xuống đất, thì cũng chính đức ái đã nâng thánh Stêphanô từ đất lên trời” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách, Lễ Thánh Stêphanô). Vì thế, dấu ấn còn mãi với thời gian nơi cuộc đời thánh nhân không gì khác hơn chính là đức ái, mà cụ thể là tình yêu tha thứ.

Đó là chất liệu quý giá, vững bền để góp phần xây dựng nền văn minh tình thương trong thời đại hôm nay. Vẫn biết tha thứ vốn là điều khó thực hiện đối với những ai mà cái tôi ích kỷ hẹp hòi và tự ái cố chấp còn cư ngụ trong mình. Hơn nữa, tha thứ càng trở nên điều bất khả thi đối với những ai bị xúc phạm công khai và thương tổn nặng nề. Thế mà thánh Stêphanô đã làm được điều tưởng chừng như không thể ấy.

Vậy đâu là bí quyết của cuộc đời thánh nhân? Thưa, nhờ ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần, mà Stêphanô đã trở thành chứng nhân đích thực của tình yêu, một tình yêu bao dung tha thứ đã đành, nhưng cũng là một tình yêu bao la ôm lấy tất cả mọi người. Vì thế, khi biết dựa vào ân sủng Thánh Thần, theo gương của vị chứng nhân trung thành, chúng ta sẽ đầy tràn niềm tin yêu, hy vọng để mong thắp sáng yêu thương cho một thế giới đầy bóng tối nhiễu nhương, hận thù.

Khi bước theo Chúa là phải chấp nhận hy sinh, đau khổ. Đau khổ có thể đến từ phía những người đời, những người ghét Chúa, ghét Giáo hội. Đau khổ cũng có thể đến từ phía những người ở trong Giáo Hội, thậm chí nó có thể đến từ những người thân thuộc trong gia đình. Nếu không thể tránh được đau khổ, chúng ta phải chấp nhận để làm chứng cho Chúa, vì phần rỗi của chúng ta:“Ai bền độ đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22).

Noi gương Thánh Stêphanô, chúng ta phải luôn biết tha thứ cho nhau, tha thứ cho kẻ làm hại mình, không những tha thứ mà còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta (Ep 4, 32).

Tha thứ không phải chỉ 7 lần mà là 70 lần bảy (Mt 18, 21-22). Đó cũng là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như lời dạy của Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con” (Mt 6, 12). Nếu chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mt 18, 35).

Huệ Minh

Read 637 times Last modified on Thứ sáu, 27 Tháng 12 2019 06:20