Thứ Tư Mùa Giáng Sinh
1 Ga 4, 11-18; Mc 6, 45-52
ĐỪNG SỢ VÌ CÓ THẦY Ở BÊN
Sau những lần rao giảng, chữa bệnh, làm phép lạ, hay trước khi tuyển chọn môn đệ, Người luôn lui vào nơi thanh vắng để tâm sự với Cha. Chu toàn thánh ý Cha là lương thực của Người, quyền năng và tình thương xót của Cha cũng đang được thi thố qua chính bản thân Người. Thế nên, đám đông theo Người đã được tận hưởng phép lạ bánh hóa nhiều, khi Người chạnh lòng thương xót họ (x.c.34).
Khi đàm đạo với Cha, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến các môn đệ, nên từ trên núi, Người đã thấy các ông phải vất vả chống chọi với gió ngược giữa biển hồ, và Người đã đi trên mặt biển mà đến với các ông (x.c.48). Thật vậy, tình thương yêu của Chúa Cha luôn thể hiện sống động nơi con người Đức Giêsu. Chính Người thấy rõ các môn đệ và cảm nghiệm sâu xa những gian nan vất vả các ông đang gánh chịu, dù các ông không nhận ra sự hiện diện rất gần gũi của Người (x.c.49).
Cảm thông được tâm trạng lo âu, hoang mang, bất an của các môn đệ giữa sóng biển sôi sục, Chúa Giêsu đã lên tiếng: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (c.50b). Thật là hạnh phúc cho các môn đệ, khi nghe được lời trấn an của Thầy Giêsu: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Và ngay lúc đó, “Người lên thuyền với các ông, và gió lặng” (c.51a).
Ta thấy Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia vì Người sợ các môn đệ bị cuốn theo những lời tán dương, ca ngợi của dân chúng mà huênh hoang, tự đắc. Rời bờ bên này nơi mà không khí nhộn nhịp như trẩy hội, được mọi người vây quanh, các môn đệ hy sinh sang bờ bên kia là không gian yên tĩnh vắng vẻ.
Các môn đệ trong trang Tin mừng hôm nay đã đi vào giữa biển cả ba đào (biển thường tượng trưng cho sức mạnh hủy diệt thế gian: x. Tv 18, 16; 69, 1 – 2; 74, 13; 104, 26; Is 57, 20; Gr 47, 2) và vào đúng giờ khắc sức mạnh của tăm tối nổi lên như muốn nuốt chìm các ông, thì Chúa hiển linh. Sự xuất hiện của Ngài đã phá tan sức mạnh của thế gian tăm tối. Lời của Ngài: “chính Thầy đây, đừng sợ” đã trấn an các môn đệ và cũng mở ngỏ cho niềm tin của các ông vào Đấng là Thiên Chúa đang “hiển linh” giữa trần gian này.
Trên biển hồ, Chúa Giêsu cho các ông thêm một trải nghiệm nữa. Là dân chài lưới, chắc hẳn các ông đã có những kinh nghiệm về sóng gió và biết cách vượt qua. Thế mà, các ông lại đang vất vả chèo chống và tưởng chừng như thuyền gần chìm. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy sự yếu đuối mong manh của con người. Những sự việc các môn đệ thường xuyên giải quyết giờ lại nằm ngoài khả năng của các ông. Các ông phải cần đến Chúa.
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6, 50b). Chúa Giêsu đã đến, Chúa Giêsu lên thuyền với các môn đệ lập tức gió yên, biển lặng. Chính lúc con người yếu đuối và vững lòng trông cậy vào Chúa thì chính lúc đó, Chúa bảo bọc, chở che họ. Con thuyền đang lênh đênh giữa dòng đời sẽ xuôi chèo mát mái nếu có Chúa ngự trị. Bởi, chính Chúa là bến bờ bình an.
Các môn đệ cảm thấy ái ngại khi đứng trước sự tỏ mình của Chúa không như một con người bình thường, nhưng như là Đấng có uy quyền. Thành thử họ cố gắng vượt qua những ý nghĩ quá nông cạn, đơn sơ của mình cũng như sự hốt hoảng khi thấy Chúa đi trên mặt biển. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ bằng lời đầy an ủi: “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Ngài trấn an họ đồng thời cũng là để đưa họ đến một sự nhận thức sâu hơn xa hơn như họ tưởng: Ngài không chỉ đơn thuần là một người gỡ họ ra khỏi các tình huống khó khăn, mà còn là người mang đến sự hài hòa và bình an khắp mọi nơi.
Giờ đây, họ đến với ngài như đến với Đấng Cứu Thế, Đấng mà sẽ đưa họ tới một mức độ hiểu biết cao hơn. Như tin mừng Marcô nói: “vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều vì lòng trí các ông còn ngu muội”, nghĩa là lòng trí của họ bị cản trở nên họ không thể hiểu được. Chúa Giêsu đã nhiều lần giải thích cho họ mầu nhiệm vượt qua của ngài, đào sâu đức tin cho họ để họ thực sự trở thành những người sẵn sàng đáp lời mời gọi của Ngài và để họ trở nên những Tông đồ và môn đệ của Ngài.
Thánh Gioan trong thư thứ nhất cho thấy người tín hữu chỉ có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu khi họ thực hành các giới răn yêu thương của Người. Và nếu mỗi người sống yêu thương những người thân cận theo một thể thức ấy, thì thế giới sẽ thực sự trở nên hòa bình, không còn bất hạnh, không còn nghèo đói, không còn tranh chấp, không còn chiến tranh... Nói tóm lại là chúng ta có tình yêu, mà khi có tình yêu thì chúng ta không còn sợ hãi, không lo âu, vì có Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng giăng đầy muôn khó nguy thử thách, bao gian nan thách đố muôn mặt của sóng biển đời đang gào thét quanh ta. Làm sao chúng ta có thể vượt qua được những đợt sóng kinh khủng ấy, nếu không có bóng dáng yêu thương đầy quyền năng của Thầy Giêsu trên mặt biển trần gian này? Thầy chính là dung mạo tình yêu thương xót của Cha từ ái, luôn hiện diện sống động trong cuộc đời mỗi chúng ta, để chở che, nâng đỡ, giúp chúng ta an tâm vững bước trên hành trình về Quê Trời.
Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những tháng ngày sóng gió, khốn cùng do bởi những thâm thù thế gian gây nên. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đặt trọn niềm tín thác của ta nơi Chúa. Ngài đang đồng hành với ta và đang nói với mỗi người chúng ta như đã nói các môn đệ xưa kia: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”
Huệ Minh